Đức ái của linh mục

Chúng ta đang cùng với Giáo phận sống chủ đề “Gia tăng Đức ái” của năm 2014 trong hành trình chuẩn bị mừng 400 trăm năm Tin Mừng được loan báo tại Giáo phận. Đây cũng là dịp quý báu để chúng ta cùng suy tư về Đức ái Linh mục.

 

 jean-marie-vianney-a-priests-priest-Đức ái của linh mục 

 

 

1. Đức ái là cốt lõi của lề luật và của đời sống linh mục:
 

Ngày nay người ta thường nhìn các linh mục, để chê bai hoặc khen ngợi Giáo Hội, vì biết rằng linh mục chính là sợi dây liên kết chắc chắn giữa giáo dân và Giáo Hội, giữa con chiên và mục tử là Chúa Giê-su, và linh mục chính là người chuyển thông ơn Chúa cho giáo dân mỗi khi cử hành thánh lễ và các bí tích.  Người ta cũng nhìn vào cách sống của linh mục để dự đoán tương lai của giáo xứ, bởi vì một cha sở nhiệt thành với giáo xứ của mình, biết sống chan hòa với giáo dân, thì chắc chắn giáo xứ ấy sẽ có sức sống và phát triển, bằng ngược lại, nếu giáo xứ nào có một cha sở chỉ biết làm lễ mà thôi, thì giáo xứ ấy sẽ không phát triển được vì cha sở chưa chu toàn trọn vẹn bổn phận của một cha sở. Dó đó, một linh mục tốt lành và được mọi người yêu mến, chính là một linh mục mà đức ái vượt qua cả chức thánh mà mình đã lãnh nhận. Đức Ái vượt qua chức thánh nghĩa là các ngài không coi chức thánh như bàn đạp để tiến thân, không coi chức thánh như một “bửu bối” để ăn trên ngồi trước, để làm “cha” thiên hạ, nhưng các ngài để Đức Ái của Chúa Giê-su chiếm hữu tâm hồn của mình, và tỏa lan đến với mọi người chung quanh qua cách sống, như Chúa Giê-su đã sống và đã chết vì Đức Ái đối với nhân loại tội lỗi vậy.
 
Nói một cách khác, Đức Ái đối với linh mục như con mắt với con ngươi,  như cá với nước, nghĩa là nếu một linh mục không có đức ái thì mọi hoạt động của các ngài sẽ không sống động, sẽ không phát lửa yêu thương truyền sang cho người khác; nếu một linh mục không có Đức Ái thì ngài chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng, làm điếc tai nhức óc người khác mà thôi (1Cr 13, 1-8), và quan trọng hơn, chính các ngài sẽ trở thành những tảng đá lớn chặn đường không cho người ta đến với Chúa. Người ta khó mà thông cảm và bỏ qua những hành động thiếu đức ái của linh mục, vì đức ái là tâm điểm mọi bài giảng của linh mục, và là cốt lõi trong đời sống của người Ki-tô hữu.
 
Đức Ái của các linh mục được thể hiện qua cuộc sống của các ngài, mà giáo xứ là nơi mà các ngài biểu lộ đức ái cách rõ ràng nhất, vì trong ngày lãnh nhận chức thánh, các tiến chức được Đức giám mục xức dầu thánh trên hai bàn tay của mình, với ý nghĩa không những là để chúc lành và thi ân giáng phúc của Chúa cho mọi người, mà còn là đôi bàn tay để thực hiện Đức Ái đối với tha nhân nữa, đôi bàn tay của các ngài vươn ra để nắm lấy bàn tay của người tội lỗi mà an ủi và tha thứ, đôi bàn tay ngài vươn ra để ban phát của ăn cho họ, như Chúa Giê-su đã làm khi Ngài còn ở thế gian này.
 
“Bác ái là đồng phục của người Ki-tô hữu”, vì chính Đức Ái làm nổi bật hình ảnh của Chúa Giê-su nơi bản thân của người Ki-tô hữu. Và với các linh mục thì Đức Ái không những là đồng phục của các ngài, mà còn là áo giáp bảo vệ đức tin của người Ki-tô hữu khỏi những ích kỷ hưởng thụ của thế gian, và qua việc thực hành Đức Ái, các linh mục trở thành ngọn đèn sáng, dẫn đường cho giáo hữu đi trong một xã hội đầy những bóng đêm của ích kỷ và thù hận.
 
Linh mục không phải là một chức tước hay một nghề nghiệp, nên linh mục càng phải thoát ra khỏi vòng “kềm kẹp” của ích kỷ và hưởng thụ, càng phải thoát ra khỏi sự cuốn hút của đồng tiền dưới bất cứ hình thức nào, để thong dong thực hành Đức Ái của mình với tha nhân, và nhất là với những người mà Giáo Hội trao trọng trách cho mình trông nom linh hồn của họ.
 
Linh mục cũng không phải là một vị thánh tại thế, nên ngài không thể bàng quang trước những nỗi đau khổ và bất hạnh của tha nhân để lo việc nhà Chúa, càng không phải cứ ngồi suốt ngày trong nhà thờ nhà xứ để cầu nguyện hoặc để đợi chờ giáo dân đến, nhưng ngài là một con người học làm thánh và làm những việc của thánh nhân ở thế gian này, nên ngài biết rõ việc làm Đức Ái rất cần cho việc nên thánh của ngài. Thánh Vincent de Paul đã dạy các đệ tử của mình: khi chúng ta đang đọc kinh nguyện ngắm mà có người muốn đến gặp chúng ta, thì lập tức chúng ta phải bỏ đi gặp họ ngay, vì khi chúng ta đi gặp họ thì không phải là chúng ta bỏ Chúa, nhưng là đem Chúa đến cho họ bằng việc quan tâm đến họ, đó chính là thực hành Đức Ái, và là gặp được Chúa nơi họ vậy.
 
Đức Ái đối với linh mục như cái võng bao trùm toàn bộ con người và việc làm của các ngài, mà thật đúng như vậy, khi người ta gặp những điều bất hạnh thì họ sẽ thấy an ủi hơn khi tiếp xúc với linh mục, khi người ta cần sự bình an tâm hồn thì người ta tìm đến linh mục, và như thế, mọi công việc, mọi hoạt động của linh mục đều được bao trùm bởi Đức Ái của Chúa Giê-su, cũng như Chúa Giê-su đi đến đâu thì dân chúng vây quanh Ngài đến đấy để nghe Ngài giảng, để mong sờ vào gấu áo của Ngài cho được lành bệnh (Mt 9, 20-22), và nhất là để cảm nghiệm được Ngài chính là một lương y đầy lòng yêu thương và luôn chăm sóc đến họ.
 
Rất tiếc thời nay, có một số linh mục sống không có Đức Ái như lời ngài giảng, và nhất là cuộc sống của ngài đầy những hưởng thụ như một chủ nhân ông, hoặc như một tổng giám đốc trong giáo xứ của ngài. Do đó mà Đức Ái luôn luôn vừa là biểu hiện lòng yêu mến Thiên Chúa nơi các linh mục qua việc phục vụ tha nhân, vừa là niềm tự hào và an ủi của giáo dân khi họ thấy linh mục của mình sống tràn đầy Đức Ái với mọi người.
 
Đức Ái tự bản chất chính là “yêu người như chính mình”, và “anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6, 31). Linh mục là người được Thiên Chúa chọn để làm điều ấy, tức là để thực thi Đức Ái giữa một xã hội mà dối trá, bon chen, hưởng thụ của thế gian đang len lõi dần dần vào trong hàng ngũ những người có chức thánh. Chính Đức Ái làm cho linh mục trổi vượt giữa đời và giữa những giao tiếp với nhau trong từng thành phần của xã hội, bởi vì khi thực hiện Đức Ái cho một ai đó, vì mình là linh mục, thì chắc chắc phần thưởng sẽ to lớn trên trời đang dành cho các ngài, vì khi thực hiện Đức Ái nhân danh linh mục Chúa Giê-su thì hiệu quả của việc làm càng thêm giá trị. Tại sao vậy ? Tại vì một linh mục luôn sống Đức Ái và đem Đức Ái đặt lên hàng đầu trong cuộc sống của mình, thì giáo dân sẽ thấy Chúa Giê-su đang thực sự hiện diện trong các ngài, bởi vì như lời thánh Tô-ma A-qui-nô tiến sĩ đã nói: “Nếu không có đức ái thì không có bất kỳ đức hạnh nào, cũng giống như nếu không có mặt trời, thì cũng không có một tinh tú nào cả”  (Thánh Tôma Aquinô, Các ngôn Thần học Tu đức, tập 1).
 
Linh mục đối với Đức Ái giống như con mắt với thân thể, mắt bị mù thì thân thể không có định hướng được cho mình, cũng vậy khi Đức Ái bị thui chột (vì hưởng thụ, vì tham lam…) thì linh mục gây nhiều gương mù gương xấu cho giáo dân và cho tha nhân. Khi Đức Ái không còn là tâm điểm của cuộc đời linh mục, thì giống như con lợn đã sút chuồng đi tìm thỏa mãn thân xác của mình, hưởng thụ vật chất thế gian giống như người thế gian, đó chính là điều làm cho khuôn mặt của Chúa Giê-su bị biến dạng trên mẫu người thứ hai của Ngài là các linh mục, Alter Christus.
 
Sách Gương Chúa Giê-su nói rằng: “Không có đức ái, thì công việc bên ngoài vô dụng. Vì đức ái mà làm việc, mặc dù rất nhỏ nhưng lợi ích rất lớn” (Lm. Giuse Maria Nhân Tài csjb dịch, Cách ngôn Thần học Tu đức, tập 1). Thật đúng như vậy, xây nhà thờ to lớn mà không có Đức Ái thì giống như xây nhà thờ trên nền cát, không làm cho lòng giáo dân thành một khối yêu thương; không có Đức Ái thì thành lập cho nhiều hội đoàn trong giáo xứ, các hội đoàn ấy sẽ trở thành từng phe nhóm chỉ trích nhau và cuối cùng sẽ chỉ trích cả cha sở của mình, cho nên thà như thánh Gioan Maria Vianney trước hết chuyên tâm cầu nguyện để hoán cải mình và hoán cải giáo dân, sau đó lấy đời sống Đức Ái của mình để xây dựng giáo xứ, bởi vì nếu không có Đức Ái thì tất cả những việc bên ngoài đều vô dụng, và trở thành cái phèng la chũm chọe như lời của thánh Phao-lô mô tả trong bài ca Đức Ái của ngài (1Cr 13, 1-8).
 
2. Đức Ái trong lời nói của Linh mục:
 
Đức Ái đối với mọi người và với giáo dân nơi giáo xứ mình phục vụ, không phải chỉ là đi quyên tiền xây dựng nhà thờ mà thôi, nhưng còn là đối xử cách trân trọng và lịch sự với giáo dân của mình nữa, đó mới chính là Đức Ái thật sự làm cho người khác nhìn thấy linh mục như là một mẫu gương đạo đức thánh thiện, một nhà mô phạm gương mẫu. Thánh Phao-lô tông đồ đã khuyên dạy ông Ti-mô-thê rằng: “Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch” (1 Tm 5, 1-2). Lời dạy của ngài đầy tràn Đức Ái mà tất cả mọi người Ki-tô hữu đều phải biết và thực hành, nhất là các linh mục, bởi vì quyền cai quản, giảng dạy và thánh hóa của Chúa Giê-su, đã được trao cho các linh mục, do đó, Đức Ái của các linh mục khi thi hành công việc mục vụ cần phải hài hòa, tôn trọng và lịch sự với mọi người trong giáo xứ của mình.
 
Có nhiều giáo dân than trách rằng, thời nay có một số linh mục trẻ sống thiếu nhân bản, bởi vì các ngài chỉ chú trọng đến việc xây dựng nhà thờ nhà xứ sao cho to lớn đẹp đẽ, hoành tráng, để thi đua với các linh mục bạn đang ở những giáo xứ lớn có đông giáo dân và nhà thờ đẹp, mà các ngài không chú trọng, hoặc chú trọng rất ít đến vấn đề nhân bản của các ngài khi tiếp xúc với giáo dân, mà nhân bản chính là Đức Ái trong giao tiếp vậy. Nếu một linh mục chính xứ chuyên tâm vào việc sống có Đức Ái với các giáo dân của mình, tức là các ngài sống có nhân bản Ki-tô giáo, thì giáo xứ của ngài chắc chắn sẽ là một giáo xứ phát triển, đoàn kết và yêu thương. Nhân bản phổ thông là người nhỏ lễ phép với người trên, nói năng vâng dạ, bởi vì mình nhỏ hơn người đối diện, nhưng nhân bản Ki-tô giáo không những thấy mình nhỏ hơn người đối diện để nói chuyện cho lễ phép, mà còn nhìn thấy Chúa Giê-su trong người đang nói chuyện với mình nữa, có như thế mới tôn trọng và yêu mến họ được.
 
Vì thế hơn ai hết, các linh mục của Chúa Giê-su càng phải coi trọng Đức Ái: chức linh mục là một phẩm hàm cao quý, không do người đời nhưng do tự Thiên Chúa, do đó các linh mục cần phải sống có Đức Ái và đặt Đức Ái trên tất cả mọi công việc của nhà xứ, và Đức Ái đòi hỏi các ngài phải hy sinh chính mình từ thời gian cho đến công việc, và vì Đức Ái mà các ngài phải quên đi ngay cả bản thân của mình.
 
Đức Ái không phải trợn mắt bặm môi, nhưng là hiền hòa giải thích, động viên khuyên bảo với tinh thần yêu thương của người cha trong gia đình, bởi vì một lời nói hiền hòa thì có sức mạnh hấp dẫn hơn cả một ngàn lời nói cộc lốc và nóng nảy.
 
Đức Ái trong lời nói không phải là nói năng dẻo kẹo để lấy lòng người khác, cũng không phải là nói những lời kể công kể trạng người này hay kết tội người kia, nhưng là biết kính trên nhường dưới, biết nhìn thấy cha mẹ mình nơi những cụ già để nói năng từ tốn với họ; biết nhìn thấy anh chị em của mình nơi các bạn trẻ thanh niên nam nữ, để chan hòa yêu thương và giúp đỡ; biết coi các em thiếu nhi như là những con cái mình, để yêu thương dạy dỗ bằng lời lẽ ôn tồn dịu dàng, có như thế, các linh mục mới đi sát với lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ gởi cho ông Ti-mô-thê trên đây.
 
Đức Ái trong lời nói cũng là lời rao giảng của linh mục khi ngài đứng trên tòa giảng, lời giảng của ngài cần thể hiện Đức Ái rõ ràng nhất. Có một vài linh mục trẻ nói với nhau rằng: “Tớ giảng Lời Chúa, ai nghe không nghe mặc họ”. Vâng, các ngài đang giảng Lời Chúa, nhưng Lời Chúa chỉ trên mặt chữ thì không thể nào thấm sâu vào trong tâm hồn của người nghe; Lời Chúa chỉ trên môi miệng thì người ta sẽ nghe tai này lọt qua tai khác và bay mất tiêu, cũng như hạt giống gieo vào đất khô cằn không có nước, nếu không bị chim trời đến ăn, cũng sẽ bị côn trùng gậm nát. Đức Ái của linh mục nơi tòa giảng quan trọng chẳng khác gì khi linh mục mở kho tàng dự trử gạo, mì gói, tiền bạc của giáo xứ để cứu đói cho dân nghèo. Cho nên khi giảng Lời Chúa thì chắc chắn Đức Ái phải nổi bật trên tất cả những lời nói từ miệng ngài phát ra, đó là lời được ngài chiêm niệm và thực hành trong cuộc sống, đó là lời đã được ngài chắt lọc khi đối chiếu cuộc sống của mình với Lời Chúa, và giờ đây đang chia sẻ cho các giáo dân của mình.
 
3. Đức Ái trong hành vi và thái độ của Linh mục:
 
Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giê-su đã dùng dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành (Lc 10, 29-37) để đề cao Đức Ái, bởi vì trong dụ ngôn này, có đến ba nhân vật của ba giai cấp của xã hội thời đó được nhắc đến, đó là thầy tư tế, thầy Lê vi và người Sa-ma-ri ngoại đạo nhưng tốt lành. Thầy tư tế vì quá coi trọng chức tư tế hơn cả Đức Ái, cho nên đã bỏ mặc người bị nạn bên đường, thản nhiên bước đi; thầy Lê vi cũng coi việc phục vụ bàn thờ là cao trọng hơn Đức Ái, nên cũng tránh qua người bị nạn mà đi; cuối cùng chỉ có người Sa-ma-ri ngoại đạo cũng đi ngang qua người bị nạn, nhưng không nhẫn tâm bỏ đi, mà cúi xuống băng bó vết thương, ân cần săn sóc người bị nạn.v.v… Nghĩa cử cúi xuống săn sóc người bị nạn, chính là hành vi của Đức Ái mà tất cả mọi người có lương tâm đều phải làm, thì huống gì là thầy tư tế, thầy lê vi là những người mô phạm của Đức Ái !
 
Đức Ái trong hành vi thái độ của linh mục rất quan trọng, vì có khi chỉ một cử chỉ vô tình của mình thôi, cũng làm cho giáo dân “phản cảm” và có ấn tượng không mấy tốt đẹp với mình. Do đó mà Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy:

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,
không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
không nóng giận, không nuôi hận thù,
không mừng khi thấy sự gian ác,
nhưng vui khi thấy điều chân thật”  (1Cr 13, 1-8).
 
Có mấy điểm sau đây các linh mục thường mắc phải khi tiếp xúc với giáo dân của mình, và làm trái ngược lại với những gì mà thánh Phao-lô đã dạy:
 
a) Thái độ giận dữ trái ngược với hiền hậu:
 
Nóng giận thì ai cũng có, nhưng tùy hoàn cảnh, tùy chức tước và bổn phận mà bày tỏ sự nóng giận của mình, nhưng nóng giận ở đây không có nghĩa là vì ích lợi của cá nhân mình, hoặc vì tự ái của mình bị đụng chạm, nhưng là vì lợi ích cho tha nhân và cho cộng đoàn, những nóng giận ấy không gây mất hòa khí giữa linh mục và giáo dân, hoặc giữa linh mục và những người khác. Nếu nóng giận để tự ái của mình được thỏa mãn thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà chỉ gây thêm nhiều chia rẻ và buồn phiền mà thôi.
 
Khi có giáo dân góp ý, thì có một vài linh mục nổi giận không bằng lòng, thế là lời qua tiếng lại, gặp giáo dân thẳng tính và nóng nảy thì chắc chắn giữa hai người sẽ có cuộc đụng độ, mà phần thắng bên ngoài thì luôn thuộc về linh mục, nhưng kết quả là giáo xứ mất đi một con chiên không đến nhà thờ, mà linh mục thì sẽ buồn phiền và hối hận vì thái độ nóng giận của mình. Đức Ái do đó trốn khỏi con người của linh mục, bởi vì vội giận thì mất khôn, mà Đức Ái thì không thể ở chung với sự nóng giận đầy tự ái.
 
Đức Ái thì nhẫn nhục và hiền hòa, mà cử chỉ đầy Đức Ái của một linh mục thì luôn làm cho người khác cảm thấy được an ủi, được khuyến khích và họ cảm thấy đời sống tâm linh của mình đầy tin tưởng vào Chúa Giê-su qua vị đại diện của Ngài là linh mục, là cha sở của họ.
 
Linh mục là người được chọn để diễn lại từng ngôn ngữ và hành động của Chúa Giê-su cho người khác thấy và nghe, cho nên không ngạc nhiên khi thấy có một vài giáo dân không hề có cảm tình hay kính trọng các linh mục, bởi vì các vị ấy có cuộc sống giống như họ chẳng khác chút nào: cũng bon chen đầu tư buôn bán, cũng nạt nộ giận dữ, cũng uống rượu hút thuốc, cũng hưởng thụ những tiện nghi vật chất sang trọng như các đại gia ngoài đời, và nguy hiểm hơn là các vị linh mục ấy coi chức thánh như là một chức vụ để được phục vụ, và do đó mà không lạ gì khi các ngài sống không có Đức Ái với tha nhân, nguyên nhân chính là những ai cứ lo nghĩ về bản thân mình, thì chắc chắn sẽ không nghĩ đến người khác và không quan tâm đến người khác, mà linh mục thì không phải như thế! Vì tha nhân mà sống hiền hòa chứ không phải vì mình để rồi giận dữ với tha nhân.
 
b) Thái độ kiêu ngạo vênh vang, tự đắc ngược với Đức Ái:
 
Thời nay, giáo dân thường ta thán về việc có một số linh mục sống hưởng thụ và thiếu nhân bản, do đó mà thường dẫn đến kiêu ngạo khi đối xử với giáo dân, sự kiêu ngạo này dẫn đến hành động thiếu Đức Ái nơi linh mục. Thánh Phao-lô khuyên không nên vênh vang tự đắc, bởi vì chức vụ linh mục không phải để ăn trên ngồi trước, cũng không phải để tiến thân ngoài xã hội, càng không phải để được người khác phục vụ, nhưng linh mục chính là một thiên chức được Chúa Giê-su lập ra, để vì phần rỗi của các linh hồn đã được Ngài đổ máu ra để cứu chuộc, cho nên linh mục là người được chọn để ban phát các ân sủng của Thiên Chúa cho nhân loại, chứ không phải được chọn để trở thành người ăn trên ngồi trước và là kẻ thống trị.
 
Giáo dân thời nay không còn thần thánh hóa linh mục nữa, nhưng không phải vì thế mà họ không tôn trọng linh mục, không còn thần thánh hóa linh mục là bởi vì họ được học hỏi nhiều về giáo lý, tri thức cũng đầy đủ, kiến thức thì có khi vượt hẳn linh mục và học vị thì cũng như thế, cho nên nếu một linh mục mà cứ coi giáo dân như là những thuộc hạ của mình, hoặc như những đầy tớ để mình sai vặt không công khi ở nhà thờ nhà xứ, thì chẳng khác gì các linh mục đang sống ở các thế kỷ trước đây. Nếu không vì đức tin, nếu không vì vâng phục lời giáo huấn của Giáo Hội, và nếu không vì lòng đạo đức thì không một giáo dân nào đi xem lễ của một linh mục mà ai cũng biết là kiêu ngạo hách dịch, và càng không ai muốn đến nhà thờ khi mà linh mục cư xử với ông bà bố mẹ của họ như hàng bề dưới, bởi vì thời nay giáo dân không còn nhìn vẻ uy nghi bệ vệ của linh mục để phán đoán linh mục thánh thiện hay đạo đức nữa, nhưng người ta sẽ nhìn vào cách sống có Đức Ái hay không của linh mục để đánh giá sự đạo đức của các ngài.
 
Cho nên, thái độ vênh vang tự đắc của linh mục là đi ngược lại với Tin Mừng của Chúa Giê-su, và đi ngược lại với lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ, và nhất là chính những vênh vang tự đắc ấy làm cho hình ảnh của linh mục trở nên xa lạ với giáo dân, bởi vì Giáo Hội đã dạy cho giáo dân biết nhận ra những dấu chỉ nơi linh mục, để biết một linh mục chân chính của Chúa Giê-su, đó chính là Đức Ái và sự khiêm nhường của các ngài.
 
Đức Ái của linh mục phải vượt tất cả mọi sự, nhất là phải vượt qua những công lao mà mình đã làm cho giáo xứ, hoặc những nơi mà mình đang phục vụ với tất cả thành công của tài năng, bởi vì như lời thánh Phao-lô đã dạy, dù các ngài có đem tất cả tài sản (bao gồm vật chất, tài năng, sức khỏe, trí óc) để bố thí và cống hiến, mà nếu không có Đức Ái thì cũng chỉ là con số không mà thôi, chẳng có ích gì cả. Chẳng có ích là bởi vì người không có đức tin nhưng có nhiều tiền bạc thì cũng có thể làm được như thế, và có khi làm thành công hơn các linh mục nữa là khác. Đức Ái của linh mục phải vượt qua và lớn hơn tất cả những gì mình đã phục vụ cho giáo xứ hay cho bất cứ cộng đoàn nào.
 
Chúa Giê-su vì yêu mà xuống thế làm người, yêu khi chúng ta còn là tội nhân, đó chính là Đức Ái toàn hảo tuyệt vời của Ngài, là mẫu gương cho những “Ki-tô thứ hai” là các linh mục, vì các linh mục cũng là những tội nhân như những tội nhân khác luôn cần trông cậy vào tình yêu của Thiên Chúa, nên linh mục không thể nào dùng sự kiêu ngạo hợm mình để đối xử với giáo dân và tha nhân. Nhất là vì Chúa Giê-su muốn Đức Ái này phải được con người –đặc biệt những người Ki-tô hữu- thực hiện cách nổi bật nơi các anh chị em của mình, nơi người lân cận và ngay cả với người thù ghét mình nữa.
 
Lời kết:
 
Tóm lại, Đức Ái cần phải là kim chỉ nam cho cuộc đời của các linh mục. Nếu không có Đức Ái thì dù các linh mục có làm những chuyện rung chuyển thế giới, cũng chỉ như thanh la chũm chọe mà thôi, lại còn làm điếc tai người khác nữa. Nếu không có Đức Ái thì linh mục không thể cảm động trước nổi bất hạnh của người khác. Nếu không có Đức Ái thì linh mục cũng chỉ là một con người đầy tham sân si như những người khác, và có khi còn tệ hại hơn nữa, người đời nhìn vào linh mục như một đại gia có tiền, có danh vọng và có quyền, mà khi một linh mục trở thành đại gia –nghĩa là không có Đức Ái- thì dù ngài có dâng thánh lễ, dạy giáo lý, hoặc làm việc bố thí, tất cả những việc ấy sẽ không có giá trị là bao trước mặt Thiên Chúa Tình Yêu.
 
Như thế, Đức Ái chính là cốt lõi của lề luật và là trọng tâm của đời sống linh mục. Ngoài đời sống cầu nguyện, công việc truyền giáo và mục vụ của giáo xứ sẽ phát triển tốt đẹp hay không tùy vào các linh mục đã sống và thực hiện Đức Ái thế nào trong đời sống của mình. Đây chính là điều mà mỗi một linh mục chúng ta cần suy nghĩ và thức hiện trong “Năm Gia tăng Đức ái” này.

 

(Lm. Phaolô Trịnh Duy Ri, WGP.Qui Nhơn 10.07.2014)