Chúa Nhật Tuần 29 Thường Niên – Phút lắng đọng Lời Chúa

 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 30 thường niên năm A

Lời Chúa: Mt 22,34-40

 

Điều răn nào trọng hơn? Có lẽ chúng ta không đặt câu hỏi như thế bao giờ. Nhưng đối với người Do Thái thì không như vậy, vì trong Luật cũ, có rất nhiều điều cấm cũng như rất nhiều điều răn.

Theo các nhà chuyên môn thì trong Luật cũ có đến 365 điều cấm tương đương với số ngày trong một năm. Vậy điều nào trọng hơn? Các nhà thông luật muốn đo tầm mức của Chúa Giêsu bằng một câu hỏi khá gay go, hơn nữa cũng là dịp để họ bắt bẻ Ngài. Ngài biết nhưng Ngài vẫn trả lời và câu trả lời của Ngài chính xác đến nỗi họ không biết nói gì hơn là chấp nhận. Ngài nhắc lại Kinh Thánh và kèm theo một giới răn thứ hai là yêu thương tha nhân như chính mình. Ngài ghép hai điều luật lại với nhau như hai khía cạnh của một tình yêu. Câu trả lời của Ngài cũng là một nhắc nhớ cho chúng ta.

Phải yêu mến Chúa hết lòng, hết sức…

Chúng ta làm sao yêu mến Chúa?

Chúa ban cho chúng ta một quả tim để yêu thương. Chúng ta yêu người thân, yêu anh em… thì việc đó không có gì lạ lùng, nhưng yêu mến Chúa, Đấng chúng ta không bao giờ thấy thì làm sao yêu được? Yêu mến Chúa không phải là do khả năng của chúng ta mà là do một hồng ân. Chúng ta là con người xác thịt, Thiên Chúa là Tình Yêu, nhưng là Đấng thiêng liêng, yêu Chúa bằng con tim nhỏ bé của chúng ta là một điều không thể. Nhưng tại sao Chúa lại bảo chúng ta yêu mến Chúa? Và yêu đến hết lòng hết sức? Chúng ta không tự mình yêu mến Chúa nếu Chúa không nâng đỡ chúng ta. Ngài có cách tỏ tình. Ngài tỏ tình bằng cách sai Con Một đến với chúng ta, tỏ tình với chúng ta. Chúng ta chỉ yêu mến Chúa qua Chúa Kitô mà thôi, Chúa Giêsu tỏ tình bằng nhiều cách, bằng cuộc sống trần gian của Ngài, bằng cái chết đau đớn của Ngài vì chúng ta. Ngài là đường là sự thật và là sự sống. Chỉ có một con đường duy nhất đó để đến với Chúa Cha: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Chúa Giêsu đến trần gian là để dạy chúng ta yêu mến Cha trên trời. Nhìn Ngài yêu mến Chúa Cha, chúng ta mới thấy được phải yêu Chúa Cha như thế nào. Chính Chúa Con mới yêu mến Chúa Cha đúng nghĩa là yêu mến hết lòng hết sức… Yêu mến Chúa Cha, Ngài chỉ nói đến một điều: “Ta làm theo ý Đấng đã sai Ta”. Đến nỗi ý Cha là của ăn của Ngài: “Của ăn của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người”. Việc thi hành ý Cha không phải đơn thường mà đưa Ngài đến cái chết, đưa đến đau đớn tột cùng đến nỗi Ngài phải cầu khẩn trong mồ hôi máu: “Nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng không theo ý Con, mà theo ý Cha”.

Đó là tình yêu nguyên vẹn, trong suốt, thuần túy. Chúng ta yêu mến Chúa Cha khi chúng ta đi theo Chúa Giêsu và yêu mến Chúa Giêsu, vì “Chúa Cha với Ngài là một”. Nhưng yêu Chúa Giêsu thế nào? Cũng bằng con đường thực tế đó là “giữ lời của Ngài”. Như Ngài đã làm theo ý Chúa Cha thế nào, chúng ta cũng phải làm theo ý Ngài như vậy. Ngài là hiện thân của Chúa Cha, là hình ảnh của Chúa Cha vô hình, vì thế, yêu mến Ngài chính là yêu mến Chúa Cha.

Yêu mến là làm theo ý của người mình yêu. Đó là định luật của mọi tình yêu. Con cái yêu cha mẹ là vâng lời cha mẹ trọn vẹn. Vợ chồng yêu nhau là làm theo ý người mình yêu. Hành động chứng minh cho tình yêu. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nói yêu nhau. Nhiều lúc tiếng nói không đi theo hành động. Những tiếng nói yêu nhau dối trá vẫn thường xảy ra. Nhưng hành động là bằng chứng cụ thể của tình yêu. Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu Ngài bằng những hành động cụ thể, bằng vâng phục. Nhiều người cho rằng yêu như thế thì khô khan, không hấp dẫn. Cần phải có con tim, phải có tình cảm. Vâng, đúng thế. Chúng ta không chỉ yêu mến Chúa bằng hành động mà thôi, mà bằng cả con tim nhỏ bé của chúng ta. Làm sao có thể yêu mến Chúa bằng con tim khi Chúa vẫn vô hình? Đây mới là hồng ân. Khi chúng ta làm theo ý Chúa, Chúa sẽ cho chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Ngài bằng những tâm tình nhẹ nhàng và êm đềm, bằng sự bình an mà thế gian không thể ban cho chúng ta. Sở dĩ chúng ta không cảm nghiệm được sự bình an của Chúa vì chúng ta chưa đạt đến sự vâng phục trọn vẹn. Sự vâng phục của chúng ta vẫn còn pha lẫn những ý muốn riêng, vụ lợi hay chưa khiêm tốn đủ. Tại sao các thánh như Phanxicô Assisi, Têrêxa Hài Đồng Giêsu… yêu mến Chúa đến mức độ say mê? Chỉ vì sự vâng phục của họ hoàn toàn trong sáng.

Tình yêu là cho không và cho hết. Tình yêu chân thật là vô điều kiện, là cho đi mà không đòi hỏi lại. Chúng ta có thực sự cho Chúa hết chưa? Hay chúng ta còn vương vấn những ham muốn trần gian, còn tự ái? Muốn yêu mến Chúa phải qua một cuộc thanh tẩy toàn diện, buông bỏ tất cả bản thân. Chỉ còn một mình Chúa mà thôi. Chúa Giêsu đã từng nói:“Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá…” Chỉ khi nào chúng ta biết bỏ mình thực sự mới có thể yêu mến Chúa, mới thuộc trọn về Chúa. Dù chúng ta ở trong hoàn cảnh nào, có gia đình hay ở trong tu viện, điều kiện tiên quyết vẫn là bỏ mình.

Yêu là trở nên một với người mình yêu. Đây là định luật của tình yêu mà ai cũng biết, nhưng không mấy người đã thực hiện được. Có lẽ về phần xác thì có thể tương đối thành công, nhưng tâm hồn thì rất khó. Vì thế, nhiều gia đình tan vỡ vì không thể nên một với nhau, vì ích kỷ, vì chỉ tìm mình mà không biết nghĩ đến người mình yêu. Chúa Giêsu yêu chúng ta đến nỗi quên mình, dám chết cho người mình yêuNgài đã yêu đến tận cùng.Ngài cũng cho chúng ta những gì cần thiết để nên một với Ngài.

Ngài cho chúng ta lời Ngài. Lắng nghe lời Ngài là nên một với Ngài bằng tâm trí. Ngài cho chúng ta Mình Thánh Ngài để nên một với Ngài bằng thân xác, và nhờ đó chúng ta sống với Ngài, trong Ngài trong mọi thực tại của đời sống, như thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không còn là tôi mà Chúa Kitô sống trong tôi”. Tình yêu như thế mới trọn vẹn. Các thánh đã đạt đến tình yêu trọn vẹn đó.

Nhưng chỉ yêu mến Chúa mà thôi vẫn chưa đủ. Chúa Giêsu liên kết hai giới luật với nhau đến nỗi không thể tách rời là yêu mến tha nhân như chính mình. Thánh Gioan cũng lặp lại giới răn ấy: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà không yêu mến anh em là người nói dối”. Nơi khác ngài cũng nói: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau”. Như thế, tình thương đối với Chúa phải gắn liền với tình yêu tha nhân, làm như chúng ta là thành phần của Chúa, và đúng thế, chúng ta là con Chúa. Yêu thương anh em cũng là một cách yêu mến Chúa, và tình yêu đối với Thiên Chúa nuôi dưỡng tình yêu đối với tha nhân. Trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, Đức Bênêđitô XVI đã nói rõ: “Tình yêu trở thành phục vụ”. “Tình yêu tha nhân bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa trước tiên là trách nhiệm của từng người Kitô hữu”.

Chính Chúa Giêsu đã thúc hối chúng ta yêu thương mọi người, bằng chính cuộc sống của Ngài, Ngài chỉ sống cho mọi người và đã chết cho mọi người. Chúng ta chỉ có một mẫu gương duy nhất, đó là Chúa Giêsu. Chúng ta noi gương Ngài để yêu mến Chúa Cha, chúng ta cũng noi gương Ngài để yêu thương tha nhân. Các thánh đã sống yêu thương như Ngài. Chúng ta nghĩ đến Mẹ Têrêxa Calcutta, thánh Đamiên sống chết cho người cùi, thánh Vinh Sơn Phaolô và biết bao nhiêu đấng thánh đã hiến dâng cuộc sống mình cho tha nhân.

Chúng ta đã yêu thương như thế nào? Dấu hiệu đặc biệt của Kitô hữu là bác ái. Chúng ta có mang huy hiệu ấy trên khuôn mặt chúng ta không? Chúng ta mang đồng phục này, người ta mới có thể nhận ra chúng ta là con Thiên Chúa. Chúng ta cũng mang đồng phục này để vào thiên đàng.

Thế giới hôm nay là một thế giới tàn nhẫn, vô nhân đạo. Chiến tranh khắp nơi đưa nhân loại vào chỗ chết và các nước thi nhau vũ trang. Người ta đang thở không khí của chiến tranh, của tham tàn bóc lột, của hưởng thụ vô tâm. Người Công giáo đã làm được gì trong cái xã hội khốn khổ này? Mỗi người chúng ta phải cảm thấy liên đới với mọi người anh em khốn khổ của chúng ta. Chúng ta đừng để cho tâm hồn chúng ta trở nên vô cảm mà luôn trở nên người Samari nhân hậu đối với mọi người chúng ta gặp trên con đường của chúng ta. “Chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”, thánh Gioan Thánh giá đã nói như thế.

Đứng trước nhu cầu quá lớn, chúng ta không thể làm gì quan trọng, nhưng điều cần thiết là chúng ta có cảm thấy mình phải làm cái gì đó trong hoàn cảnh riêng của chúng ta không? Nhiều người chán nản vì tưởng rằng mình chẳng làm được gì, nhưng “tình yêu Chúa thúc bách chúng ta”, phải làm một cái gì dù rất nhỏ, miễn là làm vì tình yêu, thì chúng ta đã đóng góp một phần nào đó vào kho tàng yêu thương của mọi người thiện chí. Chúng ta không làm một mình, mà cùng với mọi người. Đó là nghĩa vụ cao cả nhất của chúng ta. Đừng mõi mệt làm việc thiện, đừng mõi mệt yêu thương.

Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là mẫu gương yêu thương tuyệt hảo. Ngài cho đi, cho hết mà không đòi hỏi lại. Ăn lấy Chúa là bước vào tình yêu của Ngài, vì chính Ngài hoạt động trong chúng ta, cùng với chúng ta. Ngài mong ước chúng ta yêu thương như Ngài đã yêu thương.

Lm Trầm Phúc