Các nữ tu thăng tiến phụ nữ nghèo bằng nghề quản gia

Chị em còn được chỉ dạy về tầm quan trọng của lòng trung thực, tôn trọng tha nhân

housework-skills.jpg
Các quản gia tốt nghiệp khóa học và các nữ tu chụp
hình hôm 6-8 tại Trung tâm dạy nghề Phước Lộc.
Ảnh: ucanews.com

Đối với nữ tu Pascale Lê Thị Tríu, người rất tự tin, thì những phụ nữ làm quản gia ở thành phố thương mại sôi động Sài Gòn cũng bình đẳng như những người làm các công việc khác.

 

Nữ tu Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn Phaolô tin rằng họ không nên bị đối xử như “nô lệ thấp kém”.

 

Sơ Tríu bảo đảm rằng những phụ nữ hoàn thành khóa học quản gia do dòng của Sơ tổ chức sẽ có việc làm và được tôn trọng.

 

Hôm 6-8, có 33 chị em tốt nghiệp khóa học kéo dài một năm này.

 

Sơ Tríu, một trong những người tổ chức khóa học, cho biết nhiều chị em vừa tốt nghiệp sẽ bắt đầu đi làm vào ngày 16-8 và số còn lại sẽ đi làm vào đầu tháng Chín, với mức lương hàng tháng từ 4,7-5,5 triệu đồng.

 

Năm nay có khoảng 100 người đăng ký với các nữ tu để tuyển các quản gia nhưng các nữ tu đã không thể đáp ứng được nhu cầu.

 

Các nữ tu không bao giờ quảng cáo nhưng các gia chủ đánh giá cao các quản gia từng theo học khóa đào tạo và đã giới thiệu cho những người khác cần quản gia.

 

Dòng của Sơ Tríu bắt đầu mở chương trình đào tạo quản gia năm 2006 khi họ nhìn thấy nhu cầu lớn cần người giúp việc ở thành phố bùng nổ kinh tế này, từ những người ngoại quốc và các cặp vợ chồng đi làm có con nhỏ.

 

Thị trường lao động hiện nay cần những công nhân lành nghề hơn là người có bằng cấp.

 

Sơ Tríu, phụ trách Phòng xã hội của dòng, cho biết các chị em trong độ tuổi từ 17-25 được chọn lọc từ các gia đình đạo đức ở vùng sâu xa. Nhiều người chưa học hết cấp hai. Những người nào không có khả năng trả học phí thì được cấp học bổng bán phần hoặc mượn các nữ tu và trả lại khi họ đi làm.

 

Những sinh viên này học làm các công việc nhà, kể cả nấu ăn và phục vụ các món ăn.

 

Sơ Tríu nói điều quan trọng là họ được giáo dục về các giá trị đạo đức như lòng trung thực, tự trọng và biết kính trên nhường dưới với tha nhân.

 

Những người được đào tạo còn học tiếng Anh và cách quản lý tài chính, cũng như cách tiết kiệm nước và phân loại rác thải.

 

Các quản gia được gửi tới những gia chủ nào đồng ý đáp ứng các điều kiện nhất định, Sơ Tríu nói. Gia chủ được yêu cầu ký hợp đồng làm việc, trả tiền thêm giờ làm cũng như có chỗ ăn ở đàng hoàng cho quản gia để tránh việc lạm dụng tình dục.

 

Sơ nói các quản gia cần có thời gian hưởng thụ cuộc sống và phát triển chính mình. Nhiều quản gia ở những nơi khác vẫn còn bị coi thường, phải làm những gì gia chủ sai bảo vào bất cứ lúc nào và được trả lương ít ỏi. Họ không có hợp đồng lao động và trong một số trường hợp, thậm chí không có phòng riêng.

 

Các nữ tu cũng nhắm đến việc nâng cao ý thức công chúng về nghề quản gia, ủng hộ việc đối xử bình đẳng như trả lương đúng ngày, và làm việc 8-9 tiếng mỗi ngày, một tuần làm 5-6 ngày.

 

Các nữ tu cũng tiếp tục làm trung gian giải quyết các vấn đề khi xảy ra giữa gia chủ và quản gia.

 

Chị Anna Bùi Thị Mộng Nhi, một quản gia tốt nghiệp khóa đầu tiên năm 2007, hiện nay rất tự hào về công việc của mình và cho biết nghề này đã thay đổi cuộc đời chị.

 

Nhi rời nhà ở thành phố Cần Thơ khi chị mới học lớp 10 và tìm việc ở Sài Gòn để phụ giúp gia đình.

 

“Tôi phải làm việc vất vả trong một quán cơm với mức lương 500.000 đồng – chị nói – Tôi không thể sống được”. Dịp may đến với chị khi chị gặp các nữ tu điều hành khóa học quản gia.

 

Bà mẹ một con hiện làm việc cho một gia đình người Mỹ ở Sài Gòn và được trả 500 Mỹ kim mỗi tháng cộng với chỗ ở. Chị cũng theo gia chủ đi du lịch nước ngoài nữa.

 

Nhi cho biết những gì chị học từ các nữ tu là rất hữu ích. “Các Sơ dạy tôi tính trung thực và các chuẩn mực nhân bản và quan tâm, những thứ giúp tôi thành công”.

 

“Tôi chăm sóc hai con nhỏ của gia chủ như con mình và làm việc siêng năng và kỹ càng ngay cả khi gia đình họ không có nhà. Vì thế, việc phục vụ của tôi được đánh giá cao” – Nhi nói.

 

Nhi cho biết năng lực làm việc có chuyên môn đã giúp thăng tiến các phụ nữ không có lợi thế như chị. Các quản gia gặp nhau hàng tháng tại tu viện các nữ tu để tham dự Thánh lễ, học cách sử dụng các thiết bị nhà bếp mới, chăm sóc em bé và người cao tuổi cũng như chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.

 

Họ còn đóng tiền tiết kiệm hàng tháng để gửi ngân hàng và nhận lại số tiền này khi về quê làm việc khác.

 

Chị Y Blong, 20 tuổi, cho biết chị vừa tốt nghiệp khóa học hồi đầu tháng này và sẽ bắt đầu đi làm vào tháng tới.

 

“Tôi biết ơn các Sơ đã cho tôi mượn tiền đi học – chị nói – nếu không có sự giúp đỡ đó, tôi không thể nào tìm được việc làm vì chỉ mới học lớp 10”.

 

Chị sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để hỗ trợ gia đình với bảy anh chị em, và dành dụm tiền để học y sĩ trong tương lai.

 

(UCAN 25.08.2017)