Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho các nữ đan sĩ Dòng Cát Minh Nhặt phép năm 2024

Tại Dinh Tông toà vào sáng thứ Năm ngày 18.04.2024, Đức Thánh Cha đã dành cho các bề trên và đại biểu của Dòng Cát Minh Nhặt phép (Descalced Carmelites) buổi tiếp kiến riêng nhân dịp các nữ đan sĩ quy tụ để suy tư và sửa đổi Hiến pháp Dòng. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn từ được Đức Thánh Cha nói trực tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha:

DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC BỀ TRÊN VÀ ĐẠI BIỂU DÒNG CÁT MINH NHẶT PHÉP

Dinh Tông toà

Thứ Năm, ngày 18 tháng 04 năm 2024

Chào buổi sáng và chào mừng chị em!

Tôi rất vui được gặp chị em khi chị em quy tụ để suy tư và sửa đổi Hiến pháp của chị em, những Hiến pháp từ trước những năm 1990, mà chị em đang cùng nhau thực hiện. Đây là một công việc đầy ý nghĩa, không chỉ vì nó đáp ứng nhu cầu tự nhiên của con người cũng như những tình huống bất ngờ của đời sống cộng đoàn, mà đây còn là “thời điểm của Thánh Thần”, nghĩa là một cơ hội để chị em dành trọn cho việc cầu nguyện và phân định. Bằng việc luôn cởi mở nội tâm với hoạt động của Chúa Thánh Thần, chị em được thách thức để khám phá ngôn ngữ mới, những con đường mới, và những phương thế mới để tạo động lực lớn hơn nữa cho đời sống chiêm niệm mà Chúa đã mời gọi chị em đón nhận, hầu bảo tồn đặc sủng Cát Minh – đặc sủng vốn luôn luôn như thế – và đặc sủng có thể được nhận thức và thu hút nhiều tâm hồn, vì vinh quang Thiên Chúa và lợi ích của Giáo hội. Khi đặc sủng Cát Minh hoạt động tốt, nó sẽ có sức thu hút phải không?

Việc duyệt lại Hiến pháp có nghĩa chính xác là: thu thập ký ức về quá khứ – chúng ta không được phủ nhận điều này – để hướng tới tương lai. Thật vậy, chị em làm cho tôi nghĩ đến ơn gọi chiêm niệm không phải là canh giữ tro tàn, nhưng là thổi bùng lên ngọn lửa luôn cháy và mang lại hơi ấm cho Giáo hội và thế giới. Vì vậy, ký ức về lịch sử và các yếu tố trong Hiến pháp của chị em đã trưởng thành qua năm tháng là một nguồn phong phú cần phải luôn mở ra trước những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, trước sự mới mẻ bất diệt của Tin Mừng, và trước những dấu chỉ mà Chúa tỏ ra cho chúng ta qua những trải nghiệm cuộc sống cũng như qua những thách đố của con người, nhờ đó, đặc sủng được bảo tồn. Đặc sủng không thay đổi nhưng đặc sủng lắng nghe và cởi mở trước những gì Chúa muốn trong mọi lúc.

Và điều này áp dụng chung cho tất cả các Tu hội đời sống thánh hiến, nhưng chị em, với tư cách là những đan sĩ, hãy trải nghiệm đặc sủng của mình một cách đặc biệt, bởi vì đời sống của chị em thể hiện sự căng thẳng giữa việc tách biệt khỏi thế gian và việc hòa nhập vào thế gian. Thay vì tìm nơi ẩn náu trong những an ủi tinh thần nội tâm hoặc sự cầu nguyện xa rời thực tế, đời sống của chị em là một cuộc hành trình trong đó chị em để cho tình yêu của Đức Kitô chạm đến và nên một với Người, đến nỗi tình yêu này thấm nhuần toàn bộ cuộc sống và được thể hiện trong mọi lời nói cũng như hành động của chị em. Lộ trình của sự chiêm niệm vốn dĩ là lộ trình của tình yêu, có vai trò như một chiếc thang nâng chúng ta lên với Thiên Chúa, không phải để tách chúng ta ra khỏi thế gian nhưng giúp chúng ta sống trong thế gian một cách sâu xa, như những chứng nhân của tình yêu mà chúng ta đã lãnh nhận.

Đây là bài học mà với sự khôn ngoan và đức tin nhiệt thành của mình, người Mẹ thánh thiện của chị em đã dạy cho chị em. Mẹ xác tín rằng sự kết hợp thần bí và nội tâm mà qua đó Thiên Chúa kết hợp linh hồn với chính Ngài, như thể “niêm phong” linh hồn đó bằng tình yêu của Ngài, thấm nhuần và biến đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta, mà không tách chúng ta ra khỏi những trách nhiệm hàng ngày hoặc gợi ý một lối thoát vào những vấn đề tâm linh mà thôi. Thánh Têrêsa khẳng định rằng cần phải có thời gian dành cho sự thinh lặng và cầu nguyện, tuy nhiên thời gian này phải được coi là nguồn gốc của việc tông đồ và của tất cả những bổn phận hàng ngày mà Chúa mời gọi chúng ta thực hiện để phục vụ Giáo hội. Một cách cụ thể, thánh Têrêsa nói: “Martha và Maria một đàng phải bày tỏ lòng hiếu khách đối với Chúa, và luôn ở bên vị khách của mình, nhưng đàng khác, họ cũng không được quá hiếu khách đến mức không chuẩn bị để mời Người bữa ăn. Làm sao Maria có thể làm được điều này khi cô ấy luôn ngồi dưới chân Chúa Giêsu nếu không có sự giúp đỡ của Martha? Thức ăn chúng ta mời Chúa Giêsu là nỗ lực bao nhiêu có thể, nhằm dẫn các linh hồn đến gần Người hơn để họ được cứu độ và ca ngợi Người mãi mãi” (Thánh Têrêsa Avila, Lâu đài Nội tâm, VII, IV, 17-18). Đây là câu trích dẫn mà chị em biết rõ hơn tôi.

Được như thế, đời sống chiêm niệm sẽ không có nguy cơ bị thoái hóa thành một hình thức trì trệ tâm linh, làm xao lãng các nhiệm vụ của cuộc sống hàng ngày nhưng tiếp tục mang lại ánh sáng nội tâm cần thiết cho sự phân định. Và đâu là ánh sáng mà chị em cần để sửa đổi Hiến pháp và giải quyết nhiều vấn đề cụ thể của các đan viện và đời sống cộng đoàn? Ánh sáng đó không gì khác hơn là niềm hy vọng của Phúc âm, song luôn bắt nguồn từ những vị sáng lập của chị em và từ Thánh Gioan Thánh Giá.

Niềm hy vọng của Phúc âm khác với những ảo tưởng dựa trên những tính toán của con người. Niềm hy vọng này đòi phải phó thác bản thân cho Thiên Chúa, học cách đọc những dấu chỉ Ngài ban để phân định tương lai, có được sự can đảm để đưa ra những quyết định táo bạo và mạo hiểm, ngay cả khi chúng ta không biết những quyết định này cuối cùng sẽ dẫn chúng ta tới đâu. Trên hết, hy vọng của Phúc âm có nghĩa là không chỉ suy nghĩ dựa trên yếu tố con người và các chiến lược phòng thủ khi cân nhắc về việc nên bảo tồn hay đóng cửa một đan viện, về những cơ cấu của đời sống cộng đoàn, và về ơn gọi. Các chiến lược phòng thủ thường là kết quả của nỗi hoài niệm về quá khứ – điều này không có tác dụng, nỗi luyến tiếc quá khứ không có tác dụng – trong khi đó, niềm hy vọng Phúc âm không những mang lại cho chúng ta niềm vui khi suy ngẫm về lịch sử đã tồn tại cho đến hiện tại, nhưng cũng làm cho chúng ta mạnh mẽ hướng về tương lai với những cội rễ mà chúng ta đã nhận lãnh. Và điều này được gọi là bảo tồn đặc sủng, ước mơ tiến về phía trước, và điều này chắc chắn có tác dụng.

Hãy nhìn về phía trước. Đây là lời cầu chúc tôi dành cho chị em. Hãy nhìn về tương lai với niềm hy vọng Phúc âm và với đôi chân trần, nghĩa là với sự tự do phát sinh từ niềm phó thác cho Thiên Chúa. Hãy nhìn về tương lai với cội nguồn của quá khứ. Chớ gì việc chị em đắm chìm hoàn toàn trong sự hiện diện của Chúa cũng luôn mang lại cho chị em niềm vui của tình chị em và tình yêu thương nhau. Xin Đức Maria đồng hành với chị em trên lộ trình này. Tôi ưu ái ban phép lành cho chị em, cho công việc của chị em trong những ngày này, và cho cộng đoàn của chị em. Tôi chúc lành cho các nữ tu trong đan viện. Tôi cũng xin chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (18. 04. 2024)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*


Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.