Câu chuyện chiều thứ bảy: Mai này em lên xe hoa

 Em,

Vài ngày nữa, em sẽ lên xe hoa ở nơi xa và thầy không có cạnh em trong ngày trọng đại ấy. Thầy viết thư này cho em như một quà cưới và thay cho sự hiện diện của thầy.

 

Thế là em sắp đi qua một bước ngoặt dứt khoát trong đời mình. Em tiến vào một mảnh đất đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy dẫy những bất ngờ mà em sẽ khám phá và vượt qua.

 

Trước hết, thầy muốn làm rõ một câu nói khá phổ biến: “Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu”. Đúng như vậy! Tình yêu giẫy chết đúng vào ngày cưới! Nhưng tình yêu đã chết đó là thứ tình yêu nào? Nhớ lại mà xem, từ ngày em và anh ấy biết nhau, em đã làm mọi sự để trở nên người duy nhất trong trái tim anh ta. Em đã làm tất cả để được lòng anh ấy, em không lùi bước khi phải quên bản thân mình hay phải ‘hy sinh’ nếu cần thiết. Nhưng hãy nhìn vấn đề một cách sáng suốt! Tất cả những gì em từng làm chỉ có một mục đích duy nhất, dù em có ý thức hay không, đó là để biến anh ấy thành một người thuộc quyền sở hữu của em. Vì thế, từ trước đến nay, tình yêu mà em dành cho anh ấy (cũng như anh ấy dành cho em) là một tình yêu chiếm hữu: em muốn chiến hữu anh ấy, như một vật sở hữu mà em sẽ đem ‘tình yêu’ của mình mua với một giá tương xứng. Nhưng giờ đây, hai em đã trở thành vợ thành chồng, nghĩa là ‘của’ nhau rồi: người kia đã trở thành một của cải, một tài sản, một vật sở hữu của mình; vì thế tình yêu chiếm hữu không còn lý do để tồn tại: nó chết đi và biến mất. Vâng, ‘hôn nhân là mồ chôn của tình yêu’ nhưng là của loại tình yêu chiếm đoạt, ích kỷ và qui hướng về mình. Tuy nhiên, cùng với hôn nhân, bắt đầu một tình yêu khác để dẫn đến một hạnh phúc khác: tình yêu dâng hiến. Kể từ nay, em không xem anh ấy (và ngược lại) như là một ‘vật rất có ích’ mà em sẽ đắc thủ bằng mọi giá, nhưng em sẽ bắt đầu yêu anh ấy vì bản thân anh, em bắt đầu ‘tự hiến’ cho anh ấy thay vì ‘chiếm hữu’ anh ấy. Và em càng quên mình vì người mình yêu thì dần dần em càng khám phá ra những chân trời mới, tuyệt diệu và vô biên. Một cuộc khám phá mà em cần cả cuộc đời để thực hiện.

 

Nhưng để xây dựng một cuộc đời hạnh phúc, cần phải bắt đầu lại từng ngày để làm ‘vệ sinh’ tình yêu. Ta thường ngủ quên trên những gì mình đã đạt được để rồi một hôm ta phát hiện rằng những gì mình từng yêu quí từng trân trọng nhất đã trở thành nhàm chán, rẻ tiền, tầm thường… cho đến ngày cơn bão tố đầu tiên nổ ra. Ngay từ bây giờ, thầy nói trước với em những gì phải làm trong trường hợp ‘tổng vệ sinh’ (nghĩa là dọn dẹp lau chùi gia đình mình một cách mạnh tay, để xóa bỏ những tì vết mà hai người có thể đã vô tình ghi khắc vào lòng nhau).

 

Mỗi một con người là một đại dương bí mật và không một ai có thể hoàn toàn biết được người kia, đấy là chưa kể đến việc mỗi người đều biến đổi từng giây từng phút, và nếu hai em không cập nhật hóa những hiểu biết về nhau, thì một ngày nào đó em sẽ đối điện với một người khác ẩn mình dưới diện mạo của người mình từng yêu xưa kia. Trong cuộc sống gia đình, thế nào rồi cũng có những lúc mà ý kiến, phản ứng, cảm nhận của hai người không trùng khớp với nhau, thậm chí còn trái ngược nhau. Trong những lúc ấy, em hãy nhớ:

 

1. Hãy nói rõ ràng cho chồng em những gì em cảm nhận … chỉ thế thôi, và một cách dịu dàng. Ngoài sự khác biệt tâm lý giữa người nam và người nữ, em và chồng em còn có những khó khăn khác, xuất phát từ hai truyền thống gia đình khác nhau. Chồng em không phải là Thượng Đế thông biết mọi sự, vì thế anh ấy sẽ không biết điều gì xảy ra trong đầu óc và trái tim của em. Hãy nói cho anh ấy biết niềm đau mà em cảm nhận, nhưng đừng bảo anh phải làm gì cho đúng ý em. Áp đặt ý muốn của mình tự nó là một biểu hiện rằng mình thiếu tôn trọng chồng hay vợ mình; và tinh thần tôn trọng lẫn nhau chính là nền tảng cho hạnh phúc lứa đôi. Anh ấy đủ yêu thương em để tránh cho em những khổ tâm vô ích, và anh ấy sẽ tìm ra cách thức để tự điều chỉnh mình.

 

2. Nhưng dù sao đi nữa, thế nào rồi trong gia đình cũng có những giờ phút căng thẳng. Những lúc ấy, bằng mọi giá em hãy tránh nói những lời ‘phá cầu’, nghĩa là những lời mà khi tình trạng căng thẳng qua rồi, thì vết thương vẫn không chịu khép lại trong lòng trí của người chồng mình; và nhịp cầu không thể nào nối lại được như xưa. Những câu nói đại loại như: “Em đã phạm sai lầm lớn nhất đời mình là kết hôn với anh…”, “Nếu em biết trước là anh…… như thế này thì…”, “Thật ra, bản chất của anh là ích kỷ, giả hình” (hay một tính từ nặng nề nào khác). Nếu cần phải nói lên điều gì bất đồng, thì hãy giới hạn trong sự kiện, chứ đừng bao giờ buộc tội chồng mình. Ví dụ em sẽ nói: Hôm qua anh nói rằng anh đến nhà anh Hùng, nhưng khi cần hỏi anh một điều, em gọi điện thoại đến nhà anh ấy và được bảo rằng anh không có ở đó.” Nhưng đừng bao giờ hét lên với giọng đay nghiến: “Anh đã nói dối tôi, anh suốt đời chỉ là một tên đối trá!..” hay mỉa mai: “Tôi ngu lắm mà! Nói láo thế nào thì tôi cũng tin mà!” Những căng thẳng trong gia đình là điều bình thường (nghĩa là thế nào cũng xảy ra) và tạm thời, nhưng các lời nói ‘phá cầu’ sẽ là những liều thuốc độc giết chết tình yêu, và do đó cũng giết luôn hạnh phúc.

 

3. Em hãy nhớ rằng hạnh phúc biến chuyển… và tình yêu cũng thế. Và nếu em thức tỉnh, em sẽ thấy rằng những gì sôi nổi và ngây ngất nhất trong thể xác và trong tinh thần sẽ dần dần mờ đi để nhường chỗ cho một trạng thái trầm lắng, ổn định, yên tĩnh hơn, nhưng đồng thời cũng tầm thường hơn, nhạt nhẽo hơn… Đến một giai đoạn nào đó, hai vợ chồng sẽ xem nhau như ‘nước lã’. Lúc bấy giờ, em hãy nhớ: nước lã là một thứ bình thường, thậm chí rất tầm thường, không hương vị đậm đà, không màu sắc rực rỡ, không mảy may hấp dẫn, thế nhưng thiếu nó, thì không làm sao sống được. Và đó là cái hạnh phúc mà em cần phải trân trọng. Khi mọi sự đã trở bên phẳng lặng bình thường, thì hãy nhớ lại những gì hai người đã là (‘người là tất cả đối với tôi’), đã làm và vẫn đang còn làm cho nhau.

 

4. Còn một điều quan trọng. Hãy ý thức về hạnh phúc của mình và thường xuyên cảm ơn nhau trong cách đối xử hằng ngày. Hãy nói lên thành lời để diễn đạt tình yêu, hạnh phúc của mình, để nhắc lại cái may mắn được sống với anh ấy. Thầy ghi lại đây một tình huống điển hình giữa hai vợ chồng:

Vợ: Anh Phong, sao anh không nói gì với em hết vậy?

Chồng: (đang chăm chú đọc báo) Em nói gì?

Vợ: Anh chẳng nói gì với em.

Chồng: Anh đâu có chuyện gì để nói đâu!

Vợ: Anh không thương em!

Chồng: (ngỡ ngàng vì bất ngờ) Đừng nói tào lao, em thừa biết là anh thương em mà! (Rồi bỗng say sưa lý luận). Anh không bao giờ đi chơi với một người nữ nào khác ngoài em! Tiền lương của anh lúc nào cũng trao hết cho em! Anh làm việc như trâu là cho gia đình mình! Bộ em không thấy sao?

Vợ: (vẫn chưa mãn nguyện) Đúng rồi, nhưng anh không hiểu em. Em vẫn muốn nghe anh nói gì đó.

Chồng: Tại sao vậy?

Vợ: Tại vì… tại vì…

 

Dĩ nhiên, dưới một khía cạnh nào đó, người chồng có lý. Hành động của anh là bằng chứng cụ thể biểu lộ tình cảm của mình. Hành động thì hùng biện hơn lời nói. Nhưng về phía người vợ, thì chị cũng rất đúng. Làm thế nào biết rằng đường dây vẫn hoạt động nếu ta không kiểm tra? Khi một kỹ sư âm thanh nói vào máy vi âm: “một, hai, ba… alô, alô…”, ông chẳng nói điều gì có ý nghĩa. Nhưng đôi khi cũng cần phải nói lên câu vô nghĩa đó.

 

Điều xảy ra đối với người chồng trong ví dụ trên lại càng đúng hơn đối với em. Là người nữ, lại từng sống trong một gia đình truyền thống rất Việt Nam, em nghĩ rằng hành động tự nó đã nói lên rồi. Em dành những lời nói đặc biệt cho những hoàn cảnh phi thường và có thể em vô tình bỏ qua những cái nhỏ nhặt dệt đều đặn lên tấm vải hạnh phúc bình thường của gia đình mình.

 

Em à, thầy nói với em những điều ấy không phải vì thầy không tin rằng các em sẽ thành công trong hành trình của hai người, nhưng bởi vì, trước bất cứ một chuyến đi xa nào, thì cũng cần phải dự kiến một bánh xe xơ-cua và vài đồ phụ tùng, phòng trường hợp bất trắc. Giờ đây em hãy lên đường! Hãy vui hưởng chuyến du lịch trọn đời mình… mà không bao giờ lơ đễnh để quên đi điều này: trên trần gian, mọi thứ đều hao mòn, đều cũ đi, đều lão hóa, và không có gì cũ đi hay lão hóa nhanh cho bằng tình yêu và hạnh phúc, nếu ta không tân trang hay trẻ hóa chúng lại từng ngày.

 

Thầy của em,

TRẦN DUY NHIÊN