Bí tích Hòa giải và Lòng Thương Xót Chúa

Bùi Chu, 13/03/2015 (gpbuichu.org) – Sáng ngày 12/03/2015, tại thính đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên tham dự khóa học lần thứ 26 về các vấn đề giải tội và lương tâm, được tổ chức bởi Tòa Ân Giải Tối Cao. Năm nay khóa học bắt đầu từ thứ 2 tới thứ 6 (09-12/03/2015), qui tụ gần 500 thành viên bao gồm: các linh mục trẻ, phó tế và chủng sinh năm cuối.

Sau diễn từ chào mừng của Đức HY Mauro Piacenza, Chánh án Toà Ân giải Tối cao, ĐTC đã cảm ơn và Ngài có bài chia sẻ “sâu sắc” về Bí tích hòa giải trong tương quan với Lòng thương xót của Thiên Chúa.

Trong diễn từ, xuất phát từ ánh sáng Tình yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa, ĐTC nhấn mạnh tới 3 yêu cầu: sống Bí tích hòa giải như phương tiện để giáo dục lòng thương xót; được giáo dục khi chúng ta cử hành Bí tích; giữ vững cái nhìn siêu nhiên.

ĐTC đã quảng diễn vai trò của Bí tích Hòa giải như là nơi diễn tả tỏ tường và không mệt mỏi về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngài nhắc lại lòng tha thứ của Thiên Chúa trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii gaudium): “không tồn tại tội nào mà Thiên Chúa không thể tha thứ được”. Thật thế, không có tội nào có thể thắng nổi lòng thương xót, yêu thương của Thiên Chúa.

ĐTC miêu tả Bí tích giải tội là nơi gặp gỡ giải thoát và giàu tính nhân bản; thông qua việc giáo dục hối nhân về lòng từ bi, sẽ giúp họ quyết tâm sửa chữa tội đã phạm và hoán cải trở về với Thiên Chúa. Do đó, việc giải tội không nên rơi vào trường hợp quá “rộng tay” như phủ nhận tội khi nói: “đó không là tội, không có gì cả” hoặc quá “khắt khe, cứng nhắc” bởi luật; vì trong cả hai trường hợp đó khó có thể đồng hành với hối nhân trên chặng đường trở lại như một người anh em. Ngược lại, “người của lòng thương xót thì biết lắng nghe và đồng hành với họ, vì sự hoán cải bắt đầu từ hôm nay, nhưng phải được tiếp tục bằng sự kiên trì vững vàng”. Ngài diễn tả mối tương quan giữa cha giải tội và hối nhân như mục tử nhân lành đối với đàn chiên bị thất lạc. Như vậy, qua cách thức này “tín hữu sẽ cảm được lời mời gọi đến xưng tội thường xuyên, và tìm hiểu để làm điều đó một cách tốt nhất; món ăn tinh thần đó sẽ giúp ích được nhiều cho tâm hồn –  bao gồm tâm hồn của cha giải tội!”

Sống bí tích này, ĐTC nhắn nhủ thêm, cố gắng “giúp anh chị em chúng ta cảm nghiệm được bình an và cảm thông, về mặt nhân bản và kitô… làm sao để tất cả các hối nhân, khi ra khỏi tòa giải tội họ cảm thấy niềm hạnh phúc trong tim, với khuôn mặt rạng ngời hy vọng, và đôi khi như chúng ta biết, họ đẫm lệ hoán cải, và niềm vui từ đó xuất phát ra”.

ĐTC cũng khích lệ các cha giải tội nên để mình được “giáo dục” bởi bí tích hòa giải, bởi vì nơi đó có thể “học” được nhiều “từ sự hoán cải và ăn năn của anh em chúng ta”. Qua họ, cha giải tội cũng được thúc đẩy xét mình, hoán cải để xứng đáng là thừa tác vụ của lòng từ bi Chúa. Ngài khuyến khích thêm khi lắng nghe tín hữu xưng tội, cố gắng luôn giữ “cái nhìn nội tâm hướng lên Trời, siêu nhiên; tôn trọng phẩm giá và lịch sử riêng của mỗi người, như vậy có thể hiểu được điều gì Thiên Chúa muốn từ họ”. Ngài nhấn mạnh các bí tích “là nơi gần gũi và sự dịu dàng của Thiên Chúa dành cho con người”; “Xót thương là để được gần gũi và đồng hành trong quá trình hoán cải” và “nghệ thuật đồng hành” như là đặc tính của Giáo hội.

ĐTC cũng không quên mời gọi mọi người cầu nguyện cho ngài trong dịp kỉ niệm 2 năm Giáo hoàng, và kỷ niệm 57 năm gia nhập Dòng Tên, “sống đời sống tu trì”.

Lm. Giuse Vũ Văn Hiếu
(Nguồn: http://www.penitenzieria.va/)