Du xuân trong cái nhìn đức tin

Du xuân trong cái nhìn đức tinAi đã chẳng một lần rung động trước cảnh sắc đất trời lúc vào xuân. Những giọt mưa xuân khác nào thuốc thần, rơi rắc xuống đâu hồi sinh màu xanh cho cây cối nơi đó. Để rồi, từ những cành cây khẳng khiu, trơ trụi như những bàn tay gân guốc vươn lên bầu trời, bật nhú lên những búp non, xanh nõn, điểm xuyến trên những thân cây xù xì, khô khốc. Những chấm xanh li ti, màu xanh non hy vọng, khác nào những cặp mắt ngơ ngác lần đầu được tiếp xúc với nắng xuân ấm áp, khẽ rùng mình vì cảm giác lạnh còn lưu luyến chưa tan. Thay cho màu xám lạnh ngắt, cái rét tím tái của tiết đông là những làn gió xuân nhẹ lay trên cánh lá. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ diệu mà không một họa sĩ nào trong thế giới loài người có thể vẽ được sinh động như thế.

Mùa xuân nhìn trời, nhìn đất, đâu đâu cũng thấy ẩn giấu những mầm sống tươi non, hứa hẹn một sức sống mãnh liệt, tràn căng đang chuẩn bị vươn lên thật đẹp. Chẳng có gì quá khi ta liên tưởng và gọi mùa xuân quyến rũ với cái đẹp của người con gái dịu dàng là Nàng Xuân. Táo bạo và dữ dội hơn nữa, thi sĩ Xuân Diệu trong bài thơ Vội Vàng không ngăn nổi xúc cảm trào dâng trong lòng trước vẻ đẹp của cuộc sống đã bật thốt lên “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”.

1. Tương giao giữa thiên nhiên và con người

Có để hồn lắng hòa vào thiên nhiên mới thấy rằng: Thiên Chúa đã dày công tác tạo tuyệt tác thiên nhiên, rồi vùi giấu “những kho báu” là biết bao hạt giống huyền nhiệm trong trời đất như một bài toán chưa có lời giải đáp đang chờ đợi con người khám phá.

Thật diệu kỳ xiết bao! Khi ta đi tìm kiếm, khám phá những bí ẩn của cảnh sắc tự nhiên, thì cũng là lúc ta nhận ra ý nghĩa của phận người. Thiên nhiên cuộc sống tươi đẹp là Ông già thông thái sẽ giúp ta nhận chân giá trị cuộc đời. Đó là: Con người và thiên nhiên không tách biệt nhưng có mối tương giao rất gần và rất bí nhiệm.
Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi tại sao thời gian một năm lại chia ra làm bốn mùa chưa? 

Còn tôi thì đã loay hoay rất nhiều lần với những câu hỏi đại loại thế. Rồi thích thú khi khám phá ra rằng chẳng phải ngẫu nhiên, mà xem như rất hợp lý khi khi nhận ra bốn mùa của một năm: Xuân – Hạ – Thu – Đông trùng khớp với bốn giai đoạn của một đời người: Sinh – Bệnh – Lão – Tử. Một ngày có năm canh sáu khắc, con người cấu tạo khỏe mạnh đầy đủ cũng có lục phủ ngũ tạng. Khí trời có Âm, Dương thì đây, con người có Nam dương – Nữ âm. Nếu vũ trụ chứa đựng tất cả mọi khoáng vật  Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ thì mỗi cá thể người cũng được ví là một tiểu vũ trụ, cũng có trong con người các yếu tố vật chất của tự nhiên.

Còn nhiều ẩn số vô cùng huyền nhiệm đang mời gọi chúng ta khám phá. Mỗi người hãy thử tìm cho mình một đáp án, một lời giải nghĩa từ Ông già thiên nhiên cho cuộc sống của mình, đem sẻ chia để làm phong phú cho mùa xuân nhân loại. Biết đâu khi hòa nhập vào thiên nhiên mỗi người lại khám phá ra những chân lý rất riêng theo cách mà Thiên Chúa sẽ tưởng thưởng cho mỗi người vì đã biết lưu tâm đến công trình của Ngài.

2. Xuân trong thơ

Nói về mùa xuân, phải tìm tới các nghệ sĩ, thi sĩ mới thấy thật vô cùng vô kể. Chẳng ai biết được đã có bao nhiêu nhà thơ, bài thơ viết về mùa xuân. Phong cách và cảm xúc thì thật phong nhiêu, mỗi người mỗi vẻ thật rực rỡ. Nhưng có hề chi! Xuân là của mọi người, chẳng riêng dành cho ai, dù già trẻ, gái trai, tu hay đời đều có quyền chiêm ngưỡng, cảm thụ nét đẹp ngày xuân theo cách riêng mình.

Trong lá thư gửi cho Trọng Miên bản về thơ, Hàn Mạc Tử đã chia sẻ cùng người bạn tâm giao ấy những cảm nhận khi chiêm ngắm tòa nhà vũ trụ như sau:
“Đức Chúa trời tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là “thiên thần” và “loài người”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: “loài thi sĩ”! Loài này là những bông hoa rất quí và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: Phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho tinh sạch”.

Trước một cánh hoa nở hay tàn, với nhiều người, nó là qui luật của tự nhiên, chẳng có gì để nói. Nhưng với một tâm lòng nhạy cảm thì nó gợi lên biết bao hứng khởi từ những điều tưởng như rất đỗi dung dị. Nhìn một nhánh mai trước sân, Mãn Giác Thiền Sư (1052 – 1096) không giấu nổi cảm xúc, chia sẻ kinh nghiệm với mọi người rằng:

 Cáo Tật Thị Chúng”
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai…
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất tri mai.

Không riêng gì người tu sĩ biết ơn Thiên Chúa khi “ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo”, thể hiện được xúc cảm và phô diễn cái ý cốt tủy rằng, thế gian này được tạo ra do lòng yêu và vinh quang của Thiên Chúa, nhưng cả thánh Tôma cũng phải thốt lên rằng “Chính cái chìa khóa tình yêu đã mở tay Thiên Chúa tạo dựng các loài”.

Linh hồn của con người đau khổ thường hay lên gần Chúa. Đó là tâm trạng của thi sĩ Hàn Mặc Tử trong những ngày cuối cùng bệnh hoạn, khổ đau tại trại cùi Qui Hòa. Hàn Mặc Tử đã thị kiến đến một mùa Xuân Như Ý: “Vinh quang Chúa cả trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Lời kinh trong mùa Giáng Sinh đã khơi nguồn cho Hàn Mặc Tử cất lên lời thơ:

Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gội áng thiều quang
Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian
                                                Nguồn Thơm

Đọc thơ của Hàn Mạc Tử, người ta đã tìm thấy Thánh Kinh, cho nên lời thơ viết trên này chỉ là một sự ân tứ dành cho con người, như là một tài sản chuyển đạt và giao phó cho con người thụ hưởng. Người thi sĩ tài dày nhưng yểu mệnh đã trút bỏ trần gian khi tuổi đời còn trai trẻ, để lại cho đời khối lượng thơ không mỏng, rất đáng để chúng ta học tập về niềm tin, tinh thần yêu đời, yêu cuộc sống… Dù thân xác mang trọng bệnh, nhưng tâm hồn của ông vẫn luôn vươn lên Thượng Trí thông qua các tác phẩm: Xuân Như Ý, Xuân Thái Hòa, Đêm Xuân Cầu Nguyện… làm cho người đọc cảm nhận được một tinh thần vượt trên cõi trần hay còn gọi là thoát tục nơi ông.

3. Mùa đông có tự khi nào?

Mùa xuân của con người khởi thuỷ thật tròn đầy, người và vật hòa hợp trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp tạo nên dáng xuân tươi trong lòng người khi tội lỗi chưa xâm nhập thế gian. Vậy mùa đông của tâm hồn do đâu mà có?

Lòng người thanh thản, không ưu phiền, ghét ghen. Phải chăng đó là một tâm hồn đang độ xuân chín? Vì lẽ đó ta hiểu rằng chẳng cần sống trong mùa đông, con người cũng thấy giá buốt tâm hồn. Khi lòng ngổn ngang hận thù, ghen ghét, bon chen, ích kỷ…liệu mùa xuân có về trên mảnh đất tâm hồn ấy chăng? Cái lạnh trong lòng người mới thật đáng sợ!

Mùa xuân không của riêng ai, không từ chối ai. Chỉ có con người tự chối từ mùa xuân khi chọn sống trong thù nghịch, ích kỷ, đứng lỳ trong hàng rào ngăn cách là những thứ vật chất phù phiếm, trì kéo tâm hồn khiến họ muốn vươn lên với trời xuân ấm áp mà không được. Chỉ khi nào chúng ta rũ bỏ hư danh, dục vọng, vật chất không cần thiết mà tìm kiếm các giá trị vĩnh cửu Chân Thiện Mỹ, ta mới thấy mùa xuân thực sự ươm nở trong lòng mình, trong lòng thế giới.

Bạn muốn mùa đông sẽ qua, hay ở lại mãi mãi? Câu hỏi này mỗi người phải tự trả lời. Đừng chỉ biết ngồi chờ mùa xuân đến, nhưng phải đứng lên bước ra khỏi mùa đông để mở cánh cửa mùa xuân của tâm hồn bằng đôi cánh ước mơ “Người không có ước mơ, khác nào như chim không có cánh” (khuyết danh). Đừng để mọi thứ tự đến rồi tự đi mà ta không giữ lại điều gì, cho dù có gặp những thất bại, những kỷ niệm buồn:

“Xuân đang tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Không cho dài thời trẻ của nhân gian.”
                                      Vội Vàng – Xuân Diệu

Là Kitô hữu, mùa xuân cuộc đời không lệ thuộc vào thời gian hay không gian, nhưng trải dài trong suốt dòng lịch sử, chuyển trao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là vì mùa xuân của chúng ta gắn liền với Đấng Thường Hằng bất biến, Đấng không có tuổi, Đấng làm chủ thời gian và là Chúa Xuân của muôn loài.