Hồi giáo: Tiếng nói ngôn sứ (và bị khinh thường) của Đức Bênêđictô XVI ở Ratisbonne

Đức Bênêđictô XVI đã mời gọi hồi giáo đối thoại về lý tính, nhưng tất cả, kể cả Phương Tây đều tấn công ngài không thương xót. Dù vậy, ngài có lý…

Trong khi bạo lực của nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng tấn công tín hữu kitô, người yezidi và các sắc dân thiểu số khác, các tiếng nói mới cùng nhau kết hợp lại để lên án. Đó là những tiếng nói của thế giới hồi giáo, của các giáo sĩ Pháp và của trung tâm liên tôn giáo Kaichid (Trung tâm quốc tế Vua Abdullah Ben Abdelaziz), qua trung gian các nhà trí thức, các ký giả khắp mọi miền, cho đến các cuộc biểu tình cảm động của những người dân bình thường…

Đồng loạt lên án

Những người cuồng tín giật dây hồi giáo, làm hư hỏng Kinh Coran và phản bội tôn giáo mà họ tuyên bố là họ giữ đạo. Họ làm chúng ta đau đớn nghĩ lại bài diễn văn ở Ratisbonne của giáo sư Ratzinger. Ngày 13 tháng 9-2006, Đức Bênêđictô XVI viếng thăm Đại học Ratisbonne, nơi, trong quá khứ ngài đã dạy ở đó. Ngài đã đọc một bài diễn văn đáng nhớ và ngày hôm nay vẫn còn vang vọng sức mạnh của nó. Ngài nói đến ơn gọi tự nhiên của các tôn giáo là công chính và hòa bình. Hòa bình mà sự kiến tạo tùy thuộc vào sự ăn khớp đúng đắn giữa đức tin và lý tính, một trong các chủ đề chủ yếu của nền thần học và giảng dạy của ngài.

Ngài giải thích làm sao, khi đối thoại thất bại thì sẽ xuất hiện các căn bệnh của lý tính và của tôn giáo, và cuối cùng sẽ đẩy họ trượt vào chủ nghĩa cuồng tín. Chính lúc đó, trước trào lưu dâng cao của mất lý tính đội lốt dưới chủ nghĩa chính thống, ngài đưa ra một thách thức cho người hồi giáo để lên án bạo lực như phương tiện để áp đặt đức tin, cũng như các tín hữu kitô cũng phạm cùng lỗi lầm như vậy trong quá khứ.

Đức Bênêđictô XVI đã xát muối vào vết thương

Ba phản ứng cần nhớ lại. Một mặt, thế giới báo chí và trí thức Phương Tây, nhân danh bao dung và tự do, phản ứng một cách hung bạo và phi lý chống Đức Bênêđictô XVI, quy cho ngài là cuồng tín và khiêu khích, trong khi thực tế, ngài đưa ra một lời kêu gọi khiêm tốn và xác thực cho đối thoại trong lý tính.

Mặt khác, những người phản bội Kinh Coran đưa ra những lời lên án, làm kích động thêm bạo lực. Trong cả hai trường hợp, họ đều phải thấy rằng giáo sư uyên bác Ratzinger có lý. Người này người kia cho thấy, họ bị đau vì các căn bệnh được mô tả  trong bài diễn văn của Ratisbonne.

Phản ứng đáng quan tâm nhất đến từ hồi giáo. Một nhóm quan trọng các nhà lãnh đạo và trí thức hồi giáo đã ký một bức thư, trong đó họ nêu ra thách thức của đối thoại (Một thế giới chung giữa Chúng tôi và Các bạn, A common world between Us and You). Trọng tâm của họ là Vương quốc Giócđani, và phong trào nhanh chóng lan ra khắp nơi. Trong tài liệu này, còn nhấn mạnh hơn nữa các bất đồng ý kiến của họ với giáo sư, tất cả những người có tham vọng áp đặt bằng bạo lực «các giấc mơ không tưởng, trong đó mục đích biện minh cho phương tiện». Họ chứng minh Đức Bênêđictô XVI không phải là người duy nhất có lý.

Phải biết rằng, bài diễn văn và bức thư này không khởi động được đối thoại giữa người hồi giáo và kitô giáo. Nhưng chắc chắn, chúng là một yếu tố quan trọng để cổ động cho những mức độ chưa bao giờ được đạt tới. Ngày nay, tôi chắc chắn, cuộc đối thoại này mang thành quả của nó, không những giữa những người ưu tú, nhưng cả với những người bình thường, mà trước khi xuất hiện các vụ cuồng tín này, họ đã làm cho sự sống chung liên tôn giáo theo cách tự nhiên của họ, và bây giờ họ kháng cự vì họ muốn tiếp tục sống theo cùng một cách.

Theo tôi, đó là tiếng nói mạnh nhất giữa tất cả các tiếng nói có thể được nghe. Cuộc gặp gỡ giữa dân chúng và các nhà trí thức làm cho tôi đầy hy vọng. Khi tương quan này được nuôi dưỡng bằng sự kiên nhẫn và kiên trì thì lúc đó nó sẽ phát sinh ra các phong trào văn hóa cực mạnh.

BenedictBlesses

Ánh sáng lờ mờ của Ratisbonne

Tuy nhiên, bài diễn văn đáng nhớ của Ratisbonne có những hệ quả khác mà bây giờ chúng ta có thể quan sát ánh sáng lờ mờ của nó. Lời của Đức Bênêđictô XVI mang đến một xung năng mới cho một ý tưởng, sinh ra từ thực tế của các vụ bách hại tôn giáo của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, được nhìn dưới ánh sáng Phúc Âm; ý tưởng được giải thích rõ ràng ở Công đồng Vatican II, sau đó được bồi dưỡng bởi Giáo huấn và ăn khớp tốt hơn bởi nền ngoại giao của Tòa Thánh.

Người ta muốn làm tự do tôn giáo thành một trong những hòn đá tảng của Luật và các tương quan quốc tế. Vì thế Giáo hội phải liên tục cố gắng để làm thuận lợi cho tiếng nói của các nhà lãnh đạo và các phong trào tôn giáo, những người đi tìm hòa bình và công chính, để sự sống chung hòa hợp trong từng xã hội được thiết lập; một sáng kiến thường được mang tên là «tinh thần Axixi». Như thế tự do tôn giáo trở nên văn hóa với sự hỗ trợ dứt khoát của nền chính trị chung của nhiều quốc gia.

Khổ thay, cả nước Mỹ lẩn Liên hiệp Âu châu đều không muốn nghe bài diễn văn Ratisbonne, không muốn nghe lời đề nghị của Giáo hội, lại càng không muốn nghe các lý tính xuất sắc tiến bộ của các giáo sư đại học và của các nhà ngoại giao của nhiều nước khác nhau. Các chính trị gia và các nhà ngoại giao Phương Tây hình như ở một hành tinh khác. Khi các tôn giáo ở trên con đường của họ, điều luôn xảy ra, thì họ mất tất cả ý thức về thực tế, mù quáng vì tính hống hách kiêu ngạo của mình. Các cố gắng để thuyết phục cho họ nghe lý tính thì đều bị diễn giải như một sự vi phạm tính thế tục tận căn của họ. Đó là một sự nhục nhã.

Tính thế tục của Phương Tây – chính trị, trí thức, truyền thông – đã đẩy lui lời đề nghị, và không muốn nhưng lại thành đồng lõa vì quên đi chủ nghĩa tận căn đã lèo lái hồi giáo, đến mức tạo ra một ý thức hệ của sự loại trừ. Sự không thấu hiểu của họ đến mức đã làm cho họ cố gắng giữ im lặng trước sự hy sinh của tín hữu kitô và các sắc dân thiểu số khác ở Trung Đông. Nhưng thực tế ngang bướng và áp đặt lên họ. Đã đến lúc phải hiểu, chỉ duy nhất các hành động đa diện dựa trên chiến thuật làm cho tự do tôn giáo và đối thoại liên tôn giáo là hòn đá tảng để có thể có được hòa bình, công chính và ổn định cho Trung Đông. Đứng trước sự đè nặng quá hiển nhiên, không biết họ có hiểu bài học của vị giáo sư lớn tuổi dạy không? Câu trả lời tùy thuộc vào tầm mức to lớn của tính kiêu ngạo của họ.

Ngày nay, điểm mạnh là chứng thực Đức Bênêđictô XVI đã có lý vượt lên cả bài diễn văn ở Ratisbonne. Trong những hàng đầu của quyển sách Dẫn nhập vào Kitô giáo, ngài nhắc chúng ta dụ ngôn của triết gia Kierkegaard về anh hề và ngôi làng đang cháy: một gánh xiếc đang cắm trại ở ngoại vi ngôi làng và bỗng có đám cháy. Ông chủ gởi anh hề đi báo động, lúc đó anh đã mặc y phục để ra sân khấu. Dân làng không nghe anh báo động, lại còn cười khi thấy anh cố gắng làm mà hoài công. Cuối cùng khi họ biết thì đã quá trễ. Ngôi làng trở thành mồi cho ngọn lửa. Ở Trung Đông, dụ ngôn này đã trở thành thực tế.

Tuy nhiên Đức Bênêđictô XVI không kêu gọi nản chí. Thần học và giáo huấn của ngài mang đầy hy vọng của một sự thông minh sắc bén. Lời kêu gọi của ngài là thực tế trong hy vọng. Tình trạng hiện nay của người rao giảng Tin Mừng trong một nền văn hóa dửng dưng thì thực chất cũng không có gì mới. Là Giáo hội, chúng ta không chia sẻ số phận của mình với anh hề, nhưng là với tất cả các thánh và các ngôn sứ đã ở trên quả đất này. Đó là lời tiên tri Giêrêmia  (20, 8-9): «Vì Lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa’; nhưng rồi Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được». Tôi tin chắc, đó là ngọn lửa mà Chúa Giêsu mang đến thế gian và Ngài muốn thấy nó được cháy.

Bài diễn văn Ratisbonne trở nên một lời kêu gọi lại. Nước Trời giống như hạt cải, khi được gieo xuống đất, nó được lớn lên ngày cũng như đêm, dù người nông dân không thấy cho đến khi nó mang hoa trái dồi dào. Và Chúa Giêsu đã nói như thế.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch(phanxico.vn)