Hôn phối với người ngoại đạo đã ly dị.

Ban mục vụ Truyền thông Giáo Phận Kontum xin giới thiệu giải đáp vấn nạn được đặt ra: Một người công giáo trong trường hợp nào được phép hoặc không được phép thành hôn (hôn phối) với một người bên lương đang còn vướng mắc hôn phối tự nhiên. Sau đây là câu trả lời của cha Tiến.

Hôn phối với người ngoại đạo đã ly dị.

Trả lời thắc mắc của chị Bùi thị Thọ,

Chị không muốn đăng thắc mắc của chị lên báo thì cũng được thôi, nhưng thường những thắc mắc và những giải đáp có thể trùng hợp với những ưu tư của những người khác nữa. Nếu cho đăng thắc mắc với lời giải đáp kèm theo thì nhiều người có thể nhân đó mà mở mang kiến thức, biết đâu, thắc mắc của chị có người đang định gửi đến tòa báo Dân Chúa thì sao. Nhưng tôn trọng ý kiến của chị, thay vì đăng thư của chị rồi mới giải đáp, lần này, tôi giải đáp xong rồi mới đăng thư chị, như thế là “điệu” lắm rồi! Phải không chị Thọ? Trước khi trả lời chị, tôi xin xác nhận rằng một hôn phối đã thành sự (Thiên Chúa đã liên kết) thì không bao giờ được phân ly. Sau đây là phần giải đáp:

Giáo hội Công giáo công nhận là Bí tích Hôn Nhân, khi hôn phối được cử hành giữa hai người đã được rửa tội.

– Nếu cả hai người đã rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo thì Bí tích chỉ thành sự khi được cử hành với sự hiện diện của đại diện hợp pháp của Giáo Hội (Giám Mục, Linh Mục hay Phó tế) và hai nhân chứng.

– Nếu cả hai người đã rửa tội trong các giáo hội không phải là Công giáo thì Bí tích thành sự khi cử hành ở những nơi khác.

– Hôn phối giữa một người công giáo và một người chưa bao giờ rửa tội dù cử hành trong nhà thờ vẫn không phải là Bí tích Hôn nhân, nhưng thành sự.

Giáo Hội Công Giáo, công nhận là thành sự (dù không phải là Bí Tích), những hôn phối dân sự đã cử hành giữa hai người ngoại đạo.

Do đó, thắc mắc của chị được giải đáp thế này:

Những người ngoại đạo, đã có vợ con không thể li dị vợ con để lập gia đình khác, dù là sau đó rửa tội để lấy người Công giáo. Giáo Hội không đồng lõa với việc làm trái phép này, vì hôn phối trước của họ vẫn được Giáo Hội công nhận là thành sự.

Tương tự như vậy với những người công giáo, không thể li dị vợ con để lập gia đình khác được.

Những người trong hai trường hợp a và b trên đây chỉ có thể thực hiện hôn phối một lần nữa (dĩ nhiên là với một người vợ hay chồng khác) khi đã được Tòa Án Hôn Phối của Giáo Hội, sau khi điều tra cẩn thận, tuyên bố bằng án từ chung quyết phán rằng hôn phối trước kia của họ không thành sự.

Riêng về trường hợp của chị, chị không thể thực hiện hôn phối với người bạn ngoại giáo đã có gia đình, dù anh ấy sẵn sàng li dị vợ và chấp nhận mọi điều kiện do Giáo Hội Công Giáo đòi hỏi, kể cả việc rửa tội. Giáo hội không đồng lõa với chị về việc khuyến khích anh ấy bỏ rơi vợ con anh ấy, dù là không yêu thương…trái với lẽ công bằng và bác ái. Chưa kể rằng chị và vợ con của anh ấy quen biết, bạn bè nhau nữa. Tình bạn này sẽ ra sao khi chị lấy chồng và cha của họ ?

Rồi chị lại muốn náu thân nơi cửa từ bi…tôi khuyên chị không nên, vì chị là người Công giáo và vì cửa từ bi thường để chỉ nhà Chùa thuộc về Giáo Hội Phật Giáo.

Tôi chẳng dại gì mà…chửi chị, vì bận lắm, không có thì giờ đi xưng tội. Mến chúc chị Thọ nhiều Phúc Lộc.

********************

Câu hỏi của chị Bùi thị Thọ

Kính thưa Cha, Con có một vài thắc mắc muốn nhờ cha giúp vì có liên quan chút ít đến đạo Công giáo.

Con theo đạo Thiên Chúa giáo khi con lập gia đình cách nay khoảng 12 năm, chồng con đã qua đời cách nay hai năm, lúc con 32 tuổi. Con ngần ngại không muốn bước thêm, phần vì con không muốn bị ràng buộc, phần vì họ hàng con nói là phận gái chồng chết thì phải thờ chồng nuôi con, cháu gái năm nay 10 tuổi. Con lại lo sợ sau này con gái con đi lấy chồng thì lúc đó con lại đơn độc lần nữa. Con không biết phải làm sao. Hiện tại cũng có vài người muốn tiến tới hôn nhân với con, nhưng con không chấp nhận vì họ là người công giáo đã li dị với vợ – còn một người không phải là công giáo nhưng họ lại có vợ rồi. Người vợ này do gia đình họ lựa chọn mà anh ta không hề yêu thương! Anh ấy sẽ bằng lòng theo đạo công giáo nếu con chịu lấy anh ta và điều kiện gì của đạo anh ấy cũng chấp nhận. Con chỉ có cảm tình với anh ta và coi như bạn bè. Anh ấy đã giúp đỡ chúng con rất nhiều từ vật chất đến tinh thần từ ngày chồng con còn sống đến nay. Con không muốn bị ràng buộc nữa, nhưng con không biết cuộc đời sẽ trôi về đâu khi mình mãi nhận sự giúp đỡ, con chỉ muốn về Việt Nam sống có cha mẹ, anh chị em đầy đủ.

Đôi khi con suy nghĩ về đạo công giáo sao khó khăn không đúng chỗ và mâu thuẫn kỳ cục cha ạ! Như trường hợp giống như bạn con lấy một người ngoại đạo họ có vợ con đàng hoàng, rồi họ bằng lòng bỏ vợ con để lấy người bạn con (công giáo), rồi hai người vẫn hiên ngang được lên nhà thờ làm đám cưới rình rang.

Còn những người công giáo đã có gia đình rồi mà họ chẳng may cơm không lành, canh không ngọt, hai người không thể ở chung một mái nhà nữa họ li dị. Sau đó theo như luật đạo thì họ phải ở vậy suốt đời, nếu họ có lấy thì coi như đã trái luật đạo (thì họ sẽ bị trầm luân dưới hỏa ngục đời sau). Theo con nghĩ, không tạo được hạnh phúc trên trái đất thì cũng khó để vào nước trời sau này. Những người li dị như vậy thì theo luật Giáo Hội thì họ nên làm gì…(lấy vợ ngoại hôn chăng?). Riêng con xin cha chỉ dạy cho con một hướng đi nào bớt phiền lụy hơn. Con bây giờ cũng tối tăm lắm, con lại muốn náu thân cửa từ bi.

Xin cha đừng viết thư con lên báo tốn công và giấy mực. Cha cứ giải thích rõ ràng và chỉ dạy cho con càng dài càng tốt, cha đừng chửi con. Con xin đội ơn cha.

Bùi thị Thọ.

GPKONTUM