Đọc lại tông huấn Lòng Thương Xót Chúa

Khi tạo dựng con người theo hình ảnh và giống Mình, Thiên Chúa kêu gọi họ tham dự cách đặc biệt vào tình yêu của Ngài, để thông ban quà tặng sự sống cho con người (x. St 1, 28). Thế nhưng con người đầu tiên này đã nghe theo tiếng của Con Rắn, nên Thiên Chúa phải cứu họ khỏi tội. Đó là sứ mệnh được trao cho Đức Ki-tô. Quả vậy, làm sao có thể tạo dựng vũ trụ nếu không có tình yêu? Làm sao đánh thức con người làm điều thiện nếu không có lòng thương xót? Mang Thập giá và đau khổ, Đức Ki-tô hoàn toàn bỏ mình, trao vào tay Chúa Cha và tay con người, sau đó, Ngài phục sinh, tất cả những điều này không phải là những dấu chỉ của lòng thương xót sao? Mặt khác, Lòng Thương Xót còn cho thấy trong đời sống và sứ mệnh loan báo Tin mừng của Giáo Hội từ khi thành lập cho đến ngày nay, cho dù có những thăng trầm. Những dòng này dẫn chúng ta vào tông huấn mà hôm nay Đức Phan-xi-cô muốn triển khai trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Tông huấn của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II Thiên Chúa giàu lòng thương xót (1980) được ra đời sau tông huấn Đấng Cứu chuộc con người (1979). Nếu tông huấn Đấng Cứu chuộc con người này nói cho chúng ta con đường cứu chuộc qua nhân tính với tất cả các đặc tính trong Đức Ki-tô, trừ tội lỗi, thì tông huấn thứ hai về Lòng thương xót của Thiên Chúa nói cho chúng ta về ơn cứu chuộc khởi từ sáng kiến của Chúa Cha. Năm 1986, Đức Thánh Cha lại viết tông huấn thứ ba Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và thế giới để làm thành trọn bộ ba tập liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa. Thần học này khai triển mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Sáng tạo và đặc biệt mầu nhiệm Con người.

Chúa nhật hai Phục sinh năm nay (2015), Đức Phan-xi-cô sẽ long trọng tuyên bố Năm thánh Lòng Thương Xót Chúa như để tiếp nối thần học về Lòng Thương Xót của Thánh Gio-an Phao-lô II, mà cụ thể tông huấn Lòng Thương Xót Chúa của ngài nói rất đầy đủ. Chúng ta cùng đọc lại: Tông huấn gồm 8 chương và đề cập đến mọi khía cạnh của Lòng Thương Xót Chúa.

Chương I nói về Chúa Cha, nguồn gốc và cùng đích của mọi lòng thương xót – “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14, 9)-, phần này được trình bày để tiếp nối Công đồng Vatican II và tông huấn Đấng Cứu chuộc con người.

Chương II chỉ ra “tình yêu-lòng thương xót” (số 3) là trung tâm của sứ mạng thiên sai.

Chương III đào sâu vấn đề Lòng thương xót trong truyền thống của dân Israen.

Chương IV triển khai dụ ngôn người con phung phá để làm nổi bật phẩm giá con người.

Chương V trình bày mầu nhiệm vượt qua như là đỉnh cao của sự công chính của Thiên Chúa, chiến thắng tội lỗi và sự chết. Chúa Con là Đấng đầu tiên đạt được sự công chính này và Mẹ Maria thông phần vào mầu nhiệm này cách đặc biệt nhất.

Chương VI nói cho chúng ta về tình trạng của thế giới hiện nay, những thất bại và cám dỗ, muốn thay thế lòng thương xót bằng sự công chính của con người, nhưng không được tưới nước tình yêu, sẽ đi đến thất bại.

Do đó, chương VII, khi nói về sứ mệnh của Giáo Hội, qua đời sống bí tích và kinh nghiệm sám hối, nhắc cho mọi người phải đến gần trái tim của Chúa Giê-su. Hiền thê của Ngài được mời gọi diễn tả về “lòng thương xót là nguồn sâu xa nhất” (số 14§4) của sự công chính có khả năng tái dựng mọi tương quan con người.

Chương VIII chỉ cho chúng ta rằng soạn thảo một suy tư thần học sẽ không đủ, mà nó cần phải biến đổi thành lời cầu nguyện để chạm vào trái tim của Thiên CHúa. Đó là điều mà Thánh Giáo Hoàng mời gọi chúng ta.

Đọc qua các tiêu đề của tông huấn, chúng ta đã cảm nhận được phần nào sự giàu có của Lòng Thương Xót, về mọi hướng đi suy tư và cầu nguyện. Để chỉ ra căn tính của tông huấn, chúng ta nên biết rằng những diễn đạt được nhắc nhiều lần nhất trong tông huấn đó là “mạc khải lòng thương xót” vì đó là nội dung của tông huấn. Người ta có thể đếm được tới hơn 200 lần cụm từ “lòng thương xót” được lặp lại. Đấng mạc khải Lòng thương xót chính là Đức Giê-su Ki-tô. Chỉ Mình Ngài đã làm người, được Chúa Cha sai đến từ Trời, có thể mạc khải cách sâu xa và đầy đủ nhất. Ngài đã mạc khải như thế nào? Đọc lại toàn tông huấn để có thể đánh giá được. 35 năm sau tông huấn, hôm nay Đức Phan-xi-cô muốn làm sáng tỏ bằng một Năm Thánh, Năm “Lòng Thương Xót Chúa” vì theo ngài, “một chút lòng thương xót làm cho thế giới bớt lạnh lùng và công chính hơn”.

Lm. Vinh sơn Đinh Minh Thỏa
(Còn tiếp)