ĐTC gặp gỡ giới lao động tại Prato, Italia

PRATO. ĐTC Phanxicô lên án nạn bóc lột sức lao động, kêu gọi loại bỏ sự tham nhũng và cung cấp việc làm cũng như nơi ăn chốn ở xứng hợp với nhân phẩm cho công nhân.

 Đây là sứ điệp của ĐTC trong cuộc gặp gỡ các tín hữu và giới công nhân tại thành phố Prato sáng ngày 10.11.2015, chặng dừng đầu tiên của ĐTC trong chuyến thăm viếng vùng Toscana, trung Ý, trong vòng một ngày này.

 ĐTC đã đáp trực thăng từ Vatican lúc 7 giờ sáng để bay tới Prato sau đó khoảng hơn một giờ. Đến thành phố Prato, ĐTC đã vào nhà thờ chính tòa để kính viếng, rồi ngài lên ban-công của mặt tiền thánh đường, giống như tòa giảng, để chào thăm 5 ngàn người tụ họp ở quảng trường bên dưới, và 30 ngàn người khác tụ tập tại các đường phố gần đó. Họ phần đông là những người Trung Hoa, Philiphines, Ucraina, Ba Lan, Rumani, Pakistan, và Nigeria.

Sau đây là huấn từ của ĐTC, Ngài nói:

“Anh chị em rất thân mến

Tôi xin chân thành cảm ơn Đức Giám mục, Agostinelli, vì những lời chào mừng mà Ngài đã dành cho tôi. Tôi cũng nhiệt liệt chào mừng tất cả các  bạn cũng như những ai không thể hiện diện tại đây về thể lý, một cách cụ thể là những người đang yếu đau, cao niên, và cả những tù nhân đang ở trong tù.

Tôi đã đến đây như một khách hành hương! Đây là thành phố phong phú về lịch sử và đầy tính mỹ thuật, vốn trải dài nhiều thế kỉ đã xứng đáng với danh xưng “thành phố của Đức Maria”. Các bạn thật may mắn, bởi vì các bạn ở trong vòng tay tuyệt vời đấy! Đây là vòng tay từ mẫu vốn luôn che chở, rộng mở để đón nhận. Các bạn thật cũng thật là vinh dự bởi vì các bạn đã giữ gìn thánh tích là “sợi dây thắt lưng của Đức Mẹ” mà tôi vừa có dịp víếng thăm.

Dấu chỉ chúc lành này cho thành phố của các bạn gợi lên trong tôi một vài suy nghĩ, vốn được gợi hứng bởi Lời Chúa. Suy nghĩ đầu tiên đưa đẩy chúng ta về hành trình được giải thoát mà dân Do Thái đã bắt đầu, từ kiếp nô lệ ở Ai Cập để tiến về Đất Hứa. Trước khi giải thoát họ, Thiên Chúa đã yêu cầu dân phải cử hành bữa tiệc Vượt Qua và phải ăn trong một cách thức cụ thể: “lưng thắt đai” (Xh 12,11). Lưng thắt đai có nghĩa là sẵn sàng, chuẩn bị để xuất phát, để ra đi dấn mình vào cuộc lữ hành. Và điều này cũng là điều mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta ngày hôm nay, hôm nay hoặc chẳng bao giờ: đừng đóng kín mình trong sự dửng dưng, nhưng hãy mở lòng mình ra; cho tất cả mọi người để lắng nghe mình được kêu gọi và sẵn sàng để từ bỏ một điều gì đó để đi đến với một ai đó, nhằm chia sẻ với họ niềm vui của việc gặp gỡ Thiên Chúa và ngay cả sự vất vả khi lữ hành trên hành trình. Điều này đỏi hỏi chúng ta phải bước ra để đến gần những người nam và người nữ trong thời đại của chúng ta. Chắc chắn, bước ra có nghĩa là mạo hiểm nhưng nếu không mạo hiểm thì chẳng có đức tin đâu. Một đức tin chỉ biết nghĩ đến mình và đóng kín trong mình thì chẳng phải là tin tưởng vào lời mời gọi của Thiên Chúa, là Đấng kêu gọi thực thi những hoạt động và dấn thân mà không sợ hãi. Đối diện với biến động luôn luôn rối bời của những năm vừa qua, có một nguy hiểm của việc chịu đựng vòng xoáy của những biến cố, và điều này có thể khiến người ta mất đi cam đảm để tìm kiếm ra đường đi. Và rồi người ta thích trú ẩn nơi bến cảng an toàn và từ bỏ việc loan báo lời của Đức Giêsu. Nhưng Thiên Chúa, là Đấng muốn đụng chạm đến những ai chưa yêu mến Ngài, lại hối thúc chúng ta. Ngài mong muốn rằng trong chúng ta sản sinh một đam mê truyền giáo được canh tân và uỷ thác cho chúng ta trách nhiệm lớn lao này. Ngài yêu cầu Giáo Hội, hiền thê của Ngài phải bước đi trên những con đường gồ ghề bấp bênh để đồng hành với những ai đã lạc lối; để dựng lên những mái lều của hy vọng, là nơi đón nhận những ai bị tổn thương và chẳng còn chờ mong gì từ cuộc sống nữa.

Chính bản thân Ngài đã làm gương khi lại gần chúng ta. Thật vậy, dây thắt lưng thánh gợi nhắc cử chỉ Đức Giêsu đã thực hiện trong bữa Tiệc Ly, khi Ngài lấy khăn mà thắt lưng, như một tôi tớ, và rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,4; Lc 12,37). Bởi vì Ngài đã làm điều đó nên chúng ta cũng phải noi gương Ngài. Chúng ta đã được phục vụ bởi Thiên Chúa là Đấng đã trở nên người thân cận với chúng ta, để phục vụ và rồi đến lượt mình chúng ta phải phục vụ người thân cận mình. Đối với môn đệ của Đức Giêsu chẳng ai gần gũi mà lại có thể trở nên xa cách cả. Thậm chí chẳng có người nào ở quá xa, nhưng chỉ có những người ở gần mà chúng ta sắp đến gặp. Tôi cám ơn các bạn vì những nỗ lực liên lỉ mà cộng đồng của các bạn thực hiện để đón nhận tất cả mọi người, đối nghịch với thứ văn hoá của sự dửng dưng và loại bỏ. Trong những thời khắc đuợc ghi dấu bởi sự bất an và sợ hãi, những hoạt động của các bạn thật đáng khen để nâng đỡ những người hèn kém nhất cũng như các gia đình, mà các bạn đã nỗ lực để “đón nhận”. Trong khi các bạn cố gắng hết sức trong việc tìm kiếm cho những người hèn kém cơ hội cụ thể để được đón nhận, các bạn đã không nản lòng khi đối diện với những khó khăn. Các bạn không bỏ cuộc trước những hoàn cảnh dường như có vẻ rất khó khăn để cùng chung sống; các bạn luôn hăng say với mong muốn để thiết lập những “hiệp ước của sự gần gũi” chân thực.

Vẫn còn một đề nghị khác mà tôi muốn nói với các bạn. Thánh Phaolo mời gọi các Ki tô hữu hãy mặc lấy áo giáp đặc biệt của Thiên Chúa. Thực sự thánh nhân kêu gọi hãy mặc lấy những nhân đức cần thiết để đối diện với những kẻ thù thực sự của chúng ta, vốn chẳng bao giờ là tha nhân, nhưng là “những thần dữ”. Chiếm vị trí hàng đầu trong áo gíap lý tưởng này là chân lý: “lưng thắt đai là chân lý”, thánh tông đồ viết (Ep 6, 14). Chúng ta phải ôm ấp trong mình chân lý. Người ta không thể tác tạo nên điều gì tốt đẹp trên những âm mưu của sự lừa dối hay là thiếu sự trung thực. Tái tìm kiếm và luôn chọn lựa chân lý không phải là điều dễ dàng; tuy nhiên đây là quyết định quan trọng, vốn ghi dấu cách thâm sâu nơi sự hiện hữu của mỗi người và ngay cả trong xã hội, ngõ hầu xã hội sẽ công bằng, trung thực hơn. Sự thánh thiêng của mỗi người đòi hỏi người khác phải tôn trọng, đón nhận và một công việc xứng đáng.

Tôi xin nhắc đến ở đây 5 người đàn ông và 2 phụ nữ người Trung Hoa thiệt mạng 2 năm trước vì một vụ cháy trong khu công nghiệp ở Prato này. Họ sống và ngủ trong một xí nghiệp nơi họ làm việc: ở đó người ta làm một nhà để trọ bằng giấy carton, với những giường chồng lên nhau, để tận dụng chiều cao của xí nghiệp đó… Thật là một thảm trạng bóc lột và những điều kiện sống không xứng đáng với con người!

Đời sống của mỗi cộng đồng đòi hỏi người ta phải đấu tranh tới cùng với ung nhọt của tham nhũng, căn bệnh ung thư của sự bóc lột con người và công nhân cũng như nọc độc của sự phạm pháp. Trong bản thân chúng ta và ngay cả những người khác, chúng ta không bao giờ mỏi mệt để đấu tranh cho chân lý và công bình.

Tôi khuyến khích tất cả các bạn, đặc biệt là những người trẻ, đừng bao giờ chịu thua chủ nghĩa bi quan và thối chí. Đức Maria là người cùng với cầu nguyện và tình yêu, trong một sự thinh lặng tích cực, đã biến đổi ngày thứ bảy của tăm tối thành bình minh của sự Phục Sinh. Nếu một ai đó cảm thấy mỏi mệt và đè nén bởi những trạng huống của cuộc sống, hãy phó thác cho mẹ của chúng ta, là Đấng gần gũi và luôn ủi an, bởi vì Người là mẹ. Luôn sưởi ấm chúng ta và mời gọi chúng ta tái tín thác vào Thiên Chúa: Con của Mẹ là Đấng sẽ không bao giờ phản bội sự chờ đợi của chúng ta và sẽ gieo vào lòng chúng ta hy vọng không lừa dối. Xin cám ơn anh chị em.”

Sau bài huấn từ, ĐTC cũng chào thăm mọi người trước khi lên máy bay trực thăng bay đến Firenze.

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai