Đại học Oxford tham gia nỗ lực giám định thánh tích

Thánh tích của một số đấng thuộc hàng đáng kính nhất của Giáo hội đang hiện diện cách lặng lẽ tại một thành phố nhỏ bé của tiểu bang Illinois tại Mỹ.

Điện thờ Các Thánh (tên tiếng Anh là Shrine of All Saints) ở TP. Morton Grove, bang Illinois, đang lưu giữ một đoạn xương được cho là thuộc về thánh tông đồ Phêrô. Cũng tại nơi này, người hành hương có thể tìm thấy các mẩu tóc nhiều khả năng là của Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Còn ở Viện Nghệ thuật Chicago, các chuyên gia đang lưu giữ chiếc răng có thể thuộc về Gioan Tẩy Giả, người đã rơi đầu trước mệnh lệnh của Vua Hêrôđê. Một mảnh áo choàng cũng được cho là thuộc về thánh Anna, mẹ của Đức Maria.

Xương chân có thể thuộc về thánh Phêrô – ảnh: Sun-Times

 

Sáng kiến xác nhận thánh tích

Hiện các nhà nghiên cứu Đại học Oxford (Anh) đang nghiên cứu một số thánh tích tại đây trong nỗ lực tìm hiểu niên đại, nguồn gốc và những “hành trình” có thể có, từ đó cung cấp chứng cứ xác thực về nhân dạng của từng thánh tích. Nhà sáng lập Điện thờ Các Thánh, cha Dennis O’Neill tiết lộ lần đầu tiên nhóm chuyên gia Oxford đến điện thờ ở vùng ngoại ô này là do tò mò về các mẩu xương được cho là thuộc về thánh Mildred, một quý tộc Anh và sau đó trở thành nữ tu, qua đời vào thế kỷ thứ 8; cũng như thánh tích của Thánh tông đồ Phêrô, ở đây đang lưu giữ xương mác bên trái của vị thánh.

Nhóm chuyên gia Oxford muốn lấy mẫu nhưng không được làm tổn hại đến các hòm thánh tích, nên cuối cùng họ chuyển sang những mẩu xương dễ tiếp cận hơn, bao gồm xương của thánh Nicôla, nguyên mẫu của hình tượng Santa Claus (trẻ con Việt Nam gọi là Ông già Noel), và thánh Thomas Becket, giám mục sống vào thế kỷ 12 đã bị sát hại trong Vương Cung Thánh Đường của chính mình trong lúc diễn ra cuộc xung đột giữa Giáo hội Công giáo và Vua xứ Anh Henry II. Cha O’Neill cho hay, các nhà nghiên cứu dần dần có thể tìm cách thu thập mẫu từ thánh tích của thánh Phêrô và những người khác sau đó.

Những vật thuộc về thánh Thomas Becket – ảnh: Sun-Times

 

Trong lúc đó, tại Viện Nghệ thuật Chicago, cũng các chuyên gia này đã lấy mẫu từ răng và áo choàng của thánh tích, theo tờ Chicago Sun-Times dẫn xác nhận của viện bảo tàng. Để tìm ra kết quả, Đại học Oxford sử dụng phương pháp kiểm tra đồng vị carbon, đồng thời họ thử phân tích ADN. “Những mẫu khác sẽ được so sánh với kết quả phân tích răng thánh Gioan được lưu giữ tại viện bảo tàng của chúng tôi, do nhóm khoa học cũng phân tích một loạt các thánh tích khác nhau của cùng vị thánh”, theo Viện Nghệ thuật Chicago. Chưa rõ liệu nhóm Đại học Oxford có cơ sở dữ liệu về ADN của thánh Anna hay không.

Khi quyết định triển khai sáng kiến mới về nghiên cứu thánh tích của những vị thánh trong bề dày lịch sử của Công giáo, đại học danh tiếng của Anh vào năm 2015 ra thông cáo nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn khám phá niên đại và nguồn gốc của các thánh tích, để xác định liệu chúng từ cùng một cá nhân và những nơi mà thánh tích đi qua”. Chẳng hạn, đội ngũ chuyên gia Oxford đã giám định xong các mẩu xương tìm thấy ở Bulgaria, được cho là thuộc về Thánh Gioan Tẩy Giả, và phát hiện xương thực sự thuộc về “một người đàn ông đến từ Trung Đông sống vào thế kỷ thứ nhất”, theo Georges Kazan, một nhà nghiên cứu khác của Đại học Oxford cũng tham gia dự án ở Chicago, viết trong báo cáo trên trang Oxford Mail hồi năm ngoái. Cũng nhờ vậy mà họ xác định được một số thánh tích ghi dưới tên Gioan Tẩy Giả “quá trẻ” để thuộc về vị thánh này, theo Đại học Oxford.

Hòm thánh tích thánh Anna, thân mẫn Đức Maria – ảnh: Art institute of Chicago

 

Chiếc răng và mẩu áo choàng, có kích thước 5x 7,6 cm, tất cả đều được đặt trong các hòm thánh tích hoa mỹ và cổ xưa giống như trường hợp các thánh tích khác. Cả hai thuộc về cùng một bộ sưu tập, được mua từ năm 1931 sau khi các hậu duệ của một gia đình cầm quyền Đức thời đó bán ra ngoài.

Thánh tích từ hơn 1.600 vị thánh

Điện thờ ở Morton Grove đang chứa thánh tích có liên quan đến hơn 1.600 vị thánh, nhờ lòng hảo tâm quyên góp của công chúng hoặc do cha O’Neill tự sưu tập. Có những thánh tích thu được thông qua con đường hết sức bất thường: eBay (website bán hàng trực tuyến). Nhiều mẫu trưng bày được chuyển từ các nhà thờ Công giáo vì một lý do nào đó buộc phải đóng cửa. Cha O’Neill đã chính thức khai trương điện thờ vào cuối năm 2015, trên khuôn viên của trường thánh Martha giờ đã không còn hoạt động. Tuy nhiên, công tác thu thập đã bắt đầu từ nhiều năm trước. “Bán thánh tích là một tội lỗi, nhưng giải cứu chúng là công đức thực sự”, theo cha.

Mẩu răng của Gioan Tẩy Giả – ảnh: Art institute of Chicago

 

Đối với người sáng lập Điện thờ Các Thánh, thánh tích đóng vai trò đa năng và quan trọng trong nỗ lực truyền bá đức tin. Di hài hoặc đồ vật từng được các vị thánh sử dụng có thể khơi ngợi sự tò mò của giới trẻ, giúp các tín hữu bồi đắp và hiểu rõ hơn về những con người thánh thiện trong quá khứ, và cung cấp những phương tiện khác biệt để soi rọi và kết nối với Thiên Chúa. Cha O’Neill cho biết: “Đối với tôi, đó là mối liên kết hữu hình với lịch sử”.

Ngoài các thánh tích cổ đại, Điện thờ Các Thánh còn chứa nhiều thánh tích có niên đại gần đây hơn, bao gồm mẩu quần áo thuộc về Edith Stein, nữ tu bị giết hại khi Đức Quốc xã thanh trừng Do Thái và sau đó được tuyên thánh. Và tại đây cũng lưu giữ những sợi tóc của Mẹ Teresa xứ Calcutta. Nhiều thánh tích ở điện thờ có giấy xác nhận hẳn hoi hoặc được các giám mục thời đó niêm phong từ lâu, nhưng cha O’Neill vẫn lo ngại có nguy cơ bị làm giả. Do vậy, ông mong muốn sẽ sớm nghe tin tức từ nhóm các chuyên gia Đại học Oxford để có thể an tâm bảo tồn các thánh tích thật sự.

LING LANG

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc