Hội chứng sợ ma

 

 

Ngày xưa, có một thầy cúng được nhiều người mời cúng trong các dịp lễ giỗ. Có người hỏi thầy:

 

Có ma không và thầy có sợ ma không?

 

Mặc dù chưa thấy ma bao giờ, nhưng vì nghề nghiệp thầy vẫn tuyên bố chắc nịch:

 

– Có ma chớ, nhưng tôi không sợ ma (vì nói sợ ma sẽ không ai mời cúng nữa).

 

– Vậy, tối nay nhờ thầy đem mâm quả và tấm bảng tên người quá cố, đóng vào ngôi mộ mới chôn cất chiều nay?

– Ờ… được.

 

Tối hôm ấy, cúng xong, trời đã khuya, dưới cái gió lạnh mùa đông, co ro trong chiếc áo dài, thầy cũng cảm thấy sợ.

 

Bởi vì từ xưa đến nay, thầy cũng bán tín bán nghi: “Không biết có ma thật không?”. Nay lại có người nhờ đem mâm quả và đóng chiếc bảng tên vào giữa đêm khuya như thế này??? Thôi kệ, đã đâm lao thì phải theo lao.

 

Thầy dõng dạc tuyên bố: Đưa mâm quả và tấm bảng để tôi đi đóng, mọi người cứ ở nhà, chờ tôi một chút.

 

Khi thầy đi rồi có mấy người âm thầm theo sau để xem thầy có thật ra ngoài mộ không và để xem thầy có thật là không sợ ma?

 

Ra tới mộ, dù lạnh nhưng mồ hôi thầy đổ ra như tắm, đặt đại mâm quả xuống đất, thầy ngồi xuống, tay cầm bảng, tay cầm khúc gổ để đóng. Đóng ba cái, thầy vội đứng lên với ý định chạy nhanh về nhà. Nhưng, kìa, như là có ai kéo cổ thầy xuống, thầy thất thanh kêu la thật hoảng hốt, mấy người đi theo vội chạy đến, thầy nhìn thấy có bóng người lố nhố, mờ ảo trong đêm, càng kêu to hơn.

 

Khi đã định thần, thầy mới biết: do quá vội vàng thầy đã đóng chiếc bảng vào vạt áo dài xuống đất, nên khi thầy đứng dậy, thầy có cảm tưởng như là có ai kéo mình xuống, lại là kéo xuống mộ mới chôn cất vậy.

 

Ma là gì? Có đến hơn 90% số người trên trái đất cho rằng: Ma là linh hồn người đã chết.

 

Chuyện có thật:

 

Cha sở kia, khi đi dâng lễ cho nhà dòng phải đi qua một nghĩa trang. Lúc đó là khoảng 4 giờ (sáng), trời còn tối om. Mặt đường xấu, đi xe máy 2 bánh cha phải chạy từ từ. Khi đi tới nghĩa trang, có tiếng chào: “Chào cha, cha đi dâng lễ hả?.

 

Lần nữa: Hôm nay trời mưa, mặt đường đầy nước, tới nghĩa trang cha chạy thật chậm để tránh những hố nước. Tới một hố to, cha nhìn thấy rõ một con cá đang lóc (quẫy) qua lóc lại. Cha pha đèn thật sáng, đúng là một con cá to. Bước xuống, mở yên xe, lấy chiếc bịch nilon với ý định “chụp lấy nó”, nhưng khi đến gần, hóa ra đó chỉ là một chiếc lá.

 

Thấy rõ 2 sự việc trên, khi dâng lễ, cha luôn cầu nguyện cho các linh hồn, từ đó đến nay, cha không còn được “chào” nữa.

 

Theo giáo lý công giáo, khi một linh hồn lìa khỏi xác, linh hồn ấy sẽ:

 

1/ Lên thiên đàng, hưởng Nhan Thánh Chúa.

 

2/ Xuống hỏa ngục, chịu hình phạt vĩnh viễn do tội mình gây ra.

 

3/ Nơi luyện ngục, chịu mức phạt (có thời hạn) cho đến khi đền trả xong các tội.

 

Hàng năm vào ngày 2/11 (sau lễ mừng các Thánh), Giáo hội dành một ngày để cầu cho các linh hồn.

 

Trong luyện ngục các linh hồn không thể cầu nguyện cho mình được.

 

Tất cả các linh hồn đều trông chờ chúng ta là những người đang sống, đang được hưởng ánh sáng sự sống, hãy nhớ đến các linh hồn đang phải chịu cảnh tối tăm.

 

Với sự hiệp thông cầu nguyện của người sống cho người chết và với Lòng Thương Xót của Chúa, chắc chắn các linh hồn mau được hưởng ánh sáng muôn đời.

 

Lạy Chúa, chúng con thật hạnh phúc khi đang được sống trong ánh sáng Thương xót của Chúa, chúng con nhớ tới những người anh chị em chúng con đã ra đi trước chúng con và đang phải chịu cảnh tối tăm nơi luyện ngục. Vì đức tin nhỏ bé của chúng con là: Yêu Mến Chúa, Trông cậy và Tín thác nơi Chúa cùng vâng nghe Lời Chúa. Xin cho các linh hồn ấy mau được hưởng Ánh Sáng Thật là Nước Chúa Hằng Sống muôn đời. Amen.

 

 Tôma Đỗ Lộc Sơn