Giáo hội Ấn Độ xúc tiến chương trình phong thánh cho nữ tu bị sát hại

Phần mộ của nữ tu Dòng Franciscan Clarist bị sát hại 21 năm trước được khai quật như là một phần trong tiến trình phong thánh
Các Giám mục và các nữ tu đứng bên ngôi mộ mới của nữ tu Rani Maria Vattalil, người bị sát hại cách đây 21 năm vì ủng hộ việc chống lại những người cho vay tiền Tiến trình phong chân phước cho Sơ đang tiến triển Ảnh ucanews com
Các Giám mục và các nữ tu đứng bên ngôi mộ mới của nữ tu Rani Maria Vattalil, người bị sát hại cách đây 21 năm vì ủng hộ việc chống lại những người cho vay tiền Tiến trình phong chân phước cho Sơ đang tiến triển Ảnh ucanews com

Ngôi mộ của vị nữ tu bị sát hại 21 năm trước được khai quật như là một phần của tiến trình dẫn đến việc phong thánh cho ngài.

Nữ tu Dòng Franciscan Clarist được biết đến rộng rãi với tên Sơ Rani, đã bị đâm chết trên xe buýt hôm 25 tháng 3 năm 1995. Kẻ được thuê đã đâm sơ ít nhất 50 lần. Công việc của Sơ với những người nghèo không có đất đai đã làm các chủ đất, những người không muốn dân bản địa trở nên cứng cỏi, nổi giận

Sơ Rani 41 tuổi, làm việc ở Udainagar, một làng trong Giáo phận Indore. Sơ thường di chuyển đến Indore và về nhà ở Kerala, bang phía nam Ấn Độ. Indore là thủ phủ thương mại của bang Madhya Pradesh.

Sơ Rani Maria Vattalil được chôn bên ngoài Nhà thờ Sacred Heart ở Udainagar, nơi Sơ từng làm việc. Hiện nay, mộ Sơ đã được khai quật như là một phần của tiến trình phong thánh và được chuyển vào bên trong ngôi Thánh đường với mộ bia mới.

“Mộ của Sơ Rani Maria Vattalil đã được khai quật và những gì còn lại của Sơ được chuyển vào bên trong nhà thờ hôm 18 tháng 11 là một phần tiến trình phong chân phước cho Sơ”, Đức Giám mục Chacko Thottumarikal của Indore nói.

Trong quá trình đề cử một người, Tòa Thánh sẽ xác minh mộ phần của người được tiến cử để chắc chắn người đó được chôn ở một nơi được tôn kính. Theo truyền thống, người Công giáo cũng mở mộ phần để xem thân xác người đó có bị hư hỏng.

Hàng trăm người đã kéo đến ngôi mộ mới của Sơ để xin ơn. Một vài người, trong đó có cả người không theo Kitô giáo, cũng công nhận Sơ là một người thánh thiện có đời sống hy sinh, Đức Giám mục nói.

Đức Giám mục Thottumarikal nói người dân ở đây yêu cầu liệt Sơ vào hàng các thánh tử vì đạo, nhưng “quyết định là ở Tòa Thánh”, ngài nói.

Sơ Rani bắt đầu làm việc trong sứ vụ ở miền bắc Ấn Độ vào năm 1975, Sơ đến Udainagar vào năm 1992, nơi Sơ chống lại những người cho vay tiền, bóc lột người dân bản địa.

Các chủ đất và những người cho vay tiền thuê Samunder Singh sát hại Sơ. Anh ta bị bắt sau đó bị kết án 12 năm tù ở.

Anh ta ăn năn lúc ở trong tù và nói muốn gặp gia đình của Sơ. Chị của Sơ Rani cũng là nữ tu thắt miếng vải gọi là rakhi (tượng trưng cho tình anh em) lên Singh và chấp nhận anh là thành viên gia đình.

Tiếp theo, Đức Giám mục George Anathil của Indore khởi sự án phong thánh cho Sơ Rani vào năm 2001 bằng cách thiết lập hai ủy ban về thần học và lịch sử để xem xét đời sống của Sơ. Hai ủy ban này đưa những chứng cứ thu thập được về Sơ lên tòa giám định gồm ba thành viên của giáo phận được Đức Giám mục Anathil thành lập vào tháng 6 năm 2005 để tiếp tục tiến trình phong thánh.

Ủy ban về thần học kiểm chứng lại tất cả các tài liệu Sơ Rani viết đã xuất bản và cho biết tất cả không đi ngược giáo huấn của Giáo hội. Ủy ban về lịch sử xem xét các tài liệu do sơ viết chưa được xuất bản và các sự kiện liên quan đến Sơ, xác định lại lần nữa việc Sơ kiên định với giáo huấn của Giáo hội.

Sơ được tuyên bố là Tôi tớ Chúa vào năm 2005.

Người được tiến cử chức thánh sẽ được tuyên bố là Tôi tớ Chúa sau khi giáo phận thẩm định các vấn đề liên quan đến cuộc sống hy sinh và đức hạnh Kitô giáo. Bộ Phong thánh của Tòa Thánh sau đó đánh giá các thông tin và có thể đề nghị Đức Giáo hoàng tuyên bố người được tiến cử “đáng kính trọng”.

Bước kế tiếp là chân phước, một phép lạ của người được tiến cử phải được minh chứng trừ khi người được tiến cử được công bố là tử vì đạo. Chức thánh đòi hỏi một phép lạ nữa với điều kiện tương tự.

Chức thánh cho Sơ sẽ là ơn huệ lớn lao cho Giáo hội trong vùng, nơi các Kitô hữu vẫn phải đối mặt với bạo lực từ những người cuồng tín, lãnh đạo Kitô giáo nói.

Đảng Bharatiya Janata ủng hộ Ấn giáo đang cầm quyền ở bang và đã có những vụ tấn công vào các Kitô hữu của các nhóm Ấn giáo cuồng tín, Silvestor Gangle, tổng thư ký bang của Diễn đàn Kitô hữu Quốc gia nói.

Ngoài những vụ tấn công vào các mục sư, Kitô hữu đã ghi nhận một vài trường hợp cảnh sát thay đổi hồ sơ để chống lại họ, Gangle nói thêm.

Bang Madhya Pradesh có luật nghiêm cấm ép người khác chuyển đổi tín ngưỡng và sẽ là tội hình sự cho những ai dùng vũ lực, dụ dỗ hay lừa dối người khác về việc này. Chuyển đổi tôn giáo mà không thông báo cho chính quyền cũng sẽ bị phạt, theo qui định của luật.

Kitô hữu chiếm 0,3 phần trăm trong 73 triệu người ở bang Madhya Pradesh hầu hết là người theo Ấn giáo.

Saji Thomas từ Bhopal, Ấn Độ

Nguồn tin: UCAN