ĐTC họp báo trên chuyến bay về Rôma: văn hóa, lòng khoan dung và tình huynh đệ tại Albania

0Theo news.va- Mặc dù thời gian bay từ Albania trở về Rôma chỉ mất 90 phút, nhưng ĐTC Phanxicô vẫn theo thông lệ là dành một cuộc họp báo trên chuyến bay cho các nhà báo.

Trong khi trả lời câu hỏi của cánh nhà báo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin lỗi và nói rằng ngài chỉ trả lời những vấn đề liên quan đến chuyến tông du để khỏi làm lu mờ vấn đề chính trong 1 ngày tông du này.

ĐTC nhấn mạnh rằng Albania là vùng ngoại vi của châu Âu và vì vậy ngài muốn “viếng thăm nơi này.” Mặc dù Albania có đa số dân Hồi giáo nhưng nó không phải là một “quốc gia Hồi giáo; nó là một quốc gia liên tôn “của ba tôn giáo lớn: Hồi giáo, Chính thống giáo và Công giáo.”

Ngài nhắc lại tầm quan trọng của nền văn hóa “chung sống hòa bình với nhau”, bằng “lòng khoan dung”, và “tình huynh đệ” trong nước Balkan. 

Từ đầu, ĐTC đã rất ấn tượng vì đây là một đất nước có dân số trẻ.

Ngài nói: “Họ nói với tôi rằng đó là đất nước trẻ nhất ở châu Âu,” “Bạn cũng thấy nơi đây có nền văn hóa cao… có khả năng xây dựng tình huynh đệ.”

ĐTC nói rằng ngài đã nghiên cứu trong hai tháng để hiểu về lịch sử của các cuộc đàn áp diễn ra tại nước này dưới thời kỳ Cộng sản.

Ngài nói: “Khi tôi nhìn thấy những tấm áp phích của những người bị thiệt mạng dưới thời gian Cộng sản, không chỉ người Công giáo, mà cả Chính Thống Giáo và Hồi giáo … đó là một giai đoạn độc ác, tác khốc, khủng khiếp. Họ bị giết  vì tin vào Thiên Chúa. Tôi đã lắng nghe tâm sự của đại diện ba tôn giáo trên và giờ đây họ đang làm chứng về tình huynh đệ.”

ĐTC thú nhận rằng ngài đã rơi nước mắt khi nghe lời kể của một linh mục bị bỏ tù 27 năm. Ngài đã rất ấn tượng bởi sự khiêm nhường của người vị linh mục này và dường như đó là câu chuyện chung của tất cả những người bị bách hại khác.  

ĐTC cũng xác nhận chuyến đi đến Strasbourg sẽ là vào ngày 25.11.2014 và chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra một vài ngày sau đó, tức vào ngày 30.11, lễ kính thánh Anrê và ngài sẽ cử hành thánh lễ này tại Istanbul cùng với Đức Thượng Phụ Bartholomeo. Khi được nhắc nhở rằng Thổ Nhĩ Kỳ nằm sát biên giới với Iraq, Đức Thánh Cha nói “địa lý không thể thay đổi.”

Hoàng Minh