Gợi ý suy niệm Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần Thánh năm B

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Thứ Sáu Tuần Thánh

Lời Chúa: Ga 18,1 – 19,42

 

Hôm nay chúng ta suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu theo Tin Mừng Gioan. Thánh Gioan trình bày hình ảnh của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn theo viễn ảnh của Ngài. Ngài nhìn Chúa Giêsu không phải như một con người bị cuốn trôi theo định mệnh mà là Thiên Chúa chủ tể mọi loài và điều khiển mọi diễn biến theo ý Ngài. Ngài không lệ thuộc vào hoàn cảnh mà ngược lại, Ngài điều khiển mọi sự theo chương trình của Chúa Cha mà Ngài gọi là giờ của Ngài.

Gioan trình bày cho chúng ta một Chúa Giêsu uy nghiêm, là Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngay trong những lúc xem ra bi đát nhất, Chúa Giêsu vẫn như một người vượt lên trên mọi diễn biến: Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền ban mạng sống và có quyền lấy lại.

Gioan không kể lại những cảnh nhục hình của Chúa Giêsu. Các sách Tin Mừng khác đã nói đủ rồi, Gioan chỉ nhìn ngắm Chúa Giêsu với cái nhìn của một tín hữu nghĩa là với niềm tin, tin rằng Ngài là Tình Yêu đến để mang tình yêu cho con người. Gioan cho thấy giữa mọi nhục nhã, Chúa Giêsu vẫn là con người duy nhất vẫn giữ nét oai nghiêm, vững chắc có thể nói là linh thiêng.

Chính trong biến cố khởi đầu, khi toán lính của Thượng Tế đến bắt Ngài, Ngài cho họ thầy Ngài là ai, là Đấng Hằng hữu. “Chính Ta đây” của Ngài đã làm cho toán lính lùi lại và ngã xuống đất. Toán lính này là toán lính của Đền Thờ chứ không phải là lính Rôma, họ là người Do Thái, vì thế họ sấp mình xuống đất như diện kiến nhan thánh Chúa, như Môsê ở trước ngọn lửa nơi bụi gai, như tiên tri Isaia trong Đền Thờ, nhìn thấy Chúa vinh quang. Như thế đủ chứng tỏ Chúa Giêsu là ai, và tiếp theo, chúng ta mới nhận thấy Ngài cho phép toán lính ra tay bắt Ngài. Ngài tự nộp mình cho họ chứ họ không làm gì được Ngài. Ngài ra lệnh cho lính không được động đến những môn đệ của Ngài và quở trách Phêrô can thiệp không đúng lúc. Tất cả đều cho thấy Ngài chủ động trong mọi biến cố đang xảy ra chung quanh Ngài. Ngài để cho họ bắt Ngài.

Trước mặt Thượng Tế Khanna khi ông này hỏi Chúa về những điều Ngài dạy, Ngài đã trả lời một cách rõ ràng là muốn biết rõ hãy hỏi những người đã nghe Ngài. Câu trả lời đanh thép và hợp lý đó đã khiến cho tên lính đứng cạnh Chúa vả mặt Ngài.

Trước tòa án Philatô, Chúa Giêsu tỏ ra uy nghi hơn nữa. Đây là tòa án của thế giới tượng trưng bằng chính quyền Rôma. Chúa Giêsu đối đáp với Philatô, không phải như một bị cáo mà như một người tự do.

Người Do Thái đã chuyển vụ án tôn giáo thành một vụ án chính trị. Họ dư biết rằng người Rôma không bao giờ dung tha một ai phạm đến chính quyền của họ. Người Do Thái cũng biết rằng người Rôma chỉ xét xử những gì thuộc về luật của Rôma mà thôi, những vấn đề khác sẽ không được cứu xét. Họ  đã tố cáo Chúa Giêsu là vua dân Do Thái, tức là chống lại hoàng đế Rôma. Nhưng khi hỏi Chúa Giêsu về lời cáo buộc này, ông thấy rằng lời cáo buộc của họ không có nền tảng. Chúa Giêsu cũng cho ông thấy rằng Ngài là một vị vua nhưng Nước tôi không ở trần gian này. Vấn đề không quan trọng đối với một đại diện của hoàng đế. Ông định bỏ qua và thánh Gioan cũng cho thấy Philatô đã tìm cách tha cho Chúa Giêsu, nhưng ông lại bị đám Do Thái bao vây và sau cùng đã chấp nhận lên án tử cho Chúa để yên thân.

Trong cuộc đối thoại với Philatô, Chúa Giêsu không mất vẻ uy nghi của Ngài, và chính Ngài cũng cho thấy, Philatô cũng chỉ là con người nhỏ bé thôi: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời không ban cho Ngài”. Chúa cũng cho Philatô thấy sứ mệnh của Ngài chính là làm chứng cho sự thật. Philatô không muốn tranh luận và chỉ hỏi bâng quơ: “Sự thật là gì?” rồi bước ra ngoài. Nhưng khi người Do Thái tố cáo Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Ông lại thắc mắc và hỏi Chúa: “Ông từ đâu mà đến?” Nhưng đây không là nơi tranh luận và vụ án này làm cho ông bực bội, ông chỉ mong nó chấm dứt nhanh và ông đã tuyên án tử hình cho Chúa Giêsu như dân đã yêu cầu.

Thánh Gioan không tường thuật tỉ mỉ cuộc đánh đòn và đội mão gai cho Chúa. Ông chỉ nói sơ sài thôi vì Gioan chú ý đến những gì khác quan trọng hơn.

Trong cuộc tử nạn, Gioan chú ý đến vương quyền của Chúa Giêsu. Đối với Gioan, Chúa Giêsu là vua và là vua tình yêu. Ngài đã yêu thương những người thuộc về Ngài đến tận cùng và tình thương đó được thể hiện qua cuộc tử nạn và cái chết thê thảm của Chúa. Đối với Gioan, vương quyền đó đã được tỏ hiện ngay trong cuộc tử nạn. Dân Do Thái cáo tội Chúa là Vua dân Do Thái. Đó cũng là một dấu hiệu bí nhiệm chứng tỏ vương quyền của Chúa, ngay trong sự hận thù của người Do Thái. Philatô cũng thắc mắc và nhờ đó Chúa có dịp xác định cho ông thấy vương quyền của Ngài không phải như các vua trần thế: “Nước tôi không ở trần gian này”. Nước tôi là Nước Sự Thật”. Philatô cũng hỏi Chúa lần thứ hai: “Vậy ông là vua sao?” Ông lại tuyên bố với dân Do Thái:“Đây là vua các người”.Họ la lên: “Đem đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” Ông lại nói: “Chẳng lẽ ta đóng đinh vua các ngươi sao?” Tất cả những yếu tố đó được xem như một cách nào đó tuyên xưng vương quyền của Chúa, một vương quyền lạ lùng nhưng là vương quyền đích thực và không thể so sánh.

Khi đội lính đánh đòn Chúa xong, họ đưa Ngài ra làm trò hề, một trò hề có ý nghĩa mà họ không biết. Họ cho Chúa khoác một tấm vải đỏ, như áo choàng của vua Rôma, họ cho Ngài đội một vòng gai và chế nhạo Ngài là Vua dân Do Thái. Đối với bọn lính, đó là một trò hề, nhưng đối với chúng ta là một tuyên xưng. Vua của chúng ta là vua khiêm nhường, là trò hề cho thế gian, nhưng lại là vua đích thực, vì Ngài chính là sự sống vĩnh cửu. Ngài mượn con đường thống khổ, nhục nhã để thể hiện vương quyền của Ngài là Tình Yêu trọn vẹn mà thế gian không thể biết.

Tấm bảng treo trên thập giá do Philatô truyền viết bằng ba thứ tiếng: Do Thái, Latinh và Hy Lạp đề rằng: Giêsu Nadaret, vua Do Thái. Nhóm Pharisêu không đồng ý vì họ xem Chúa Giêsu là người tử tội đáng chết mà thôi, nhưng nếu chết với danh hiệu vua dân Do Thái là một sỉ nhục, nhưng Philatô không nhượng bộ. Vô tình hay hữu ý, Chúa Giêsu được tuyên xưng là vua dân Do Thái, không những vua dân Do Thái mà là vua vĩnh cửu, bao trùm mọi thế hệ cho đến tận thế. Ngai vàng của Ngài chính là cây thập giá ô nhục nhưng là Tình Yêu trọn vẹn, tình yêu thần linh: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu”. Giờ đây câu nói đó mới mang lấy ý nghĩa trọn vẹn của nó.

Trong cuộc khổ nạn, chúng ta không thể quên được một nhân vật quan trọng đó là Mẹ Maria. Mẹ đã theo Chúa đến tận đỉnh núi Sọ, đã chứng kiến tất cả cuộc hành hình của Con Mẹ, và Mẹ đã nhận lãnh lời trối cuối cùng của Con Mẹ. Và lời trối đó liên hệ mật thiết với chúng ta. Chúa Giêsu, trước khi tắt thở đã trao phó chúng ta cho Mẹ qua người môn đệ Chúa yêu: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh”. Như bao nhiêu người mẹ khác, Mẹ sinh chúng ta ra trong đau đớn tột cùng, Mẹ nhận chúng ta từ đứa Con yêu quí của Mẹ lúc Ngài sắp qua đời. Chúng ta thật diễm phúc, vì Mẹ sẽ là mẹ chúng ta. Càng đau đớn cho con, người mẹ càng thương con hơn. Chúng ta sống trong vòng tay từ mẫu của Mẹ, chúng ta sẽ yêu Chúa hơn nhờ Mẹ. Chúng ta thay thế Chúa Giêsu sống kề bên Mẹ, yêu thương Mẹ như Ngài. Chúng ta có thấy diễm phúc của chúng ta không? Mẹ đã yêu mến Chúa thế nào thì cũng sẽ yêu thương chúng ta như thế. Cám ơn Chúa đã cho chúng ta chính Mẹ yêu dấu của Ngài, để chúng ta được che chở ấp yêu trong suốt cuộc đời gian lao khốn khổ của chúng ta, để Mẹ dạy chúng ta yêu mến Chúa.

Lời nói cuối cùng trên thập giá là: “Thế là đã hoàn tất!” Công việc Chúa Cha đã trao phó cho Ngài đã được thực hiện đến cùng. Lúc đó Ngài mới trao Thần Khí. Ngài không chết, Ngài chỉ trao Thần Khí. Từ nay Ngài không còn thuộc về thế gian nữa, nhưng Thần Khí của Ngài sẽ tiếp tục công việc Ngài đã khởi đầu. Giáo hội tiếp tục cuộc sống của Ngài. Từ nay Ngài sống trong Thân Thể Ngài là Giáo hội, một Giáo Hội do Thần Khí hướng dẫn để kiện toàn công trình cứu độ đến tận thế: “Này đây, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Cái chết của Ngài là một khởi điểm cho một công trình lâu dài. Giáo hội, Thân Thể của Ngài sẽ tiếp tục đi giữa thế gian, đi trong tử nạn cho đến ngày vinh quang cuối cùng.

Thánh Thần cũng được trao ban khi một tên lính lấy lưỡi giáo đâm thâu cạnh sườn và tim Ngài, từ đó, thánh Gioan nói là máu và nước chảy ra. Đó là nguồn mạch của mọi bí tích, là kho tàng ơn thánh mà Giáo hội tuôn tràn cho những kẻ tin.

Việc mai táng Chúa là một việc cần thiết và gấp rút vì sắp đến lễ Vượt Qua của người Do Thái. Việc này gấp rút đến độ họ không thể nào làm đúng như tục lệ, phải ướp xác cẩn thận. Sự việc này sẽ được nối tiếp một sự kiện khác rất quan trọng mà chúng ta có dịp suy nghĩ vào lúc khác, là các bà theo Chúa sẽ định ướp xác lại sẽ mở màn cho một biến cố vô cùng lớn lao là chiếc mộ trống.

Chúng ta không thể suy niệm hết những gì xảy ra trong cuộc tử nạn. Trong suốt ngày thứ bảy chúng ta có giờ để đi sâu hơn. Ở đây chúng ta chỉ sơ lược những gì cần thiết nhất để đi vào cuộc khổ nạn mà thôi.

Chúng ta nghĩ gì?

Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài đến vì yêu thương nhân loại là chúng ta, nhưng Ngài đã gặp hận thù, một thứ hận thù dai dẳng, độc ác không tưởng được. Hận thù đã làm tổn thương một cách ghê gớm quả tim đầy yêu của Ngài. Ngài cũng gặp sự hèn nhát của các môn đệ, sự phản bội của Giuđa…

Chúa Giêsu tỏ ra rất uy nghi, vững chắc trước hận thù, trước sự giả dối và hèn nhát, nhưng làm sao Ngài không đau? Ngài lặng lẽ ôm lấy niềm đau, vì nơi Ngài đi, chúng ta không đến được. Niềm đau mà không ai có thể hiểu được. Chúng ta đang đứng trước một vực thẳm không tưởng được. Chỉ một mình Ngài hiểu. Chúng ta hãy lặng im tôn thờ. Thiên Chúa Tình Yêu đã thương chúng ta đến tận cùng. Không ai trong chúng ta có thể đo lường được sự tận cùng này. Cây thập giá, chính là cây thước đo được niềm đau khôn tả đó, tình yêu thâm sâu đó.

Chỉ có tình yêu mới cảm thông được tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có thể nên một với người yêu. Ngài là Tình Yêu nguyên vẹn giúp chúng ta biết yêu thương. Ngài chỉ nói bằng ngôn ngữ của tình yêu. Chúng ta chỉ nghe được tiếng nói của tình yêu khi chúng ta dám yêu như Ngài, “dám chết dần mòn cho người mình yêu” như Ngài. Lúc đó chúng ta mới hiểu được tình yêu trong chiều sâu rộng của nó. Chúng ta thường đứng nhìn, không dám yêu… Chúng ta quá hèn nhát. Nhìn Ngài đau thương, chúng ta mới thấy rằng chúng ta quá hèn nhát. Chúng ta che đậy sự hèn nhát của chúng ta bằng nhiều hình thức đạo đức. Có thể nói, chúng ta chạy trốn tình yêu. Chúng ta sợ mất mát, sợ cho đi.

Xem lại một cách thành thực, chúng ta mới thấy được rằng chúng ta không bao giờ muốn cho đi, chúng ta bám ghì vào cái tôi yêu quí.

Hôm nay không có thánh lễ, nhưng Giáo hội vẫn muốn chúng ta ăn lấy Thịt Máu Chúa để biết yêu nhiều hơn. Ăn lấy Ngài đi. Đưa Ngài vào xương thịt chúng ta để Ngài lay động con tim chai đá của chúng ta. Bao lâu chúng ta chưa biết yêu thương thực sự, chúng ta chưa xứng đáng với tình yêu của Ngài.

Lm Trầm Phúc