Báo động: gia đình vắng cha

Hôm thứ 4 ngày 28 tháng Giêng vừa qua, trong buổi yết kiến chung hàng tuần, Đức Thánh Cha tiếp tục giảng giáo lý về đề tài gia đình. Trong buổi này, ngài gợi lên hình ảnh của người cha. Ngài nhấn mạnh: “Từ ngữ “cha, ba, bố” là tiếng gọi thật quí giá, bởi vì chính cái tên gọi này mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta gọi Thiên Chúa: Abba, Cha, tên gọi mang một giá trị sâu xa. Tên gọi mà ai cũng biết vì nói chỉ ra một tương quan cốt yếu”.

Sau đó, Đức Thánh Cha liên hệ đến thực tế ngày nay: “Phải khẳng định rằng chúng ta đang sống trong một “xã hội không cha”. Nhất là trong nền văn hóa tây phương, hình ảnh người cha có lẽ đang vắng bóng, đang mất đi, đang bị loại bỏ. So với thời đại trước đây, ngày nay các thành viên khác cảm giác mình như được giải phóng khỏi người cha là gia trưởng, người cha là đại diện pháp lý bị áp đặt từ bên ngoài, người cha là quản trị những hạnh phúc của con cái và cản trở tự do và quyền độc lập của người trẻ”. Đức Thánh Cha cho rằng chúng ta đang đi từ cực điểm này sang tới cực điểm kia, từ sự hiện diện độc đoán của người cha trong một số trường hợp, một sự “lạm quyền”, đến một sự trốn tránh trách nhiệm, trốn tránh vai trò của người cha.

Sự nguy hiểm của tương quan “cặp kè”

Đức Thánh Cha lo lắng chỉ ra rằng “đôi khi các người cha quá tập trung vào bản thân mình và vào tương quan cá nhân của họ, họ quên đi chính gia đình mình”. Dường như họ không còn biết chỗ đứng của mình là gì trong gia đình và không còn biết giáo dục con cái như thế nào. Cho nên, trong sự do dự, họ trốn tránh, rút lui và thờ ơ với trách nhiệm của họ, đôi khi lại ẩn núp trong mối tương quan “cặp kè” không thể chấp nhận được với những đứa trẻ khác”.

Đức Thánh Cha nêu lên: “Ngày nay, thiếu vắng hình ảnh người cha trong đời sống của trẻ thơ và giới trẻ sản sinh ra những lỗ hổng và thương tổn có thể rất trầm trọng. Nhiều bạn trẻ sống như trẻ mồ côi, vì cha chúng thường vắng mặt hay không làm tròn trách nhiệm giáo dục, không giúp chúng biết các nguyên tắc, các giá trị, các triết lý sống mà chúng đang cần như cần cơm bánh. Quá nhiều bạn trẻ sống trong tình trạng này, họ cảm thầy mình mồ côi và thậm chí còn tồi tệ hơn là chúng ta nghĩ”.

Trách nhiệm của toàn xã hội

Tương tự như thế, các người cha không phải là những người duy nhất chịu trách nhiệm: “Cộng đồng xã hội đôi khi cũng thờ ơ trách nhiệm với giới trẻ. Những trẻ mồ côi này phó thác cho một số ông chủ, một số ý tưởng đốt nóng trái tim họ, các giá trị và hy vọng ủng hộ họ. Nhưng họ bị nuôi dưỡng bởi các ngẫu tượng, rồi người ta lại ăn cắp trái tim ấy, họ đẩy chúng vào ước mơ này nọ, thú vui này kia, nhưng lại không cho chúng công ăn việc làm, chúng đầy ảo vọng trước Ông Chủ Tiền bạc, sự giàu có thực sự thì không có và không cho chúng”.

Trước hoàn cảnh này, Đức Thánh Cha khuyên nhủ: “Nên nhớ rằng Chúa Giêsu là con đường phải đi, là người Thầy phải nghe, hy vọng Ngài có thể có là một tương lai huynh đệ và bình an cho tất cả mọi người. Hãy nghe lại lời hứa mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Ta sẽ không để anh em mồ côi”.

Minh Sáng