Cảm xúc miền Đất Thánh

CẢM XÚC MIỀN ĐẤT THÁNH

 

KHỞI HÀNH

Thế là cuối cùng, ước mong cả đời của tôi một lần đi hành hương Đất thánh đã được thực hiện. Công ty du lịch TransViet  Travel đã chính thức thông báo cho chúng tôi hành trình chuyến bay sẽ khởi hành vào 20h25 ngày 17/06/2015. Chúng tôi nhanh chóng hợp thành đoàn hành hương do cha Giuse Phạm Công Trường, chính xứ Bến Hải thuộc Tổng giáo phận Tp Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn. Đoàn gồm 7 linh mục, một tu sĩ, và 18 giáo dân. Phần lớn thuộc miền Trung, phần nhỏ thuộc miền Nam, tôi là con số độc đắc thuộc miền Bắc. Chuyến bay sẽ tạm dừng ở Thailand một tiếng rồi quá cảnh ở Istanbul thuộc Thổ Nhĩ Kỳ (Turque), sau đó đi Tel Aviv thủ đô của Israel.

Chuyến bay Quốc tế cất cánh khá đúng giờ, chỉ một tiếng sau, chúng tôi đã chuẩn bị hạ cánh ở Thailand. Nhìn từ trên máy bay ở độ cao dưới 3000m, người ta đã có thể phân biệt được những trục đường chính của Thailand. Vẫn những dòng ánh sáng chuyển động dọc trục lộ. Chỉ khác là ở Việt Nam thì ánh sáng dày đặc và ôtô bị đan chen giữa dòng xe máy, còn ở Thailand thì có khoảng trống vừa đủ để chỉ có dòng ôtô chuyển động. Hiện trạng này là phổ thông với cả Thailand và hầu hết các nước trên thế giới, trong khi ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu ở các lộ cao tốc và đường vành đai.

Sau 9 giờ bay, máy bay chúng tôi đã tới sân bay quá cảnh tại Istanbul thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Quả là một thú vị khi ở Việt Nam là 9h thì ở Istanbul lúc này là 5h sáng. Tôi được chứng kiến cảnh hừng đông ló dạng. Không phải là ngước nhìn lên phía mặt trời mọc, nhưng là nhìn xuống trái đất xuyên qua các làn mây từ trên máy bay. Cảm tạ Thiên Chúa đã dựng lên vũ trụ bao la xinh đẹp. Nhưng còn phải tạ ơn hơn nữa vì chỉ có con người biết thưởng thức công trình tuyệt diệu của Thiên Chúa. Qua ánh hừng đông từ phía mặt trời, tôi nhìn thấy những ngọn núi nhấp nhô vừa trùng điệp vừa kiến tạonhững cảnh sắc muôn màu. Tôi sững người, căng tròn đôi mắt nhìn ngắm những dãy núi trùng điệp muôn sắc màu, cao vượt trên những rừng cây xanh phủ khắp một khoảng không gian rộng lớn. Nhưng vừa khi định thốt lên những lờicảm thán thì cũng là lúc tôi chợt nhận ra đó là những núi mây hình thành xuyên qua ánh mặt trời hừng đông. Tôi hứng thú đảo mắt nhìn xuống khắp khung trời,  những tảng mây trắng bồng bềnh trôi. Nơi đâu không có ánh mặt trời thì mây tạo thành mảng tối tựa như màu xanh cây lá bao trùm trái đất. Một bức tranh đen trắng hài hoà trong không gian đẹp đến ngỡ ngàng! Và rồi những đốm đỏ đã xuất hiện. Đó là ánh sáng điện trên mặt đất – một biểu tượng nếp sống văn minh của con người. Tôi bắt đầu phân biệt đất liền và biển nhờ qua cảnh sắc tạo hình của thiên nhiên. Khi dưới mắt tôi  là một màu đen trắng mênh mông thì đó là biển cả, màu trắng bồng bềnh như những núi bông trùng điệp là do mây nhuốm ánh hừng đông tạo nên. Biển màu đen sậm để chỉ còn “Nước phía trên và nước phía dưới”((St 1,7)) như trình thuật Sáng thế đã mô tả. Những đốm sáng điện đỏ trên mặt đất dần xuất hiện dày đặc, tạo thành những mảng khối rộng, hình thành những thành phố và lại xuất hiện những dòng chảy của xe hơi trên các trục đường. Tôi bất giác nhớ Lời Chúa dạy ” Thầy đã đem lửa từ trời xuống và Thầy muốn biết bao cho lửa đó cháy bùng lên”(Lc 12,49). Nếu mỗi ngôi nhà dưới mặt đất kia bừng lên thành một đốm lửa của lòng nhân ái thì những thành phố hoà bình kia sẽ mãi tỏa sáng dưới bầu trời yêu thương của Lòng Chúa thương xót, hạnh phúc biết bao!

Suy tư của tôi vụt tắt ngay khi chạm  đất và phải  đối diện với cảnh kiểm tra an ninh nghiêm khắc như bất cứ sân bay nào. Đó là cảnh do chính con người tạo nên, khi có những khủng bố khiến khoa học kỹ thuật  với hàng loạt máy móc và con người phải vào cuộc kiểm tra. Hậu quả tất yếu là thế. Khi con người đánh mất  Đức tin vào Thiên Chúa, thì cũng mất luôn niềm tự tin và còn nói gì đến việc tin vào nhau.

Chuyến bay Istanbul – Tel Aviv lại tiếp tục khởi hành. Thời tiết xấu đã làm chuyến bay chậm lại một giờ, đó sẽ là một thiệt thòi cho chúng tôi trong hành trình định sẵn. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đáp xuống phi trường Ben Gurion tại Tel Aviv là đường dành riêng cho người mù đưa hành khách tới cửa nhập visa. Đó  là một phần đường được lát đá thẻ. Một cách dễ hình dung là  như phần đường quy định cho người đi bộ ở các đường phố, chỉ khác là đường cho người mù thì  đi dọc suốt lộ trình. Một dấu chỉ tình nhân ái đánh động những bước đầu tiên của khách hương khi đặt chân lên Đất thánh.

Tel Aviv là thành phố đông dân thứ hai của Israel, tọa lạc tại bờ biển Địa Trung Hải. Thành phố Trắng của Tel Aviv theo kiến trúc Bauhaus đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2003.

Sau bữa ăn trưa muộn giờ tại một tiệm ăn Trung Quốc, chúng tôi lên xe của hãng du lịch Israel do sự khớp nối giữa hai công ty du lịch Việt Nam – Israel, chấp nhận bỏ hành trình đi thăm thành cổ Caesarea để tiếp hành trình 100 km đi về phía nam, đến thăm Haifa, một đỉnh cao hơn 500m so với mặt biển, nằm phía Đông bờ biển Địa Trung Hải, hiện là thành phố cảng lớn nhất Israel. Từ đỉnh đồi Haifa, phóng tầm mắt nhìn toàn vịnh Haifa, phong cảnh ở đây tuyệt đẹp. Vịnh tạo hình vòng cung xa ngút tầm mắt. Các công trình kiến trúc như vườn hoa khoe sắc dưới không gian tráng lệ. Biển Địa Trunng Hải là nơi giao thoa ba nền văn hóa Châu Âu, Châu Phi và châu Á. Vịnh Haifa quả là nơi “Góc biển chân trời” hội tụ nhiều nền văn hóa và tôn giáo. Chính nơi đây có Tu viện Sao Biển Stella Marie và  Núi  Carmel, địa danh từ thời Cựu Ước gắn liền với tiên tri Elia.

 

NAZARETH

Tôi nhắm mắt như để cố gạt đi hiện tại, đưa tâm trí ngược thời gian về quá khứ để hình dung ngọn núi này 800 năm trước công nguyên. Một sườn đá nhỏ nhắc nhớ một trái núi hùng vĩ hoang vu nhưng hàm chứa một lịch sử cứu độ tiệm tiến từ Cựu Ước mà ngọn núi này đánh dấu là đã tiến đến thời Elia. Bên ngoài tu viện Carmel là cột tượng đài Đức Mẹ Stela. Tương truyền Đức Mẹ đã hiện ra nơi đây và truyền cho thánh Dominico mầu nhiệm rất thánh Mân côi để trừ được bè rối Catha khi đó đang hoành hành tàn phá Giáo Hội.Chúng tôi đã dâng lễ hành hương đầu tiên tại đây.

Trong bầu khí thanh tĩnh của miền Galile hài hoà môi trường sinh thái tự nhiên. Hình ảnh Nazareth thân thương hiện lên thật rõ nét với chúng tôi. Chúng tôi tiến về nơi đây khi trời vừa tối và nghỉ tại hotel mang tên Gabriel. Thật ngỡ ngàng khi đoàn lên tầng hai của khách sạn để đọc chung kinh tối và phát hiện đây chính là nguyện đường của một tu viện cổ. Chưa ai biết rõ tu viện này đã được bán lại năm nào và trong hoàn cảnh nào. Nhà nguyện còn giữ nguyên vẹn Thánh giá, Nhà tạm, Đàng Thánh Giá và những ảnh tượng được tôn kính trong nguyện đường. Chúng tôi đọc kinh mà chạnh lòng xót xa nghĩ về Đất Thánh của Chúa mà Chúa vẫn bị tẻ lạnh không biết đã từ bao lâu.

Đêm đầu tiên tại đất thánh thật an lành và hạnh phúc. Chương trình của đoàn là 6h sáng hôm sau tập trung ăn sáng và đi thăm các thánh địa vùng Galile. Giật mình thức giấc  xem đồng hồ: 5h58′, tôi vội đánh thức người anh em cùng phòng. Vệ sinh cá nhân xong tôi mới chợt nhận ra đó là giờ Việt Nam, giờ Israel đi sau 4 tiếng nên lúc này mới có 2h sáng, anh em chúng tôi lại ngoan ngoãn nằm ngủ lại!

Tạm gọi ngày đầu tiên là ngày của Cựu Ước vì lên núi Carmel với Elia, ngày thứ hai trong hành trình chính thức đi vào Tân Ước, chúng tôi hăm hở tiến vào Đền thờ Truyền tin. Đưa tâm trí hình dung về làng Nazareth bé nhỏ xưa, tôi chợt có cảm nhận một nét gì phảng phất giống Việt Nam theo khuôn lệ Cây đa – Giếng nước – Đình làng. Chúng tôi không được đến với Vương cung Thánh đường Truyền Tin ngay, nhưng được dẫn tới giới thiệu giếng nước cổ xưa của Nazareth. Vết tích còn đó nhưng nước đã cạn khô. Theo các nhà nghiên cứu thì có một mạch nước ngầm đã chảy từ sông Jordan tới đây và giếng này là nơi lấy nước cho cả  làng, và đương nhiên thiếu nữ Maria ngày ấy cũng thường xuyên tới đây kín nước.

Vẫn là xoay quanh việc giếng nước, chúng tôi đi bộ một khoảng không xa thì tới một đền thờ nhỏ của Hồi giáo có tên là Nhà thờ Sứ thần Gabriel. Nơi đây cũng được coi là giếng nước Nazareth và Thiên Thần đã truyền tin cho Đức Mẹ tại đây. Tại sao lại có tới hai địa điểm khác nhau như vậy? Thì ra Hồi giáo theo ngụy thư của Phúc Âm Giacobê đã cho rằng Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ ngay khi Đức Mẹ đang kín nước. Tôi nhớ  lại lời Đức cha giáo phận Giuse Nguyễn Năng dặn tôi trước khi đi: “Những địa danh tự nhiên như hồ Galilê, núi Tabor, sông Jordan… thì còn nguyên bản. Các địa danh, thánh tích khác, về sự kiện thì chính xác nhưng người ta giới thiệu thì “tin ít thôi” vì địa lý trải qua 2000 năm đã có biết bao xáo trộn!”.

Giờ đây chúng tôi mới thực sự đến với Vưong Cung  Thánh đường Truyền Tin, đây là một trong những nhà thờ lớn và nguy nga nhất vùng thánh địa được cung hiến vào năm 1969. Nhà thờ hai tầng với vòm mái khổng lồ hiện đại, bao trùm tầng dưới là một nhà nguyện nhỏ trông như một cái hang, bao bọc quanh là những di tích còn sót lại của nhà thờ thời Thập Tự Chinh và thời Byzantine đã được các cha dòng Phanxicô tái tạo vào thế kỷ XVIII. Rất nhiều những tranh cẩm ngọc quý, những tượng dát vàng, những tranh nghệ thuật Mosaique.  Hình ảnh Đức Mẹ được nhiều họa sĩ các nước diễn tả độc đáo, trong đó có cả Đức Mẹ Nữ Vương Việt Nam do họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân khắc họa năm 1989.

Tôi quỳ xuống trước cửa  Vưong Cung Thánh Đường, vừa  hôn kính Đất Thánh, vừa là hôn kính giây phút mầu nhiệm Truyền Tin Chúa Nhập Thể là giây phút đã mở đầu cho kỷ nguyên cứu độ đời đời trong Đức Giêsu Kitô.

Bước vào trong Vương Cung Thánh Đường, tôi tìm đến điểm trung tâm là bàn thờ được đặt đối diện với hàng chắn bằng hoa văn sắt, bên trong là tàn tích của những phiến đá nhỏ mang cấu trúc của một nền nhà cổ xưa, đây là chính nhà Đức Mẹ và Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel đã truyền tin cho Đức Mẹ tại nơi đây. Bất giác tôi lại nhớ tới lời Đức cha căn dặn và quỳ gối nhắm mắt cố làm biến mất cả Vương Cung Thánh Đường đi để chỉ hình dung lại một ngôi nhà bé nhỏ cổ xưa của Đức Mẹ. Điều chắc chắn nhất là chính trên mảnh đất này, biến cố Truyền Tin đã xảy ra. Muôn ngàn đời phải khắc ghi giây phút huyền diệu “Chốc ấy Ngôi thứ Hai xuống thế làm người” và lời Đức Mẹ: “Này tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời, tôi xin vâng như lời Sứ thần truyền”(Lc 1,38).

Ngang qua nhà Đức Mẹ, đoàn còn đến với nhà thánh Giuse để gắn liền công phúc của một vị thánh trên các vị thánh đã đồng công trong chương trình cứu độ của Chúa. Đoạn đường từ Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin đi biển hồ Galile dài khoảng 30 km về phía tây bắc. Bảng chỉ đường ở đây cũng chính là những địa danh Thánh Kinh quen thuộc, xe qua Tiberia đưa đoàn tới biển hồ Galilea.

 

BIỂN HỒ GALILE

Gọi là biển hồ vì hồ được tạo nên giữa trùng điệp núi đồi bao quanh. Thung lũng xinh đẹp này sâu dưới mặt biển  210m, trải dài 21km, mở rộng 12km, nơi rộng tối đa là 13m, hồ có chiều sâu tối đa là 43m, mặt hồ thấp hơn mực nước biển là 209m tạo thành hồ cực lớn và xứng đáng với tên gọi là biển hồ. Đây là hồ nước ngọt thấp nhất trên trái đất và là hồ thấp thứ hai trên trái đất sau biển Chết. Trước khi con thuyền du lịch đưa đoàn đi vòng một góc biển hồ, cha trưởng đoàn đọc đoạn Tin Mừng Mc 1, 16 – 18 tả lại việc Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên trên biển hồ này. Đoàn thinh lặng lắng nghe suy niệm những đoạn Thánh Kinh liên quan tới Chúa Giêsu đã hiện diện trên biển hồ này. Những sự kiện quan trọng: Chúa đi trên mặt biển đến với các tông đồ giữa canh tư đêm tối, Chúa cho Phêrô và các tông đồ mẻ lưới lạ đầy hai thuyền cá, Chúa Giêsu đứng trên bờ biển nướng sẵn cá và bánh chờ các tông đồ… Tất cả hiện lên không chỉ là tưởng nhớ mà sống động như Chúa Giêsu đang ở ngay chỗ này hay chỗ kia. Càng đi mới càng thấy biển hồ rộng lớn nhưng nhất là thấy dấu ấn của Chúa thấm đẫm trên vùng đất thánh.

Chung quanh biển hồ cũng gắn liền những  địa danh thánh. Chúng tôi đã cùng nhau lên đồi Bát Phúc để cầu nguyện. Quả đồi thoai thoải tuyệt đẹp, có các soeur dòng Carmel phục vụ trong ngôi đền thờ  hình bát giác tượng trưng tám mối phúc thật.  Không gian thoáng đãng, khí hậu ôn đới khô hanh dễ chịu, những hàng cây xanh phân bố đều trên các thảm cỏxanh. Thảm cỏ này cùng với những khóm hoa luôn được  các soeur cắt tỉa và chăm sóc đẹp rực rỡ. Khung cảnh “thành phố”   này cùng với các công trình kiến trúc đã làm mất đi tính hoang sơ của núi đồi tự nhiên, nhưng độ cao thoai thoải lý tưởng thì vẫn còn được bảo tồn. Quả là một lựa chọn xứng đáng để nhắc nhớ ngọn núi Chúa đã chọn để công bố Hiến chương Nước Trời.

Trên đường trở về, đoàn ghé thăm thành của Chúa là Caphanaum, một ngôi làng đánh cá vào thời Chúa Giêsu, nằm ​​trên bờ biển phía bắc của biển hồ Galilê. Khi khai quật, khoa khảo cổ học đã phát hiện hai Hội đường Do Thái cổ đại, hiện một Hội đường vẫn còn giữ được toàn bộ nền móng, các cột và tường nhà Hội đường. Cũng tại ngôi làng này còn có nhà thánh Phêrô, và một Đền bát giác được xây dựng hiện đại bao trùm lên vị trí nền đá cổ xưa được coi là nhà của thánh Phêrô.

 

TIỆC CƯỚI CANA

Buổi chiều xe chúng tôi đi thẳng tới nhà thờ Cana, nơi Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên hoá bánh ra nhiều. Dĩ nhiên ngày xưa nơi đây là một ngôi nhà tư, còn bây giờ chúng tôi có thể dâng lễ, và đây là cơ hội để các anh chị trong đoàn sống lại bí tích hôn phối của mình. Đặc biệt là gia đình ông bà Gioan B. Cao Xuân Khiêm và Têresa Lê Thị Dung kỷ niệm 38 năm thành hôn, anh chị Phaolo Cao Hoài Bảo và  Mảia Phạm Thị Ngọc kỷ niệm 15 năm thành hôn, gia đình này đi với cả 3 cháu theo đúng nghĩa cả gia đình hành hương. Đây là hai đôi tân hôn diễm phúc đại diện cho tám gia đình trong đoàn là những gia đình chỉ đi có một người. Hai gia đình này sẽ lặp lại lời hôn ước trong thánh lễ tại chính nơi Chúa đã dự đám cưới và làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon, thật là ý nghĩa và ơn phúc biết bao! Xin cho đoàn chúng con và các gia đình trên thế giới luôn được Chúa Giêsu và Đức Mẹ hiện diện trong gia đình và thánh hoá đời sống vật chất tẻ nhạt như nước lã trong gia đình thành men nồng rượu mới đậm đà hương vị say ngất của Nước Trời.

 

DỌC DÀI ĐẤT NƯỚC ISRAEL

Chưong trình kế tiếp bằng con đường trực chỉ Tabor, để nhớ lại năm xưa, trước khi lên Giêrusalem chịu khổ hình, Chúa Giêsu đã tỏ dung nhan của Chúa cho ba tông đồ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đoạn đường từ Bắc xuống Nam trải dài theo độ dốc. Từ điểm cực bắc cao nhất là Hermon cao 2.248m tới điểm phía nam thấp nhất là Biển Chết thấp dưới mặt biển 420m. Suốt dọc đường là đồi đá trùng điệp gọi là hoang địa hay sa mạc đều đúng. Điều đặc biệt đáng nói là trí thông minh của người Do Thái. Từ núi đồi sỏi đá khô cằn như vậy, người Do Thái nghiên cứu chăm bón cây trồng tạo nên những cánh đồng tươi tốt phì nhiêu. Từ cây oliu, đặc thù của Israel, trải dài khắp đất nước, đến cây ăn trái sai hoa trĩu quả ngọt ngào. Biến Do thái trở thành một nước nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Nhiều nước về đây học hỏi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp. Một trong những người Việt Nam học hỏi và trở về thành đạt là ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Ông đã thành công tại Hoàng Anh Gia Lai, tại Lào về nông nghiệp. Ngoài ra gần đây, qua học viện Hoàng Anh gia Lai – Arsenal JMC, ông cũng đang góp phần phát triển tiềm năng cho nền bóng đá trẻ Việt Nam tại đấu trường khu vực.

Sở dĩ người Do Thái thành công như vậy là vì họ chủ động điều tiết thiên nhiên. Từ biển hồ Galile, nhà nước lấy nước lên và quản lý nguồn nước cung cấp cho các hồ nước nhân tạo tại các sườn đồi. Từ đó tỏa đến từng gốc cây trồng. Người ta tính kỹ đến mức mỗi ngày bơm nước mấy lần, mỗi lần bao nhiêu giọt, và mỗi giọt được hòa tan với bao nhiêu khoáng chất cho mỗi loại cây. Những điền chủ Do Thái quản lý những bình nguyên rộng lớn, tạo khung lưới che nắng che sương cho các loại cây ăn quả xanh tươi màu mỡ còn hơn các thửa ruộng đồng bằng ở Việt Nam. Bằng chứng là Israel trồng ngô với sản lượng 18 tấn/ha, trong khi Việt Nam chỉ đạt 7tấn/ha.

Đi dọc đất nước Israel, chúng tôi có cảm giác đất nước này hội tụ được những yếu tố đặc thù của một số nước trên thế giới: Đường nhựa đẹp bóng, thảm cỏ khắp nơi được cắt ngắn, phẳng đều, sạch sẽ như ở Mỹ. Đất nước Israel không có cầu vượt và giữ được mặt phẳng không gian như ở Pháp, chỉ ngoại trừ một vài cầu nối hai ngọn đồi hoặc tạo đường ngầm phía dưới. Những nông trại xanh tươi giống như những cánh đồng trù mật vùng ngoại ô nước Ý. Và thật thú vị, hoa trên đất nước Israel đẹp như hoa Đà Lạt – Việt Nam.

 

CÂY SUNG GIAKÊU

Khi xe đi qua thành cổ Giêricô để tiến lên giêrusalem thuộc miền Giudea. Hình ảnh dụ ngôn người Samaritano nhân hậu hiện lên trước mắt chúng tôi. Thật dễ hiểu tình cảnh bị đánh  dở sống dở chết của nạn nhân trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, vì con đường đồi núi hiểm trở kéo dài suốt lộ trình này. Đoàn chúng tôi dừng bước trước cây sung được mang tên là cây sung Giakêu. Chính cây mà Giakêu trèo lên để được nhìn Chúa Giêsu rõ hơn thì cây đó đã chết. Người ta trồng cây khác trên chính vị trí cây đó, và tuổi cây hậu duệ này cũng đã được 500 tuổi. Thân cây lớn có toang hốc và cành lá sum xuê. Khách hành hương dừng dưới gốc cây không phải để ngắm nhìn cành hoa lá quả, mà để suy ngẫm nhiều bài học khi Chúa gọi Giakêu. Bài học của yêu thương không kỳ thị. Bài học của đức  công bằng vì Giakeu hứa đền trả gấp bốn những gì ông làm thiệt hại người khác. Bài học về đức bác ái đích thực vì Giakêu hứa bố thí nửa phần gia tài cho người nghèo khó. Và nhất là bài học được nghe vẳng lại Lời Chúa Giêsu tuyên bố với Giakêu: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”( Lc 19,9).

 

VÙNG HOANG ĐỊA

Hoang địa, nơi Chúa Giêsu nhịn chay 40 đêm ngày trải dài suốt lộ trình, không ai có thể khẳng định  Chúa vào vùng nào, nhưng núi cao mà quỷ đem Chúa lên để cám dỗthì đã đến đây rồi. Ngang sườn đồi, ở độ cao vừa phải. Chúng tôi ngước nhìn núi cám dỗ, Ngày nay khách hành hương phải lên bằng cáp treo. Đoàn chia thành hai ý kiến: một vài ý muốn lên núi Chúa chịu cám dỗ qua đường cáp treo, đa số còn lại muốn mua đồ lưu niệm tại cửa hàng chân núi cám dỗ. Cuối cùng ai cũng bị cám dỗ sà vào cửa hàng mua đồ lưu niệm. Thật đúng là núi cám dỗ! Và cũng tại nơi đây, tôi học thêm được câu ví von của các hướng dẫn viên du lịch: “Không ăn cắp, không phải người Mễ. Không đi trễ, không phải Việt Nam”!

Vùng Qumran nơi có di tích khảo cổ động Qumran là một vùng trải rộng suốt dọc đường chúng tôi đi. Người ta đã có cả một bảo tàng hiện đại để trân trọng giữ gìn những bản Kinh Thánh Cựu Ước viết trên các tấm da thuộc được tìm thấy tại vùng Qumran. Có vào thăm mới biết công sức lớn lao của các nhà bác học cũng như các nhà khảo cổ học, và càng vững tin hơn vào công trình giữ gìn nguyên bản và dịch thuật Kinh Thánh của Giáo hội suốt dòng thời gian lịch sử.

 

NÚI TABOR

Đỉnh Tabor đã hiện ra trước mắt chúng tôi, con đường lên núi đã được nhiều tài liệu đề cập tới, nếu không nhờ tay lái chuyên gia thì tai nạn xảy ra chỉ trong nửa nháy mắt. Tại Việt Nam, du khách đi thăm Sapa, dù Sapa là vùng cao nguyên cao hơn mặt biển 1500m nhưng do địa hình trải dài nên du khách đi xe vẫn thoải mái ngồi yên, còn ở Tabor bất cứ ai cũng phải đeo dây bảo hiểm. Đường khuỷ áo liên tục và dốc đứng. Lên tới đỉnh núi là một khoảng không gian bằng phẳng. Một hàng cây oliu chưa vượt quá tuổi thế kỷ được cắt xén gọn gàng thành một hành lang cây xanh duy nhất che nắng cho khách hành hương. Mỗi khi đọc Tin Mừng về núi Tabor, chúng tôi chỉ ngước nhìn trong suy niệm. Giờ đây, không chỉ ngước nhìn mà chúng tôi còn được bước đi trên núi Tabor, được dâng lễ tại nhà thờ đỉnh núi Tabor, ai cũng cảm nghiệm sự hạnh phúc và niềm vui ngây ngất đồng thời cũng hiểu ra tại sao Phêrô lại ngây ngất trên núi như vậy.

Đoạn đường xuống núi không chỉ nhẹ nhàng vì xuống dốc, nhưng là lòng thanh thoát nhẹ nhàng và nhất là Chúa thêm sức mạnh để lên Giêrusalem cảm nghiệm sự đau khổ, sự chết của Chúa  cách mạnh dạn và trải nghiệm thành chứng nhân trong chính cuộc đời mình.

 

GIÊRUSALEM

Bài hát “Tôi mừng vui mỗi khi nghe nhủ rằng nào ta tiến lên Đền thờ Thiên Chúa. Đây Gia-liêm ta dừng chân ngắm cửa tiền đường, ôi thành thánh vinh quang” đã đưa chúng tôi tới vị trí đối diện Đền thờ Giêrusalem, từ đây có thể nhìn ngắm toàn cảnh thành thánh Giêrusalem. Nhìn thấy thửa ruộng gọi là Haseldama nghĩa là ruộng máu, thửa ruộng tậu được do tiền bán Chúa của Giuda. Cho đến bây giờ thửa ruộng vẫn chỉ có cỏ dại hoang vu, không ai dám động tới thửa ruộng này. Nhìn ngắm Đền thờ từ khung cảnh này, ai cũng nhớ lời Chúa Giêsu dạy các Tông đồ khi Chúa ngồi đối diện với Đền thờ: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào “( Lc 21,6).

 

Chính nơi đây đã hình thành một Đền thờ với nhiều hành lang và góc cạnh đủ gắn kinh Lạy Cha trên 147 bảng đá, mỗi bảng một thứ tiếng khác nhau, trong đó có bảng bằng tiếng Việt Nam được gắn từ thời Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi.Ý nghĩa lớn nhất là tảng đá ghi sự kiện Chúa Giêsu ngồi dạy các Tông đồ đọc kinh Lạy Cha. Tảng đá lớn trở nên nhẵn bóng vì lòng tôn kính của tín hữu toàn thế giới hàng ngày về đây hôn kính.

CUỘC THĂM VIẾNG LỊCH SỬ

Nếu ở Galilêa có Vương cung Thánh đường Truyền Tin, thì ở Giudêa có Đền thờ Đức Mẹ Thăm Viếng bà thánh Elisabeth. Sự liên đới  của Đức Mẹ giữa hai miền Nam Bắc là những sự kiện quan trọng khởi đầu cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Trong thánh lễ đồng  tế tại Đền thờ thăm viếng này, Cha Phêrô Nguyễn Văn Phước được ơn Chúa  soi sáng đã gọi cuộc viếng thăm của Đức  Mẹ là cuộc cung nghinh Thánh Thể đầu tiên từ Nazareth tới  miền Giudêa và theo ngài nhận định thì phải mất cả tháng cho cuộc cung nghinh này. Ở một góc sân đền thờ, một pho tượng đôi được dựng lên mà chỉ có ở đây mới có. Đó là cặp đôi đều mang thai đang tư thế chào nhau. Chưa cần nhìn mặt, chỉ cần nhìn vóc dáng một người mang thai 6 tháng với một người mới mang thai đã đủ nhận ra ai là Đức Mẹ, ai là bà Elisabeth.

 

CÁNH ĐỒNG BETHLEHEM

Sau chín tháng với hai lần đi từ Bắc xuống Nam hành trình hàng trăm cây số vất vả, “Đức Maria đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa”(Lc 2,6). Lời loan báo Tin Mừng đầu tiên đã diễn ra nơi cánh đồng Betlehem còn gọi là Cánh Đồng Chiên. Nơi đây Thiên Thần đã báo tin cho các mục đồng chăn chiên: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa”( Lc 2,10-13).  Khi nghe nói cánh đồng chiên, chúng tôi hình dung một khoảng không gian rộng lớn, nhưng thực ra cánh đồng chỉ còn một khoảng nhỏ đang được khoa khảo cổ khai quật, phần rộng rãi còn lại là sườn đồi trải rộng, điểm cao là đền thờ các mục đồng. Một cách bài trí rất đặc thù là dưới bàn thờ có bốn mục đồng quỳ gối, hai tay giơ theo tư thế thờ lạy. Giảng đài phủ một bức tranh vẽ hình thiên thần đang báo tin cho mục đồng. Khung cảnh đơn sơ nhưng toát lên một sự kiện linh thiêng và gắn liền với lịch sử cứu độ.

Khi các mục đồng tới nơi, “Họ thấy một Hài Nhi mới sinh, bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ”( Lc 2,7). Ngày nay hang đá ấy đã được bao trùm bằng một Vương Cung Thánh Đường Giáng Sinh. Nhà thờ đầu tiên do Hoàng Đế Constantine và mẹ của Hoàng đế là nữ hoàng Hêlêna xây dựng vào thế kỷ thứ IV, được bổ sung tinh vi hơn vào thế kỷ VI do hoàng đế Justinnian. Khi người Ba Tư xâm lăng vào thế kỷ VII, họ phá hủy tất cả các nhà thờ Thiên Chúa giáo, nhưng nhà thờ Giáng Sinh vẫn được giữ nguyên, kể cả qua sự cướp phá sau Thập Tự Chinh, nhà thờ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn như khẳng định một ơn lạ. Đoàn hành hương chúng tôi được hướng dẫn đi theo bậc đá dẫn sâu xuống phía sau Bàn thờ, xuống tới một hốc đá lõm vào và có một điểm đánh dấu bằng một ngôi sao gồm 14 cánh bạc được khắc họa bằng những chữ La tinh, tạm dịch:”Tại đây Chúa Giêsu Kitô, con của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria đã chào đời”. Lần lượt từng người sấp mình xuống gầm bàn thờ, hôn kính điểm trung tâm của ngôi sao đánh dấu máng cỏ năm xưa. Đó cũng là trung tâm của lịch sử chia thời gian thành trước công nguyên và sau công nguyên. Là trung tâm của lịch sử ơn cứu độ và giờ đây, trước mắt chúng tôi là trung tâm của Lòng Chúa Thương Xót. Chúng tôi bắt đầu cảm nhận từ giờ phút này, trên mỗi một thánh địa, Chúa Giêsu lớn lên trong cuộc hành hương của chúng tôi, như chính Người vẫn tái Nhập Thể và lớn lên mỗi ngày trong đời sống của  mỗi người.

 

BỨC TƯỜNG THAN KHÓC

Thánh Kinh thuật lại năm  lên mười hai tuổi, Chúa Giêsu đã lên Giêrusalem cùng cha mẹ và ở lại trong đền thờ để “Lo việc của Thiên Chúa Cha”(x.  Lc 2,49). Đền thờ này đã bị tàn phá vào năm 70, đúng như lời Chúa Giêsu đã báo trước. Hiện chỉ còn một bức tường than khóc. Ai đến đây thăm cũng đều phải qua cửa an ninh và nhận miễn phí một mũ Do Thái màu trắng. Liên tục những nhóm người Do Thái về đây đọc kinh cầu nguyện. Tư thế gật đầu theo nhịp càng tạo cơ sở cho người ta gọi đây là bức tường than khóc.Gọi là bức tường, nhưng độ cao bằng tường nhà hai tầng và còn được cơi nới bằng tường nhà ba tầng tại Việt Nam. Bức tường không chỉ là dấu vết lịch sử 2000 năm tồn tại, mà còn cho thế giới về đây biết về sinh hoạt tôn giáo của người Do Thái.

Chúng tôi ra về mà lòng cứ chạnh thương những người Do Thái giáo, không biết họ còn sống mùa vọng tới bao giờ và một câu hỏi của tín đồ trẻ Do Thái đặt ra cho vị Thượng Tế bỗng vang âm trong tôi. Chàng trẻ Do Thái ấy đã hỏi rằng: Liệu khi đấng Cứu Thế tới có bằng được ông Giêsu không?

 

SÔNG JORDAN

Thời kỳ ẩn dật của Chúa Giêsu kéo dài tới ba mươi năm. Sau cuộc nhịn chay bốn mươi đêm ngày trong hoang địa và cuộc chiến thắng Satancám dỗ, Chúa Giêsu tới dòng sông Jordan chịu phép Rửa của Gioan Tẩy giả. Dòng sông Jordan bắt  nguồn từ cực Bắc Israel xuyên qua biển hồ Galilê rồi  nối liền biển hồ Galilê với Biển Chết và trở thành nguồn nước chính cung cấp nước cho Biển Chết. Nơi chúng tôi được tới hành hương thuộc về chủ quyền của Israel, xuôi dòng khoảng vài chục mét nữa là đập ngăn biên giới giữa Israel với Jordani, dòng sông bên Israel được xử lý rất trong khi chảy về Jordani thì trở lại đục nguyên thủy. Theo các nhà khảo cổ thì đoạn sông Chúa Giêsu xuống chịu phép Rửa bởi Gioan thuộc về bên Jordani, tuy nhiên cùng một dòng sông nên khách hành hương  Đất Thánh xuống trầm mình bên Israel.  Người không trầm mình thì cũng lội xuống và rửa mặt. Ngạc nhiên cho đoàn chúng tôi là người lội xuống sâu nhất lại là cha già Giuse Phạm Văn Chỉnh 72 tuổi, vừa từ Cần Thơ nhập về giáo phận Bùi Chu. Trong dông nước trong và mát lạnh, mỗi người đều cảm xúc vì như được động chạm tới Chúa Giêsu dưới  dòng nước đã được Chúa thánh hoá.

 

BIỂN CHẾT

Xuôi dòng Jordan ta đến với Biển Chết, biển duy nhất trên hành tinh không có một sinh vật nào sống nổi, vì nồng độ muối mặn tính trung bình là gấp 35 lần biển thường. Biển chết dài 76km, chỗ rộng nhất là 18km, độ sâu trung bình là 120m. Bề mặt biển Chết nằm dưới mặt nước biển tới 420m. Du khách về đây mà không tắm biển chết thì kể như mất nửa hành trình.Bạn hãy nhẹ nhàng xuống biển, chú ý đừng để nước tung toé lên mặt. Mắt bạn cần được giữ gìn đừng để dù chỉ một giọt bắn vào mắt. Nồng độ biển mặn tới mức người bạn không thể chìm nổi. Bạn khẽ thả người xuống biển, biển nâng bạn bồng bềnh như nằm trên nệm giường, bạn có thể khoanh hai tay dưới gáy như người gối đầu, chân duỗi dài trên mặt nước, mắt ngắm bầu trời cao, thậm chí bạn có thể cao hứng nằm dưới biển đọc báo! Một bà mẹ trẻ cho con xuống tắm và để đứa trẻ đáng yêu ngồi giữa hai bàn chân của mẹ, cả hai mẹ con bồng bềnh trôi, quả là thú vị. Chỉ duy ở Biển Chết bạn mới thấy trạng thái tắm biển như vậy. Bạn còn quan sát thấy ai cũng lấy bùn sát lên mặt, lên người. Bạn lý giải là họ tránh ánh nắng của mặt trời, đó chỉ là một phần đúng. Bùn ở đây chứa đầy khoáng chất. Người trát bùn xong sau giờ tắm biển và xả nước ngọt xong sẽ thấy da trở nên mịn màng như một em bé. Nếu được chăm sóc kỹ hơn thì nước biển ở đây còn chữa bạn lành các bệnh ngoài da. Cũng do nước và bùn có nhiều khoáng chất như vậy nên nền khoa học tân tiến không ngừng khai thác và chế biến sản phẩm, đặc biệt trong lãnh vực nông nghiệp. Bạn cũng nên chú ý một chi tiết nhỏ, đó là phải đi dép tới tận mép nước biển, vì dưới thời tiết nắng nóng, nước và cát mặn ở đây đều trở thành muối rang. Bạn sẽ phỏng chân và ít khả năng nên được tới bờ nếu đi bằng chân không!

 

HANG THÁNH GIÊRONIMO

Miền Đất Thánh thấm đẫm dấu chân Chúa đã đi qua, những thánh tích, những thánh địa, những sự kiện lịch sử cứu độ … Cần phải như thánh Giêronimo rời hẳn đến ở Belem không chỉ để cảm nghiệm, nhưng để sống, để đồng hoá và được Chúa thánh hoá mới phần nào hiểu được dòng kết luận của Tin Mừng Gioan:”Nếu ghi lại tất cả mọi sự, sợ thế giới này không đủ chứa sách viết ra”(Ga 21,25). Thánh Tiến sĩ Giêronimo đã là một chứng nhân cho điều này.

Chúng tôi có cảm tưởng đi xuống hang động hơn gọi là thăm nơi ở của thánh Giêronimo. Sự khó nghèo và lòng yêu mến hoà quyện được toát lên trong khung cảnh linh thiêng này.

 

HỒ BETHESTHA

Suốt ba năm giảng dạy, Chúa Giêsu “Chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Chúa dành ưu tiên cho việc Loan báo Tin Mừng cứu độ. Tuy nhiên, vì lòng thương xót của Chúa, Chúa từng bị dân chúng bao vây để xin ơn chữa lành. Có nhiều lần Chúa tự ý dừng lại để tỏ lòng thương xót. Một trong những điểm dừng ấy là hồ Bethestha, còn gọi là hồ chiên. Nơi đây Chúa đã chữa lành một người bại liệt đã 38 năm. Không ai giúp đỡ anh khi Thần Khí đánh động nước. Chỉ có một người đã giúp đỡ anh, đó là chính Chúa Giêsu. Ngài giúp đỡ tận căn, nghĩa là chữa anh khỏi bệnh và bảo anh vác chõng mà về. Năm hành lang vẫn còn đây, chia thành từng tầng theo hình xoáy trôn ốc. Đáy hồ hiện vẫn còn nước. Mạch nước mát lạnh ở vùng trũng nhất. Người ta còn giữ được nhờ những bậc thang sâu xuống lòng đất.

 

NGÔI MỘ LAZARO

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania ở ngoại ô Giêrusalem, phía Đông của Vườn  Cây Dầu. Gia đình Martha và Maria đang đau đớn vì người em là Lazaro vừa chết. Chính tại ngôi mộ mà hôm nay chúng tôi đến viếng thăm, là nơi Chúa Giêsu đã đứng trước cửa mộ và truyền lớn tiếng: “Lazaro hãy ra đây”( Ga 14,6). Và một phép lạ kép đã diễn ra, Lazaro sống lại ra khỏi mộ, chân tay vẫn còn trói nguyên bởi những khăn liệm xác. Ngôi mộ còn đây, với những bậc thang khoét sâu vào lòng đất thông qua phòng chôn cất và dẫn vào cửa mộ. Khách hành hương không chỉ đứng ngoài nhìn nhưng là vào trong, đúng hơn là chui vào trong. Họ chứng kiến một ngôi mộ cổ, lạnh lẽo của lòng đất sâu, im lặng của vĩnh cửu, đêm đen của đời đời. Bạn muốn ở lại đây không?Một sự kiện, một địa danh thánh nhưng nhất là một sự thật ghi dấu ấn của Đấng đã tuyên bố :”Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”().

 

CĂN NHÀ TIỆC LY

Căn nhà Tiệc ly là khởi đầu cho chặng đường  thương khó của Chúa Giêsu. Nơi đây những cử chỉ yêu thương Chúa rửa chân cho các môn đệ, Chúa lập Bí tích Thánh Thể và truyền chức thánh, những lời tâm huyết căn dặn tông đồ lần cuối, những lời nguyện hiến tế lên Chúa Cha, những lời tiên tri, những  lệnh truyền yêu thương… Tất cả như một luồng sáng từ quá khứ tràn ngập vào tâm trí chúng tôi. Chúng tôi đang ở giữa căn nhà lịch sử cứu độ này, dù thời gian đã qua và không gian có thể có phần biến đổi, nhưng biến cố lớn lao của lịch sử cứu độ là một sự thật đang hiển hiện trước mắt chúng tôi.

 

VƯỜN CÂY DẦU

Từ căn nhà Tiệc ly, nơi “Tâm hồn thầy xao xuyến” (Ga 12,27) Chúa Giêsu đi vào vườn Giêtsimani, còn gọi là Vườn Cây Dầu. Khoảng không gian ngày nay chắc chắn đã bị thu hẹp lại, các cây oliu được trồng lại qua nhiều thế hệ, nhưng còn một   gốc cây ngàn năm có thể đồng thời với Chúa Giêsu. Ai cũng cảm động khi bước tới vườn Cây Dầu. Tôi chỉ ước ao ngắt được một cành lá oliu về ép plastic gửi tặng mọi người nhưng không thể được, một hàng rào chắn vây quanh không để những ai ích kỷ như tôi thực hiện được ý định.

Vào trong nhà thờ Giêtsimali, còn gọi là Nhà thờ Các Dân Tộc. Tảng đá lớn nơi Chúa quỳ cầu nguyện hấp hối được định vị giữa gian Cung Thánh. Đoàn hành hương vốn truyền thống Việt Nam giàu tình cảm, chẳng ai bảo ai đều quỳ sát đất hôn tảng đá nhắc nhớ sự kiện lịch sử Chúa đã cầu nguyện hấp hối nơi đây.Trước khi rời vườn Giêtsimali, đoàn quy tụ dưới bóng cây oliu có ghi dòng chữ kỷ niệm Đức Thánh Cha  Phaolo VI viếng thăm ngày 6/1/1964.

 

DINH CAIPHA

Đêm lịch sử ấy đã diễn ra biết bao sự kiện quan trọng. Dinh Caipha đánh dấu một Hội Đồng Cộng Toạ Do Thái đã nhóm họp khẩn cấp vào ban đêm và đưa ra một phán quyết bất hợp pháp khép tội chết cho Chúa Giêsu. Một nhà thờ được xây dựng mang tên Nhà thờ thánh Phêrô hay còn gọi là Nhà thờ Con gà vì nhắc nhớ sự kiện thánh Phêrô đã hiện thực Lời Chúa báo trước: “Thầy bảo thật anh : hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần.” (Mc 14,30).

Địa danh chồng chất địa danh, sự kiện nối tiếp sự kiện. Nơi đây còn một hố lớn tương tự như giếng cạn, tương truyền Chúa Giêsu bị trói và thả xuống nơi tù giam này. Sự kiện này không có trong các Tin Mừng nhưng vẫn được các khách hành hương tôn kính.

Câu nói của Caipha: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”(Ga 11,50), thể hiện một tinh thần bạc nhược của kẻ mất nước, sợ người Rôma nghi ngờ và hủy diệt Do Thái.  Nhưng Thiên Chúa biến sự dữ ra sự lành, theo thánh sử Gioan thì lời của Caipha đã trở thành lời tiên tri báo trước Chúa Giêsu chết cho toàn thể nhân loại.Vì là đất nước bị trị nên dù là vua, Hêrodê cũng chỉ là bù nhìn, ông không có quyền kết án tử hình. Đó là lý do khiến người Do Thái phải lụy phục quan toàn quyền Phongxiô Philatô. Từ nhà Caipha tới dinh Philatô không xa, đoàn đi bộ khoảng một vài trăm mét. Đó cũng chính là khởi đầu chặng đường Thánh Giá – Nơi thứ nhất quan Philatô luận án Đức Chúa Giêsu.

 

CHẶNG ĐƯỜNG THÁNH GIÁ

Chặng đường Thánh Giá còn gọi là  Via Dolosa  nằm ở phía Tây Bắc thành cổ Giêrusalem. Giêrusalem là trung tâm của thánh địa hiểu cả về địa lý và tinh thần. Thành cổ chia thành bốn khu vực:

-Khu vực của Armenia bao gồm giáo hội Armenia

-Khu vực Kito giáo gồm Công giáo Roma và Chính Thống Giáo Hy Lạp

-Khu vực Do Thái giáo

– Khu vực Hồi Giáo

Đường Thánh Giá  này nằm trong khu Kitô giáo, dẫn đến  Đại Thánh đường Mộ Thánh. Từ nơi thứ Mười đến nơi thứ Mười Bốn nằm gọn trong Thánh Đường.  Chín  nơi còn lại khởi đi từ dình Philatô qua một nguyện đường do các cha dòng Phanxicô xây dựng trong khu quản lý của các ngài,  rồi theo Vỉa Dolosa đến cổng thành Giêrusalem. Như vậy bốn chặng đàng Thánh Giá cuối cùng ở ngoài thành cổ Giêrusalem. Điều này nhắc ta nhớ đến dụ ngôn những người tá điền hung ác, vì tham danh lợi đã lôi  người  con thừa tự của ông chủ  ra khỏi vườn nho và giết chết cậu. (x. Mt 21,33-39)

Suốt chặng đường Thánh Giá từ nơi thứ Ba tới nơi thứ Chín, hai bên đường đầy những shoping, người ta vẫn nhiễm căn bệnh từ thời Chúa Giêsu đã cảnh báo:”Đừng biến Nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”(Ga 2,16).

Chúng tôi thuê một cây Thánh giá hết 50$ để đoàn hành hương được cảm nghiệm chặng đường Chúa đã vác Thánh Giá năm xưa. Ai cũng cảm xúc được vác Thánh Giá trên chặng đường mà chính Chúa Giêsu đã đi qua. Những người Công giáo dọc  đường gặp đoàn vác Thánh Giá đi tới, có người làm dấu Thánh Giá, có người đứng nghiêm hiệp thông, nhưng cũng không thiếu những người thấy lạ thì chụp ảnh. Phần đông dửng dưng vô cảm đúng như từ ngữ Đức Thánh Cha Phanxico đã  nhận định về thế giới hiện đại.

Sự xúc động chỉ thực sự đến với chúng tôi khi qua cổng thành tiến về Đại thánh đường Mộ Thánh. “ Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người. Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng : “Người này là Giê-su, vua dân Do-thái.”(Mt 27,33-37). Tất cả sự kiện trên đều diễn ra ở Núi Sọ, ngày nay được bao trùm trong Đại Thánh Đường Mộ Thánh. Từng dòng  người xếp hàng  đi xuống những bậc thang sâu và xúc động chạm vào khối đá mà truyền thống cho đây là chính khối đá đã dựng Thánh giá lên, trên đó Chúa Giêsu đã sinh thì trên Thánh giá (Mc 15,37; Lc 23,46). Khối đá này dành tôn kính nơi thứ Mười Hai. Kế đó là một bức tranh khảm lớn dọc bức tường Nhà thờ họa lại cuộc thương khó của Chúa từ lúc Chúa  bị đóng đinh đến lúc Chúa  chịu chết và mai táng trong mộ. Ngay phía dưới bức tranh lớn, người ta đặt viên đá mà truyền thống vẫn cho rằng đây là viên đá đã đặt xác Chúa khi tẩm liệm. Chúng tôi xúc động hình dung khung cảnh một buổi chiều lịch sử, tại chính nơi đây, đỉnh đồi sọ, không có bóng dáng của ngôi nhà thờ này, Đức Mẹ đau đớn trong sự thánh thiện, nhận lại người con yêu được tháo xác xuống từ Thánh Giá. Xin Mẹ cho chúng con tâm tình của Mẹ để kính viếng Mộ Thánh hôm nay. Dòng người khắp thế giới đổ về, im lặng trong cảm xúc xếp hàng tiến vào Mộ Thánh. Nơi đây do giáo hội Chính Thống Giáo chủ quản. Sau hai tiếng đồng hồ xếp hàng theo dòng người, chúng tôi đến sát Mộ Thánh. Quan sát thấy mỗi lần vào viếng mộ, những người túc trực Chính Thống Giáo chỉ cho 3 người vào một lần. Chúng tôi đã nghĩ đoàn chúng tôi phải ít là chín lần chờ đợi nữa. Nhưng đúng là Đức Mẹ đã thương Việt Nam, người ta để cho cả đoàn hành hương chúng tôi nối tiếp vào một lúc. Phải cúi mình đi vào một hang động thấp, bên ngoài là viên đá lớn có lẽ là viên đá lấp cửa mộ. Sâu hơn vào bên trong, chúng tôi sấp mặt trên viên đá an táng Chúa. Chẳng ai phải suy nghĩ tìm hiểu về xuất xứ, không gian, thời gian của Mộ Thánh. Những tiếng nức nở bật lên. Một cảm nghiệm sâu lắng mà trong đời mỗi người chắc chỉ có một lần. Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chịu chết vì chúng con, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

 

CHAN HÒA SỨC SỐNG PHỤC SINH.

Hình ảnh Chúa Phục Sinh đã được hàm ẩn trong thiết kế của Đại Thánh Đường Mộ Thánh, đó là đỉnh Dome tròn thiết kế rực rỡ ánh sáng như   đang đón chờ giờ Chúa từ trong cõi chết Phục Sinh đem lại sức sống mới cho toàn thế giới, mọi thời đại.Tuy chỉ cần ở nơi đây, người ta đã thấy hình ảnh Phục Sinh gắn liền  thời khắc lịch sử cứu độ như vậy. Nhưng chúng tôi vẫn hành hương tới làng Emmaus, nơi hai môn đệ được đồng hành với “Người Bộ Hành Thứ Ba” để cảm nghiệm những tâm tình thiêng liêng về Chúa Phục Sinh. Một con đường nở hoa rực rỡ dẫn đến một ngôi nhà thờ nhỏ đơn sơ. Bên trong còn đơn sơ hơn. Tuy nhiên, một bức tranh hoạ hình ảnh Chúa đồng hành với hai môn đệ Emmaus đủ để nói lên tất cả.

Ngược lên phía Tây Bắc biển hồ Galilê, ta đến vùng Tabgha và gặp được ở đây câu chuyện lịch sử trong phụ trương của Tin Mừng Gioan. Ba lần Chúa hỏi Phêrô :”Này Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến thầy không?”(x. Ga 21, 15-17). Tin Mừng không xác định vị trí nên lòng tin truyền thống đã xác định một vị trí trên bờ biển hồ này, một vị trí trở nên linh thiêng và dễ suy niệm. Ngày nay một nhà thờ đã được xây dựng, đó là nhà thờ do các cha dòng Phanxicô xây mang tên Nhà thờ Tối Thượng Quyền thánh Phêrô. Vì Chúa đã trao cho Phêrô quyền chăn dắt  đàn  chiên của Chúa.

Rồi giây phút trọng đại của lịch sử cứu độ đã tới. Núi Olivete là điểm hẹn để các tông đồ được gặp Chúa trước khi Chúa về trời. Đỉnh núi ngày nay là một Đền thờ do Hồi giáo chủ quản. Nói là Đền thờ nhưng thực tế chỉ là một dome tròn bao trùm ngọn quả núi. Thời Thập Tự Chinh đã xây mái tròn trên và  một bức tường bảo vệ bao quanh. Bên trong dome là cả một khối đá lớn đã trở nên sáng bóng do việc hôn kính của các tín hữu từ khắp thế giới hành hương về đây tôn kính dấu chân của Chúa thăng thiên.

 

CẢM NGHIỆM VÀ CHỨNG NHÂN

Từ trên núi xuống, chúng tôi bồi hồi nghe vẳng lại Lời Chúa khẳng định với các Tông đồ:”Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này”(Lc 24, 47-48). Niềm cảm xúc dâng trào, chúng tôi có cảm tưởng Chúa nói lại Lời này cho từng người trong đoàn chúng tôi, và chúng tôi phải bắt đầu lại cho mình từ Giêrusalem này. Mỗi người bắt đầu đưa ra những cảm nghĩ. Người thì quyết tâm trở về hoán cải để yêu như Chúa yêu trong chính gia đình mình. Người thì nhờ học hỏi nơi Đất Thánh mà thấy Chúa hiện diện nơi chính những người anh chị em mình. Người thì cảm nghiệm nỗi đau thực tế của Chúa qua chặng đàng Thánh Giá, xin ơn chết với Chúa và cùng sống với Chúa. Có người được đánh động thốt lên:”Trăm nghe không bằng một thấy” về Đất Thánh như đi về quê nội, chỉ tiếc thời gian quá ít để cầu nguyện. Có người chia sẻ: Những địa danh Kinh Thánh ở nhà nghe cứ như trên trời, bây giờ thực tế đọc đến đâu thấy hiện lên đến đấy. Có người ví địa danh Kinh Thánh khi ở nhà với khi hành hương như hoa thật với hoa giả, từ nay phải là sống Kinh Thánh chứ không chỉ là học hỏi Kinh Thánh. Bao nhiêu là cảm nghiệm nhưng cũng bao nhiêu chướng ngại từ chính bản thân mình, vì thế gian và ma quỷ quấy phá. Cuối cùng tất cả mọi người hiểu ra rằng về Đất Thánh để hiểu rõ hơn Lời Chúa khẳng định: “Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20). Một Thiên Chúa đã Nhập  thể sống trong lịch sử nhân loại có không gian và thời gian rõ ràng, một Thiên Chúa đã để lại những sự kiện, những mốc điểm sống với thời gian và những điều đó vẫn luôn là sự thật đang sống động, vì “Chúa Kitô hôm qua cũng như hôm nay và mai mãi”. Đất Thánh là khởi đầu cho một hành trình Đức Tin, và “Phúc cho những ai không thấy mà tin”( Ga 20,29). Tuy nhiên, nếu bạn  khao khát “Trăm nghe không bằng một thấy”  thì Đất Thánh vẫn luôn rộng mở chờ đón bạn.

Trong cuộc đời ngắn ngủi trần thế, bạn nên cố gắng một lần viếng thăm Đất Thánh.  Một lần cho một đời và đời đời nhớ về một lần.

Lm Phêrô Nguyễn Hồng Phúc