Dịp lễ Giáng Sinh, khách hành hương nườm nượp tới Greccio (Ý), nơi Thánh Phanxicô Assisi đã làm máng cỏ đầu tiên vào năm 1223. Thánh Phanxicô Assisi là người sống nghèo khó đúng theo nghĩa đen chứ không chỉ “tinh thần” mà thôi. Khi qua đời, ngài yêu cầu các tu sĩ Dòng Phanxicô cởi bỏ hết trang phục để ngài được hoàn toàn nên giống Chúa Giêsu.
Khi đó, Thánh Phanxicô nhớ lại cuộc viếng thăm Belem những năm trước, nên ngài quyết định làm hang đá như ngài đã thấy. Có là một cái hang ở Greccio, vào dịp lễ Giáng Sinh, ngài tìm một em bé đặt vào máng cỏ, có cả bò và lừa đứng bên máng cỏ. Người ta đồn tin này khắp vùng lân cận. Họ cùng nhau đem đuốc và nến tới để được thấy hang đá như thật. Từ đó, người ta có truyền thống làm hang đáng mừng Chúa giáng sinh hằng năm.
Khi một tu sĩ linh mục dâng lễ, Thánh Phanxicô giảng lễ. Tác giả Thomas ở Celano, người viết tiểu sử Thánh Phanxicô, nói rằng lúc đó Thánh Phanxicô “đứng trước máng cỏ, cúi mình trước Hài Nhi với lòng yêu mến và hạnh phúc lắm”. Đối với ngài, cử hành nghi thức giản dị để nhớ và học bài học nghèo mà Chúa Giêsu đã cam chịu vì yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, thế mà Ngài sinh ra trong cảnh nghèo khó, tự hạ đến tận cùng. Ngài là Thiên Vương mà chấp nhận mặc xác phàm, sinh ra là một Hài Nhi như chúng ta.
Thế nhưng, ngày nay người ta đua nhau làm hang đá đồ sộ và sang trọng quá, nhìn như “khách sạn” vậy, mất hẳn ý nghĩa nghèo khó của tinh thần lễ Giáng Sinh. Tại Saigon, đã từng có giáo xứ chi phí vài chục triệu đồng làm hang đá, thậm chí có nơi chỉ dựng một cây thông mà tốn cả trăm triệu đồng! Chúa có vui không khi xung quanh chúng ta còn biết bao người nghèo, chịu cảnh sống mỏi mòn từng ngày? Đó không là lãng phí sao? Người ta vẫn biện hộ là “làm vinh danh Chúa”, có thật như vậy hay là “vinh danh” chính mình?
Nhưng có giáo xứ không quan trọng bề ngoài, họ tổ chức Tiệc Giáng Sinh cho những người cơ nhỡ. Gọi là “tiệc” cho sang chứ chỉ là tô bún bò hoặc phần ăn gì đó, loại cơm bánh để ăn cho no chứ không là bánh kẹo ăn cho “vui miệng”. Thực tế như vậy thì chắc hẳn Chúa Hài Đồng vui lắm, và Ngài sẽ chúc lành. Thật đáng khâm phục những “đầu óc” biết nghĩ như vậy!
Khi phán xét, Chúa không nhắc tới chuyện này hoặc chuyện nọ, thậm chí cả tội lỗi tày trời của chúng ta mà Chúa cũng “làm ngơ”. Nhưng Ngài rất nghiêm khác về việc bác ái. Chúa khen những người ở bên phải: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25:35-36). Với những người đứng bên trái, Ngài cũng nói tương tự, nhưng “nổi bật” là có chữ KHÔNG.
Liên quan vấn đề bác ái, một lần khác Chúa Giêsu nói: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10:42). Những việc rất nhỏ mọn mà lại quan trọng. Người phàm cũng có câu nói rất hay: “Của cho không bằng cách cho”.
Giáng Sinh lại về, bạn cảm nhận gì về chuyện hang đá?
Đêm Giáng Sinh, bạn có cùng các con quây quần bên hang đá để học bài học khiêm nhường của Thiên Chúa, cùng đón nhận Hài Nhi Giêsu ngự vào “máng cỏ” tâm hồn của mỗi thành viên trong gia đình, và lãnh nhận phúc lành bình an của Ngài? Bạn thích diện đẹp và đi chơi vi vút, tiệc tùng linh đình, hay bạn làm gì? Bạn có đủ can đảm nên giống Hài Nhi Giêsu? Nếu còn trẻ, bạn có thấy thương cha mẹ nhịn mọi thứ để bạn bằng anh, bằng chị, “đẹp mặt” với bạn bè, với xã hội?
Từ trên cao, ca đoàn Thiên Thần hợp xướng bản Đại Hợp Xướng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). Hạnh phúc lan tỏa, lan tỏa tới mọi người…