Chuyện “làm lá” ở các xứ

Ngày Chúa nhật trước lễ Phục Sinh, giáo dân khắp các xứ khi tham dự thánh lễ đều nhận được một cành lá. Cành lá được làm phép nhắc nhớ biến cố Đức Giêsu được đám đông chào đón trên đường vào thành Jêrusalem ngày xưa, và cũng chứa đựng những câu chuyện chuẩn bị tất bật cho một ngày lễ trọng.
 

Ngày Chúa nhật trước lễ Phục Sinh, giáo dân khắp các xứ khi tham dự thánh lễ đều nhận được một cành lá. Cành lá được làm phép nhắc nhớ biến cố Đức Giêsu được đám đông chào đón trên đường vào thành Jêrusalem ngày xưa, và cũng chứa đựng những câu chuyện chuẩn bị tất bật cho một ngày lễ trọng.

Nghi thức làm phép lá

1. Lá dùng phổ biến trong ngày lễ thường là lá của cây dừa ăn trái hoặc dừa nước. Đa phần ở các giáo xứ Nam, truyền thống biến tấu lá dừa nước thành nhiều hình dáng khác nhau được gìn giữ từ bao đời. Hằng năm, cứ vào khoảng ngày thứ 6 trong tuần áp lễ là mọi người bắt đầu ngồi lại với nhau, tỉ mẩn thắt từng lá. Sở dĩ công việc nhiều nhưng phải để cận ngày mới làm là do lá dừa nước nếu bảo quản không khéo sẽ dễ bị khô, mất màu.

Các ông trong giáo xứ thường đảm nhiệm công việc “ra lá”

Những chiếc lá non mướt, màu vàng nhạt còn xếp trong bắp (vẫn chưa bung thành tàu dừa) được tách ra và khoác lên mình hình dạng mới qua bàn tay khéo léo của “thợ lá” trong giáo xứ. Hầu hết các nhà thờ có thắt lá đều làm theo kiểu giản đơn nhất là khoét lỗ oval dọc phần thịt hai bên sống rồi tạo thành hình chiếc nơ. Số lượng phải làm rất nhiều (tương đương với số giáo dân) nhưng giáo xứ vẫn “trích” một phần lá ra để thắt kiểu cầu kỳ, ưu tiên phát cho thiếu nhi tham dự thánh lễ. Chị Cao Thùy Trâm, giáo dân xứ Tân Định (Quận 1 – TP.HCM) cho biết: “Mỗi lần Lễ Lá, nhà thờ lại ngập tràn dừa nước được thắt thành nhiều hình thù khác nhau, từ đơn giản đến công phu như hoa hồng, chú chim nhỏ hay con cào cào… Thật vui vì ngoài ý nghĩa vốn có, thánh lễ tưởng niệm này còn được sinh động thêm bởi sự chăm chút đến từng chiếc lá”.

Dù không tham gia vào công việc thắt lá nhưng nam giới là thành phần không thể thiếu trong nhóm tìm và lấy lá

Khác với giáo xứ Nam, nhiều xứ Bắc tại TPHCM lại sử dụng lá của cây dừa thường rồi đem chặt ra thành từng khúc dài khoảng sáu bảy tấc. Tuy nhiên, hình ảnh chiếc lá dừa nước được thắt kiểu này kiểu kia cũng thấy thấp thoáng tại một số giáo xứ Bắc. Như ở Bùi Môn (huyện Hóc Môn – TP.HCM), từ lâu vẫn giữ nếp dùng lá dừa cắt khúc, vài năm trở lại đây lại chọn lá dừa nước. Bà Phạm Thị Loan, giáo dân Bùi Môn chia sẻ: “Lúc còn dùng lá dừa, các em nhỏ trong lúc dự lễ hay táy máy tạo kiểu cho lá của mình. Thành ra sau mỗi buổi lễ nhà thờ lại đầy xác lá. Từ hồi giáo xứ lấy lá dừa nước thắt kiểu cọ thì không còn tình trạng này nữa”.

Những chiếc lá dừa nước khoác lên mình một vẻ ngoài mới qua bàn tay khéo léo của người trong xứ

Công việc thắt lá thường do nữ giới đảm nhiệm. Họ họp thành những nhóm nhỏ làm tại nhà thờ hay chia về từng giáo khu tùy theo mỗi xứ. Người nào có nhiều thời gian thì túc trực suốt cho hết mẻ lá, ai bận bịu việc nhà cứ lên nhà thờ “lãnh” về làm từng đợt. Một người trung bình cứ 3 phút là cho ra thành phẩm. Người trẻ dù làm “thời vụ”, cứ rảnh là sà vô phụ một tay nhưng năng suất cũng không kém gì người lâu năm “trong nghề”. Cứ thế, mỗi giáo dân đều góp chút sức vào công việc chung. “Mùa làm lá đến, chị em trong xứ lại có dịp tụ họp cùng nhau. Đây là một dịp cho chúng tôi cơ hội giúp giáo xứ mình và để mọi người chia sẻ với nhau từ câu chuyện nhỏ đến miếng bánh mà cha sở đem ra đãi ‘thợ’”, bà Loan bày tỏ.
2. Không đóng góp nhiều vào việc thắt lá như nữ nhưng nam giới tại các xứ lại là thành phần không thể thiếu trong nhóm liên hệ tìm và lấy lá về. Do dừa nước thường mọc ở vùng sình lầy dọc bờ sông nên nhiều giáo xứ lần tìm đến một số tỉnh ở miền Tây hoặc vùng ven, ngoại ô thành phố như Bình Quới, Củ Chi, Cát Lái. Nhóm tìm và lấy lá sẽ liên hệ trước với người dân ở những nơi này để mua lại hoặc nhờ họ chặt giúp, rồi vận chuyển về xứ.

Các bà tỉ mẩn thắt từng cành lá chuẩn bị cho thánh lễ sắp tới

Riêng xứ Tân Quy (huyện Hóc Môn – TPHCM), khoảng 5 năm nay có hẳn một nhóm chuyên lấy lá. Đến ngày gần lễ, mấy anh em trong nhóm lại bàn nhau rồi cùng đi xuồng dọc theo sông, đến từng ngóc ngách để tìm kiếm lá dừa nước cho giáo xứ mình và cả xứ bạn trong hạt. “Qua mấy lần đi nhóm lại có thêm vài kỷ niệm. Có lần bị giao thông đường thủy ‘vịn’, tưởng đâu mấy anh em là… ăn trộm nên hỏi đủ thứ. Có đợt nhớ đời hơn là bị ong chích. Lần đó, cả đám thấy bụi dừa xanh tốt quá nên tấp vào. Dè đâu trong đó toàn tổ ong, sáp đến gần mới thấy thì không kịp nữa. Đám ong bị động tổ, vỡ ra đánh mấy anh em túi bụi làm tụi tui phải bỏ xuồng nhảy xuống nước núp tạm”, anh Nguyễn Hồng Phúc, thành viên của nhóm nhớ lại. Anh cho biết mỗi chuyến đi như vậy, người trong xứ lại chung tay vào giúp đỡ, người thì cho mượn xuồng, người thì nấu cơm để nhóm đem theo ăn dọc đường, có khi cha sở còn “tài trợ” cho gà với xôi…

Đây là dịp chị em ngồi với nhau chia sẻ công việc và những câu chuyện trong cuộc sống

Một bụi dừa nước thường sẽ có khoảng mười mấy bắp lá (một bắp cho trung bình 50 lá). Công việc tách lá ra từ các bắp dừa này được gọi nôm na là “ra lá”. Để ra được lá không khó nhưng phải là người quen việc thì làm mới được. Ông Tiêu Vĩnh Châu, thành viên của HĐMVGX Hạnh Thông Tây (Quận Gò Vấp – TPHCM) giải thích: “Trong bắp, cứ cách một đoạn mới có lá nên người ta thường dùng dao vừa chặt vừa dò, đến đoạn có lá thì tách ra rồi cứ vậy chặt tiếp”. Dù nói đây là việc của nam giới nhưng công đoạn cần nhiều sức này lại đôi khi có cả các bà tham dự, “miễn là rành thì làm được hết, không ai nề hà”, ông Châu tiếp lời.

Mỗi người trong xứ đều góp một phần sức lực của mình vào công việc chung (GX. Hạnh Thông Tây)

Khi công đoạn tách lá hoàn tất thì các bà, các chị trong hội đoàn, các khu xóm liền bắt tay vào thắt. Cứ thế, mỗi lần sắp đến Lễ Lá, quy trình này lặp lại lần nữa nhưng niềm vui và kỷ niệm thì như dầy thêm qua từng mùa.

Thiên Lý

Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc