Gợi ý suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật thứ 2 mùa Vọng năm C

Lời Chúa: Lc 3, 1-6

 C_A2Vs.gif

Chúng ta bước sang tuần thứ hai trong thời gian chờ Chúa đến, chờ đợi Chúa đến trong mầu nhiệm Giáng sinh và chờ đợi Chúa đến trong ngày quang lâm. Giáo Hội dạy chúng ta tỉnh thức và sống tốt để đón chờ Chúa.

Hôm nay, Giáo Hội nhắc đến khuôn mặt của vị tiền hô là Gioan Tẩy Giả, mời gọi chúng ta bước vào hoán cải, dọn đường Chúa đến một cách tích cực và khẩn thiết hơn.

Thánh Luca phát họa hoàn cảnh lịch sử của giai đọan nầy một cách khá tỉ mỉ. Đối với Luca, sự xuất hiện của Gioan hay đúng hơn, lịch sử ơn cứu độ chúng ta nằm trong lịch sử của con người, là một biến cố xác thực chứ không là một huyền thoại. Khung cảnh lịch sử nầy chứng minh cho chúng ta thấy Thiên Chúa can thiệp môt cách rõ rệt vào lịch sử con người để mang ơn cúu độ đến cho con người.

Vào thời đó, đế quốc Rôma không còn phồn thịnh như người ta mong đợi. Hoàng đế Tibêriô là một vị vua bất tài không giữ vững thế giá của đế quốc. Phongxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giuđê là một ông quan tàn ác, đã ra lệnh giết những người Do Thái nổi dậy không gớm tay. Các Thượng tế Anna và Caipha chỉ là những bù nhìn, dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của Philatô. Trong bối cảnh suy tàn đó, Gioan Tẩy Giả xuất hiện. Ông là sứ giả của Thiên Chúa loan báo một thế giới mới, sẽ khởi đầu giữa những biến cố của con người. Ông đến do lệnh truyền của Chúa chứ không do ý muốn riêng. Ông được sai đi như các tiên tri xưa và chính Chúa Giêsu đã xác nhận ông còn hơn một tiên tri nữa. Ông đã đến từ sa mạc.

Môsê cũng được Chúa gọi từ sa mạc và được sai đi cứu dân Do thái khỏi bàn tay tàn bạo của vua Ai Cập. Gioan cũng được Chúa gọi từ sa mạc và sai đi kêu gọi mọi người ăn năn sám hối để được ơn tha tội.

Gioan xuất thân từ sa mạc. Và nếu chúng ta nhìn lại trong lịch sử của dân Chúa, thì hình như mọi sự khởi đầu từ trong sa mạc, vì nơi đó, con người gặp gỡ Thiên Chúa trong tĩnh lặng, lắng nghe lời Chúa mà không bị chi phối bởi những tiếng ồn ào nào khác.

Chúng ta muốn lắng nghe lời Chúa, hãy vào trong sa mạc của lòng mình, chú tâm vào lời Chúa thôi. Cuộc sống ồn ào và hấp tấp hôm nay không thuận tiện để chúng ta lắng nghe tiếng nói yêu thương của Chúa. Hãy biến tâm hồn chúng ta thành một sa mạc mênh mông không vết chân người, không ồn ào vì những ước mơ tham vọng mà chỉ mơ ước thân mật với Chúa thôi.

Chúa đã nói qua tiên tri Hôsê: “Ta sẽ quyến rủ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình… Trong ngày đó… Ta sẽ lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh chính trực, trong ân tình và xót thương…”

Những lời ngọt ngào như thế Chúa nói với ai, phải chăng là với những người biết chăm chú lắng nghe? Điều cần thiết là chúng ta biết lắng nghe không?

Gioan đã ở trong sa mạc gần ba mươi năm và hôm nay, sau khi đã lắng nghe tiếng Chúa, đã tích trữ đầy tâm hồn lời cứu độ của Chúa, Chúa sai ông đến với đoàn dân.

Gioan xuất hiện bên bờ sông Giođan… Gần hai trăm năm, từ ngày vị tiên tri cuối cùng là Dacaria bị giết, lời Chúa im bặt. Gioan xuất hiện, kêu gọi mọi người sám hối. Đối với người Do Thái, đây là một biến cố quan trọng. Lời tiên tri đã vắng bóng từ xưa, hôm nay, một vị tiên tri mới xuất hiện chăng? Vì thế mọi người nô nức đến nghe Gioan giảng.

Thánh Luca áp dụng những lời tiên tri Isaia cho Gioan: sứ mệnh của Gioan là làm sống lại những gì tiên tri Isaia đã nói. “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa …” Lời tiên tri Isaia nói đến cuộc trở về của dân Do Thái sau bảy mươi năm lưu đày ở Babilon. Đó là một cuộc trở về trong hân hoan. Thiên Chúa đã dẫn dân Người trở về. Hết rồi, những ngày nô lệ khổ ải. Giờ đây là lúc nhảy mừng tạ ơn.

Mùa Vọng chính là lúc Chúa dẫn dân Chúa trở về. “Hãy dọn đường cho Chúa đến. “Sửa lối cho thẳng… thung lũng hãy lấp cho đầy…” là hình ảnh thơ mộng diễn tả niềm hân hoan của đoàn dân tiến về miền Đất Hứa mà họ đã trông chờ từ lâu.

Những lời đó hôm nay mang một ý nghĩa cao đẹp hơn. Chúa sẽ đến mang ơn cứu độ cho chúng ta. Con đường sa mạc không dễ dàng, nếu không dẹp những chướng ngại. Những chướng ngại vẫn rất nhiều. Cuộc sống và tâm hồn chúng ta còn rất nhiều đồi núi, thung lũng, gai gốc quanh co. Chúng ta có thể kể ra hàng loạt. Nhưng vấn đề không chỉ là thấy được những chướng ngại mà là chúng ta có thật lòng quyết tâm sửa chữa không.

Sửa đổi tâm hồn là một điều không dễ. Cuộc sống chúng ta xem ra bình lặng êm đềm. Chúng ta không cảm thấy cần phải sửa đổi. Cứ để vậy. Đa số chúng ta thích yên phận, ngủ dài trong một nếp sống không có vấn đề. Nhiều người nghĩ rằng tôi không phạm tội gì nặng, cũng không có gì xấu. Tại sao lại phải đặt lại vấn đề? Chúa Giêsu bảo: “Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành”. Chúng ta cảm thấy không cần thiết, chúng ta không cần nên thánh. Đó là chướng ngại lớn nhất trên con đường về Nước Trời. Lương tâm chúng ta ngủ yên trong những tật xấu, những khiếm khuyết đôi khi rất trầm trọng mà chúng ta không hay biết. Chúng ta dễ dàng bằng lòng với thành tích đạo đức của mình.

Hãy tìm về sa mạc của tâm hồn, trực diện với Chúa, chúng ta sẽ ngỡ ngàng thấy mình còn quá nhiều thiếu sót, quá nhiều lầm lỡ mà không hay. Có nhiều người không bao giờ biết xét mình, chỉ qua loa chiếu lệ như một việc không quan trọng.

Hoán cải là một hồng ân cần phải kêu xin. Tự chúng ta không có can đảm để thực hiện. Qua bao nhiêu năm giữ đạo, chúng ta vẫn không thay đổi, chúng ta vẫn không tốt hơn. Tại sao?

Gioan đã đến dọn đường cho Chúa. Hôm nay, Giáo Hội tiếp nối sứ mệnh của Gioan, mời gọi chúng ta vào hoán cải để đón nhận ơn cứu độ, chúng ta có sẵn sàng quyết tâm đi vào con đường hoán cải không?

Hoán cải là đổi mới. Chúng ta sẽ đổi mới những gì? Hãy nhìn thẳng vào Chúa Giêsu, tin tưởng nơi Ngài và nguyện xin. Xin cho chúng ta đủ can đảm và thành thật để nhìn thấy sự thật của lòng mình là con người tội lỗi.

Thành thật nhận mình là người tội lỗi là bước đầu của hoán cải.

Mùa Vọng mời gọi chúng ta dấn thân vào làn sóng hoán cải của Giáo Hội. Chúng ta liên đới với nhau trong nhiệm thể Chúa Kitô. Chúa đến không chỉ cho một nhóm người mà cho mọi người, mọi thời. Thánh Luca luôn nhìn ơn cứu độ với tầm nhìn phổ quát đó, vì thế lời tiên tri Isaia “rồi mọi người phàm sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” cho chúng ta thấy chiều kích vô biên của ơn cứu độ.

Hoán cải là nhìn về chính mình để nhìn về Chúa với niềm tin cậy. Chúa đến đổi mới chúng ta, chuẩn bị cho chúng ta một tương lai huy hoàng. Niềm hy vọng đó là sức mạnh đẩy chúng ta đi tới, “từ bỏ những điều ám muội để mặc lấy Chúa Kitô”. Hoán cải sẽ đem lại bình an và niềm vui. Chúng ta được tha thứ, được nâng đỡ và yêu thương.

Mùa Vọng là thời gian của lòng thương xót. Chúa nhìn đến thân phận tội lỗi chúng ta và ra tay cứu vớt. Chúng ta được đến với Chúa trong niềm vui của đứa con hoang đàng trở về trong tình yêu của cha. Hãy vui mừng vì tình thương Chúa không bờ bến.

Nầy đây, chúng ta chờ đợi Chúa đến, nhưng Chúa đã đến gặp chúng ta trong bí tích Thánh Thể của Ngài. Chúng ta vẫn được quyền ăn lấy Chúa chúng ta, chiếm hữu lấy Ngài để làm của riêng mình. Bàn tiệc Con Chiên vẫn luôn rộng mở cho chúng ta. Và đó là tình yêu thể hiện một cách cụ thể hôm nay, trong dấu hiệu khiêm tốn của một tấm bánh, ngày mai sẽ được thể hiện sung mãn trong Nước Trời, trong tình yêu trọn vẹn. Hôm nay là chờ đợi, nhưng là chờ đợi trong niềm vui. Hãy dọn đường hôm nay bằng cố gắng, ngày mai sẽ hạnh phúc dư tràn.

Lm Trầm Phúc