Câu chuyện cuối tuần số 46 – Vương quốc Vua Kitô

Vào cuối Năm Phụng Vụ, khi tham dự Thánh Lễ, người tín hữu được nghe đọc sách tiên tri Daniel. Đây là cuốn sách có tầm quan trọng đặc biệt đối với các Kitô hữu sơ khởi vì giúp họ đón nhận sứ điệp của Đức Kitô. Tuy nhiên sách Daniel không phải là tác phẩm dễ hiểu vì tác giả vận dụng lối văn khải huyền, đầy hình ảnh và biểu tượng, dễ bị giải thích theo sở thích chủ quan của mỗi người.

Nói chung, người ta biết đến sách Daniel qua những câu truyện nổi tiếng như Daniel trong hang sư tử, ba chàng thanh niên trong lò lửa, hoặc những ngón tay viết chữ trên tường, nhất là truyện Daniel xử án để bênh vực bà Susanna. Ngoài ra, sách Daniel còn kể lại nhiều thị kiến ban đêm, và Daniel xuất hiện như người giải mã những giấc mơ, giống nhân vật Giuse trong sách Sáng Thế.

Ở đây xin tập trung vào giấc mơ của vua Nabukodonosor. Ông mơ thấy bức tượng làm bằng những chất liệu khác nhau: đầu bằng vàng, ngực và tay bằng bạc, bụng và bắp chân bằng đồng, chân lại bằng đất sét. Rồi có một tảng đá lớn, không bàn tay nào đụng tới nhưng lại lăn vào bức tượng, khiến nó sụp đổ tan tành. Không ai giải thích nổi ý nghĩa giấc mơ của nhà vua, nên người ta phải nhờ đến tiên tri Daniel. Lời giải thích của Daniel khiến mọi người ngỡ ngàng: các vương quốc sẽ dần sụp đổ, không do sự can thiệp của con người, nhưng do quyền năng của Thiên Chúa.

Sứ điệp này được nhấn mạnh trong chương 7 sách Daniel. Lần này là chính thị kiến của Daniel về 4 con thú khổng lồ từ biển đi lên: con thứ nhất giống như sư tử, con thứ hai như con gấu, con thứ ba như con báo, con thứ tư rất dữ tợn với mười sừng và răng sắt. Thế rồi Daniel thấy Vị Bô Lão ngự trên ngai, quyền lực của những con thú bị tước đoạt. Kế đó, Daniel thấy “Con Người ngự giá mây trời mà đến”, Người được ban tặng danh dự, vinh quang và vương quốc. Một lần nữa, thị kiến cho thấy 4 vương quốc sụp đổ, không do con người nhưng do quyền năng Thiên Chúa, và vương quốc vĩnh cửu sẽ xuất hiện.

Vậy khi nào những điều đó sẽ xảy ra? Đặt mình vào lịch sử Israel, kể từ tiên tri Jeremia, người Do Thái tin rằng việc phục hồi Jerusalem và Israel sẽ xảy ra vào thời điểm 70 năm sau cuộc lưu đày Babylon. Vào thời của Daniel, thời điểm đó đã qua rồi, nhưng trong chương 9, thiên thần cho Daniel biết phải hiểu con số 70 ở đây là 70 tuần năm, nghĩa là 490 năm. Nếu đem con số này vào thực tế thì cuộc lưu đày Babylon diễn ra trong khoảng từ năm 587 đến 500 trước Công nguyên. Trong khoảng thời gian đó, 4 vương quốc đã sụp đổ: Babylon, Ba Tư, Hi Lạp, Rôma. Và thế kỷ I được coi như thời điểm vương quốc vĩnh cửu sẽ đến.

Hiểu như thế, khi Chúa Giêsu xuất hiện và rao giảng “Vương quốc Thiên Chúa đã gần đến”, người ta tin rằng Chúa Giêsu chính là Đấng mà tiên tri Daniel loan báo. Thế nhưng Chúa Giêsu hiểu về vương quốc Thiên Chúa như thế nào? Một đàng, Người công khai tuyên bố bằng ngôn ngữ của sách Daniel: “Phải, các ông sẽ thấy Con Người ngự giá mây trời mà đến”, và trước mặt Philatô, Người dõng dạc trả lời: “Phải, Tôi là Vua”. Đàng khác, vị vua đó lại bị treo trên thập giá như một phạm nhân mang trọng tội, trên đỉnh thập giá có dòng chữ “Giêsu Nazarét, Vua dân Do Thái”.

Chúa Giêsu đến rao giảng và thiết lập vương quốc nhưng không phải là vương quốc chính trị, xã hội vì “Nước Tôi không thuộc thế gian này”, không theo những phạm trù và chuẩn mực của thế gian. Vương quốc Vua Kitô là chính Đức Kitô. Ở đâu có Đức Kitô, ở đó là vương quốc của Người. Và con đường bảo đảm nhất để trở thành công dân trong vương quốc Vua Kitô là “hãy mang trong lòng những tâm tư của Đức Kitô Giêsu” (Phil 2,5) và để những tâm tư đó hướng dẫn suy nghĩ và hành động của mình trong cuộc sống thường ngày.

Ngày 20.11.2015

Người Mỹ Tho