Của ăn đàng

(Bải giảng Chúa nhật XIX thường niên năm B)

Sống ở đời là đang đi trên con đường lữ hành để về quê thật. Để đủ sức tiến bước về phía trước, chúng ta cần được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể là lương thực thiêng liêng. Thánh Thể chính là “Của ăn đàng”, là nguồn sức mạnh của mỗi chúng ta. Chúa Giêsu hiện diện trong Hình Bánh, rất khiêm nhường đơn sơ, nhưng âm thầm sâu lắng.

  

Trong truyền thống của Giáo Hội, việc cho bệnh nhân đau nặng hoặc đang hấp hối rước lễ được gọi là “trao Của ăn đàng – Viaticum, Viatique”. Theo nghĩa thông thường, “Của ăn đàng” là lương thực người lữ khách mang theo, để khi đói thì dừng chân nghỉ ngơi và ăn uống, lấy lại sức và đi tiếp cho đến đích. Lương thực này rất cần thiết, vì đường xa dặm thẳm, không phải chỗ nào cũng có thể tạt vào hàng quán để ăn uống nghỉ ngơi. Như vậy, bệnh nhân được lãnh nhận Mình Thánh Chúa cũng giống như người lữ khách nhờ lương thực mang theo mà đủ sức vượt đường trường, đi đến đích. Đích điểm của người tín hữu là Thiên Đàng, nơi đó họ được gặp Chúa và hưởng hạnh phúc đời đời.

 

Tác giả sách Các Vua kể lại với chúng ta, ngôn sứ Elia trên đường chạy trốn sự rượt đuổi của vua Akháp. Ông mệt mỏi vì đường xa, lại thêm sự sợ hãi vì bị săn đuổi, nên ông đã xin Chúa cho chết. Chúa đã sai thiên sứ mang cho ông bánh và nước. Nhờ “Của ăn đàng” này, ông đã đủ sức đi đến núi của Thiên Chúa, và nơi đây, ông được gặp gỡ Ngài. Hành trình của Elia cũng giống như hành trình của chúng ta. Mỗi ngày, chúng ta phải đối diện với biết bao thử thách gian nan. Có những lúc tưởng chừng chúng ta bị đè bẹp trước sức nặng của cuộc đời. Như Elia trong lúc kiệt sức, chúng ta cần đến lương thực thiêng liêng Chúa ban để lấy lại nghị lực, tiếp tục bước đi trong hành trình cuộc đời. Lương thực ấy là Thánh Thể, là Của ăn đàng giúp ta bền sức đi đến đích.

 

Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay tiếp tục ghi lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái về đề tài Bánh trường sinh. Chúa Giêsu nhấn mạnh tới khía cạnh thần linh của bánh mà Người đang nói tới. Cũng như người Do Thái chỉ nhận ra nơi Chúa Giêsu là con ông Giuse thợ mộc, nên họ khó nhận ra bánh mà Đức Giêsu hứa ban. Đây là bánh từ trời, cũng như Đức Giêsu từ trời xuống, vì thế, bánh này là lương thực thiêng liêng Chúa ban. Nếu ngày xưa, Thiên Chúa nuôi dân trong hành trình sa mạc bằng Manna, thì nay, Chúa Giêsu là Manna từ trời xuống. Cũng như bánh cần thiết cho sự sống thân xác, bánh thiêng liêng là chính Chúa Giêsu cần thiết cho sự sống thần linh nơi chúng ta. “Bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Nếu chúng ta có mặt lúc bấy giờ, chắc hẳn chúng ta cũng sẽ ngạc nhiên như những người Do Thái, khi nghe Chúa Giêsu nói về thịt của Người. Nếu màu nhiệm nhập thể dẫn tới việc “Ngôi Lời đã trở thành xác thịt” (Ga 1,14”, thì nay, “xác thịt đã trở thành Bánh” (Ga 6,51). Khi nghe Chúa Giêsu nói, Người sẽ lấy thịt mình cho họ ăn, người Do Thái coi đây là sự mạo phạm. Liên hệ với cuộc khổ nạn và được soi sáng bởi mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu, người Kitô hữu nhận ra nơi Thánh Thể chính là thịt và máu Chúa Giêsu, Đấng Cứu nhân độ thế. Đây là lương thực thiêng liêng, là “Của ăn đàng”, nhờ đó chúng ta được tăng trưởng mỗi ngày.

 

Cơn đói bánh là nỗi lo của con người mọi thời đại. Những xung đột và chiến tranh xảy ra cũng nhằm để giải quyết cơn đói này. Đâu là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nhẳn gửi nhân loại, khi hiến trao thân mình Người cho chúng ta? Đó là sứ điệp của sự sẻ chia, dấn thân phục vụ. Thánh Phaolô nói với giáo dân Ephêsô: “Anh em hãy bắt chướ Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta..” (Bài đọc I). Thánh Thể là bài học yêu thương. Như Đức Giêsu đã trao ban chính bản thân mình, người tín hữu được mời gọi bắt chước Chúa, dấn thân phục vụ, để trở nên những cánh tay nối dài của Người giữa trần gian. Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự và trao phó cho con người quản lý. Nếu biết phân phối công bằng, thì của cải trên thế giới đủ để nuôi sống tất cả mọi người. Nghèo đói, bất công là con người ích kỷ, chỉ biết chiếm hữu cho mình mà quên tha nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Sự phân phối bất công của cải vẫn tồn tại, tạo nên tình trạng tội lỗi mang tính xã hội, tình trạng ấy kêu thấu trời xanh và làm cho quá nhiều anh chị em chúng ta không có khả năng đạt được một cuộc sống đầy đủ hơn.” Nghĩa cử quảng đại chia sẻ sẽ đem cho chúng ta hạnh phúc, vì “Chỉ khi nào biết xả thân cho người khác, chúng ta mới thành công trong đời sống và mới cảm nghiệm được nỗi vui mừng của Thiên Chúa” (Michel Quoist).

 

Sống ở đời là đang đi trên con đường lữ hành để về quê thật. Để đủ sức tiến bước về phía trước, chúng ta cần được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể là lương thực thiêng liêng. Thánh Thể chính là “Của ăn đàng”, là nguồn sức mạnh của mỗi chúng ta. Chúa Giêsu hiện diện trong Hình Bánh, rất khiêm nhường đơn sơ, nhưng âm thầm sâu lắng. Người mời gọi chúng ta đến với Người. Ai đến với Người, chắc chắn sẽ tìm được nghị lực và niềm vui. Người cũng mời gọi chúng ta hãy sống quảng đại với anh em. Ai biết chia sẻ với anh chị em nghèo khó, chắc chắn sẽ được nhận lãnh phần thưởng trong cõi bất diệt.

 

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên