Chờ đợi Chúa đến

Chúng ta đang ở trong Mùa Vọng, bắt đầu với Chúa Nhật I Mùa Vọng và kết thúc với lễ mừng Chúa Giáng Sinh (25.12). Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là mong đợi, mong chờ điều sắp đến. Do đó, Mùa Vọng không chỉ để người tín hữu Công giáo chuẩn bị mừng ngày Con Thiên Chúa giáng trần mà còn là thời gian để mỗi người chúng ta chuẩn bị cho ngày Chúa đến trong vinh quang.

Bởi vì trên thực tế, Chúa đã đến trong lịch sử của nhân loại rồi. Tin Mừng thánh Luca nói rất rõ việc Ngôi Lời đã nhập thể làm người nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, người Nazareth, sinh tại Bêlem vào thời hoàng đế Augustô làm chỉ huy (Lc 2,1-7). Vậy ngày hôm nay trong Mùa Vọng, chúng ta sống tâm tình nào? Phải chăng như các tổ phụ xưa chờ đợi con cháu đông như sao trên trời, như cát dưới biển. Phải chăng như dân Chúa khi xưa sống trong cảnh lưu đày khốn khổ đang chờ đợi vị Cứu Tinh đến để giải thoát, để giúp cho được hồi hương…

Thưa chúng ta không chờ đợi những điều đã qua đó. Vì theo kinh nghiệm thực tế cho thấy, những sự chờ đợi không mong muốn thường mang đến cho con người nhiều phiền toái, khó chịu và thậm chí cả đau khổ. Chẳng hạn như phải chờ đợi những cuộc hẹn, chờ đợi bởi những thủ tục rườm rà, chờ đợi khi tham gia giao thông, mua sắm… Nên con người đã ý thức được “Thì giờ là tiền bạc”. Các doanh nghiệp tránh những sự chậm trễ không cần thiết trong thủ tục làm việc, làm sao sản xuất càng nhiều hàng hóa trong thời gian càng ngắn thì có thể đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Những doanh nghiệp trực tiếp phục vụ công chúng cách nhanh hơn, chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn… bởi vì tiết kiệm thời gian là cách làm vừa lòng khách hàng và cũng vừa cắt giảm thời gian chờ đợi.

Do đó, Mùa Vọng giúp cho chúng ta chuẩn bị cuộc sống mình trong hiện tại và hướng đời mình vào nơi sẽ tới, đó chính là Nước Trời. Vì Chúa đã nhập thể, Nước Trời đã hiện diện nhưng Người chưa đến hết trong tâm hồn của chúng ta (vì chúng ta còn phạm tội). Vì thế, ta vẫn phải chờ đợi Chúa lại Giáng Sinh không chỉ trong lòng ta, mà còn trong lòng mọi người để mọi dân, mọi nước được vui hưởng ơn cứu độ của Chúa.

Cũng vì thế, ngày hôm nay chúng ta sống tâm tình mùa vọng là sống chờ đợi ngày Chúa đến trong vinh quang, ngày theo thánh Gioan đã nói: “chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2). Ngày ấy không còn bất công, hận thù, ghen ghét… Vì Chúa đến để đem con người vào trong vùng đất mới tràn đầy tình thương và công lý, tràn đầy sự thật và sự sống.

Như vậy, chờ đợi Chúa đến có nghĩa là tựa vào Chúa đã đến trong lịch sử nhân loại để sống biến cố Chúa đang đến trong cuộc đời chúng ta. Hay nói đúng hơn, mỗi người chúng ta không chờ đợi Chúa đến cách thụ động với những câu kinh, tiếng hát hay nghi lễ mà phải làm cho Chúa hiện diện nơi cuộc sống, nơi môi trường hay nơi việc làm của mình, bằng cách loại trừ những chia rẽ hận thù mà thay vào đó là đời sống công bình, bác ái đưa mọi người đến gần nhau và gần Chúa hơn.

Vậy trong Mùa Vọng này, mỗi người chúng ta hãy nỗ lực chuẩn bị đón Chúa đến với mình và với mọi người bằng một đời sống yêu thương, bác ái, để mọi người được hưởng niềm vui ngày Chúa đến, niềm vui ơn cứu độ.

Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Hùng

Gp. Mỹ Tho