Đức giám mục Angaelos, Giáo hội Chính thống Copt: Tôi tha thứ cho ISIS

ĐGM Angaelos, Giáo hội Chính thống Copt

WHĐ (24.02.2015) – Ngay cả theo các tiêu chuẩn tàn bạo của ISIS, đoạn video chiếu cảnh hai mươi mốt Kitô hữu Copt bị ISIS chặt đầu tại một bãi biển ở Libya là rất khủng khiếp.

Các Kitô hữu trên khắp thế giới đã bày tỏ nỗi kinh hoàng và phẫn uất về vụ sát hại này. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi các nạn nhân là những người “tử vì đạo”, và cái chết thê thảm của họ sẽ đoàn kết cộng đồng Kitô hữu đang bị tan nát.

Tuy nhiên, đáng chú ý là một giám mục Copt đã nói rằng ngài tha thứ cho những người đã hành quyết các Kitô hữu.

Đức giám mục Angaelos, vị lãnh đạo Giáo hội Chính thống Copt ở Vương quốc Anh, hiện đang ở Washington hôm thứ Sáu 20-2 để dự lễ nhậm chức của vị tân đại sứ lưu động Hoa Kỳ đặc trách tự do tôn giáo là ông David Saperstein, đã giải thích với CNN lý do tại sao ISIS nhắm vào các Kitô hữu Copt, và tại sao ngài đã tha thứ cho họ, mặc dù vẫn không chấp nhận hành vi tàn ác của họ.

– Điều đầu tiên mà Đức cha nghĩ đến khi nghe nói về vụ ISIS giết hại các Kitô hữu Coptic là gì?

– Tôi nghĩ rằng tôi đã có cảm giác đó là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi biết rằng điều đó sẽ xảy ra bởi cách ISIS đưa tin về những người bị họ bắt, phô diễu họ trên video. Và mọi chuyện đã được dàn dựng. Thật là sốc khi thấy điều đó lại có thể xảy ra trong thế kỷ 21 này.

Nhưng chúng ta cũng đã thấy sức mạnh và lòng dũng cảm của những người này, và số lượng tin nhắn và các cuộc gọi chúng tôi đã nhận được để chia buồn, bày tỏ tình đoàn kết và trợ giúp là rất nhiều. Tội ác này không chỉ là một tội ác chống lại các Kitô hữu Copt. Đó là một tội ác chống nhân loại, và nếu có điều gì chúng ta phải bênh vực với tư cách là con người, thì trước hết và trên hết phải là sự thánh thiêng của sự sống con người.

– Không lâu sau khi đoạn video được phát tán, Đức cha đã đưa lên Tweeter dòng tweet về vụ hành quyết này với hashtag #FatherForgive. Có phải Đức cha có ý nói rằng đã tha thứ cho ISIS?

– Vâng. Có vẻ như điều này không thể tin được đối với một số độc giả của quý vị, nhưng là một Kitô hữu và là thừa tác viên của Chúa Kitô, tôi có trách nhiệm với bản thân mình và trách nhiệm hướng dẫn người khác đi vào con đường của sự tha thứ. Chúng tôi không tha thứ cho hành động này vì hành động này thật tàn ác. Nhưng từ tận đáy lòng, chúng tôi tha thứ cho những kẻ giết người. Nếu không, chúng tôi sẽ bị lòng căm giận và thù hận huỷ diệt. Điều đó trở thành một vòng xoáy bạo lực vốn không có chỗ đứng trong thế giới này.

– Đức cha và nhiều người khác đã công khai xin ISIS phóng thích các Kitô hữu Copt, nhưng họ lại bị sát hại một cách dã man. Làm sao Đức cha vẫn tin vào Thiên Chúa vào vào lời cầu nguyện sau một kết quả khủng khiếp như vậy?

– Từ lâu rồi tôi đã học biết rằng khi cầu nguyện, là cầu nguyện để có một kết quả tốt nhất, mà không cần biết kết quả đó ra sao. Tất nhiên, tôi đã cầu nguyện xin cho họ được an toàn. Nhưng tôi cũng cầu nguyện rằng, khi thời điểm đến, họ sẽ có được bình an và sức mạnh để vượt qua. Tôi không thay đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa khi mà 21 người này đã chết theo cách ấy. Họ đã hy sinh, nhưng từ đó đã phát sinh nhiều điều. Họ khiến cho cả thế giới chú ý đến những nguy hiểm đang chực chờ những người bị gạt ra bên lề, không chỉ là người Kitô hữu, nhưng còn là người Yazidi và những người khác nữa ở Trung Đông.

– Đây không phải là lần đầu tiên ISIS nhắm vào các Kitô hữu Copt. Theo Đức cha tại sao lại như thế?

– Trong đoạn video, họ cáo buộc quân viễn chinh Copt đã buộc các phụ nữ cải đạo sang Thiên Chúa giáo; điều này hoàn toàn vô căn cứ và không đúng sự thật. Các Kitô hữu Copt không thuộc về đội quân Thập tự chinh ban đầu và hiện nay cũng vậy. Chúng tôi đã sống một cách hoà bình và không bao giờ cầm vũ khí hoặc ép buộc ai phải cải đạo. Nhưng họ cần biện minh cho các hành vi bạo lực và họ đã đưa ra các lý do này.

– Đức cha đang ở Washington để gặp các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Họ phải làm gì trước việc ISIS đang bức hại các Kitô hữu và các cộng đồng tôn giáo khác?

– Tôi muốn thấy tất cả chúng ta cùng hướng tới nghĩa vụ bảo vệ quyền con người nói chung, bởi vì khi chúng ta chia thành các cơ quan, tổ chức khác nhau thì đổi thay nào cũng sẽ bị manh mún. Nếu nhìn vào quyền của mỗi cá nhân, quyền được Thiên Chúa phú ban, mọi người chúng ta phải cùng nhau đấu tranh để bảo vệ bất kỳ ai đang bị bức hại ở bất cứ đâu. Tất nhiên, hiện nay phần lớn các cuộc bức hại đều nhắm vào các Kitô hữu ở Trung Đông và cần phải nói đến điều này. Nhưng, là một Kitô hữu, tôi sẽ không bao giờ hài lòng nếu chỉ bảo vệ quyền lợi của các Kitô hữu. Chúng ta phải giúp đỡ tất cả mọi người.

(CNN)
Minh Đức

Nguồn:

WHĐ