Đức Giêsu được tôn vinh qua sự chết

Từ đáy lòng, chúng ta có thường tự hỏi mình: “Tôi có muốn gặp Chúa” như mấy người Hy Lạp lên Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Chúa trong dịp lễ Vượt Qua không? Tại sao họ muốn gặp Chúa Giê-su? Có lẽ họ đã biết Ngài là ai!
 
Chúng ta không biết Phi-líp-phê và An-rê nói gì với Chúa Giê-su, nhưng ngay lập tức Chúa tuyên bố: “Đã đến giờ Con người được tôn vinh”. Chúng ta đã biết Chúa Giê-su được tôn vinh cách nào. Chính trên thập giá mà nơi đó Ngài đã chết để được tôn vinh. Từ đó, thập giá trở thành khí cụ của ơn cứu độ, cho dù nó là nhục hình của quyền lực thế gian. Thiên Chúa Cha đã biến thập giá thành ngai vinh quang của Chúa Con. Thập giá là nguồn tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Khi ngắm nhìn Đấng bị đóng đinh, chúng ta khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thế gian. Ngài đã ban chính Con Một của mình, bị quyền lực trần gian hành hạ và giết chết, để ai tin vào Người Con đó không bị hư mất, nhưng được sống đời đời.
 
Chúa Giê-su còn nói: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống mà không chết đi, nó trơ trọi một mình; nhưng khi nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều hoa trái”. Lời đó ám chỉ cách chính xác sự chết vinh quang và sinh hoa trái của ơn cứu độ mà Ngài sắp trải qua. Quả vậy, qui luật vũ trụ, con người và thiên nhiên biến đổi không ngừng. Con người phải chết. Không ai muốn sống trong bệnh tật, tuổi già và cô đơn không người thân. Chết là qui luật tất yếu.
 
Chúa Giê-su nói về sự trái ngược của sự sống: “Ai yêu sự sống mình thì mất; ai bỏ mạng sống trần gian thì sẽ có sự sống đời đời”. Cần phải làm gì để được sự sống đời đời đó? Phải phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, phải theo Chúa bằng đức tin và bằng những việc làm của đức tin. Phần thưởng của phục vụ, phần thưởng của thực thi đức tin, là Thiên đàng. Nơi nào Chúa ở thì người phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân cũng ở đó, và Chúa Cha sẽ tôn vinh người ấy.
 
Thế rồi, thánh Gio-an ghi lại lời cầu nguyện của Chúa Giê-su khi tâm hồn Ngài đầy bối rối và âu lo. Thật vậy, trước cái chết, tất cả mọi người đều đặt câu hỏi: sau sự sống này, sự sống đời sau sẽ thế nào: xét xử chăng? Kết án chăng? Phần thưởng chăng? vv. Đừng lo, Chúa sẽ cứu nếu chúng ta có đức tin và sống đức tin ấy. Chúa Giê-su bắt đầu cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”. Chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này! Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha!” Chúa Cha không bỏ rơi Chúa Con. Đau khổ, thập giá, sự chết không phải là những dấu chỉ của bỏ rơi, đó là lúc biến đổi của sự sống. Sự biến đổi đôi khi phải trải qua cảm giác bỏ rơi, nhưng Thiên Chúa biết mọi sự. Từ trời cao, có tiếng vọng xuống và thánh Gio-an làm chứng: “Ta đã vinh danh Con và còn vinh danh Con nữa”.
 
Đức Ki-tô Giê-su được vinh danh vì tất cả chúng ta. Giờ chết của Ngài là giờ vinh danh Ngài. Thánh Phao-lô nói với chúng ta rằng ngôn ngữ của thập giá là sức mạnh của Thiên Chúa cho những ai được cứu. Với chúng ta, Đức Ki-tô bị đóng đinh là sự vấp phạm của người Do thái và là sự điên rồ với dân ngoại, nhưng với những ai được kêu gọi, Do thái và Hy lạp, đó là Đức Ki-tô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 1, 18-25). Từ mặt đất, Ngài được đưa lên và được tôn vinh trên thập giá, ở đó sự Chết của Ngài là sự xét xử với ai chấp nhận hay từ chối tin vào Thiên Chúa. Đức Ki-tô là ánh sáng lôi kéo hết mọi người về với Ngài.
 
Xin cho cái Chết của Chúa trên thập giá biến đổi chúng con và cứu độ chúng con. Amen.
 
Lm. Vinh Sơn – See more at: http://gpbuichu.org/news/Suy-niem-mua-chay/Duc-Giesu-duoc-ton-vinh-qua-su-chet-715.html#sthash.DQQJLY1J.dpuf