Gợi ý suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật 28 thường niên, năm B

G ỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 28 thường niên năm B

Lời Chúa: Mc 10,17-30

B28Vs-loi-chua-chua-nhat-tuan-28

Đây là một câu chuyện bất ngờ, nhưng nhờ dịp nầy, Chúa Giêsu cho chúng ta một bài học hết sức quí báu. Ngài cho chúng ta biết những điều kiện để vào được Nước Thiên Chúa và có được một kho tàng ở trên trời.

Một người thiện chí, một thanh niên, nghe Chúa giảng đã muốn tìm sự sống đời đời, muốn hỏi xem còn điều gì cần thiết nữa. Anh đến với Chúa trong một cử chỉ hết sức khiêm nhường, anh quỳ gối xuống trước mặt Chúa và thưa: “Thưa Thầy nhân lành…” Chúa Giêsu trả lời: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai là nhân lành cả, chỉ có Thiên Chúa mà thôi”.Nhiều người không hiểu tại sao Chúa lại nói như thế.

Chàng thanh niên kia xem Chúa như một vị tôn sư trong dân Do Thái và mong được chỉ giáo. Chúa Giêsu hướng anh đến một vị tôn sư khác, đó là Thiên Chúa. Phải học với Thiên Chúa chứ không thể học với một tôn sư nào. Vì thế, Ngài nhắc lại những giới răn Chúa mà anh đã giữ từ thuở nhỏ.

Anh nầy là một người ngoan đạo, một giáo dân tốt. Thánh Maccô đã ghi lại: “Chúa Giêsu nhìn anh và đem lòng yêu mến”. Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng làm như thế, là những giáo dân tốt, nhưng Chúa muốn chúng ta không chỉ bằng lòng với nếp sống tốt đó mà thôi, Ngài kêu gọi chúng ta bước lên một bậc sống tốt hơn, là theo Chúa trọn vẹn. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng mọi người đều phải nhắm thẳng một con đường duy nhất mà thôi là Chúa Giêsu: “Thầy là đường…”

Chúa Giêsu nhìn chàng thanh niên đầy thiện chí đó và tỏ dấu thương anh, Ngài kêu gọi anh bước vào một con đường tốt hơn để đạt mục tiêu anh đang mơ ước: “Hãy về, bán tất cả những gì anh có, cho kẻ nghèo rồi đến đây theo Ta”.

Thực ra tiếng gọi nầy chỉ dành riêng cho một số người, nhưng mọi người đều phải theo Ngài với những điều kiện đó. Những người như các môn đệ đã bỏ mọi sự theo Thầy, nhưng nhiều người khác phải sống trong gia đình, giữa xã hội vẫn có thể theo Thầy, vì như thánh Phaolô nói: “Họ có như không có, hưởng dùng của cải đời nầy như chẳng hưởng”. Họ không lệ thuộc vào tiền bạc của cải.

Chúa hứa với chàng thanh niên: “Anh sẽ được một kho tàng ở trên trời”. Anh hiểu, nhưng “Anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi”. Chúa cũng hứa với chúng ta như thế đấy, chúng ta có buồn rầu bỏ đi không?

Chúng ta chọn kho tàng dưới đất hay kho tàng trên trời? Nhiều người trong chúng ta cũng như chàng thanh niên đó, giữ đạo từ thuở nhỏ, cũng siêng năng đọc kinh dự lễ, nhưng khi Chúa bảo chúng ta quảng đại hơn, chúng ta rút lui… Thiện chí vẫn có nhưng can đảm không nhiều. Chúng ta không tiến mà lùi. Chúa Giêsu không cần những con người chỉ theo Chúa nửa vời: chỉ bao nhiêu đó thôi. Không, Ngài muốn chúng ta dám liều như Phêrô ngày nào, dám nhảy xuống biển để đến với Thầy. Và chúng ta cũng nhớ điều kiện của Chúa: “Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thập giá…”

Chúng ta nghĩ sao? Những lời đó chỉ là những tiếng nói vu vơ sao? Chàng thanh niên thiện chí kia đã từ chối và thánh Maccô ghi chú: “Vì anh có quá nhiều của cải”.

Chàng thanh niên đi rồi, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta một bài học: “Những người có của thì khó vào Nước Trời biết bao!” Của cải vật chất chính là chướng ngại ngăn cản chúng ta vào Nước Trời.

Của cải là phương tiện để sống, nhưng nó chỉ là một phương tiện nguy hiểm. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà đồng tiền trở thành bá chủ, thay vì là phương tiện, nó trở thành cứu cánh và Chúa Giêsu cũng đồng hóa nó với Mammôn, nghĩa là ma quỉ.

Vấn đề nầy gần như ai trong chúng ta cũng thừa biết, nhưng chúng ta vẫn lao đầu chạy theo tiền bạc vật chất. Chúa cảnh báo rõ ràng, nhưng có mấy người nghe? Chúa cảnh báo ai đây? “Bán đi tất cả, cho người nghèo rồi đến đây theo tôi”. Chúa Giêsu kêu gọi ai?

Đa số chúng ta muốn theo Chúa mà vẫn mang theo tiền bạc kềnh càng. Bắt cá hai tay.“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Con lạc đà nào có thể chui qua lỗ kim? Đó là một cách nói tượng hình rất mạnh, nhưng chúng ta có hiểu không?

Nơi khác Chúa cũng nói:”Không ai có thể làm tôi hai chủ, thờ Thiên Chúa và tiền bạc”. “Ai cầm cày còn ngó lại sau lưng là không xứng đáng với Ta”. Chúa Giêsu dứt khoát rõ ràng. Đó là tính cách quyết liệt của Chúa.

Khi Chúa nói đến sự giàu có, chúng ta chỉ nghĩ đến tiền bạc của cải, nhưng có những của cải khác cũng là chướng ngại cho chúng ta trên con đường đi về hạnh phúc, đó là kiêu căng, tham vọng, tự ái v.v… Chúa hứa một kho tàng trên trời. Kho tàng đó chính là Ngài. Ngoài Chúa, mọi sự chỉ là phù du tạm bợ. Chàng thanh niên kia buồn rầu bỏ đi vì anh không biết kho tàng đó là gì. Đối với anh cũng như đối với nhiều người trong chúng ta, tiền bạc của cải quan trọng hơn.

Mấy người trong chúng ta biết rằng Chúa là kho tàng vô giá, phải bán tất cả để mua cho bằng được? Giữ đạo là gì? Phải chăng là chọn Chúa trên hết mọi sự?

Thánh Phanxicô Assisi, con một đại gia giàu nhất thành Assisi, đã bỏ tất cả để trở thành “người nghèo của Thiên Chúa”. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng là con một đại gia, đã buông tất cả để chôn mình vào bốn bức tường tu viện, chỉ yêu một mình Chúa thôi. Các thánh tử đạo đã bỏ cả mạng sống vì Chúa… Các ngài đã tìm được kho tàng ở trên trời. Biết bao nhiêu người hiện nay vẫn tiếp tục sống cho Chúa và phục vụ mọi người, bước theo Chúa hằng ngày, chỉ vì biết rằng Chúa mới là gia nghiệp thực sự. Còn chúng ta?

Có lẽ chúng ta cũng nói như các môn đệ: “Vậy thì ai có thể được cứu thoát?” Những điều kiện của Chúa khó quá ! Chúa nhìn thẳng vào các môn đệ và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”. Ngài muốn ám chỉ rằng, con người tự sức mình không thể bước theo Ngài mà phải cần đến Ngài thôi. Vì thế, Ngài đã đến trong trần gian, sống kiếp người như chúng ta, sống nghèo hơn chúng ta, chết trần trụi trên thập giá để cho chúng ta thấy, chúng ta cũng có thể đi theo Ngài. Ngài là bài học sống động nhất, thực tế nhất. Ngài đã từng tuyên bố:“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Nơi bàn thờ, Chúa Giêsu đến với chúng ta dưới một hình thức nghèo nàn nhất: một tấm bánh. Sự nghèo nàn bên ngoài đó chứa đựng một sự giàu sang khôn tả đó là tình yêu. Ngài đến trần gian không phải để xây dựng một vương quốc giàu có phồn thịnh, không phải để thống trị hay hưởng thụ, Ngài đến để cho không và cho hết. “Ngài đến để ban mạng sống, để cứu vớt những gì đã hư mất”. Ngài đến để kêu gọi chúng ta sống nếp sống yêu thương như Ngài là yêu thương đến tận cùng. Chúng ta có nghe tiếng kêu trên đỉnh đồi Canvê thống khổ kia không? Đó là tiếng kêu của Con Một Thiên Chúa Tình Yêu.

Hôm nay, Ngài vẫn tiếp tục kêu gọi chúng ta “bỏ mình, vác thập giá theo Ngài” bằng cách bỏ mình, đem thịt máu Ngài nuôi sống chúng ta, giúp chúng ta can đảm bước theo Ngài vào hạnh phúc mà trần gian không thể có.

Hãy đến với Chúa, ăn lấy Ngài, yêu mến Ngài với bàn tay trong sạch, với tâm hồn không vương vấn tiền bạc của cải, chúng ta sẽ có một kho tàng ở trên trời, nơi mối mọt không đục khoét và không ai có thể cướp được.

Lm Trầm Phúc