Gợi ý suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục Sinh năm B

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 3 Phục Sinh năm B

Lời Chúa: Lc 24,35-48

 

Sau khi đồng hành với các môn đệ làng Emmau và cho họ thấy Ngài đã sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ khác. Trong một đoạn ngắn, thánh Luca đưa ra nhiều bằng chứng rất cụ thể về việc Chúa phục sinh. Điều đó cho thấy rằng việc Chúa sống lại không phải là một việc dễ tin. Các môn đệ phải đi từ hoài nghi đến  niềm tin, từ sợ sệt đến vui mừng.

Lời tường thuật của các môn đệ Emmau cũng chưa đủ để họ tin. Chính Chúa Giêsu phải hiện ra với họ, nhưng họ lại tưởng là ma hiện về. Họ khiếp vía. Chúa phải trấn an họ và cho họ xem những dấu vết trên thân thể Ngài. Chúng ta không hiểu được tại sao họ sợ đến thế, vì vào thời bấy giờ người ta rất sợ ma. Đến ngày nay nhiều người vẫn còn sợ ma huống hồ thời bấy giờ.

Chúa phải từ từ cho họ xem tay và cạnh sườn, nhưng họ vẫn còn nghi nan. Chúa phải dùng một cách khác để giúp họ tin vững chắc hơn. Chúa bảo họ sờ vào Ngài: “Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây”. Tuy vậy, họ vẫn còn nửa tin nửa mừng không biết có thật không. Chúa phải dùng một cách khác. Chúa hỏi: “Anh em có gì ăn không”? Họ mang cho Ngài một chút mật ong và cá nướng. Ngài ăn trước mặt họ chứ không cùng ăn. Ngài để cho họ đủ thì giờ kiểm chứng.

Đó là những dấu chỉ bên ngoài, sau đó khi họ đã tin chắc chắn, Ngài mới bắt đầu làm những gì Ngài muốn làm. Ngài chứng minh cho họ thấy sâu hơn. Biến cố Chúa sống lại không phải chỉ là một việc xảy ra trong lúc đó mà thôi, nó là một chương trình đã được tiên báo từ xa xưa. Vì thế Ngài nói: “Tất cả những gì sách Luật Môsê, sách Ngôn Sứ, các thánh vịnh đã chép về Thầy phải được ứng nghiệm”. Cũng như đối với các môn đệ làng Emmau, Ngài giở lại Kinh Thánh và từ từ cho họ hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa là gì và diễn tiến như thế nào. Những trang giấy xưa, những gì họ đã nghe đọc suốt từ lâu, hôm nay sống lại. Các môn đệ Emmau đã ngạc nhiên cảm thấy như nóng sốt lên khi Ngài giải thích Kinh Thánh cho họ. Hôm nay, Ngài làm sống lại những hình ảnh còn đọng lại trong trí óc họ, và giúp họ xác tín về vai trò cứu thế của Ngài.

Chúa Giêsu đã ở lại với họ hôm đó trong một thời gian dài, có thể là một buổi hay suốt ngày đó, thánh Luca không nói rõ, nhưng đủ để họ biết rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”.

Chúa Giêsu giở lại những trang giấy xưa để cho thấy rằng Ngài là trung tâm của mọi sự, là điểm kết cùng của cả một lịch sử, là nền tảng của Đức tin Kitô giáo. Tất cả Cựu Ước đều quy tụ về Ngài. Ngài là Anpha và Ômêga, là đầu tiên và là cuối cùng của mọi sự. Đức tin của chúng ta bắt nguồn từ nơi Ngài và cuộc sống của chúng ta cũng kết thúc nơi Ngài mà thôi. Ngoài Ngài ra, không có gì có thể tồn tại. Ngài đã toàn thắng tội lỗi và sự chết là để chúng ta cũng được sống lại như Ngài và toàn thắng tội lỗi với Ngài. Ngài phải chịu khổ hình và sống lại vinh quang, thì chúng ta cũng phải đi ngang qua cơn thử thách của cuộc sống hôm nay để bước vào sự sống Ngài ban cho chúng ta qua sự phục sinh vinh hiển của Ngài.

Chúa Giêsu sống lại với thân xác của Ngài, thân xác đã được đổi mới, không còn lệ thuộc những định luật thể lý mà hoàn toàn được biến đổi. Chúng ta cũng sẽ sống lại như Ngài, đó là niềm tin vững chắc của chúng ta. Chúng ta sống hôm nay trong thân xác hay chết của chúng ta, nhưng đến lúc chúng ta mang lấy sự bất tử, chúng ta sẽ như Ngài. Ngài cho thấy rằng Ngài là sự sống lại và là sự sống. Chỉ có Ngài là sự sống thật, sự sống không tàn phai theo ngày tháng.

Sự sống vĩnh cửu đó phải được chuyển thông cho mọi người, vì thế Ngài bảo các môn đệ: “Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi mọi người sám hối để được ơn tha tội”. Đó là sứ mệnh được trao. Các tông đồ đã hiểu. Giờ đây, sau khi được nghe Thầy giải thích Kinh Thánh, họ đã biết phải làm gì. Các ngài cũng giở Kinh thánh và đã chứng minh cho mọi người biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, vì không có danh nào dưới gầm trời đã được ban cho nhân loại để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ”.

Bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô trong ngày lễ Ngũ Tuần là một bài mẫu cho thấy ngài đào sâu vào Kinh Thánh để trình bày khuôn mặt của Chúa Giêsu qua Cựu Ước. Sau này, thánh Têphanô, trong cuộc tranh luận với người Do Thái, đã dùng Cựu Ước để chứng minh Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Thánh Phaolô, mặc dù không sống với Chúa như các tông đồ, cũng đi vào con đường đó.

Nguồn cội của Kitô giáo vẫn là một lịch sử dài, bắt đầu dưới cây sồi ở Mambêrê với Abraham, chuyển sang cuộc xuất hành của dân Do Thái, qua các tiên tri. Dân tộc Do Thái vẫn là hình ảnh của Đấng Cứu Độ qua những thăng trầm, nhục nhã máu lệ của một dân tộc, vẽ lên khuôn mặt đau khổ bi thương và sau cùng là vinh quang của Đấng phục sinh vinh hiển.

Đấng phục sinh hôm nay tiếp tục cuộc hành trình cứu độ của mình qua thân thể của Ngài là Giáo hội. Ơn cứu độ vẫn tiếp tục chảy tràn trong Giáo hội hôm nay cho mọi người, vì thế Chúa bảo: “Hãy đi rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội”. Sứ mệnh được trao cho Giáo hội phải được con cái Giáo hội xông pha thi hành. Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn kêu gọi mọi người phải đi ra, không ở trong pháo đài của mình. Đi ra vùng ngoại biên…

Chúng ta đáp ứng thế nào với những lời kêu gọi tha thiết đó? Chúng ta cảm thấy ngại ngùng. Điều đó không lạ gì. Chúng ta đã quen sống đạo cho chính mình, chúng ta quên rằng sứ điệp Tin Mừng không chỉ dừng lại trong nhà thờ, mà phải được loan báo trên mọi mái nhà. Hãy tìm mọi cách trong khả năng của mình thi hành lệnh truyền của Chúa, nếu không, chúng ta sẽ là những người thất bại. Với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo hội đang đi ra, đang dấn thân đi vào thế giới. Đức Giáo Hoàng đã nêu gương khi Ngài xông pha vào con đường của thế giới một cách cương quyết, không sợ hãi, không ngại đương đầu với những thế lực thù nghịch đến nỗi người ta sợ cho tính mạng của Ngài. Chúng ta ngồi chờ cơ hội? Chúng ta ngại nói lên sự tốt lành của Thiên Chúa?

Hơn nữa Chúa Giêsu lại đòi hỏi: “Anh em là chứng nhân về những điều này”. Chúng ta phải là đạo binh chứng nhân chứ không chỉ là những người ngồi đọc kinh ê a mà không dám làm gì. Các thánh Tông đồ đã hiên ngang làm chứng và dám dõng dạc tuyên bố:“Chúng tôi xin làm chứng”, như Phêrô trước dân chúng trong ngày lễ Ngũ Tuần, trước Công nghị Do Thái.

Mỗi thời đại có những hoàn cảnh khác nhau. Thời các thánh Tông đồ không phải là thời của chúng ta, nhưng sứ mệnh vẫn không khác. Chúng ta có nhiều phương tiện hơn các ngài, nhưng bằng chứng cụ thể nhất chính là đời sống của mỗi người chúng ta. Chúng ta phải là chứng nhân sống động trong mọi môi trường. Chúng ta có làm được không?

Những giáo dân đầu tiên đã làm gì? Họ yêu thương nhau, xem mọi người là anh em, đem của cải mình phục vụ anh em đến nỗi giữa họ không có người túng thiếu, nhờ đó số người tin Chúa càng ngày càng đông. Chúng ta đã làm được gì? Hãy cầu xin Thánh Thần ban cho chúng ta tinh thần sáng tạo để chúng ta biết phải làm gì cho danh Cha cả sáng, để chúng ta không còn thụ động đợi chờ cơ hội, mà dấn thân bằng cầu nguyện, bác ái, phục vụ không ngừng.

Chúa Giêsu hôm qua đứng giữa các môn đệ, sai họ đi, hôm nay Chúa Giêsu cũng đến giữa chúng ta, đến trong chúng ta bằng Mình Thánh Ngài, sai chúng ta đi ra, làm chứng cho Ngài. Ngài trở thành nguồn sinh lực không vơi cạn cho mỗi người chúng ta. Ăn lấy Ngài, sống với Ngài liên lỉ, Ngài sẽ chỉ cho chúng ta biết con đường dấn thân hữu hiệu nhất.

Lm Trầm Phúc