Gợi ý suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật 23 thường niên, năm B

ỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 23 thường niên năm B

Lời Chúa: Mc 7,31-37

  Các bài suy niệm Chúa Nhật 23 Thường Niên B-loi-chua-suy-niem-au-nguyen

Người khuyết tật bao giờ cũng thiệt thòi về nhiều phương diện. Người câm điếc gần như bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, với cộng đoàn: không nói, không nghe được là một mất mát lớn. Nếu chúng ta không bị khuyết tật, hãy cám ơn Chúa và hãy nhìn thấy hạnh phúc của chúng ta. Hãy sử dụng hồng ân ấy cho Chúa.

Chúa Giêsu đến trong trần gian, đã sống như chúng ta và Ngài đã sử dụng quyền năng của Ngài để cứu vớt chúng ta, mang lại cho chúng ta hạnh phúc mà Ađam đã đánh mất. Khi còn ở trần gian, Ngài đã mang lại cho chúng ta tất cả kho tàng của Ngài, chữa trị nhiều người bệnh tật, làm nhiều dấu lạ để giúp chúng ta khám phá ra hồng ân và tình thương của Chúa Cha.

Maccô đã tường thuật cho chúng ta một phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm ở vùng Thập Tỉnh là vùng đất dân ngoại, cho thấy rằng hồng ân của Chúa không dành riêng cho một số người nào, cho dân Do thái, mà cho mọi người không phân biệt Do Thái hay dân ngoại.

Người khuyết tật nầy không tự mình đến với Chúa, vì anh không nghe biết gì cả, nhưng những người thân, bạn bè hay hàng xóm đã đưa anh tới với Chúa và xin Ngài đặt tay chữa lành cho anh. Tại sao người ta đem anh đến? Vì trước đó, Chúa đã chữa cho con gái của bà góa người Syrô-Phênixi, là một người dân ngoại. Và có lẽ do đó, người ta đã biết Ngài và phép lạ Ngài làm cho con gái bà góa ở thành Tia.

Người ta đem anh câm điếc nầy đến với Chúa. Chi tiết nầy cũng đáng lưu ý.

Chúng ta có mấy khi giúp người anh em chúng ta như thế không? Biết bao người quanh ta đang khốn khổ về vật chất và cả tinh thần, chúng ta có nghĩ rằng chúng ta có thể giúp họ bằng cách gì không?

Bao nhiêu người chưa biết Chúa, chúng ta có cùng nhau giúp đưa họ về với Chúa không? Đây chính là nhiệm vụ của các cộng đoàn Kitô hữu. Chúng ta không thể làm một mình nhưng họp nhau để đem người khác đến với Chúa. Chúng ta là cộng đoàn. Việc tông đồ không phải chỉ là việc của một cá nhân mà là của mọi người hợp nhất với nhau. Những cá nhân lẻ tẻ không làm được việc gì quan trọng trừ phi là một đấng thánh như thánh Gioan-Maria Vianney, cha sở họ Ars.

Chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy Chúa chữa cho người khuyết tật nầy một cách đặc biệt. Tại sao Ngài không phán một lời như trong những trường hợp khác? Ngài có thể chữa bệnh mà không cần đến với bệnh nhân, Ngài có thể chữa từ xa như đã chữa cho con gái bà góa Phênixi hay người đầy tớ của ông quan Rôma.

Thế nhưng ở đây, Ngài kéo người khuyệt tật ra khỏi đám đông, tức là không muốn cho ai chứng kiến. Chỉ một mình Ngài với bệnh nhân. Có thể Chúa muốn cho chúng ta thấy rằng, muốn được Chúa làm gì cho chúng ta, hãy đến với Ngài, chỉ Ngài với chúng ta thôi, trong thầm lặng và riêng tư. Ngài không muốn rầm rộ quảng cáo.

Chúa bôi nước miếng vào lưỡi anh, đặt tay vào lỗ tai, ngước mắt lên trời, Ngài thở dài và nói “Hãy mở ra”. Những hành động như thế có nghĩa gì? Chúng ta không thể hiểu, nhưng chúng ta thấy rằng giữa Ngài với bệnh nhân có một sự tiếp xúc trực tiếp. Ngài muốn chúng ta tiếp xúc trực tiếp với Ngài.

Ai trong chúng ta ít nhiều cũng bị câm điếc trong tâm hồn. Bên ngoài, chúng ta không bị khuyết tật, tâm hồn chúng ta câm điếc mà không hay.

Câm: chúng ta không mở miệng nói về Chúa và nếu có nói thì cũng chẳng ai hiểu gì.

Điếc: chúng ta không nghe tiếng Chúa nói với chúng ta. Chúng ta không muốn nghe lời Chúa và cũng không dám tin.

Hãy nhìn lại xem, chúng ta có thực sự muốn nghe lời Chúa không? Quyển sách Tin Mừng chúng ta có thường cầm lấy không? Hằng ngày chúng ta đọc báo, tìm đủ thứ tin tức và những điều phù phiếm, chúng ta có tìm tin tức Nước Trời không?

Các thánh xem quyển Tin Mừng như của ăn hằng ngày, đọc đi đọc lại, sung sướng vui mừng vì được nghe tiếng Chúa nói. Còn chúng ta? Chúng ta giống nhu dân Do Thái xưa, có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe như tiên tri Isaia đã nói.

Thân xác chúng ta cần lương thực, linh hồn chúng ta cũng cần lương thực là Lời Chúa:“Con người sống không chỉ nhờ cơm bánh mà bằng lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”.Có ăn lấy Lời Chúa, linh hồn chúng ta mới đủ sức hoạt động và cuộc sống chúng ta mới sinh hoa trái.

Khi nào chúng ta thấy đói Lời Chúa, sức khỏe tâm hồn chúng ta mới được bảo đảm. Nhiều linh hồn suy dinh dưỡng mà không hay.

Lời Chúa là một của ăn cần thiết, nhưng nhiều người không thích. Làm sao có thể yêu mến Lời Chúa? Đó là vấn đề sống còn của chúng ta và của Giáo Hội.

Say mê Lời Chúa, tự nuôi mình bằng Lời Hằng Sống, chúng ta mới có thể nói được, nếu không chúng ta dễ bị câm. Và thực sự như thế, nhiều tâm hồn đã bị câm, và Lời Chúa không được công bố trên mái nhà, vì họ không ăn lấy của ăn là Lời Hằng Sống.

Hãy đến với Chúa để được chữa lành. Đến với Chúa không phải là một việc khó khăn lao nhọc. Khi chúng ta lâm bệnh nặng, chúng ta phải đến bệnh viện và phải khổ cực rất nhiều để được chữa lành. Nơi đây, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải cực khổ như thế, Ngài ở kề cận chúng ta. Ngài đến với chúng ta và Giáo Hội luôn dọn sẵn Lời Chúa và Mình Chúa cho chúng ta, mời gọi chúng ta đến dự tiệc Con Chiên. Ngài không chỉ sờ vào lỗ tai, vào miệng lưỡi chúng ta, Ngài làm hơn thế nữa. Ngài cho chúng ta ăn lấy Ngài. Ngài chẳng những chữa lành bệnh tật chúng ta, Ngài biến chúng ta thành chính bản thân Ngài. Thánh Phaolô đã kinh nghiệm điều nầy rất rõ, Ngài dám nói: “Sống đối với tôi là Giêsu Kitô”.

Dó là hồng ân và vinh dự Chúa ban tặng, sao chúng ta không tận hưởng? Ngài đến gõ cửa tâm hồn chúng ta liên tục, sao chúng ta không mở cửa đón tiếp Ngài?

Lm Trầm Phúc