Gợi ý suy niệm Lời Chúa: Chúa Giêsu chịu phép rửa

Lời Chúa: Mc 1,7-11

 

Gioan Tẩy Giả xuất hiện và giới thiệu: “Có Đấng quyền năng hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dép cho Ngài”. Và Đấng ấy đã đến với Gioan ở sông Giođan. Sao lại là sông Giođan? Vì nơi đó Gioan đang giảng và kêu gọi dân ăn năn thống hối và chịu phép rửa. Phép rửa chứ không là phép rửa tội, đừng nhầm. Gioan cũng nói rõ : “Tôi thì đã làm phép rửa cho anh em bằng nước”. Phép rửa của người Do thái là một dấu hiệu chứng tỏ họ thuộc về con cháu Abraham. Những người ngoại theo đạo Do Thái phải được thanh tẩy để thuộc về dân thánh của Thiên Chúa. Muốn chịu phép rửa, phải xưng thú tội lỗi và quyết tâm sống theo Luật Chúa.

Chúa Giêsu đến sông Giođan mang một ý nghĩa quan trọng đối với người Do thái, là con sông lịch sử.

Sau một cuộc du hành dài bốn mươi năm, dưới sự lãnh đạo của ông Môsê và sau cùng dưới sự lãnh đạo của ông Giosuê, dân Do Thái băng qua sông Giođan để chiếm lại Đất Hứa. Đó là một biến cố vĩ đại. Biến cố đó đã ghi vào lịch sử của dân Do thái một kỷ niệm không phai. Vượt qua sông Giođan để vào Đất Hứa nhắc cho họ nhớ cuộc vượt qua Biển Đỏ năm xưa. Vượt qua Biển Đỏ là thoát ách nô lệ Ai Cập, vượt qua sông Giođan là chiếm được phần gia nghiệp, là bước vào lãnh vực của Thiên Chúa.

Gioan Tẩy giả xuất hiện bên bờ con sông lịch sử đó, kêu gọi mọi người chuẩn bị một cuộc vượt qua mới, trở về Đất Hứa mới. Chúa Giêsu cũng xuất hiện bên bờ con sông lịch sử đó, và chính Ngài lại chịu phép rửa của Gioan ở nơi đó. Làm như con sông Giođan là khởi điểm cho một cuộc sống mới. Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai của Ngài bằng việc chịu phép rửa của Gioan. Ngài muốn chứng tỏ rằng Nước Trời phải đi qua ngưỡng cửa của sám hối: “Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần kề”.

Gioan công nhận ông chỉ rửa trong nước, nhưng khi Chúa Giêsu xuống dòng sông chịuphép rửa trong nước đó, thì Thánh Thần ngự xuống trên Ngài. Ngài bước xuống dòng sông không phải để được thanh tẩy mà để mời gọi mọi người bước xuống dòng sông và được thanh tẩy, để vượt qua sự chết mà vào cõi sống. Gioan giới thiệu Ngài như một Đấng quyền năng, cao cả đến nỗi ông không đáng cúi xuống cởi dép cho Ngài”. Nhưng lạ thay, Ngài lại đến với Gioan và chịu phép rửa.

Ngài chịu phép rửa trong nước, nhưng Ngài sẽ rửa chúng ta trong Thánh Thần. Ngài vừa lên khỏi nước thì trời xé ra và Thánh thần như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài.Lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu chứng thực rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Thánh Thần đến để tấn phong Chúa Giêsu làm Đấng cứu độ được sai đến để cứu vớt nhân loại đang nằm trong bóng tối sự chết. Từ khi Ađam phạm tội, mối liên hệ yêu thương giữa Thiên Chúa và nhân loại đã bị cắt đứt. Hôm nay được nối kết lại, trời xé ravà Thiên Chúa đối thoại với con người qua Người Con yêu dấu.

Có tiếng Chúa Cha từ trời phán: “Con là  Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện nơi dòng sông thanh tẩy và Chúa Cha xác nhận Con Một mà Người ban cho trần gian, Chúa Thánh Thần tấn phong Chúa Giêsu làm Đấng cứu độ. Từ nay mọi quyền hành trên trời dưới đất đều được ban cho Ngài.Ngàiđầy ân sủng và sự thật. Nơi Ngài, chúng ta nhận được ơn nầy đến ơn khác từ sự sung mãn của Ngài. Nơi Ngài chúng ta sẽ được rửa trong Thánh Thần, được nhìn nhận: “Nầy là con Ta yêu dấu” và Thánh Thần sẽ giúp chúng ta gọi tiếng Abba, lạy Cha trong ân tình.

Người Con Một là nguồn mọi ơn lành. Trong Ngài chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, được trở nên con yêu dấu của Chúa Cha. Nhưng muốn được như thế phải đi qua ngưỡng cửa của phép rửa trong Thánh Thần, phải làm như tiên tri Isaia đã nói:“Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp… Kẻ gian ác là chúng ta, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa… vì Người sẽ rộng lòng thứ tha”.

Người Con Một được ban cho chúng ta, là hồng ân không bao giờ vơi cạn. Chúng ta thuộc về Ngài, là “đoàn chiên Chúa chăn nuôi”. Chiên thì nghe tiếng của chủ chăn. Chúng ta có nghe không ? Nghe nhưng không làm. Nếu chúng ta nghe tiếng Chúa, sống theo gương mẫu của Ngài thì nhiều người đã biết Chúa, Giáo Hội đã được phong phú hơn rồi. Nếu chúng ta thực sự yêu mến Chúa thì chúng ta đã chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa như Thánh Phaolô đã nói.

Hãy nhìn vào tâm hồn mình để thấy rõ hơn, chúng ta có sống cho Chúa thật không? Nhiều người chỉ giữ đạo ngoài da, nghĩa là giữ những nghi thức mà không có tâm hồn. Pharisêu là như thế đó. Chúng ta được rửa trong Thánh thần chứ không rửa trong nước. Thánh Thần là Tình Yêu. Ngài nhóm lên ngọn lửa tình yêu và giúp chúng ta sống trong tình yêu, sống làm một với Chúa Giêsu như Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúng ta chịu phép rửa tội là đã được sáp nhập vào Chúa Kitô, làm một với Ngài, chết với Ngài và sống lại với Ngài. Đó không phải chỉ là một cách nói, mà phải được thực hiện trong cuộc sống hôm nay của mỗi Kitô hữu. Nếu chúng ta chưa đạt đến mức độ đó, chúng ta cần cố gắng hằng ngày để thực hiện.

Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta được làm con của Chúa Cha, nhưng chúng ta có thực sự là con của Chúa không? Chúa Cha có thể nhìn chúng ta và nói: “Đây là con Ta yêu dấu Ta hài lòng về con không?”

Chúng ta có biết hạnh phúc được làm con Chúa không? Chúng ta đều biết nhưng sống làm con Chúa giữa trần gian nầy là một điều không mấy người đã sống. Những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta đều vô ích sao? Chúng ta được yêu thương quá nhiều nhưng chúng ta đã bỏ quên hay không chú ý. Chúa không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Chúa, Chúa chỉ muốn chúng ta hạnh phúc. Và hạnh phúc của chúng ta không chỉ là có được nhiều tiền của, nhiều danh vọng mà là sống trong tình thương của Ngài. Ngài đã làm tất cả, chúng ta chỉ cần một chút cố gắng. Chúng ta đã làm gì để đáp lại tình thương trời biển của Ngài?

Ngài luôn đến với chúng ta, luôn gần gũi thân cận, thân cận đến nỗi làm một với chúng ta nhờ một tấm bánh. Ngài chứng tỏ tình yêu của Ngài bằng một dấu hiệu hữu hình, một dấu hiệu đáng yêu. Ngài vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta ăn lấy Ngài để thực hiện điều mà thánh Phaolô đã kinh nghiệm là tôi sống, nhưng không còn là tôi mà là Giêsu sống trong tôi. Có tình yêu nào trọn vẹn như thế không? Tại sao chúng ta không hạnh phúc, không nhảy mừng? Chỉ vì chúng ta kém tin. Xin cho niềm tin chúng ta đủ mạnh để nếm hưởng tình yêu của Ngài trọn vẹn hơn.

Lm Trầm Phúc