Cây cầu thần kỳ vĩ đại

CÂY CẦU THẦN KỲ VĨ ĐẠI        

(Lễ kính Thánh Catarina  Siêna – 29/4)

 

Sau giờ kinh tối, chuẩn bị đi ngủ, chợt nghe vẳng tiếng ru con từ hàng xóm: “Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi, mẹ dẫn con đi; Con đi trường học, mẹ đi trường đời.” Giọng ru miền Nam VN “dzí dzầu cầu dzáng đóng đinh…” nghe thật nhẹ nhàng, thánh thót, dễ thương làm sao! Tự nhiên cảm xúc dâng trào, tưởng chừng như được sống lại thời thơ ấu lang thang trên những cây cầu quê hương, từ những cầu gỗ, cầu đá mộc mạc nơi thôn quê miền Bắc, những cầu treo chênh vênh lơ lửng vùng thượng du Bắc bộ, đến những cầu khỉ cheo leo (“cầu tre lắt lẻo”) vùng đồng bằng Nam bộ… Cứ tưởng nghe giọng hò êm ái sẽ được miên du trong giấc mộng, nhưng không ngờ hình ảnh những cây cầu dĩ vãng lại dẫn tới một CÂY CẦU THẦN KỲ VĨ ĐẠI vô song. Đó là cây cầu Ngôi Lời Nhập Thể dẫn loài người tội lỗi về với Thiên Chúa. Cây cầu này do Thánh nữ Catarina Siêna phát kiến nhờ được Thiên Chúa mạc khải. Thử tìm hiểu vấn đề:

 

Thánh Catarina, tên thật là Catarina Benincasa, sinh ngày 25/3/1347 tại Siena, là con thứ 23 trong một gia đình 25 người con. Ngay từ khi bảy tuổi, được Đức Trinh Nữ Maria cùng với Chúa Giêsu hiện ra, Catarina đã hiến dâng cuộc đời trinh trắng của mình cho Chúa qua bàn tay Đức Mẹ. Năm 18 tuổi, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ mặc áo choàng có liên hệ đến Dòng Ða Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà (tu tại gia), phục vụ người nghèo và người đau yếu. Về sau, hội này đã chính thức thức sát nhập vào Dòng Ba Đa Minh. Vì khấn trọn cuộc đời cho Đức Kitô, nên vào năm 1367, Catarina cảm nghiệm thành hôn cách mầu nhiệm với Chúa Giêsu. Vì thế, tới năm 1375, thánh nữ đã nhận được hồng ân in 5 dấu Thánh, một đặc ân vô cùng quý hiếm. Có một điều rất đặc biệt là thánh nữ cũng chỉ sống trên đời một thời gian bằng với thời gian Đức Giêsu-Thiên-Chúa-làm-người trần thế (33 năm).

 

Sau khi từ trần vào ngày 29/4/1380, Catarina được ĐGH Piô II tuyên thánh ngày 29/6/1461. Ngày 13/4/1866, ĐGH Piô IX tôn thánh nữ làm bổn mạng thứ hai của Rôma, sau thánh Phêrô. Ngày 18/6/1939, Đức Piô XII tôn phong làm bổn mạng nước Ý cùng với thánh Phanxicô. Ngày 4/10/1970, Đức Phaolô VI phong thánh nữ lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh, biệt hiệu “Tiến sĩ Tình Yêu”, còn gọi là “Trinh nữ Sốt Mến” như thiên thần Sêraphim (“Virgo Seraphica”). Ngày 01/10/1999, Thánh Gioan Phaolô II ban tự sắc tôn vinh Catarina cùng với thánh Brigida và thánh Têrêsa Bênêdicta Thánh Giá làm bổn mạng Âu Châu. Một người ít học, gần như mù chữ (các thư từ gửi các phe nhóm, gửi chính quyền, gửi các Đức Giáo hoàng, kể cả tác phẩm vĩ đại “Đối Thoại”, đều do thánh nữ đọc cho thư ký ghi lại), đã được Hội Thánh tuyên phong là Tiến sĩ! Đó là chưa kể, thánh nữ Catarina còn được xã hội coi là một văn sĩ đại tài cúa nước Ý vào thế kỷ XIV.

 

Chúc thư tâm linh của thánh nữ dành cho hậu thế được cô đọng trong cuốn “Dialogo – Đối thoại”. “Dialogo” (dày 496 trang, gồm 4 Chương, với 167 số lề) là một tác phẩm bất hủ – “Cuốn sách đã được ghi là một dấu lạ, một tác phẩm được nhìn nhận là của Thiên Chúa Cha, mà một thiếu nữ không biết viết đã nghe và đọc lại cho thư ký viết, trong những giờ cầu nguyện xuất thần.” (xc “Lời giới thiệu” trong “Dialogo” – bản dịch của Lm Vinh-sơn Bùi Đức Sinh OP. xuất bản San Jose CA – USA 2006). Bao quát toàn bộ tác phẩm là diễn trình kết quả “Bốn Điều Ước Nguyện” của tác giả:

 

† 1. Xin thương xót Catarina: Vì Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối Chân + Thiện + Mỹ, muốn đối thoại với Người thì tiên vàn phải biết xin Người thương đến thân phận mỏng giòn, yếu đuối của mình, xin Người ban cho ơn thông hiểu. Lắng nghe và hiểu được tiếng nói của Thiên Chúa, mới có thể chu toàn sứ vụ Người đã trao ban.

 

† 2. Xin thương xót thế gian: Xin Chúa thương xót bản thân mình, nhưng đồng thời cũng xin thương xót cả nhân loại đang đắm chìm trong điêu linh. Đây chính là tình bác ái Thiên Chúa đã ban tặng khi tạo dựng con người. Tình bác ái là phải “ái nhân như ái thân” (“Yêu anh em như yêu chính mình” – Mt 22, 39; “làm cho anh em những điều mà mình muốn anh em làm cho mình” – Mt 7, 12).

 

† 3. Xin thương xót Hội Thánh: Giáo hội là Nhiệm Thể Đức Kitô, đã được Đức Giêsu Thiên Chúa coi là Hiền Thê. Đó là lý do cần phải xin Chúa thương toàn thể Kitô hữu trong Giáo hội tuỳ theo phẩm trật và đoàn sủng Chúa Thánh Thần ban cho, được sống xứng đáng với ơn gọi và sứ vụ của mình.

 

† 4. Cuối cùng là xin lòng thương xót của Chúa Quan Phòng: Xin Đấng Quan Phòng hằng thương xót các linh hồn. Ngoài ra, xin thương xót những con người có tinh thần vâng phục. Vì là đối thoại với Thiên Chúa là Đấng Thượng Trí, Toàn Năng, Toàn Thiện, nên phải biết vâng phục tuyệt đối theo những phán quyết của Người.

 

Thánh nữ Catarina đã sống trọn hảo 3 lời khuyên Phúc Âm (khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục). Đặc biệt, thánh nữ nhận thấy con người mềm yếu, dễ sa ngã, nên đã xin Chúa Cha ban cho đức tính vâng phục, và ngài đã sử dụng nó như một thứ vũ khí sắc bén chinh phục bản thân, chinh phục tha nhân (Câu chuyện ngài chăm sóc vết thương ung thư ngực cho Anđrêa: Khi mở băng ra, Catarina đã giật nẩy mình muốn ói mửa vì mùi hôi thối xông lên từ vết thương. Hối hận vì đã hành xử ngược lại ý chí yêu thương phục vụ, nên sau khi rửa sạch vết thương, ngài đã uống thứ nước rửa vết thương đầy máu mủ đó. Hành động đó khiến Anđrêa tâm phục khẩu phục. Sau này, ngài đã kể lại với cha linh hướng Raymunđô: “Từ khi sinh ra, con chưa bao giờ ăn uống thứ gì ngọt ngào, ngon lành như thế.” – xc “Tiểu sử Thánh Catarina” – ĐỐI THOẠI, tr. XI).

 

Trong thời đại Thánh nữ đang sống (thế kỷ XIV), biết bao nhiêu đảng cướp nổi dậy quấy nhiễu dân lành, một cuộc chiến trăm năm ngoài xã hội, một trận dịch “cơn sốt đen” làm chết nhiều người, rồi một cuộc Đại Ly Giáo (Great Schism) trong Giáo hội. Thánh nữ Catarina đã như một con thoi đi khắp đó đây đối thoại, thuyết phục những phe đảng thù nghịch, nối lại mối dây thân ái, nối lại sự đoàn kết hiệp nhất đã bị chia lìa từ khi cùng lúc tồn tại tới 3 vị Giáo hoàng (Ðức Clêmentê ở Avignon nước Pháp, Ðức Urbanô ở Rôma. Và khi Ðức Clêmentê từ trần, Ðức Hồng Y “De Luna” được bầu làm Giáo hoàng ở Avignon và lấy thánh hiệu là Bênêđictô XIII). Tới năm 1375, Thánh nữ đã thuyết phục được ĐGH Grêgôriô XI trở về với Giáo đô La Mã.

 

Phải chân nhận một điều: Nhờ có Đức Kitô luôn ở cùng và mạc khải mầu nhiệm Tình Yêu Cứu Độ, nên thánh nữ Catarina Siêna mới có thể thực hiện được những việc quá lớn lao, kỳ diệu như:

 

† Chấn hưng lòng đạo đức của Giáo hội đã bị sa sút vì những gương xấu của hàng giáo sĩ, như tội buôn thần bán thánh và cuộc đời xa hoa phù phiếm của các ngài;

 

† Xin chuyển Giáo đô về Rôma, nơi từ lâu đã trở nên chốn hiu quạnh và buồn tẻ vì vắng bóng các Giáo hoàng;

 

† Xin tổ chức Nghĩa binh Thánh giá để chống với quân Hồi giáo.

 

Về cây cầu thần diệu, thánh nữ Catarina Siêna đã trình bày trong cuốn “Đối Thoại” – Chương Hai: “CHÚA CHA THƯƠNG XÓT THẾ GIAN” (số 21), chính Lời Thiên Chúa Cha nói với chị: “Như Cha đã nói với con, Cha đã dùng Ngôi Lời, Chúa Kitô Con của Cha, để làm một cây cầu. Cha muốn các con là con cái Cha biết rằng: Con đường bị cắt đứt do tội lỗi và sự bất tuân phục của Ađam, bởi đó không một ai có thể đạt tời sự sống vĩnh cửu. Con người không đem lại vinh quang cho Cha như đáng lẽ nó phải làm, thì nó sẽ không còn nhận được sự tốt lành mà Cha đã dành cho nó, khi tạo thành nó… Tội lỗi đã sản sinh ra cho con người những gai góc, đau khổ và gian truân… con người đã đáng chết muôn đời, cả hồn lẫn xác… Để cứu các con khỏi tai vạ lớn lao này, Cha đã ban cho loài người chính Con Một của Cha làm như cây cầu, để các con có thể qua sông mà không chết đuối. Con sông chính là biển cả đầy bão táp của cuộc đời tối tăm này.”

 

“Con ơi, hãy mở mắt tâm trí ra… Cha muốn con nhìn xem cây cầu mà Cha đã xây dựng nơi Con Một của Cha. Con hãy nhìn ngắm vẻ đồ sộ của cây cầu bắc từ đất lên trời, bởi vì sự vĩ đại của thiên tính đã kết hợp với bùn đất nhân tính của các con. Cha nói cây cầu này đi từ đất lên trời, vì Ngài thực hiện sự kết hợp với con người… Sự cao cả của thần tính Thiên Chúa đã hạ mình cuống tới đất của nhân tính nơi các con; trong khi kết hợp với nhân tính, thần tính của Thiên Chúa đã thiết lập một cây cầu và tái lập một con đường. Con Một Cha đã lập lại con đường này để làm gì? Đó là để con người có thể tới hưởng sự sống muôn đời với các thiên thần. Nhưng để đạt tới sự sống, Con của Cha đã trở thành cây cầu, điều này chưa đủ và vô nghĩa, nếu các con không đi qua cầu này.” (ibid, số 22).

 

Khi nói cây cầu là chính Đức Kitô nằm trên thập giá, Thánh nữ đã muốn nói rằng đó chính là cây cầu bắc qua con sông băng hoại, bắc qua vực thẳm tội lỗi của thế giới loài người, để giúp loài người có cơ hội tiến về Nước Trời. Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đạt tới đời sống vĩnh cửu, chỉ có con đường duy nhất là cây cầu cứu độ ấy. Những ai thật sự yêu mến, thực sự tin vào cây cầu, và muốn đến được với cây cầu, muốn cậy nhờ vào cây cầu ấy, sẽ được dẫn tới bằng “bậc tam cấp” mà Thánh nữ gọi là “ba nấc thang”: Từ sự cách biệt bất hoà (bậc 1: trình độ nể sợ, e dè của hàng tôi tớ), tiến đến con người thiện hảo (bậc 2: yêu mến, thân thương như bạn hữu), cuối cùng là bậc rất hoàn thiện (bậc 3: tấm lòng hiếu thảo của con cái với Người Cha Chí Thánh). Cũng có lúc Thánh nữ dùng 3 nấc thang để chỉ những cấp độ trong tâm hồn xây dựng trên nền tảng Đức Ái: từ biết yêu (nấc thang 1) đến yêu hết mình (nấc thang 2), và sẵn sàng chết cho người mình yêu (nấc thang 3).

 

Quả là một tư tưởng siêu việt nơi một nữ tu không biết chữ. Nói cho hết được những tư tưởng, những hoạt động của Thánh nữ, phải là những bộ sách hàng ngàn trang. Ở đây chỉ xin sơ lược đề cập đến một khía cạnh độc đáo trong tư tưởng của ngài: CÂY CẦU. Vâng, chỉ có Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô, con người mới được cứu độ, được giải thoát, không thể khác hơn. Chính Đức Kitô là trung tâm điểm, là CÂY CẦU dẫn đưa loài người tới đỉnh hoàn thiện. Dùng một hình ảnh thật cụ thể, sinh động (cây cầu) để đề cập đến những mầu nhiệm, những tư tưởng siêu nhiên, rồi từ đó hướng dẫn người đọc thực hành theo, rõ ràng Thánh nữ đã vượt cả thế hệ, vượt cả không gian và thời gian. Nền văn học Ý đã coi ngài là một tác giả lừng danh thế kỷ XIV, và sau hơn 6 thế kỷ, Công đồng Vaticanô II mở ra những đường hướng tương tự như tư tưởng của Thánh nữ, đủ để chứng minh nhận định này.

 

Từ những suy nghĩ trên, kẻ viết bài này còn muốn hiểu thêm một bước: Khi khám phá ra cây cầu thần diệu Giêsu Kitô, Thánh nữ hoạch định những phương thế tiếp cận, cậy nhờ vào cây cầu ấy, rồi truyền dậy cho anh em cùng thời và hậu thế, thì chính ngài cũng đã là một cây cầu. Thánh nữ đã như một cây cầu nối lại mối dây thân ái giữa những phe đảng thù nghịch ngoài xã hội, nối lại sự đoàn kết hiệp nhất trong Giáo hội đã bị chia lìa từ khi cùng lúc tồn tại tới 3 vị Giáo hoàng. Rõ ràng đó chính là cây cầu lớn trong Dòng Đa Minh và cả trong Giáo Hội, cho đến thời đại hiện nay vẫn tiếp tục giúp tất cả chúng ta – những Ki-tô hữu và đặc biệt là những anh em trong Gia đình Đa Minh – hiểu rõ hơn, sâu hơn về Đạo và sự Sống Đạo, để đến được với CÂY CẦU GIÊSU KITÔ. Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.

 

Chú thích: Những tư liệu dẫn chứng trong bài này đều được trích từ nguồn website Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam và cuốn ĐỐI THOẠI (Dialogo) – ấn bản lần thứ nhất do nhóm “Phục vụ Lời Chúa” xuất bản tai San Jose CA – USA 2006.