Câu chuyện cuối tuần, số 5

 

 

DẤU ẤN CỦA CHÂN PHƯỚC PHAOLÔ VI

 

DTCphaoloVIKết thúc đại hội của Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại thường vừa qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ tuyên phong Chân phước cho Cố Giáo Hoàng Phaolô VI, vào Chúa nhật 19 tháng 10, Ngày Thế Giới Truyền Giáo. Một chọn lựa thật phong phú ý nghĩa vì Chân phước Phaolô VI chính là vị giáo hoàng đã tiếp nối công việc của Thánh Gioan XXIII, hướng dẫn Công đồng Vatican II đến chỗ hoàn thành. Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng chính là hoa trái của Vatican II, và Chân phước Phaolô VI là vị giáo hoàng đã triệu tập những đại hội đầu tiên của Thượng Hội Đồng.

Trong dịp này, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ca tụng Chân phước Phaolô VI là vị giáo hoàng nhìn xa trông rộng và khôn ngoan, kể cả nhiều khi phải chấp nhận cô đơn trong quyết định của mình. Lại liên tưởng đến cuốn sách của triết gia Jean Guitton viết về Đức Phaolô VI, trong đó có một câu còn nhớ mãi. Ngài nói với Jean Guitton rằng: “Suy nghĩ thì dễ, quyết định mới khó”. Ai cũng có quyền suy nghĩ, chỉ khác nhau ở chỗ sâu hay nông, rộng hay hẹp…nhưng dù sao vẫn chỉ là suy nghĩ của cá nhân. Còn người có trách nhiệm phải đưa ra quyết định, nhất là khi quyết định ấy sẽ tác động lên cả triệu người và những thế hệ tương lai, ví dụ như quyết định của các vị giáo hoàng. Ôi, khó biết bao!

Hơn ai hết, trong tư cách là vị mục tử của Giáo Hội toàn cầu, Chân phước Phaolô VI đã cảm nhận nỗi khó khăn khủng khiếp của những quyết định đó.

Đó là những quyết định can đảm như Chúa Giêsu quyết định lên Giêrusalem dù biết rằng Thập giá đang chờ đợi. Chân phước Phaolô VI thật can đảm khi đưa ra những quyết định trong thông điệp Sự sống con người (Humanae vitae) về việc phá thai và ngừa thai. Phải can đảm lắm vì biết trước rằng những quyết định đó sẽ gây phẫn nộ nơi nhiều người trên thế giới, kể cả người Công giáo. Và thật sự là thế!

Đó là những quyết định đẩy người lãnh đạo đến chỗ cô đơn. Như Chúa Giêsu cảm nhận nỗi cô đơn sâu thẳm trên thánh giá khi các môn đệ bỏ chạy hết, và từ đỉnh cao thập giá nhìn xuống, chỉ thấy những cánh tay giơ cao và những cái miệng mở to đòi lên án! Chân phước Phaolô VI cũng thật cô đơn khi phải đưa ra những quyết định đi ngược lại ước mong của nhiều người, kể cả những người cố vấn cho ngài. Ngài bị dồn vào thế cô đơn đến nỗi có tác giả đã nói đến những dấu hiệu của trầm cảm.

Thế nhưng ngài đã dám đi đến cùng vì đó là những quyết định phát xuất từ cầu nguyện. Như Chúa Giêsu đã cầu nguyện thật tha thiết trước khi bước vào cuộc thương khó, những giây phút cầu nguyện hết sức khó khăn đến nỗi mồ hôi nhỏ xuống nặng như những hạt máu. Chân phước Phaolô VI đã cầu nguyện thật tha thiết và lâu dài để dám đưa ra những quyết định mà ngài xác tín rằng đây là thánh ý của Chúa chứ không phải tính toán của loài người.

Cầu xin cho Đức giáo hoàng Phanxicô và Thượng Hội Đồng Giám Mục có được những quyết định phù hợp với thánh ý Chúa. Cầu xin cho tất cả những ai có trách nhiệm đưa ra quyết định, từ cộng đoàn nhỏ như một gia đình đến cộng đoàn lớn hơn như giáo xứ hay giáo phận, cũng có được những quyết định phát xuất từ cầu nguyện, dù phải chấp nhận cô đơn và đau khổ. Để “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Ngày 25.10.2014

Người Mỹ Tho