Gợi ý suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật 18 thường niên, năm B

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 18 thường niên, năm B

Lời Chúa: Ga 6,24-35

 

CN18TNB -Gợi ý suy niệm Lời Chúa - Chúa nhật 18 thường niên, năm B 

Con người là một hữu thể luôn đói khát. Thánh Âutinh nói: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo nên chúng con cho Chúa, vì thế tâm hồn chúng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Đói cơm bánh và đói hạnh phúc và đói cả tình yêu.

Cơn đói vật chất vẫn là nỗi khốn cùng của nhiều người hiện nay trên thế giới. Nhưng cơn đói hạnh phúc là nỗi khổ của mọi người không trừ ai. Cơn đói hạnh phúc cồn cào đến nỗi con người hôm nay dùng hết mọi khả năng và phương tiện để thỏa mãn. Người ta  tạo ra đủ mọi thứ trò giải trí tiêu khiển, đủ mọi cách để hưởng thụ, mong rằng sẽ được thỏa mãn, nhưng hình như càng tìm kiếm càng thất vọng. Một tác giả nào đó đã nói: “Con người luôn thất vọng”. Mọi cố gắng để tìm hạnh phúc đều thất bại. Những trò chơi, những thú tiêu khiển chỉ làm họ khao khát hơn vì không có gì có thể thỏa mãn con người.

Chúa Giêsu, hơn ai hết đã biết rõ cơn đói của con người. Ngài đến trong trần gian là để mang lại cho con người điều mà họ không thể tìm được. Chỉ có Ngài mới làm no thỏa con người.

Ngài cho năm ngàn người ăn no trong sa mạc. Dân chúng chạy tìm Ngài. Lúc nầy Chúa mới cho họ thấy rằng, dù ăn no họ vẫn còn đói. Bánh vật chất chỉ thỏa mãn một lúc nào, vẫn không là chính yếu vì “con người không chỉ sống bằng cơm bánh”. Cần tìm một thứ bánh không hư nát mà có thể mang lại sự sống trường sinh.

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với dân chúng cho chúng ta thấy Chúa đưa tầm nhìn của dân chúng, từ những thực tại vật chất đến những thực tại siêu nhiên. Đó là phương pháp Chúa dùng để giúp con người thấy được điều mà con mắt trần tục không thể thấy. Vì con người luôn xem vật chất là chính yếu và không thấy được những nhu cầu tâm linh.

Với người phụ nữ Samari, Chúa đã dùng hình ảnh của dòng nước vật chất để dần dần hướng dẫn chị đến thứ nước Trường Sinh. Ở đây cũng thế, Chúa dùng những tấm bánh vật chất để giúp họ khám phá ra một thứ bánh mang lại sự sống thường tồn.

Dân chúng nghe nói đến bánh thường tồn mang lại sự sống. Họ bắt đầu hiểu nhưng chưa rõ. Họ thắc mắc: “Phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”

Chúa đang chờ đợi câu hỏi nầy. Họ bắt đầu hiểu được cái gì còn bí ẩn chưa rõ rệt. Nhưng họ cũng còn nghi vấn có nên tin ông nầy không? Họ so sánh Chúa với ông Môsê: “Vậy ông làm gì hơn ông Môsê đã cho tổ tiên ăn bánh bởi trời”. Đây chính là lúc Chúa cho họ thấy rằng “Cha tôi là Đấng đã cho tổ tiên ăn Manna chứ không phải ông Môsê”. Đây chính là dịp để Chúa mạc khải cho họ biết khuôn mặt thật của Ngài. Nhưng vì quá chú trọng đến bánh, họ nghe mà không hiểu. Không ai dám nói câu nói động trời như thế. Sau nầy, trong một cuộc tranh luận, người Do thái đã lấy đá định ném Ngài vì họ nói Ngài phạm thượng khi gọi Thiên Chúa là Cha của mình.

Mạc khải thứ hai cũng quan trọng khi Ngài nói rõ: “Chính tôi là Bánh Trường sinh, Bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Làm sao dân chúng có thể hiểu được những lời tuyên bố lạ lùng như thế ? Vì thế họ nói: “Xin cho chúng tôi ăn mãi thứ bánh đó”.

Con người vật chất là như thế. Họ chỉ mong no bụng, chỉ trông chờ vào may mắn. Ngài biết rõ những gì trong con người, những nhu cầu, những tham lam của họ. Ngài nhẫn nại tôn trọng sức nặng của vật chất đang đè nặng trên họ. Ngài cho họ ăn no trước khi hướng  họ về thứ bánh trường sinh mà Ngài sẽ ban cho toàn thể nhân loại cho đến tận thế. Ngài không đốt giai đoạn. Ngài giúp họ từng bước vươn lên đến đỉnh cao Ngài muốn.

Cuối cùng Ngài tuyên bố một cách rõ ràng: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói. Ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”.

Không có gì rõ rệt hơn. Ngài tỏ bày cho họ thấy khuôn mặt thật của Ngài là Con của Cha trên trời và là Bánh trường sinh. Ngài cũng nhắc lại chữ tin. Ở trên, Ngài bảo họ phải tin vào Đấng Chúa Cha sai đến, ở đây Ngài nói rõ không úp mở: “Ai tin vào tôi”.

Chỉ có Ngài thôi.Phải tin vào Ngài. Nhưng tin là gì? Ngài xem đó là một công việc: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm là tin vào Đấng Người đã sai đến”. Tin là một công việc quan trọng hơn mọi công việc khác.

Tin là một công việc và là một công việc quan trọng. Tin vào một người khác, vào Đấng Chúa Cha sai đến, tức là chuyển hướng tư tưởng và hành động chúng ta theo một chiều hướng khác, theo chiều hướng của Thiên Chúa. Tin chính là nhường chỗ cho Đấng Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.

Chúng ta hãy xem lại niềm tin của chúng ta. Chúng ta nói tin, nhưng có đúng như thế không? Chúng ta có cảm thấy rằng tôi không còn là trung tâm của mọi sự nữa mà chính Chúa Kitô mới là trung tâm của mọi hoạt động của chúng ta không ? Thánh Phaolô đã kinh nghiệm điều đó. Ngài cảm thấy Chúa Kitô chính là nội dung của cuộc sống : “Tôi  sống, nhưng không phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúng ta tưởng rằng đó là một lý tưởng xa vời chỉ có các đấng thánh mới có thể có những kinh nghiệm như thế. Không, đó là thực tại tự nhiên của kitô hữu. Mỗi kitô hữu phải sống làm một với Chúa như thế. “Sống đối với tôi là Chúa Giêsu Kitô”. Tin là mất hút trong Chúa, là chìm sâu trong Chúa. Nhưng chúng ta sẽ được bù lại bằng một hồng ân cao quí hơn, đó là Chúa Kitô sẽ sống trong ta vì Ngài muốn trở thành bánh cho chúng ta ăn: “Chính tôi là bánh trường sinh”. Và như thế, đức tin sẽ trở thành tình yêu. Yêu nhau là sống cho nhau, là nên một với nhau. Có cách nào nên một tuyệt diệu hơn khi Chúa cho chúng ta ăn lấy Chúa? Đây chính là khuôn mặt đáng yêu của Chúa chúng ta. Ngài chính là Tình Yêu. Tất cả đều nằm trong mấy từ đó.

Vì thế, giữ đạo không là một gánh nặng buồn chán mà là hạnh phúc triền miên. Đó là hạnh phúc của những kẻ tin. Các thánh đã tin, vì thế xuyên qua mọi đau khổ thử thách, các ngài vẫn thanh thản yên vui, vì các ngài biết đã tin vào ai. Tại sao chúng ta không cảm thấy hạnh phúc vì đã tin vào Chúa ? Chỉ vì chúng ta chỉ tin hời hợt.

Tôn thờ là một hôn ước. Trong Kinh Thánh, Chúa đã dùng hình ảnh của tình yêu để diễn tả mối liên hệ giữa Chúa và dân Chúa. Nơi các tiên tri chúng ta đọc thấy những lời hẹn ước đầy yêu thương của Chúa: “Từ muôn thuở Ta đã thương ngươi, “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta đã dành cho ngươi lòng xót thương”, “Vì mỗi lần nhắc tới nó, Ta lại thấy nhớ thương nên lòng Ta bồi hồi thổn thức. Ta thương nó, thương nó thật nhiều”.

Tình yêu Chúa đối với chúng ta được thể hiện qua một tấm bánh từ trời ban xuống là chính Ngài: “Chính tôi là bánh trường sinh”. Chúng ta có tin như thế không? “Ai đến với tôi không hề phải đói. Ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”. Ngài là tất cả, vì Ngài là Con Thiên Chúa đến để ban cho chúng ta của ăn trường sinh. Đến với Ngài, tin vào Ngài, ăn lấy Ngài, chúng ta mới no đầy. Chúng ta vẫn thường ăn lấy Ngài, nhưng sao chúng ta vẫn chưa no đầy? Phải chăng vì chúng ta chỉ ăn mà không sống với Ngài? Phải chăng chúng ta chỉ biết làm theo một thủ tục? Những lần chúng ta ăn lấy Chúa, chúng ta có cảm thấy tình thương của Ngài tràn ngập chúng ta không? Và chúng ta có sống thực sự với Ngài không? Chúng ta có thực sự yêu Ngài như Ngài đã yêu chúng ta không? Bằng chứng của tình yêu chúng ta là gì? Là cho đi không tính toán? Là phục vụ khiêm tốn hằng ngày cho mọi người quanh ta? Ngài trở thành bánh cho chúng ta, chúng ta có thành bánh cho mọi người anh em không? Chúng ta chỉ yêu Ngài khi chúng ta dám sống yêu thương thực sự vì mãi mãi Chúa là Yêu Thương.

Lm Trầm Phúc