Hai thái độ

Qua truyền thông, người ta thấy những đoàn người tỵ nạn trên biển Địa Trung Hải để đến châu Âu và trên vịnh Ben-gan, biển Ăng-đăng-măng, vùng Đông Nam Á để đến Ma-lai-xia, Thái Lan và In-đô-nê-xia, và hy vọng được đến nước thứ ba thuộc châu Âu, Mỹ châu hay Úc châu.

Trên biển Địa Trung Hải, những người tỵ nạn gồm nhiều quốc tịch Phi châu và Trung Đông, nhiều người đã chết vì tàu chìm và do gió lớn. Họ đi tỵ nạn vì lý do tôn giáo và kinh tế. Trên biển thuộc châu Á, những người tỵ nạn là người Miễn Điện và Băng-la-đét. Họ đi tỵ nạn cũng vì lý do tôn giáo, sắc tộc và kinh tế.

Nhiều người tỵ nạn trên Địa Trung Hải được các tàu của Ý cứu vớt, trong khi đó nhiều người tỵ nạn ở Đông Nam Á bị ném xuống biển. Một số quốc gia còn cấm người dân cứu họ hoặc kéo thuyền những người tỵ nạn ra khỏi lãnh hải của các quốc gia mà họ muốn đến.

Nước Ý lo lắng vì số tỵ nạn quá đông, còn các nước châu Âu khác thì e ngại đón tiếp những người tỵ nạn vì chính họ cũng đang phải đối phó với nạn thất nghiệp và khủng hoảng kinh tế dai dẳng, nhưng dần dần người tỵ nạn sẽ được có nơi ăn chốn ở khi được đón nhận. Chỉ khi truyền thông đưa tin, LHQ lên tiếng thì một số nước châu Á mới đón nhận người Rohingya và người Băng-la-đét. Chỉ có Phi-líp-pin thì lên tiếng sẵn sàng đón tiếp họ.

Cách đây nhiều thập niên, người Việt Nam cũng đi tỵ nạn nhiều, một phần ba trong số họ đã chết trên biển. Nhớ lại, người tỵ nạn nào cũng nổi gai ốc vì sợ. Nghe kể lại chuyến đi lênh đênh trên biển, mấy ai dám lặp lại lần thứ hai, thật khó mà quên. Khi đó chỉ còn phó thác cho Thiên Chúa đối với các Kitô hữu và cho số phận đối với người không niềm tin. Từ đó, người tỵ nạn Việt Nam sẽ đồng cảm với những người tỵ nạn đang nói trên.

So sánh hai châu lục đón tiếp người tỵ nạn, chúng ta thấy hai thái độ của những người dân hai châu lục. Người châu Âu cũng chẳng tha thiết gì mấy khi phải đón tiếp người tỵ nạn đến từ những xứ nghèo, nhưng dù sao, tinh thần nhân đạo, tinh thần Kitô giáo cũng làm cho họ trở thành nhxng người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu, còn tôn trọng nhân phẩm của tha nhân. Họ còn có cái để ăn và được cứu sống. Một số người châu Á khác thì để người tỵ nạn đói, ném họ xuống biển, cấm người dân cứu vớt. Nếu không có truyền thông, LHQ không lên tiếng, thì những người Rohingya và Băng-la-đét sẽ chết.

Câu hỏi đặt ra: tại sao thái độ của con người ở hai châu lục khác nhau như vậy? Người châu Âu văn minh hơn? Nhân đạo hơn? Giàu có hơn? Kitô giáo nhiều hơn? Dân số ít hơn? V.v. Tại sao chỉ có Phi-líp-pin của Á châu lên tiếng đón tiếp dù họ dân số đông và lắm bão tố?

Khi rơi vào hoàn cảnh là người tỵ nạn, con người luôn hy vọng vào lòng nhân đạo của những người cầm quyền. Lòng nhân đạo này đến từ đâu? Sự ích kỷ đến từ đâu? Sự vô cảm do đâu mà có? Người nghèo, người đau khổ đang hy vọng vào một tôn giáo nhân đạo và những người theo tôn giáo đó thật sự sống giáo lý và điều răn của Đấng sáng lập.

Mục đích của tôn giáo là cứu rỗi, là nhân đạo, là bái ái. Nếu không có những giá trị đạo đức này, tôn giáo là giả tạo, là thừa thãi, là vô ích, là hình thức. Cho đến nay, số người có tôn giáo không nhiều, số người sống và thực hành tôn giáo còn ít vì cái gọi là tự do theo hay không theo, riêng tư, cá nhân ở châu Âu đang được đề cao, kèm theo đó, sự ích kỷ cũng gia tăng. Một đàng đề cao tự do muốn thì theo, đàng khác không muốn cứu giúp ai vì không ai dạy bái ái. Bái ái để làm gì?

Hai nhóm người tỵ nạn nêu trên cho chúng ta thấy thái độ khác nhau của những nước đón nhận. Vì thế, rất cần có tôn giáo đề cao bác ái, sự thương người để nhiều người được cứu sống. Không chỉ sống hiện tại mà cả sự sống mai sau. Đừng dửng dưng với tôn giáo. Vì như thế, sẽ dửng dưng với những khách qua đường đang bị “đánh đập kia”. Thế giới đang cần “những Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu”.

Minh Sáng