Bộ kinh vô hình

Tetsugen, thiền sư người Nhật Bản quyết định thực hiện một công trình lớn để mưu ích cho nhiều người. Ông dự tính in bảy ngàn bản kinh Phật, loại kinh mà thời đó người ta mới chỉ có được bản văn bằng tiếng Trung Hoa.

Ông bôn ba khắp nước Nhật để quyên góp tiền bạc cho công trình. Cũng có một số người giàu hào phóng cho tiền, nhưng phần lớn là đóng góp của người nghèo với những đồng tiền nhỏ nhoi. Dù thế, ông Tetsugen luôn bày tỏ lòng biết ơn với mọi người.

Sau mười năm ròng rã, ông có được số tiền cần thiết. Đúng thời kỳ đó, nước sông Uji dâng lên gây lụt lớn khiến hàng ngàn người mất của, mất nhà và lâm vào tình trạng khốn khổ. Tetsgen liềm đem tất cả số tiền quyên góp được cứu trợ những người gặp nạn.

Sau đó ông lại tiếp tục đi quyên góp để thực hiện cho được công trình hằng ấp ủ. Nhiều năm sau, ông nhận thấy mình có đủ kinh phí để thục hiện ước vọng. Nhưng ngay lúc đó lại xảy ra một cơn dịch tễ lan tràn khắp nước, nhà nào cũng có người mắc bệnh. Thế là Tetsugen lại đem tất cả số tiền kiếm được cứu giúp các nạn nhân.

Nhưng ông quyết không bỏ cuộc và lại lên đường hành khất. Và hai mươi năm sau, điều ông mơ ước đã trở thành hiện thực: bảy ngàn bản kinh Phật bằng tiếng Nhật đã được phát hành.
Bản in được xuất bản lần đầu tiên hiện được trưng bày tại tu viện Obaku, Tokyo. Người già kể lại cho con cháu họ rằng Tetsugen đã xuất bản bộ kinh Phật cả thảy bảy lần, mà lần thứ nhất và lần thứ hai là những bộ kinh vô hình quý giá gấp bội bản in lần cuối (Lời ếch dâng kinh, Anthony de Mello).

Bạn thân mến! Thiền sư Tetsugen đã dành 30 năm để thực hiện công trình mơ ước, lẽ ra không mất nhiều thời gian như vậy. Nếu ông không động lòng trắc ẩn trước nạn nhân của thiên tai, nạn dịch thì chỉ mất 10 năm. Tuy nhiên, trong trường hợp như vậy, việc làm của thiền sư chẳng đáng nhớ. Có chăng người ta chỉ nhắc đến ông như người có công trong việc truyền bá kinh đạo. Thử nghĩ xem, nếu được in trước 20 năm thì trong trận lụt những cuốn sách ấy cũng bị nhận chìm, hay trong nạn dịch nó cũng bị xé để gói thuốc hay nhóm bếp rồi, vì khi đói người ta cần cơm, khi bệnh cần thuốc chứ không phải sách.

Viết đến đây tôi chợt nhớ tới thánh Đaminh, người đã nói một câu khiến chúng ta đáng suy nghĩ: “Tôi không thể ngồi học trên những miếng da chết, đang khi người khác chết đói”. Nhận định được nhu cầu của thời đại, Thánh nhân đã bán những cuốn sách quí để cứu trợ nạn đói. Điều ấy cho tôi khẳng định rằng, mọi dự tính, việc làm của chúng ta chỉ thực sự đẹp nếu đạt được chuẩn mực sau. Công trình đó không chỉ hướng Thiên mà còn phải hướng tới tha nhân nữa.

Trong thực hành đức tin cũng vậy, Chúa không hỏi chúng ta đã làm bao nhiêu việc, xây bao nhiêu công trình, có bao nhiêu văn bằng… Nhưng cái Ngài sẽ hỏi vào ngày sau hết với mỗi người là. Chúng ta đã làm gì cho những người bên cạnh, khi họ cần? Bởi nếu chúng ta tin Chúa hiện diện trong tha nhân, chắc hẳn chúng ta sẽ không quay lưng khi Chúa giơ tay xin ta miếng cơm, chén nước.

Cầu xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta trong ngày sau hết được hưởng lời mời gọi dành cho những ai đã biết lưu ý đến nhu cầu của Thiên Chúa trong tha nhân “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc… Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”. … “Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 34-36).

Nt. Vi Ân Thanh, Đaminh Bùi Chu