“Đắc nhất tri kỷ …”

Trên thế gian này, số người chết vì vô đơn vẫn là một con số biết nói. Nó nói lên rằng con người ta không thể sống mà không cần có sự yêu thương và cảm thông của tình người. Được cảm thông là một nhu cầu căn bản của con người.

Khi được thấu hiểu và những cảm xúc của mình cũng được người khác thừa nhận, chúng ta sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Vì trong tình yêu thương của người bạn tri kỷ, con người của chúng ta được chấp nhận một cách trọn vẹn với những vui buồn, hay dở của nó. Bạn tri kỷ sẽ cùng chúng ta chia ngọt sẻ bùi để niềm vui được nhân đôi và nỗi buồn được vơi nửa. Vì thế, người Trung Hoa có câu “ Đắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận”, nghĩa là nếu có thể tìm thấy được một tri kỷ trong cuộc đời của mình thì dầu chết đi cũng không còn thấy tiếc hận gì.

 

Nhạc sĩ Vũ Thành An cũng từng thốt lên: “ Triệu người quen có mấy người thân ? Khi lìa trần có mấy người đưa” là thế! Do vậy, có nhiều ngôi sao đang sống trong hào quang của danh vọng, tiền tài, đang được sự ngưỡng mộ, ưu ái của nhiều người, nhưng vẫn tìm đến cái chết vì quá cô đơn, vì không tìm thấy được một ai hiểu mình. Khi trở thành người của công chúng, họ được nhiều người BIẾT họ nhưng vẫn rất có thể họ không có được một người HIỀU họ.

 

Chuyện cổ tích Trung Hoa có câu chuyện cảm động về đôi bạn tri kỷ Bảo Thúc và Quản Trọng như sau:

Bảo Thúc chết, Quản Trọng thương tiếc, khóc như mưa, ướt đầm cả vạt áo. Có người hỏi:

 

– Ông với Bảo Thúc không phải là họ hàng thân thích gì, mà sao ông thương khóc quá như vậy?

 

Quản Trọng nói:

 

– Ngươi không rõ, để ta nói cho mà nghe.

 

Ta lúc nhỏ khốn khổ, thường buôn chung với Bảo Thúc, lúc chia lãi, bao giờ ta cũng lấy phần hơn, mà Bảo Thúc không cho ta là tham, biết ta gặp cảnh quẫn bách, bất đắc dĩ phải lấy thế.

 

Ta ở chỗ chợ buá thường bị lắm kẻ doạ nạt, Bảo Thúc không cho ta là nhát, biết ta có lượng bao dung.

 

Ta bàn việc với Bảo Thúc, nhiều khi việc hỏng, Bảo Thúc không cho ta là ngu, biết có lúc may, lúc không may cho nên công việc thành hay bại.

 

Ta ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi, Bảo Thúc không cho là bất trung, biết ta chưa gặp thời, chưa tìm được vua giỏi.

 

Ta ra trận ba lần đánh thua cả ba, Bảo Thúc không cho là ta bất tài, biết ta còn mẹ già phải phụng dưỡng.

 

Ta nhẫn nhục thờ vua Hoàn Công, Bảo Thúc không cho là ta vô sỉ, biết ta không giữ tiểu tiết, có chí làm ích lợi cho cả thiên hạ.

 

Sinh ra ta là cha mẹ, biết ta là Bảo Thúc. Mà đối với người biết mình, đem cả tính mệnh ra hiến còn chưa cho là quá, huống chi thương khóc thế này đã thấm vào đâu.

 

Trong thực tế, không phải ai cũng may mắn có được một tri kỷ như Bảo Thúc đối với Quản Trọng nhưng là người Kitô Hữu, mỗi người chúng ta đều có một tri kỷ hết lòng yêu thương, luôn tha thứ, cảm thông và chấp nhận con người không thành toàn của chúng ta. Người bạn tri kỷ này trung thành yêu thương chúng ta từ trước muôn đời và cho mãi về sau. Bất chấp mọi hoàn cảnh, thực trạng con người chúng ta sao, Người bạn tri kỷ đó chính là Thiên Chúa.

 

Mối thâm tình tri kỷ của Thiên Chúa dành cho chúng ta được diễn tả rất cụ thể trong Kinh Thánh. Đó là hình ảnh người Cha nhân hậu đã không trách móc người con trai hoang đàng, bất hiếu, mà cảm thông nó bị bạn bè xấu rủ rê và chỉ biết giang rộng tay mong ngóng nó quay về. Với tâm tình cảm thông với những ngã sa yếu đuối của phận người, Thiên Chúa cũng không kết án người phụ nữ ngoại tình, Người bảo bà ta “ Hãy về đi” và dịu dàng khuyên bà ta “ Từ nay đừng phạm tội nữa”. Và đỉnh cao của tình bạn tri kỷ mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta đó là dẫu chúng ta có là tội phạm gây nên cái chết đau thương của Người, thì Người vẫn một mực bênh đỡ và khẩn cầu cùng Chúa Cha mà rằng: “Xin Cha tha tội cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”.

 

Thiên Chúa cũng đã thể hiện rất rõ sự tri âm tri kỷ của mình đối với hai cột trụ của Hội Thánh là Phêrô và Phaolô mà chúng ta mừng kính hôm nay. Một Phêrô nhiệt thành nhưng nóng nảy, mỏng dòn và đã từng ba lần chối bỏ Chúa trong lúc gian nguy, một Phaolô tài hoa đã từng dùng tài năng của mình phục vụ đắc lực cho công cuộc bắt bớ các tín hữu Kitô giáo, nhưng Chúa vẫn nhận ra những điểm sáng trong lương tâm của họ, vẫn chấp nhận một cách trọn vẹn những tính cách tốt xấu như họ vốn có, vẫn yêu thương họ một cách tuyệt đối và đã tin tưởng giao cho họ trách vụ cao trọng đó là thay Ngài hướng dẫn đoàn chiên.Và cuối cùng trong tình yêu của Chúa, cùng nhận mình là tôi tớ và Tông đồ của Đức Kitô, hai vị Thành này đã trở thành tri âm tri kỷ của nhau, cùng nâng đỡ nhau trên con đường theo Chúa đầy chông gai và thử thách.

 

Lạy Chúa, chúng con chỉ là những tạo vật mọn hèn, nhưng được Ngài là Đấng vô cùng cao cả kết làm bạn tri kỷ để hiểu biết, để yêu thương và hy sinh mạng sống vì chúng con. Làm sao chúng con nói lên hết được niềm hạnh phúc đó ? Lạy Chúa, bạn tri kỷ yêu quý của chúng con ơi ! Này đây từng tế bào trong tâm hồn con đang hân hoan dâng tiếng cảm tạ mối thâm tình tri kỷ của Ngài. Amen .

 

Điền Phương Thảo