Chứng “ái kỷ” (*)

Lâu nay, mình chỉ nghe biết dịch Ebola, chứng “tự kỷ”… Trong Tuần lễ giáo lý tại sài Gòn gần đây cũng có đề tài dạy giáo lý cho trẻ tự kỷ. Không ngạc nhiên lắm, vì vấn đề này đã thu hút nhiều sự chú ý của các nhà giáo dục và đào tạo trong đạo cũng như ngoài từ vài thập niên gần đây. Tuy nhiên, nay đạo đệ lại đọc thấy lời cảnh báo về sự bùng phát “đại dịch ái kỷ” trên mạng xã hội, nên bèn tìm hiểu thứ “dịch” mới được cảnh báo, nhưng căn gốc thì lại xưa như trái đất này.

Một trong những biểu hiện của dịch “ái kỷ” là việc tự chụp ảnh (selfie) và đếm like cho những thông tin của mình trên mạng xã hội.

Chứng ái kỷ, còn gọi là bệnh tự yêu mình (narcissistic personality disorder) được xem là một dạng rối loạn nhân cách khi một người có biểu hiện tự caoảo tưởng và thiếu đồng cảm với tha nhân.

Theo Jeffrey Kluger, ba đặc điểm của chứng ái kỷ là: (1) thiếu đồng cảm, (2) thiếu khả năng kiểm soát ham muốn và (3) thiếu lòng ăn năn hối lỗi. Ba “hạt giống của chứng ái kỷ” này có thể phát triển thành chứng rối loạn nhân cách ở người trưởng thành. Trong 3 điểm này, thì thiếu đồng cảm là đặc điểm quan trọng nhất ở đứa trẻ mà sau này có thể dễ dàng chuyển hóa thành hội chứng ái kỷ.

Làm sao biết mình có triệu chứng ái kỷ?

“Bài kiểm tra” của Robert Raskin và Howard Terry sau đây có thể giúp ta “nội soi” bản thân.

Bạn chọn câu trả lời trong mỗi cặp (A&B) phù hợp nhất và đừng để trống câu nào.

 

A

B

1

Tôi có khả năng tác động đến người khác

Tôi không giỏi tác động đến người khác

2

Khi được khen, thỉnh thoảng tôi cảm thấy ngượng

Tôi biết tôi giỏi vì ai cũng nói thế

3

Tôi không giỏi, cũng không tệ hơn hầu hết mọi người

Tôi nghĩ tôi là một người đặc biệt

4

Tôi sẽ thành công

Tôi không quá bận tâm về thành công

5

Ý nghĩ thống trị thế giới làm tôi thấy hoảng sợ

Nếu được tôi cai trị, thế giới sẽ tốt đẹp hơn

6

Tôi cố không tỏ ra khoe khoang

Khi có cơ hội, tôi thường khoe khoang

7

Thỉnh thoảng tôi kể được vài chuyện hay

Ai cũng thích những câu chuyện của tôi

8

Tôi kỳ vọng rất nhiều ở những người khác

Tôi thích giúp đỡ người khác

9

Tôi sẽ không bao giờ hài lòng cho đến khi đạt được những gì xứng đáng với mình

Tôi đón nhận sự hài lòng khi nó đến

10

Tôi ước một ngày có ai đó viết tiểu sử về tôi

Tôi không thích người khác tò mò về đời tư của mình vì bất cứ lý do nào

Cách tính điểm:

Cộng 1 điểm mỗi khi bạn chọn A ở các câu 1, 4, 8, 9 và 10, và chọn B ở các câu 2, 3, 5, 6 và 7.

Điểm trung bình cho bài kiểm tra này là 4. Nếu điểm số của bạn càng cao hơn 4 thì bạn càng có dấu hiệu là người tự yêu mình.

* * *

Sau khi chân thành làm trắc nghiệm trên, mình cảm thấy vui khi chưa mắc chứng ái kỷ, dựa theo số điểm. Thế nhưng có phải mọi câu trả lời của mình lúc nào cũng cố định, không thay đổi?

Vẫn ý thức rằng chúng ta không được phép “quơ đũa cả nắm” hay khái quát hóa vài sự kiện mà áp dụng cho toàn thể đại chúng. Tuy nhiên, xét về ba đặc điểm của chứng ái kỷ, thì dường như sự thiếu đồng cảm hay vô cảm đang ngày càng  gia tăng trong xã hội, nơi các đoàn thể và ngay cả trong các gia đình nữa! Sau một ngày làm việc, học hành, mỗi người bước vào “cõi riêng” của mình – dù cách nhau có vài bước -, ngồi trước máy tính hay truyền hình. Là thành viên của đoàn thể hay đội nhóm sinh hoạt nào, thì ta thường chỉ quan tâm đến “phe ta”, hoạt động của nhóm mình thôi. Phải chăng não trạng cục bộ, óc địa phương – ngoài xã hội cũng như trong Giáo hội –  đã hạn chế sự phát triển của một cộng đồng, giáo xứ, gây trở ngại cho công cuộc loan báo Tin Mừng và làm phương hại đến đặc tính “Công giáo” của Hội Thánh?

Nghĩ đến đây, mình chợt nhớ đến lời khuyên của Đức Hồng y Roger Etchegaray trong cuộc viếng thăm Việt Nam cuối thập niên 80: Anh em cần có cảm thức về Hội Thánh, “Sentire Cum Ecclesia” (đồng cảm với Hội Thánh). Tôi có biết chia vui sẻ buồn và hành động với niềm hy vọng Kitô giáo với mẹ Hội Thánh không? Tôi có vui khi thấy một tội nhân trở về với Chúa, buồn khi biết các Kitô hữu bị kỳ thị, sát hại vì niềm tin vào Chúa Kitô và vào một Thiên Chúa giàu lòng thương xót chăng? Giữa một thế giới mà hằng ngày, các sự kiện tiêu cực xem ra lấn át bao việc làm tích cực, lượng truyền thông “tin tức” nhiều hơn “tin lành” hay “tin mừng”, tôi có đủ can đảm và kiên trì để dùng đời mình thắp lên một ngọn nến nhỏ, hơn là cứ ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối?

Lạy Chúa Thánh Thần, nếu tâm hồn con không còn đủ dầu tình yêu và hương thơm Đức Kitô, thì xin Ngài hãy “thắp sáng lên trong trái tim con tình yêu, như tia nắng hồng, bừng lên xua tan băng giá và rực nóng đốt cháy đau thương”.  

Tâm Đạo