Chúa nhật tuần 26 TN – Phút lắng đọng Lời Chúa

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 26 thường niên năm A

Lời Chúa: Mt 21,28-32

  

Một người kia có hai đứa con trai…

Dụ ngôn Chúa Nhật tuần này là một trong những dụ ngôn có tính tranh luận với phái Pharisêu. Chúa Giêsu luôn tìm cách ý thức những ông Pharisêu kiêu căng và tự mãn, cho họ thấy rằng giữ đạo không chỉ là làm một vài việc bên ngoài mà phải yêu mến Chúa tận tâm hồn. Họ cứ nghĩ rằng họ đã giữ Luật, đã đọc kinh nhiều, đã ăn chay bố thí như Luật dạy, tức là họ công chính, không cần ai chỉ dẫn điều gì. Và như thế, họ chỉ giữ một thứ đạo bên ngoài và dần dần biến thành một lối sống giả hình mà Chúa Giêsu mạnh mẽ tố cáo. Họ là những người biết luật, những thầy dạy, những nhà lãnh đạo tôn giáo, nhưng họ lại là những người sống trái với những gì họ dạy. Chúa Giêsu đã cảnh cáo họ nhiều lần và chính Ngài đã bảo dân chúng: “Những gì những người Pharisêu đứng trên tòa Môsê dạy, các ngươi hãy tuân giữ nhưng đừng làm theo những gì họ làm, vì họ nói mà không làm”.Nơi khác Ngài nặng lời tố cáo họ: “Khốn cho các ngươi hỡi những kinh sư, Pharisêu giả hình…, các ngươi như những mả tô vôi…”. Tại sao Chúa phải nặng lời đến như thế? Vì lòng họ đã ra chai lì không thể cải hóa được.

Tuy nhiên chúng ta cũng công nhận rằng, tất cả những người thuộc phái này không phải là xấu cả. Nhiều người cũng tin Chúa như ông Nicôđêmô và một số người khác, nhưng đó là thiểu số.

Trong dụ ngôn hai đứa con trai này, Chúa Giêsu cũng ám chỉ họ là đứa con thứ hai. Khi nghe lệnh người cha đã thưa vâng, nhưng rồi lại bỏ qua. Đứa con này xem ra như rất ngoan nhưng kỳ thực chỉ là giả dối. Thái độ như thế thật đáng trách vì đã chấp nhận theo lời cha sau đó lại bỏ qua một bên. Đó là thái độ Pharisêu mà Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án. Đang lúc đó, đứa con thứ nhất thì lúc đầu sỗ sàng không vâng lời, nhưng suy nghĩ lại nó đã hối tiếc và vâng phục.

Chúa Giêsu hỏi các ông: “Vậy trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Các ông trả lời: “Người thứ nhất”. Đúng như Chúa muốn và điều này Ngài muốn nói trực tiếp với họ. Ngài kết luận với một giọng điệu hết sức trang trọng: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông…” Tại sao? Vì họ tin vào lời rao giảng của Gioan và ăn năn thống hối, còn các ông khinh thị ông Gioan và không tin ông, các ông sẽ chết trong tội của các ông”. Đó là một gáo nước lạnh tạt vào mặt các ông , nhưng họ vẫn không hiểu, hay họ đã hiểu và vì thế sau này họ sẽ đóng đinh Ngài vào thập giá.

Dụ ngôn cũng là một lời cảnh báo thật mạnh mẽ đối với chúng ta. Chúng ta muốn là đứa con nào? Đứa con xem ra rất ngoan nhưng lại không vâng lời hay đứa con thứ nhất xem ra ngỗ nghịch nhưng lại biết suy nghĩ, và hối hận?

Chúa Cha có hai người con, người con thứ hai chính là chúng ta, vâng vâng dạ dạ, nhưng không làm. Ông Ađam là đứa con phản bội đầu tiên đã mang sự chết đến cho con cháu. Dân Do Thái, dân được chọn là một dân cứng cổ. Trong Kinh Thánh, qua các tiên tri, biết bao nhiêu lần Chúa nói đến sự cứng lòng của dân Do Thái.

Trong Kinh Thánh, chúng ta cũng thấy có biết bao nhiêu gương lành những đứa con ngoan như Abraham. Ông đã vâng nghe triệt để. Ông đã ra đi, bỏ quê hương, người thân, và ruộng đất, để vâng theo lệnh Chúa. Ông đã tế hiến cả con trai duy nhất của mình cho Chúa… Đó là gương lành sáng chói cho chúng ta. Chúng ta đã vâng phục như thế nào? Tối đa hay chỉ có lệ, cho xong?

Các tiên tri cũng là những con người yếu đuối, như Giêrêmia đã la lối cưỡng lại nhưng sau cùng đã khuất phục, đã chấp nhận bao nhiêu gian lao khó nhọc để vâng theo ý Chúa. Và gương mẫu tuyệt đối của chúng ta là Chúa Giêsu, Người Con Một tự cung lòng Chúa Cha đã vâng phục nhập thể và vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Người con đó đã vâng lời trọn hảo. Sống ở trần gian, việc chính yếu của Ngài không là làm theo ý riêng mà luôn làm theo ý Cha. Sự vâng phục đó không dễ dàng như chúng ta tưởng. Ngài phải sống một cuộc sống nhọc nhằn, nghèo khổ, lam lũ, vâng phục thánh Giuse và Mẹ Maria. Ngài phải mướt mồ hôi máu trong vườn Giếtsêmani… Ngài là người như chúng ta, Ngài mang cái xác nặng nề như chúng ta với tất cả những nhọc nhằn của nó. Điều đó chúng ta đã quá biết, nhưng chúng tôi muốn nhắc lại để thấy rằng cần phải nhìn Ngài chăm chú hơn, để thấy rõ những gì cần nhìn. Nhìn thoáng qua, chúng ta sẽ không thể thấy được những gì đáng chú ý. Ngài phải bỏ mình đến tột độ, đã rên siết, mướt mồ hôi máu để vâng phục: “Không theo ý con mà theo ý Cha”. Nhìn Ngài đau thương trên thập giá mới biết sự vâng phục của Ngài đi đến đâu: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”

Chúng ta có mướt mồ hôi máu để vâng phục chưa? Chúng ta đã vâng theo ý Cha đến mức độ nào? Chắc chắn chúng ta phải rên siết thôi, nhất là trong những lúc bệnh hoạn đau đớn, thất bại, chúng ta không còn thấy được ý Chúa ở đâu. Chúa không cấm chúng ta rên siết, nhưng vâng phục vẫn là điều kiện cuối cùng.

Vâng theo ý Chúa không chỉ là trong một vài lúc nào đó mà là liên lỉ, mỗi ngày, và vâng theo ý Chúa mới là bình an và không bao giờ sai lầm. Nhờ vâng phục Chúa Giêsu đã mang lại ơn cứu độ cho chúng ta, thì sự vâng phục của chúng ta cũng không bao giờ vô ích. Nếu chúng ta có lỗi phạm, bất tuân, Chúa cũng dễ dàng tha thứ, vì Chúa biết chúng ta yếu đuối, nhưng phải hồi tâm và trở về.

Sự vâng phục của Chúa Giêsu là tình yêu. Ngài vâng phục Chúa Cha vì Ngài yêu Chúa Cha. Ngài thể hiện tình yêu của Ngài bằng sự vâng phục triệt để. Vâng phục như một nô lệ không phải là sự vâng phục đích thực. “Một ngàn người nô lệ quì gối không bằng một người tự do vâng phục”. Chúng ta hãy vâng phục như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy cuộc sống chúng ta quí báu như thế nào.

Trong các gia đình hôm nay, vấn đề vâng phục đang gặp những trở ngại hết sức cam go. Thanh thiếu niên hôm nay tỏ ra bướng bỉnh, và các phụ huynh càng lúng túng không biết làm sao dạy con. Cuộc sống tự do buông thả của xã hội hôm nay ảnh hưởng rất nặng nề trên tâm lý thanh thiếu niên. Chúng nó chịu ảnh hưởng của một xã hội nhàu nát, vô trật tự. Những phương tiện truyền thông với những gương mù gương xấu đầy dẫy ảnh hưởng không nhỏ trên giới trẻ. Các cha mẹ mất phương hướng không biết phải làm sao để giúp con cái đi vào con đường đức hạnh để xây dựng tương lai cho con. Đây là một thách thức lớn cho những bậc làm cha mẹ. Chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ nào đây?

May thay, những Hội Đoàn trong giáo xứ cũng giúp một phần, nhưng cha mẹ vẫn đóng vai chính trong việc dạy dỗ con cái, làm sao cho chúng biết vâng lời. Vấn đề này là cả một chương trình lớn và dài hạn. Tùy hoàn cảnh, tùy cách sống gia đình. Nhưng nếu cha mẹ biết vâng lời Chúa thì con cái sẽ dễ dàng vâng lời cha mẹ hơn. Chúng ta không thể tìm một giải pháp cho mỗi vần đề, dù các nhà tâm lý vẫn luôn chỉ dẫn những phương pháp, nhưng cũng không có phương pháp nào hữu hiệu lâu dài. Chỉ có lời cầu nguyện và lòng tin mới giúp chúng ta trong công việc khó khăn này.

Chúa Giêsu lại nói với mấy ông Pharisêu một câu xem ra nặng nề: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và các cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Tại sao? Vì họ biết suy nghĩ và nhìn nhận sự yếu hèn của họ và vâng phục, còn các ông, với những kiến thức của các ông, các ông sẽ không bao giờ biết vâng phục. Ơn cứu độ không phải do kiến thức mà do lòng tin chân thành, do tình yêu không dối trá và đơn thật.

Xin cho chúng ta biết khiêm nhường nhìn nhận sự yếu kém của chúng ta để đón nhận lời Chúa, yêu mến luật Chúa và luôn cố gắng thi hành, và thi hành với tất cả tình yêu.

Chúa Giêsu nơi bàn thờ hiến tế đang mời gọi. Ngài tha thiết mong ước chúng ta cùng với Ngài làm sáng danh Cha bằng một sự vâng phục hết tình như Ngài. Và cũng vì muốn giúp chúng ta trong việc khó khăn này, Ngài vẫn đến ban cho chúng ta thứ của ăn bổ dưỡng là Mình Thánh Ngài để chúng ta luôn đủ sức phấn đáu để đạt đến đỉnh cao của tình yêu là vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá cuộc đời như Ngài.

Lm Trầm Phúc