Dấu thánh giá

KHẨU TỤNG TÂM SUY (1)
Người Việt Nam có câu: “Kinh nhà đạo, gạo nhà chùa”. Câu này muốn nói tới tầm quan trọng của việc đọc kinh nơi người có đạo. Đọc kinh có thể nói là một hình thức thực hành đạo phổ biến nhất. Đọc kinh không chỉ là một cách cầu nguyện mà còn là cách để tuyên xưng đức tin, để thắt chặt tình hiệp thông cộng đoàn và còn là một hình thức truyền đạo nữa.Tuy nhiên, để việc đọc kinh thực sự có ý nghĩa trọn vẹn, người đọc kinh cần phải “miệng đọc lòng suy”, nghĩa là có tâm tình và thái độ phù hợp với lời kinh, nhất là phải làm cho lời nguyện hóa nên đời sống, nghĩa là thấm vào nếp nghĩ và lối sống của mình.
Với nỗ lực muốn tìm hiểu về ý nghĩa các lời kinh thường đọc, Ra Khơi số này xin giới thiệu phần giải thích về lời kinh “Dấu Thánh Giá”, quen gọi là “Làm Dấu”.
DẤU THÁNH GIÁ

LÀM DẤU ĐƠN: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.LÀM DẤU KÉP: Lạy Chúa chúng con, vì dấu Thánh Giá (+) xin chữa chúng con (+) cho khỏi kẻ thù (+). Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

(Dấu Thánh Giá đơn: Nhân Danh Cha (đưa tay phải lên trán), và Con (đưa tay xuống giữa ngực) và Thánh Thần (đưa tay qua vai trái rồi đưa qua vai phải). Amen (chắp tay lại). Dấu Thánh Giá kép: Lạy Chúa chúng con, vì dấu Thánh Giá (ngón tay cái tay phải ghi + trên trán), xin chữa chúng con (+ trên môi), cho khỏi kẻ thù (+ giữa ngực). Nhân Danh Cha + và Con và Thánh Thần. Amen.)

Nguồn gốc 
Nội dung của dấu Thánh Giá đã có từ sách Tin Mừng (x. Mt 28,19). Ý nghĩa cứu độ của dấu Thánh Giá cũng có thể được tiên báo nơi “dấu vượt qua” và “dấu cứu thoát” tìm thấy ở sách Xuất hành (Xh 17,9-14) và sách Khải huyền (Kh 7,3;9,4;14,1).

Dấu Thánh Giá được coi là một thực hành đã có từ thời các thánh tông đồ và các Kitô hữu coi đây là dấu hiệu mang lại phúc lành và sự che chở.

Tuy nhiên, theo lịch sử, dấu Thánh Giá chắc chắn đã có vào thời giáo phụ Tertulianô (160-220 SCN), vì ngài đã căn dặn các tín hữu làm điều đó: “Trong mọi cuộc hành trình và mõi lần di chuyển, lúc đến cũng như lúc đi, khi xỏ giày dép cũng như khi tắm rửa, ăn uống, thắp đèn, đứng ngồi, ngủ nghỉ, hoặc bất cứ một hoạt động nào khác, chúng ta hãy ghi dấu Thánh Giá trên trán”. Sau đó, thánh Cyrilô thành Giêrusalem (315-387 SCN) cũng kêu gọi các tính hữu hãy siêng năng làm dấu Thánh Giá: “Chúng ta đừng e thẹn tuyên xưng Đấng chịu đóng đinh. Hãy ghi dấu Thánh Giá trên trán, hãy làm dấu Thánh Giá trên mọi nơi, trên bánh ăn, trên nước uống. Hãy làm dấu Thánh Giá khi đi về, trước khi ngủ, khi nằm xuống, khi thức dạy, khi ra đi, khi nghỉ ở nhà”(YouCat 360).

Thánh Giáo phụ Gioan Kim Khẩu (347-407 SCN ) cũng dạy rằng: “Trong mỗi hành động, mỗi bước đi, hãy giơ tay làm dấu Thánh Giá. Hãy đóng chặt cánh cửa tâm hồn và hãy bảo vệ làm dấu Thánh Giá trên đầu óc bạn bằng việc ghi dấu Thánh Giá trên trán. Dấu này sẽ xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật tâm hồn. Dấu này là vũ khí bách chiến bách thắng, là tường lũy vững vàng, là khiên mộc chở che vững chắc”.

Ý nghĩa
Người Công giáo làm dấu Thánh Giá khi bắt đầu ngày sống, giờ cầu nguyện, khi ăn cơm, trước một việc quan trọng để xin ơn thánh hóa; khi gặp khó khăn hoặc thử thách cám dỗ để xin ơn trợ giúp (x. YouCat 360, GLHTCG 2157, 2166).

Việc ghi dấu Thánh Giá giúp ta:
–          tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi;
–          bày tỏ niềm xác tín vào ơn cứu độ được thực hiện nơi Thánh Giá Chúa Kitô;
–          kêu cầu ơn chúc lành và trợ giúp.

Một cách chi tiết hơn, ghi dấu Thánh Giá trên trán để nhắc nhớ ta về Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời và xin Ngài soi sáng tâm trí; ghi dấu Thánh Giá trên ngực để nhắc nhớ rằng Chúa ngự trong hồn ta và xin Ngài thánh hóa tâm hồn; ghi dấu Thánh Giá trên hai vai để nhắc nhớ ta rằng Chúa Kitô ngự bên Thiên Chúa Cha hằng chuyển cầu và ban Thánh Thần cho chúng ta, nên ta không mồ côi mà luôn có Ngài đồng hành trong mọi hoạt động ta làm.

Dấu kép ghi Thánh Giá trên trán, miệng, ngực để xin Chúa chúc lành và thánh hóa cùng gìn giữ toàn thể con người chúng ta “cho khỏi kẻ thù”: suy nghĩ (trán), ngôn ngữ (miệng) và tình cảm (ngực).

Cách làm dấu Thánh Giá

Lúc đầu, dấu Thánh Giá nhỏ được ghi trên trán bằng ngón tay cái hoặc một ngón tay nào đó. Nhưng việc xác định chính xác điểm ghi dấu Thánh Giá nhỏ trên trán có phần khó khăn, nên người ta chuyển việc ghi dấu Thánh Giá nhỏ trên trán thành ghi dấu Thánh Giá theo kiểu hiện hành là từ trán xuống ngực và từ vai này sang vai kia. Thời điểm thay đổi hình thức làm dấu Thánh Giá được cho là đã xảy ra vào thế kỷ XI sau công nguyên.Người Công giáo:
–          Cách 1: Ghi dấu Thánh Giá nhỏ bằng ngón tay cái trên trán mình hoặc người khác;
–          Cách 2: ghi dấu Thánh Giá bằng cả bàn tay trên trán, trên ngực và hai vai (từ trái sang phải);
–          Cách 3: ghi dấu Thánh Giá nhỏ bằng ngón tay cái trên trán, trên miệng và trên ngực (dấu kép) và sau đó làm tiếp phần ở cách 2.Người Chính thống giáo: ghi dấu Thánh Giá trên trán, trên ngực (hoặc bụng, hoặc đất) và trên hai vai (từ phải qua trái), bằng 3 ngón (cái, trỏ và giữa), ngón út và áp út gập xuống lòng bàn tay.

Ba ngón gộp lại tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi; hai ngón tay quặp xuống lòng bàn tay chỉ mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ trời xuống thế, gồm hai bản tính kết hợp lại nơi một Ngôi Vị duy nhất. Động tác hai để xuống bụng hoặc đất (thay vì ngực) là để nhấn mạnh đến mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai. Động tác ba đi từ phải sang trái, nhấn mạnh đến việc Chúa Phục Sinh “ngự bên hữu” đang chuyển cầu và ban Thánh Thần cho chúng ta.

Thực hành: siêng năng làm dấu Thánh Giá cách ý thức, với thái độ kính cẩn và tâm tình yêu mến nhiều hơn mỗi khi làm dấu Thánh Giá.

 

Một số kiểu tượng Thánh Giá tiêu biểu
Thánh Giá Alpha-Omega – Một kiểu Thánh Giá Latinh kết hợp với hai chữ đầu và cuối của bảng chữ cái Hy Lạp để nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng: qua việc Chúa Kitô chịu chết trên thập giá vì tội lỗi chúng ta, Ngài   đã hiển trị trong vinh quang mãi mãi: “Mọi sự đã hoàn tất. Ta là Alpha và Omega, là Nguyên thủy và Cùng đích. Ai khát, Ta sẽ cho uống miễn phí từ dòng nước trường sinh” (Kh 21, 6).

Thánh Giá mỏ neo – Hình mỏ neo có nguồn gốc từ các hang toại đạo thời Giáo hội sơ khai, kết hợp hai hình: Thánh Giá và mỏ neo,

biểu tượng cho niềm hy vọng Kitô giáo được cắm neo nơi Chúa Kitô.

Thánh Giá cầm tay – Có một nút tròn trên hình chữ “tau” (T) tượng trưng cho sự sống nhờ Chúa Giêsu như Ngài đã nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Thánh Giá Calvê– Ba bậc đi lên Thánh Giá tượng trưng cho đồi Calvê, cũng có nghĩa là ba hồng ân đặc biệt Chúa ban cho qua Thánh Giá: đức tin, đức cậy và đức mến (x. 1 Cr 13,13).Thánh Giá khải hoàn – Chữ Hy Lạp viết tắt chữ Giêsu (IC), Kitô (XC), Đấng khải hoàn (NIKA): “Trong mọi sự, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” ( Rm 8,37).

Thánh Giá nhỏ – Thánh Giá gồm 4 Thánh Giá nhỏ bốn góc, biểu trưng cho việc loan báo Tin Mừng đi khắp bốn phương: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Thánh Giá thương khó – Các đầu Thánh Giá nhọn nhắc nhớ các mũi đinh đã đâm thâu Chúa Giêsu.Thánh Giá Jerusalem – Gồm Thánh Giá ở trung tâm kết thành bởi bốn Thánh Giá hình chữ Tau (T), tượng trưng cho Luật Cựu Ước. Bốn Thánh Giá nhỏ tượng trưng cho sự kiện toàn lề luật nhờ Tin Mừng của Chúa Kitô mang lại. Cũng có nghĩa truyền giáo là phải đem Tin Mừng đến bốn phương thiên hạ. Tổng cộng năm Thánh Giá cũng nhắc nhớ đến năm dấu đinh đã đóng vào thân hình Chúa.

Hương Kinh
(Trích “Ra Khơi”, số 12)