Đức công bằng của Thiên Chúa và hình phạt hỏa ngục

VẤN ĐỀ 14 : Nói rằng Thiên Chúa là Đấng công bằng và nhân từ vô cùng. Vậy tại sao Ngài lại nhẫn tâm phạt những người chỉ phạm một tội trọng trong giây lát, phải chịu hình khổ hỏa ngục đến muôn đời ?

 

  Đức công bằng của Thiên Chúa và hình phạt hỏa ngục-rich-man-lazarus

 

GIẢI ĐÁP :

 

 

A. TRÌNH BÀY:

 

1. HỎA NGỤC LÀ MỘT THỰC TẠI CHẮC CHẮN :

 

Giáo hội không bày ra hỏa ngục để dọa những người dễ tin, làm cho họ sợ hãi mà sống ngay lành như có người lầm tưởng. Quả thực Hỏa ngục là một thực tại  mà chính Đức Giê-su và các Tông đồ đã nhiều lần nhắc đến:

 

1) Đức Giê-su nói về hỏa ngục như sau:  “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; Thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9,43-47).

 

 2) Đức Giê-su cũng hứa thiên đàng với người trộm lành trên cây thập tự : “Tôi bảo thật anh : Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Trong dụ ngôn người phú hộ và người nghèo La-gia-rô, Đức Giê-su nói đến số phận của hai người khác nhau : người nghèo khó La-gia-rô được đưa vào trong lòng ông Áp-ra-ham trên thiên đàng, còn người phú hộ phải vào trong âm phủ để chịu cực hình (x. Lc 16,22-23). Thánh Phao-lô cũng đề cập đến thiên đàng trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô như sau : “Điều mắt chúng ta chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng chưa hướng tới, đó là những gì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho kẻ yêu mến Ngài” (1 Cr 2,7-10)

 

3) Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy về thiên đàng như sau : Ai chết trong ân sủng và tình nghĩa với Thiên Chúa, ai hoàn toàn được thanh luyện sẽ sống muôn đời với Đức Ki-tô. Họ luôn luôn giống Thiên Chúa, vì họ đã thấy Ngài như Ngài hiện hữu, mặt đối mặt như trong thư Gio-an có viết: “Chúng ta biết rằng, khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người. Vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2 b)… Mầu nhiệm này vượt quá mọi hiểu biết và có một số hình ảnh biểu trưng như sau : sức sống, ánh sáng, bình an, tiệc cưới, rượu thiên quốc, nhà Cha, Giê-ru-sa-lem trên trời, thiên đàng… (GLCG  số 1023-1029).

 

4) Như vậy, chắc chắn có hỏa ngục và hình phạt trong hỏa ngục thì kéo dài đời đời như lời Đức Giê-su đã nói : “Lửa đời đời, lửa không hề tắt”. Và những người bị đày trong hỏa ngục phải chịu 2 thứ khổ hình: Về tinh thần: Bị lương tâm cắn rứt vì phải lìa xa Thiên Chúa muôn đời. Về thể xác: Phải chịu hình khổ thiêu đốt giống như lửa hồng nung nấu và “Ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng” (x. Mt 22,13).

Những hình khổ vừa nói thực nặng nề khủng khiếp. Nhưng có người đặt vấn đề: tại sao Thiên Chúa là Đấng công bằng và nhân từ vô cùng lại nhẫn tâm phạt xuống hỏa ngục đời đời, đang khi con người chỉ phạm một tội trọng trong chốc lát ?

 

2. HỎA NGỤC KHÔNG TRÁI VỚI ĐỨC CÔNG BẰNG VÀ LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA

 

1) Hỏa ngục sẽ là bất công nếu người bị đầy xuống đó chỉ vì phạm những tội nhẹ, hoặc phạm tội nặng nhưng do nhất thời muốn được giải thoát khỏi cơn đau khổ cùng cực, hoặc nhất thời không cưỡng lại được dục vọng nơi bản thân, lời xúi của bạn bè xấu, cám dỗ của ma quỷ…:

 

Nhưng thực ra không phải vậy: chỉ những kẻ thực sự phạm tội nặng, nghĩa là chỉ những người biết rõ ràng đó là tội nặngmà cố tình từ chối lời nhắc bảo của Thiên Chúa qua tiếng nói lương tâm và của nhiều người thân… Có sự tự do chứ không bị ép buộc để chọn làm điều xấu và có thái độ cố chấp quyết tâm không chịu hồi tâm hối cải… thì mới phải chịu hình phạt hỏa ngục.

 

Hỏa ngục được lập ra dành cho ma quỷ và nhừng kẻ làm tay sai cho chúng: Khi chúng ta thấy một người tín hữu xưa nay vần sống tốt lành thánh thiện, nhưng đột nhiên nghe tin người này do lâm vào hoàn cảnh bất thường là uống rượu say sỉn, bị mất lý trí nên đã phạm tội tà dâm, rồi bị kẻ xấu gài bẫy tống tiền đã uất ức giết kẻ tống tiền kia… Trong trường hợp này, chúng ta đừng vội lên án họ là kẻ xấu và kết án họ phải sa hỏa ngục. Hãy nhìn vào cách ứng xử của Đức Giê-su đối với tội nhân trong Tin Mừng để thấy được lòng từ bi nhân hậu của Người đối với tội nhân: Người ngồi đồng bàn ăn uống với bọn người thu thuế tội lỗi bị người Do thái khinh dể; Người bênh vực người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và đã cứu chị khỏi bị án ném đã chết; Người đến ở trọ nhà ông Gia-kêu là trùm thu thuế khét tiếng bóc lột ở thành Giê-ri-cô; Người sẵn sàng thu nhận một người thu thuế tên Lê-vi vào Nhóm Mười Hai Tông Đồ và tiếp nhận cô Ma-ri-a Ma-đa-le-na bị mang tiếng bảy quỷ ám vào hàng ngũ các môn đệ; Người sẵn sàng tha tội cho tên trộm cướp cùng chịu đóng đinh tỏ lòng ăn năn sám hối; Người sẵn sàng tha tội chối Thầy ba lần cho ông Phê-rô…  Như vậy chỉ những kẻ cố chấp không tin và cố tình không chịu hồi tâm sám hối như các biệt phái và luật sĩ Do thái mới bị loại khỏi Nước Trời, và những kẻ cố tình làm ngơ không thực hành bác ái cụ thể, hoặc nghe lời cám dỗ của ma quỷ để phản nghịch với Thiên Chúa mới bị phạt trong hỏa ngục, “nơi dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).

 

2) Hỏa ngục sẽ là bất công nếu người bị đầy xuống đó không được cảnh báo trước:

 

Nhưng thực ra không phải vậy: Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Đức Giê-su xuống thế để dạy loài người biết được con đường dẫn đến sự sống đời đời. Đức Giê-su đã thiết lập Hội Thánh để loan báo Tin Mừng khắp thế gian, giúp loài người nhận biết tin thờ Thiên Chúa và sống theo con đường của Thiên Chúa để được ơn cứu độ. Trong dụ ngôn về người nhà giàu bị phạt trong hỏa ngục đã ghi lại câu nói của tổ phụ Áp-ra-ham cho thấy chỉ những người cố chấp mới phải chịu hình phạt hỏa ngục: “Mô-sê và các ngôn sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (Lc 16,31). Trong buổi triều yết chung ngày 28 tháng 7 năm 1999, Đức Gio-an Phao-lô II đã nói: “Hỏa ngục chỉ tình trạng của những người tự do và cố ý  tách rời khỏi Thiên Chúa, nguồn của mọi sự sống và niềm vui”. Nói cách khác, người ta chỉ có thể vào hỏa ngục khi người ta muốn, và do đó không mâu thuẫn gì đến chân lý Thiên Chúa là Tình Yêu.

 

Còn những ai khi còn sống trên trần gian không được nghe giảng Tin Mừng của Đức Giê-su, nhưng vẫn theo lương tâm ăn ở ngay lành, thì Chúa sẽ lo liệu cho họ có đủ phương tiện cần thiết để tin Người vào giờ sau hết, và sẽ được phán xét công minh theo lương tâm ngay lành của họ.

 

3) Hỏa ngục sẽ là bất công, nếu con người không được ơn Chúa trợ giúp :

 

Nhưng thực ra không phải vậy: Thiên Chúa là Cha vô cùng nhân hậu, là tình yêu tuyệt đối, đã ban cho mọi người những ơn cần thiết để cho họ được ơn cứu độ như thánh Phao-lô dạy :  “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ, và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Nơi khác ngôn sứ Ê-giê-ki-en đã tuyên sấm lời Đức Chúa: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết. Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó  mà được sống sao ?” (Ed 18,23). Thánh Phê-rô cũng viết: “Chúa kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9).

 

TÓM LẠI: Chúng ta có thể quả quyết: Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối để được sống. chính tội nhân đã tự đày mình vào hỏa ngục, khi cố tình làm ác và không chịu hồi tâm sám hối trở về làm hòa với Chúa, như Đức Giê-su đã nói về tội cứng lòng của các kinh sư Do thái : “Thầy bảo thật anh  em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha.Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3,28-29). Tội cứng lòng là tội chống lại ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần như bọn Biệt phái và kinh sư thời Đức Giê-su: “Vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13,14-15).

 

B. PHÚT HỒI TÂM :

 

1) LỜI CHÚA : Thánh Phê-rô dạy : “Anh em thân mến, một điều duy nhất xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải. Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy” (2 Pr 3,8-10).

 

2) LỜI CẦU :

 

Lạy Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Cha đã sai Con Cha là Đức Giê-su đến dạy dỗ loài người chúng con nhận biết Cha. Người đã hy sinh chịu chết trên thập giá để đền tội thay và sống lại để ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin cho chúng con biết đi theo con đường hẹp và sống tình mến Chúa yêu người noi gương Đức Giê-su để sau này được về trời hưởng hạnh phúc muôn đời với Cha. Xin đừng để chúng con cố chấp nghe theo ma quỷ cám dỗ mà làm điều gian ác, hầu tránh hình phạt hỏa ngục, nơi dành cho ma quỷ và những ai đi theo chúng. – AMEN.

 

 

PHỤ CHÚ :  CÓ LUYỆN NGỤC KHÔNG ?

 

Luyện ngục là môt tình trạng, trong đó những linh hồn chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa thánh thiện đủ để được hưởng kiến thánh nhan Thiên Chúa, nên cần được thanh luyện cho sạch mọi tì vết tội lỗi trước khi được Chúa cho về thiên đàng. Như vậy: luyện ngục không những là một điều hợp lý theo sự khôn ngoan và đức công bình của Thiên Chúa, mà còn là một chân lý đức Tin dựa trên Lời Chúa trong Thánh Kinh và được Hội Thánh xác nhận như sau :

 

1. CÁC BẰNG CHỨNG VỀ LUYỆN NGỤC :

 

a) Thánh Kinh Cựu và Tân Ước:

 

– Câu chuyện về một Thủ lãnh dân Do Thái là ông Mác-ca-bê: Sau khi chiến thắng quân thù, do tin có sự sống lại của những kẻ đã chết, nên đã quyên góp được một số tiền gửi về Đền Thờ Giê-ru-sa-lem xin dâng lễ đền tội cầu cho các chiến binh tử trận. Tác giả Sách Thánh thuật lại như sau : “Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ đền tội cho họ; Ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43–46).

 

– Đức Giê-su cũng ám chỉ phần nào về tình trạng luyện ngục khi Người nói : “Thầy bảo thật cho anh biết : Anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5,26).

 

– Dựa vào những đoạn Thánh Kinh nói trên, ta có thể biết được: Có một tình trạng gọi là luyện ngục, trong đó những linh hồn chưa được lên trời vì còn tội phải đền, hoặc những linh hồn tuy không bị hình phạt hỏa ngục do không cố tình phạm tội chống lại Thiên Chúa, nhưng họ sẽ bị giam cầm cho tới khi đền tội xong hoặc được thanh tẩy hết mọi bợn nhơ tội lỗi.

 

b) Giáo huấn Hội Thánh trong các văn kiện Công Đồng: Chân lý có luyện ngục đã được Hội Thánh xác định trong nhiều giáo huấn của các Công Đồng Chung như sau :

 

– Công đồng Lyon (1245 và 1247), Công đồng Florence (1438-1445), và nhất là Công đồng Trentô (1545-1563) trong khóa 6, số 22 và 25  dạy rằng: “Ai dám quả quyết sau khi được ơn thánh sủng, tội lỗi được tha và hình phạt đời đời được xóa bỏ cho các hối nhân, và không có hình phạt tạm bởi tội ở đời này cũng như trong luyên ngục trước khi cửa Thiên đàng được mở, thì kẻ ấy phải vạ tuyệt thông”. 

 

– Công đồng Trentô khóa 25, ngày 4 tháng 12 năm 1563 tuyên ngôn thêm: “Giáo hội Công Giáo được Chúa Thánh Thần dạy, theo các văn kiện và truyền thống xa xưa của các Giáo phụ, và mới đây trong Công đồng này dạy rằng: Có luyện ngục, và các linh hồn được thanh tẩy tại đó, được giúp đỡ nhờ những lời cầu nguyện của các tín hữu, và nhất là do công nghiệp thánh lễ Misa”.  

– Công đồng Vaticanô II (năm 1962-1965) trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội đã tuyên ngôn chỉ có một Hội thánh nhưng gồm ba tình trạng: Một là Hội Thánh lữ hành ở trần gian; Hai là Hội Thánh đau khổ đang được tinh luyện; Ba là Hội Thánh chiến thắng trên thiên đàng như sau: “Cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các thiên thần theo Người, và khi sự chết bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Người, thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống và đang được tinh luyện, và có những kẻ đã được hiển vinh đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba ngôi như Ngài hằng có” (GH 49) 

 

2. VỀ CÁC HÌNH PHẠT TRONG LUYỆN NGỤC VÀ SỰ TRỢ GIÚP :

 

a) Các linh hồn đang trong tình trạng thanh luyện phải chịu những hình phạt đau khổ không rõ như thế nào. Nhưng có lẽ đau khổ nhất là họ chưa được hiệp thông với Thiên Chúa là Tình Yêu. Tuy vậy, họ cũng vẫn vui mừng trông cậy sẽ được Chúa tha thứ và sẵn lòng chịu đau khổ để được thanh luyện cho đến khi hoàn toàn nên tinh sạch và được về thiên đàng hưởng Nhan Thánh Chúa.

 

b) Ngoài ra, các linh hồn đang được thanh luyện trong tình trạng luyện hình cũng được hưởng những việc lành phúc đức của các tín hữu còn sống theo tín điều Các Thánh Thông Công. Chân lý này an ủi những người còn sống có người thân qua đời, vì họ vẫn có thể giúp đỡ các linh hồn ấy bằng việc thực hiện các việc bác ái từ thiện, bằng lời cầu nguyện hy sinh, hưởng các ân xá và thi hành những việc đền tạ nhất là bằng việc dâng thánh lễ cầu nguyện cho các người thân qua đời. Bù lại, các linh hồn trong tình trạng thanh luyện cũng có thể cầu nguyện cho các tín hữu còn sống. Đó là lý do tại sao ông Giu-đa Ma-ca-bê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình (x. 2 Mcb 12,46).

 

c) Sau cùng, tình trạng luyện ngục cũng chỉ tạm thời mà thôi. Đến ngày tận thế, sau khi thân xác mọi người đã chết đều được Chúa dùng quyền năng cho sống lại để chịu phán xét chung thì bấy giờ sẽ chỉ còn thiên đàng và hỏa ngục mà thôi.

Gx Sao Mai Xuân Ất Mùi 2015

 

LM ĐAN VINH 

Giám Huấn HHTM Trung Ương