Chúa Phục Sinh đồng hành

Chúa Nhật Phục Sinh năm B

Cv 10,34.37-43; Cl 3,1-4; Lc 24,13-35

Tin Mừng thánh Luca thuật lại bến cố Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện và đồng hành với hai môn đệ trên đường về Emmau. Họ đang buồn phiền vì biến cố Tử Nạn của Thầy Giêsu, và tìm cách rời xa Giêrusalem, xa cộng đoàn các Tông đồ, xa trung tâm ơn cứu độ phổ quát… Chúa Giêsu đã đến với họ trong cảnh chán chường tuyệt vọng này bằng cách cùng đi với họ, lắng nghe, dùng Kinh Thánh soi dẫn làm cho họ dần dần bừng sống, và cuối cùng tỏ mình cho họ qua dấu hiệu thân quen, dấu hiệu bẻ bánh. Mắt họ mở ra và nhận biết Chúa Giêsu. Tuy nhiên sau đó, Ngài đã ẩn mình, còn họ thì chỗi dậy, lên đường trở về Giêrusalem, để đón nghe tin Phục Sinh và chia sẻ về những gì họ nghiệm được, lòng tràn ngập niềm vui mãnh liệt.

Trên quãng đường tăm tối của đời ta và trên vùng đất chết của tâm hồn ta cần phải có dấu chân của Đấng Phục Sinh thăm viếng để Ngài đem lại cho chúng ta bình an, niềm vui và sự sống mới… Chúng ta cùng đi vào câu truyện Tin mừng để nhận ra Chúa Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ Emmau, cũng như với mỗi người chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống.

1. Nhìn ngắm hai người môn đệ (c.13-17)

Họ chán chường lui bước đi về làng Emmau, lòng nặng nề ngao ngán. Câu chuyện của họ dường như thiên thu bất tận, nhưng kết cục vẫn là những tiếng thở dài và nét mặt u sầu buồn chán. Mọi sự dường như đã hết! Bản thân họ cũng đang chết dần, không chỗi dậy nổi. Ta có thể rung động khi đột ngột nhìn thấy một nhân vật thứ ba xuất hiện: Đấng Phục Sinh đang lặng lẽ đến gần, theo kịp, rồi cùng đi và hàn huyên với họ mà họ không biết…! Có thể Đấng Phục Sinh cũng đã từng rảo bước đuổi theo tôi, bắt gặp tôi trên đường, và đi vào câu chuyện đời tôi từ bao nhiêu năm nay, mà tôi cũng chưa hay biết !

2. Câu chuyện trên đường (c.18-24)

Chúa Giêsu bắt chuyện với họ cách tự nhiên, còn họ lộ vẻ âu sầu và có vẻ trách Ngài. Chúa Giêsu cứ tiếp tục khơi dậy phản ứng của họ… và thế là họ công bố một sứ điệp đầy chết chóc và tuyệt vọng (cc.19-24). Qua đó cho thấy họ hiểu về Chúa Giêsu Kitô hoàn toàn khác: một ngôn sứ uy quyền trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, thế mà giờ đây hoàn toàn sụp đổ! Bởi họ không hề chờ đợi một Đức Kitô phải trải qua đau khổ. Chuyện của các bà từ sáng sớm nói về ngôi mộ trống càng làm cho họ rối trí, chẳng ích lợi gì, vì Giêsu không còn nữa trên cõi đời này, thậm chí thân xác Ngài cũng biến mất… Người môn đệ không nhớ gì về những lời báo trước của Chúa Giêsu. Họ kể lại cuộc đời của Thầy mình có vẻ thành thạo lắm, nhưng lại đưa đến ngõ cụt: án tử, đóng đinh, thập giá, chết chôn trong mộ đã ba ngày, rồi… hết !  Biến cố thập giá che phủ hoàn toàn mọi nhận thức của họ về con người huyền nhiệm Giêsu và cả những hành động phi thường của Ngài. Họ đang ở trong tình trạng đau khổ, buồn phiền, tuyệt vọng: họ đang ở trong Vườn Dầu với Chúa Giêsu, họ đang chia sẻ Thập giá với Ngài, họ mới đi được nửa đường, đang sống một nửa sứ điệp Tử Nạn-Phục Sinh. Xem ra người môn đệ đã theo Chúa Giêsu đến Thập giá, ra tới mồ, rồi dừng lại chứ không Vượt Qua với Ngài. Người môn đệ cần được hoán cải trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô: phải đi hết con đường là từ khổ nhục mới tới vinh quang. Chúa Giêsu đã đi qua, còn họ chưa qua nổi nên cứ âu sầu tê tái ngã lòng…

3. Theo dõi cách Chúa Giêsu giúp người môn đệ Vượt Qua với Ngài (c.25-27)

Sau khi đã lắng nghe để giải toả nỗi lòng của họ. Bây giờ lòng họ đã vơi nhẹ nỗi sầu đau, Chúa Giêsu mới lên tiếng trách yêu họ, làm họ tỉnh ngộ: “Ôi tối dạ quá ! chậm tin quá ! Nào Đấng Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?!”. Rồi Người bắt đầu dùng Kinh Thánh để giúp họ nhận ra trọn vẹn con đường và điểm đến của hành trình Vượt Qua: phải qua Thập giá mới tới vinh quang. Lời Kinh Thánh đã sưởi ấm họ, họ dần dần hồi sinh, dường như họ đã nhận được sứ điệp, nhưng chưa kinh nghiệm được về Đấng Hằng Sống. Họ có vẻ khó tin hơn các bà, và thật là may mắn vì như thế đức tin của người môn đệ không dựa trên các thiên thần, không dựa trên phụ nữ – mà theo quan niệm xưa không thể dùng làm chứng cớ đảm bảo. Chính họ phải chứng nghiệm, dựa trên Lời Chúa và dựa trên Phêrô – mà theo Tin mừng Luca, là nhân chứng đầu tiên về việc Chúa Phục Sinh!

4. Câu chuyện ở Emmau (c.28-32)

Dù chưa nhận ra người bộ hành lạ mặt này là ai, nhưng cuộc trò chuyện đã khơi dậy trong lòng người môn đệ nỗi niềm lưu luyến. Con người Giêsu khả ái lạ thường! Họ quyến luyến Ngài, cứ muốn tiếp tục nghe Ngài nói. Chúa Giêsu cứ đi với họ cho đến cuối con đường, rồi thật dễ thương, Ngài “làm bộ” như thể còn phải đi xa hơn… Ta lắng nghe lời mời mọc như van nài của họ, tha thiết làm sao! “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Lòng của họ đã được chinh phục, mở rộng, sẵn sàng cho Chúa tỏ mình. Quả thật mọi sự đã sẵn sàng nhưng người môn đệ cần một dấu hiệu thân quen ngày nào: “…Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ! Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến đi…”. Lòng các môn đệ bừng sống lại, Lời Chúa Giêsu như nghe văng vẳng bên tai: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Nhớ đến Thầy đã nộp mình vì anh em, nhớ Thầy yêu mến anh em bằng một tình yêu lớn nhất, yêu đến chết, nhớ rằng Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế…

Thật không thể ngờ được! Ngài vẫn ở bên cuộc đời chúng ta, thấy tất cả, nghe tất cả, hiểu tất cả… Hoá ra Đấng Phục Sinh tuy ẩn mặt, nhưng chính Ngài tỏ mình dần dần cho chúng ta trong Thánh Thần, đưa chúng ta đi với Ngài đến dưới chân Thập giá, trải qua những xao xuyến, đau khổ, buồn phiền, tăm tối giống như Ngài. Giờ đây trong vinh quang, Đấng Phục Sinh cũng đang đến gần chúng ta để chỉ cho chúng ta thấy Ngài đang ở với chúng ta. Hai môn đệ mắt tuy không thấy Ngài, nhưng lòng họ xác tín Chúa đang rất gần ngay trong trái tim, trong niềm vui mới, sự sống mới cũng như tình yêu mới, và trong ơn bình an tràn đầy!

5. Tin Mừng Phục Sinh (c.33-35)

Và họ hối hả trở về Giêrusalem để chia sẻ cho nhau Tin Mừng trọng đại nhất… Điều ta cần lưu ý là không phải hai môn đệ Emmau công bố Tin Mừng Chúa Phục sinh trước, mà chính các tông đồ và môn đệ đang tề tựu ở Giêrusalem. Hơn nữa, trong Tin Mừng Luca, Chúa Phục sinh tỏ hiện đầu tiên với Phêrô, và chính lời chứng của Phêrô làm nền tảng cho đức tin của Hội Thánh các tông đồ: “Chúa đã chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon!”. Như vậy, Chúa Phục Sinh là trung tâm thu hút, quy tụ Hội Thánh, gầy dựng lại từ đầu cuộc đời tông đồ của Phêrô và các môn đệ, cũng như của mỗi người chúng ta. Ngài cho họ và chúng ta có cơ hội bắt đầu lại và làm chứng về Ngài. Và hai môn đệ Emmau lúc này bắt đầu làm chứng trước mặt Hội Thánh về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục Sinh trong Lời Ngài và trong Thánh Thể.

Trong mỗi thánh lễ Hội Thánh cử hành, Chúa Kitô Phục Sinh luôn luôn hiện diện giữa chúng ta. Ngài cũng muốn lắng nghe nỗi lòng của từng người chúng ta. Ngài cũng ân cần giải thích Thánh Kinh cho chúng ta qua các bài đọc Phụng vụ Lời Chúa. Xin cho lòng chúng ta cũng được bằng cháy lên khi nghe Lời Chúa. Ngài cũng tỏ mình ra cho chúng ta qua Phụng vụ Thánh thể. Xin cho mắt chúng ta được mở ra và nhận biết Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng ta cảm nghiệm được niềm vui mừng mãnh liệt vì vinh quang và niềm vui lớn lao của Đấng Phục Sinh là Đức Kitô, Chúa chúng ta.

Ôi! Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng muôn đời hằng sống! Quả thật Ngài đang sống! Ngài đang rất gần bên con. Ngài đang đồng hành với con trên mọi nẻo đường cuộc sống… Ngài soi sáng, hướng dẫn chúng con từng bước đi, làm cho lòng chúng con như bừng cháy lên, trái tim chúng con được sưởi ấm lại. Xin cho con nhận ra trong từng giây phút cuộc sống có dấu chân của Đấng Phục Sinh thăm viếng, để Ngài đem lại cho con bình an, niềm vui và sức sống mới. Amen. 

Lm. GB. Vũ Quốc Đạt