Câu chuyện cuối tuần số 44 – Thượng Hội Đồng Giám Mục

Thượng Hội đồng Giám Mục đi được 1 phần 3 chương trình-thuong-hoi-dong-giam-mucCó người hỏi tôi: Đức cha là thành viên dự khuyết của Thượng Hội Đồng Giám Mục 2015, nếu Đức cha có mặt tại Thượng Hội Đồng lần này, Đức cha sẽ phát biểu điều gì? Thực tế là tôi không có mặt tại Thượng Hội Đồng nhưng câu hỏi đặt ra khiến tôi phải suy nghĩ, từ đó thiết tưởng nếu có mặt và phải phát biểu trong vòng 3 phút, tôi sẽ nói vắn tắt đến ba mối quan tâm này.

Trước hết là cái nhìn tổng quát về Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris), văn bản nền tảng cho những thảo luận trong Thượng Hội Đồng. Tài liệu lần này của Thượng Hội Đồng khai triển theo phương pháp Xem-Xét-Làm. Đây là phương pháp làm việc rất tốt, được áp dụng rộng rãi trong những hội nghị của Giáo Hội, cách riêng tại châu Á. Tuy nhiên, với đề tài của Thượng Hội Đồng lần này về “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và thế giới ngày nay”, thiết nghĩ phương pháp này không thích hợp lắm. Với đề tài này, tôi đề nghị trước hết nên khởi đi từ mặc khải, trung tâm là giáo huấn Tin Mừng, để xác định đâu là ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa. Từ đó mới có nền tảng vững chắc và tiêu chuẩn khách quan để xem xét, suy nghĩ, nhận định về tình hình thực tế của các gia đình ngày nay, rồi tìm kiếm những sáng kiến mục vụ để đáp ứng. Nếu không có nền tảng này, e rằng những phân tích về gia đình chỉ là những phân tích xã hội học, không làm nổi bật được nét đặc thù của hôn nhân và gia đình, cũng không cống hiến định hướng rõ ràng và vững chắc cho các gia đình trong một thời đại có quá nhiều đổi thay và biến chuyển.

Kế đến là việc thích nghi văn hóa. Bài Tin Mừng trong Thánh Lễ khai mạc Thượng Hội Đồng được rút ra từ Sách Tin Mừng Marcô (10,2-16). Bối cảnh văn hóa và tôn giáo thời đó là “Ông Môsê cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ” (10,4). Nhưng Chúa Giêsu có lập trường rất rõ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá nên ông Môsê mới cho phép, còn thuở ban đầu thì không như thế” (10,5-6). Theo thánh Matthêu, khẳng định của Chúa Giêsu khiến các môn đệ ngỡ ngàng và kêu lên: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn” (Mt 19,10). Bài học cần thiết ở đây là: Chúa Giêsu là hiện thân của lòng thương xót, nhưng thương xót không có nghĩa là chiều theo sở thích của người đời và những thói quen của thời đại; trái lại, phải dám lội ngược dòng, đưa người ta với kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa, cũng là về với ơn gọi và sứ mệnh đích thực của gia đình. Chính ở đó, gia đình mới gặp được niềm vui và hạnh phúc đích thực, viên mãn. Bài học này cần thiết biết bao cho các gia đình Công giáo đang sống trong một thời đại bị thống trị bởi chủ nghĩa thế tục, hưởng thụ và ích kỷ. Bài học này cũng cần thiết cho Giáo Hội nói chung, để có đủ can đảm chấp nhận “chịu đóng đinh” khi trung thành với chân lý cứu độ của Thiên Chúa.

Cuối cùng là sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Thượng Hội Đồng nhóm họp lần này đã được chuẩn bị từ cả năm trước, và trong thời gian qua, nhiều vấn đề được đặt ra, cách riêng dư luận ồn ào về chuyện hôn nhân đồng tính, cho người ly dị-tái hôn được rước lễ… Cũng đã xuất hiện những tuyên bố của một vài giám mục, đề nghị hãy để cho mỗi Giáo hội địa phương quyết định. Bản thân tôi không đồng tình với đề nghị này. Một đàng, cần phải hiểu và cảm thông với các mục tử đang làm việc tại những nơi mà chuyện hôn nhân đồng tính, ly dị tái hôn… đang trở thành chuyện bình thường, hợp pháp về mặt dân sự. Trong những nơi đó, các mục tử phải chịu sức ép rất lớn. Nhưng đàng khác, nếu để cho mỗi Giáo hội địa phương tự quyết định về những vấn đề này, đương nhiên sẽ có những cách làm khác nhau, và sự khác biệt này sẽ gây hoang mang cho các tín hữu, gây chia rẽ trong đời sống Giáo Hội, chưa nói đến những hậu quả lớn lao hơn như kinh nghiệm lịch sử cho thấy từ những cuộc ly khai.

Ngày 15.10.2015

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm