Gợi ý suy niệm Lời Chúa Lễ các thánh tử đạo Việt Nam

 

Chúa nhật 33 thường niên năm  A

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam

Lời Chúa: Lc 9,23-26

 

Hôm nay Giáo hội Việt Nam long trọng mừng kính các thánh tử đạo tại Việt Nam, 117 vị đã được Giáo hội tuyên phong hiển thánh, nghĩa là nhìn nhận nhân đức anh hùng của các ngài, và xem các ngài như những gương sáng cho chúng ta là con cháu các ngài. Các ngài đã can đảm hy sinh mạng sống trong khổ hình vì yêu mến Chúa, trung thành đến cùng.

Mừng các thánh phải chăng là nhắc nhớ một kỷ niệm, tôn vinh lòng can đảm của các ngài? Nếu thế thì cũng không khác gì người đời tưởng niệm những vị anh hùng đã hy sinh cho đất nước.

Chúng ta mừng các thánh không chỉ là nhắc nhớ những người đã chết mà là nhắc đến những người đang sống. Người đời không biết điều đó. Chúng ta tin rằng các ngài đã chết, nhưng hiện nay các ngài vẫn sống trong Chúa. Mối liên hệ của chúng ta với các ngài là một mối liên hệ sống động, thân thương, chứ không chỉ là kỷ niệm.

Khi còn sống ở trần gian, các ngài cũng yếu đuối như chúng ta, cũng mang nặng kiếp người như chúng ta, “vác thập giá mỗi ngày để theo Chúa” như chúng ta, nhưng hôm nay, các ngài đã đạt đến vinh quang thiên quốc đang đứng trước ngai tòa Con Chiên, tay cầm nhành thiên tuế. Các ngài đã liều mất mạng sống vì Chúa.

Nếu chúng ta ở trong tình trạng của các ngài, liệu chúng ta có dám hi sinh tất cả như các ngài không?

Chịu bách hại gần như là thân phận của những người theo Chúa kể cả chúng ta. Đi vào lịch sử của dân Do Thái là dân Chúa, chúng ta thấy rằng dân này đã bước đi giữa những cơn bách hại liên tục. Họ bị bách hại ở Ai Cập và sau này họ vẫn bị bách hại một cách dã man, nhất là trong thời Maccabê mà chúng ta đã nghe tường thuật một ví dụ trong bài đọc sách Maccabê.

Những người theo Chúa cũng bị bách hại. Vua Đavit cũng bị vua Saun bách hại. Các tiên tri đều qua những cơn bách hại dai dẳng. Và sau cùng là Chúa Giêsu bị bách hại ngay khi mới sinh, và suốt đời Ngài luôn bị săn đuổi cho đến khi chết trên thập giá. Ngài chính là vị tử đạo cao cả nhất trong các vị tử đạo, là vị tử đạo thần linh. Và chính Ngài cũng đã nói:“Nếu họ đã ghét Thầy thì họ cũng sẽ ghét anh em”.

Các Tông đồ cũng chịu chung một số phận là trở thành những con chiên bị đem đến lò sát sinh. Và qua nhiều thế kỷ, Giáo hội tiên khởi cũng trải qua  những cơn bách hại đẫm máu. Hiện nay, Giáo hội luôn bị bách hại khắp nơi trên thế giới. Nhiều nơi, những cuộc bách hại trở nên khốc liệt, tinh vi và dã man chưa từng thấy.

Những cuộc bách hại mang nhiều hình thức, lúc công khai, đẫm máu, lúc âm thầm, nham hiểm, nhưng luôn là những cố gắng để tiêu diệt Giáo hội. Chúa Giêsu đã tiên báo điều này và luôn khuyến khích chúng ta bền tâm chịu đựng: “Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính… Hãy vui mừng vì phần thưởng của các ngươi sẽ trọng đại ở trên trời”.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu bách hại, nhưng Ngài luôn bình thản chịu đựng “con chiên hiền lành bị đem đi đến lò sát sinh mà không hở môi. Ngài lại xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Các thánh tử đạo cũng luôn bình thản chấp nhận mọi khổ hình không nao núng, không hận thù, luôn kiên nhẫn và can đảm, nhiều vị còn tỏ ra vui mừng, điều làm cho mọi người phải ngạc nhiên. Họ đi ra pháp trường như đi vào một lễ hội. Tại sao?

Chỉ vì họ chứng tỏ lòng tin và tình yêu của họ đối với Đấng đã yêu thương và đã chết cho họ. Vì họ biết rằng chết đối với họ là một vinh dự, một chiến thắng như Thầy chí thánh đã chiến thắng thế gian bằng cái chết đau thương. Họ biết rằng, đây là một bằng chứng tình yêu mà họ thể hiện trong chính sự yếu hèn của họ. “Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng dám chết cho bạn hữu”. Vì yêu, họ bỏ mình, vác thập giá theo Thầy của họ. Đối với các ngài, tình yêu là chóp đỉnh của cuộc sống. Như thánh Phaolô, không gì có thể làm cho họ nao núng, không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô, dù khổ đau, gươm giáo…” “Tôi luôn vui mừng trong những gian lao khổ cực tôi chịu vì Chúa”.

Ông Tertulianô đã nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống gieo người tín hữu”. Các thánh tử đạo tại Việt Nam chính là mầm giống hôm nay đã sinh hoa kết quả. Giữa mọi khó khăn, người tín hữu vẫn trung thành giữ vững đức tin, vẫn kiên trì sống yêu thương không hận thù, vẫn cố gắng đem đến cho xã hội mình sống “một nền văn minh của tình thương”, như thánh Gioan -Phaolô đã nói.

Hôm nay, chúng ta vẫn luôn đương đầu với những khó khăn để sống đức tin, để trung thành với Chúa. Đó là cuộc tử đạo liên lỉ của chúng ta. Thánh Phaolô đã nói: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người…” Cuộc tử đạo của chúng ta không đổ máu, nhưng cũng không kém cam go. Cuộc tử đạo của chúng ta cũng như các ngài là một cái chết hằng ngày trong tin yêu. “Bỏ mình vác thập giá và theo Ngài”. Tử đạo theo nguyên ngữ Hy Lạp là làm chứng. Đời sống của mỗi người chúng ta phải là một bằng chứng cho sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa giữa thế gian. Người tín hữu, dù ở đâu, mọi thời, mọi lúc phải là bằng chứng cho Chúa của mình bằng một đời sống ngay chính và yêu thương. Các thánh tử đạo đã được vinh dự đổ máu vì Chúa, chúng ta không được vinh dự đó, nhưng cuộc sống chính là môi trường để chúng ta chứng tỏ tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu. Sống tốt trong một thế giới đầy gian ác và thù hận không là một việc dễ dàng. Từ chối tội lỗi, từ chối tất cả những gì làm nhơ nhuốc lương tâm cũng là một điều không mấy người làm được. Đó là cuộc tử đạo của chúng ta hôm nay.

Chúa Giêsu, vị tử đạo thần linh của chúng ta biết chúng ta phải cực khổ như thế nào để trung thành với Ngài. Ngài không bỏ rơi chúng ta trong sự yếu hèn của chúng ta. Ngài vẫn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài đã dùng tấm bánh tình yêu là chính thân thể Ngài để làm của ăn nuôi dưỡng chúng ta trên con đường về quê thật, củng cố niềm tin của chúng ta, giúp chúng ta biết yêu thương một cách vẹn toàn hơn. “Không có Thầy, anh em không thể làm việc gì”. Chúng ta cần được nuôi dưỡng bằng tấm bánh Tình Yêu để sống trong tình yêu, gắn bó với Ngài đến cùng. Hãy ăn lấy Ngài để cho Ngài tiếp nối công trình cứu chuộc của Ngài trong mỗi người chúng ta, cho đến tận thế.

Lm Trầm Phúc