Bài phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô của Radio Renascença, Bồ Đào Nha

Cha đi xưng tội bao lâu một lần? Mỗi 15 hay 20 ngày. Tôi xưng tội với một cha người Pháp, cha Blanco, người ân cần đến đây và nghe tôi xưng tội. Và tôi chưa bao giờ phải gọi xe cứu thương để đưa cha về nhà, trong trường hợp cha sốc vì nghe các tội của tôi cả. (cười) Cha hình dung sự bất diệt thế nào? Khi còn trẻ tôi hình dung sự bất diệt rất là buồn tẻ. Bây giờ, tôi nghĩ đó là mầu nhiệm gặp gỡ. Đây là điều hầu như không hình dung được, nhưng phải đẹp và tuyệt diệu lắm khi được gặp Thiên Chúa…
Bài phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô của Radio Renascença, Bồ Đào Nha

Bài phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô của Radio Renascença, Bồ Đào Nha

Trong bài phỏng vấn với Radio Renascença của Bồ Đào Nha, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng mọi người đang thất vọng với ‘nạn tham nhũng ở mọi mức độ.’ Đức Giáo hoàng tin rằng ‘thách thức lớn nhất của châu Âu là trở lại thành một người mẹ’ và kêu gọi người dân châu Âu chào đón các người tị nạn. Giáo hội phải tích cực trong xã hội. ‘Một Giáo hội không đi ra, là đang giam giữ Chúa Giêsu.’ Sau đây là toàn bài phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô

Là giáo hoàng đến từ ‘tận cùng Thế giới,’ cha thấy đất nước và người dân Bồ Đào Nha như thế nào?

Tôi chỉ đến Bồ Đào Nha có một lần, dừng lại ở sân bay thôi, cách đây vài năm. Tôi đang bay đến Roma với Varig và chuyến bay tạm dừng ở Lisbon, nên tôi chỉ biết có mỗi sân bay mà thôi. Nhưng tôi biết nhiều người Bồ Đào Nha. Trong chủng viện ở Buenos Aires, có nhiều nhân viên là người Bồ nhập cư. Những người tốt, họ rất gần gũi với các chủng sinh. Và cha tôi có một đồng nghiệp người Bồ. Tôi nhớ tên của ông, Adelino, một người tốt. Và có lần tôi gặp một bà người Bồ, hơn 80 tuổi, đã để lại ấn tượng tốt trong tôi. Có thể nói, tôi chưa gặp một người Bồ nào xấu cả.

Trong bài nói chuyện với các giám mục Bồ, bên cạnh lời khen ngợi dành cho người dân Bồ Đào Nha, và cái nhìn toàn cảnh thanh bình về tình trạng Giáo hội, cha có nhắc đến 2 bận tâm, một là về giới trẻ và hai là về Dạy Giáo lý. Cha dùng một hình ảnh, và nói rằng ‘chiếc áo rước lễ lần đầu, không còn vừa với một người trưởng thành trẻ tuổi,’ nhưng có nhiều cộng đoàn lại ‘nhất định bắt các bạn trẻ phải mặc nó …’ Vậy vấn đề là gì?

Đây là một cách nói. Những người trẻ có tính vượt khuôn phép hơn, và họ có nhịp độ riêng của mình. Chúng ta phải để họ lớn lên, đồng hành với họ, đừng để họ một mình, nhưng phải đi cùng họ. Và để biết cách đồng hành trong cẩn trọng, thì phải biết khi nào nên nói, và biết cách lắng nghe thật nhiều. Người trẻ thì đầy thao thức. Họ không muốn bị chán, và như thế, bạn có thể nói rằng ‘chiếc áo thưở rước lễ lần đầu không còn vừa với họ nữa.’ Mặt khác, trẻ con, cũng như chiếc áo rước lễ lần đầu vậy. Đây là một điều đẹp đẽ. Nhưng các thanh niên trưởng thành có các mộng đẹp khác, bởi họ đang thay đổi, đang lớn lên, đang tìm kiếm, có phải không nào? Đó là lý do vì sao bạn cần phải để họ lớn lên, đi cùng họ, tôn trọng họ, và nói với họ trong tình cha con.

Bởi vì có những đường hướng nhất định để trình ra với người trẻ, nhưng những đường hướng này thường không hấp dẫn!

Đó là lý do vì sao bạn cần phải tìm cho ra những gì thu hút giới trẻ, và phải làm cho được điều đó. Ví dụ như: Nếu bạn đề xuất, mà chuyện này chúng ta thấy khắp nơi, một cuộc đi bộ, hay một trại dã ngoại, hay đi ra làm một nhiệm vụ, hay đôi khi là đến một ‘cotolengo’ [Nhà cho những người bệnh, hay người bị khuyết tật nặng, đã bị gia đình bỏ rơi và trong tình cảnh nguy khó. Được một linh mục Ý thành lập.] để chăm sóc người bệnh trong một tuần, hay hai tuần, thì người trẻ sẽ đầy nhiệt huyết, bởi người trẻ muốn làm một điều gì đó cho người khác. Người trẻ sẽ cảm thấy mình được bao bọc.

‘Được bao bọc’?

Đúng, người đó đi vào trong, người đó gắn bó. Người đó không nhìn từ bên ngoài vào. Nhưng dự phần vào, và đó là, dấn thân gắn bó.

Vậy tại sao người đó không ở lại luôn?

Bởi vì người đó có con đường của mình.

Vậy thì đâu là thách thức mà Giáo hội phải thực hiện? Cha nói về một dạng dạy giáo lý, vốn thường lý thuyết và không thể đưa ra được một cuộc gặp gỡ riêng …

Đúng, điều quan trọng là giáo lý không được thuần lý thuyết. Như thế chẳng làm được gì. Giáo lý là trao cho người trẻ nghĩa lý  cho cuộc sống, và như thế, thì giáo lý phải có 3 ngôn ngữ. Ngôn ngữ của cái đầu, ngôn ngữ của trái tim, và ngôn ngữ của đôi bàn tay. Giáo lý phải có 3 điều này, để cho người trẻ suy nghĩ và biết đức tin là gì, nhưng cùng lúc đó, cũng cảm nhận trong tim mình đức tin là gì, và mặt khác, thực hiện đức tin đó cho thành sự. Nếu giáo lý thiếu mất một trong 3 ngôn ngữ này, thì nó trì trệ. Ba ngôn ngữ này: suy nghĩ về những gì bạn cảm nhận và những gì bạn làm, cảm nhận những gì bạn nghĩ và làm, làm những gì bạn cảm nhận và suy nghĩ.

Nghe cha nói, thì chuyện này thật rõ ràng … nhưng, nhìn quanh, đặc biệt là ở châu Âu già, ở thế giới Kitô giáo già này, thì mọi chuyện không như thế. Thiếu mất điều gì đây? Một sự thay đổi về tâm tính? Cha nghĩ thế nào?

Tôi không biết về việc thay đổi tâm tính, bởi không phải chuyện gì tôi cũng biết, phải không nào? Nhưng, sự thật là, phương pháp học đôi khi không đủ. Chúng ta phải tìm một phương pháp học giáo lý gắn kết 3 sự này. Những chân lý mà chúng ta phải tin, những gì một người nên cảm nhận, và những gì người đó làm, nên làm, phải đi cùng với nhau.

Đức Thánh Cha, chúng con mong cha đến Bồ Đào Nha nhân dịp bách niên Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Đã có 3 giáo hoàng đến thăm chúng con (riêng Đức Gioan Phaolô II đến 3 lần.) Cha rất sùng kính Đức Trinh nữ Maria, cha nghĩ gì về một chuyến công du năm 2017 nào?

Vâng, để tôi nói thẳng chuyện này. Tôi rất muốn đến Bồ Đào Nha nhân dịp bách niên này. Năm 2017, cũng là kỷ niệm 300 năm tìm thấy tấm hình Đức Mẹ Aparecida ở Brazil.

Vậy nên tôi cũng muốn đến đó, và tôi đã hứa là sẽ đến. Còn về Bồ Đào Nha, tôi đã nói là tôi muốn,tôi thích đến. Thật dễ hơn nhiều khi chọn đến Bồ Đào Nha, chúng ta có thể đi về trong ngày, hoặc, đi một chuyến một ngày rưỡi hay hai ngày. Đến và xem Đức Mẹ. Mẹ là người mẹ, quá đầy tình mẫu tử, và sự hiện diện của Mẹ đồng hành với dân Chúa. Vậy nên tôi muốn đến Bồ Đào Nha, một đất nước nhiều ân sủng.

Và người dân Bồ Đào Nha chúng con, có thể kỳ vọng gì? Làm sao để chúng con chuẩn bị tốt nhất cho chuyến công du của cha và vâng theo những lời Đức Mẹ mong mỏi?

Đức Trinh nữ Maria luôn luôn muốn chúng ta cầu nguyện, chăm lo cho gia đình, và tuân giữ các điều răn. Mẹ không có những yêu cầu lạ lùng nào. Mẹ yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho những người lầm lạc, những người xem mình là tội nhân, mà tất cả chúng ta là thế phải không nào? Và tôi là người đầu tiên đó. Nhưng Mẹ có yêu cầu, và nên lấy những yêu cầu của Mẹ để làm việc chuẩn bị, qua các thông điệp đầy tình mẫu tử, quá sức hiền mẫu … Và để người ta biết đến Mẹ qua con cái Mẹ. Một điều rất đáng tò mò, Mẹ luôn luôn nhìn đến những linh hồn đơn sơ, có phải không? Rất đơn sơ.

Chúng ta đang nói nhiều về cuộc khủng hoảng tị nạn. Cha cảm nhận thế nào về tình trạng này?

Đây là phần nổi của tảng băng. Những người khốn khổ này đang chạy trốn chiến tranh, nạn đói, nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Bởi phía dưới đó là nguyên do cớ sự, và nguyên do chính là một hệ thống kinh tế xã hội bất công. Mà trong mọi sự, trong thế giới, trong xã hội kinh tế xã hội, trong chính trị, con người luôn luôn phải là trung tâm. Chính hệ thống kinh tế thống trị ngày nay, nó loại con người ra khỏi trung tâm, đặt thần tiền bạc vào đó, thần tượng thói thức thời. Có số liệu thống kê, tôi không nhớ chính xác, có thể hơi sai, nhưng 17% dân số thế giới chiếm đến 80% của cải.

Và việc bóc lột các nước thuộc thế giới thứ ba, dù vừa phải, đang gây ra các hậu quả này. Là tất cả những người đang mong mỏi được đến châu Âu …

Cũng một chuyện như thế đang xảy ra ở các thành phố lớn. Tại sao có các khu ổ chuột trong các thành phố lớn.

Cùng một thước đo ..

Đúng, giống nhau. Đây là những người đến từ vùng quê, bởi vùng quê đã bị phá rừng, bị độc canh. Họ không có công việc, nên họ đến các thành phố lớn.

Và ở châu Phi cũng như vậy …

Ở châu Phi, cũng cùng một hiện tượng như vậy. Vậy nên, các di dân đang đến châu Âu, họ đang tìm kiếm một nơi nào khác. Và tất nhiên, với châu Âu hiện nay, đây là một bất ngờ, bởi chúng ta hầu như không thể tin được những chuyện này đang xảy ra, có phải không nào? Nhưng sự thật là thế.

Nhưng khi cha đến Strasbourg, cha nói rằng nhất thiết phải hành động, sửa đổi từ căn nguyên, chứ không phải hệ quả. Dường như không một ai lắng nghe cha, và bây giờ, hậu quả đã rõ ràng …

Chúng ta phải đi đến tận căn nguyên.

Nhưng có vẻ như không một ai đã lắng nghe cha …

Khi căn nguyên là nạn đói, thì chúng ta phải tạo công căn việc làm, phải đầu tư. Khi căn nguyên là chiến tranh, thì phải tìm kiếm hòa bình, hành động vì hòa bình. Ngày nay, thế giới đang trong cuộc chiến tranh với chính mình, nghĩa là thế giới đang trong thời chiến, theo kiểu từng phần, từng chút một, nhưng nó cũng đang chiến tranh với đất mẹ, bởi thế giới đang hủy hoại đất mẹ, ngôi nhà chung của chúng ta, hủy hoại môi trường. Băng đang tan ra ở Bắc Cực, gấu bắc cực cứ phải đi dần lên phía bắc để sinh tồn …

Và dường như chúng ta lờ đi mối bận tâm về con người và vận mệnh con người … Cha thấy phản ứng của châu Âu hiện thời, với nhiều lập trường khác nhau, một số xây tường, số khác nhận người tị nạn theo phân bổ, số nữa lợi dụng tình trạng này để lên tiếng mị dân …

Tất cả mọi người đều diễn tả nền văn hóa riêng của họ. Và đôi khi, là một diễn giải hệ tư tưởng, diễn giải các lý tưởng, thì dễ hơn là thực hiện, trừu tượng thì dễ hơn thực tế. Không chỉ là châu Âu, mà xa hơn nữa, đang có một hiện tượng khiến tôi đau lòng sâu sắc, đó là người Rohingya [nhóm sắc tộc Hồi giáo, nguồn gốc ở Myanmar. Họ bị loại ra ngoài rìa xã hội và bị ngược đãi vì các lý do sắc tộc và tôn giáo. Liên hiệp quốc đã xác định người Rohingya là một trong những cộng đồng thiểu số bi bách hại trên thế giới], những người bị trục xuất khỏi quê hương mình, phải lên thuyền trốn đi. Họ đến một cảng, hay một bờ biển, và họ được người ta cho ăn, cho nước uống, rồi đẩy lại ra biển lần nữa, không chịu đón nhận. Chúng ta đang thiếu khả năng tiếp đón con người.

Bởi đây không phải là bao dung, mà đây còn hơn bao dung nữa, đây là tiếp đón …!

Tiếp đón, chào đón mọi người, và chào đón họ theo đúng như những gì họ là. Tôi là con của một người di cư, và tôi thuộc về cộng đồng di dân 1929. Nhưng ở Argentina, từ năm 1884, người Ý và Tây Ban Nha đã đến … Tôi không biết làn sóng người Bồ bắt đầu từ lúc nào. Nhưng phần đông người Argentina đến từ 3 quốc này. Và khi đến nơi, một số có tiền, số khác thì đến các khách sạn di cư và từ đó họ được chuyển đến các thành phố. Họ muốn làm việc, đi tìm công việc. Sự thật là, thời đó có công ăn việc làm, nhưng những người trong gia đình tôi, có công việc để làm khi cập bến vào năm 1929, nhưng đến năm 1932, khi nổ ra khủng hoảng kinh tế, họ bị đẩy ra đường, trắng tay. Ông nội tôi mua một kho hàng bằng 2000 peso đi mượn, và cha tôi, một kế toán đã xách giỏ đi bán hàng. Vậy nên, họ có ý chí chiến đấu, ý chí thành công … Tôi hiểu về sự di cư. Và rồi có những cuộc di cư do Thế chiến II, đặc biệt là từ Trung Âu, nhiều người Ba Lan, Slovakia, Croatia, Slovenia, và cả người Syria và Li Băng nữa. Và chúng ta luôn luôn có chuyện như thế này. Ở Argentina, không có tính bài ngoại. Và bây giờ, đang có một cuộc di dân trong lòng châu Mỹ, họ đến Argentina từ các nước châu Mỹ khác, dù làn sóng này có giảm bớt trong vài năm qua, bởi công việc ở Argentina cũng ít dần đi.

Và còn từ Mễ Tây Cơ đến Hoa Kỳ nữa …

Hiện tượng di dân này là một thực tế. Nhưng tôi muốn nói về điều này mà không chỉ thẳng riêng ai. Khi nào có chỗ trống, thì người ta cố gắng điền vào cho kín. Nếu một quốc gia không có con cái, thì người di dân đến và lấy chỗ của mình. Tôi nghĩ về về tỷ suất sinh ở Ý, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha. Tôi tin là tỷ suất này đang tiệm cận 0%. Vậy nên, nếu không có trẻ con, thì sẽ có những khoảng trống. Và mong muốn không có con này, tôi xin diễn giải, mà có thể không đúng, mong muốn này là do một nền văn hóa tiện nghi, có phải không? Trong gia đình tôi, cách đây vài năm, tôi có nghe một anh họ người Ý nói rằng: ‘Con cái? Không. Chúng tôi thích đi du lịch vào kỳ nghỉ, hay mua một biệt thự, hay chuyện này chuyện kia hơn.’ Và rồi những người già ngày càng cô đơn. Tôi tin rằng, thách thức lớn nhất của châu Âu là trở lại thành người mẹ châu Âu …

như thế đối lập với …

một châu Âu bà già.

Dù có những nước châu Âu trẻ, như Albania chẳng hạn. Albania gây ấn tượng mạnh với tôi, người dân khoảng 40, 45 tuổi … và Bosnia-Herzegovinac cũng vậy, là những nước đang tự tái thiết sau chiến tranh.

Đây là lý do vì sao cha viếng thăm các nước này …

Vâng, tất nhiên là thế. Đây là một dấu chỉ cho châu Âu.

Nhưng theo quan điểm của cha, thì thách thức chào đón những người tị nạn đang tìm đường đến châu Âu, có thể là một điều tích cực cho châu Âu? Liệu đây có thể là sinh ích, là thúc đẩy? Liệu châu Âu cuối cùng có thức tỉnh, có thay đổi hay không?

Có thể. Tôi nhận ra rằng, sự thật là các điều kiện an ninh biên giới không còn như xưa. Sự thật là chỉ 400km cách đảo Sicily có một nhóm khủng bố tàn bạo không thể tin nổi. Vậy nên, có nguy cơ khủng bố xâm nhập, đây là sự thực.

Và khủng bố có thể đến Roma …

Vâng, không một ai nói rằng Roma sẽ miễn nhiễm với mối đe dọa này. Nhưng, bạn có thể ngăn ngừa. Nhưng còn có một vấn đề khác, là châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng lao động lớn. Có một nước … Mà thật sự tôi muốn nói đến 3 nước, dù tôi không chỉ rõ tên, nhưng là những nước quan trọng nhất châu Âu, đang có tỷ lệ thất nghiệp của người dưới 25 tuổi, là 40%, 47%, và 50%. Có một cuộc khủng hoảng lao động, người trẻ không thể tìm được việc làm. Vậy nên đây là sự kết hợp nhiều thứ, và chúng ta không thể đơn giản hóa vấn đề được. Rõ ràng, nếu người tị nạn đến, bất chấp các quan ngại về an ninh, chúng ta phải chào đón người đó, bởi đây là giới răn trong Kinh thánh. Ông Moses nói với dân rằng: ‘chào đón khách ngoại kiều, bởi các bạn từng là ngoại kiều ở đất Ai Cập.’

Nhưng lý tưởng nhất là làm sao để họ không phải chạy trốn, để họ có thể ở lại quê hương mình?

Đúng rồi, đúng là thế.

Đức Thánh Cha, trong buổi kinh Truyền tin, cha đã đưa ra một thách thức rất cụ thể về việc chào đón người tị nạn. Đã có các hưởng ứng chưa? Và chính xác, cha kỳ vọng điều gì?

Những gì tôi yêu cầu, là mỗi giáo xứ và mỗi dòng tu, mỗi tu viện, hãy nhận một gia đình. Một gia đình, chứ không phải chỉ một người. Một gia đình thì bảo đảm an ninh và dự phòng hơn, để tránh khủng bố xâm nhập. Khi tôi nói rằng một giáo xứ nên đón một gia đình, tôi không có ý là họ phải đến và sống trong nhà của linh mục, trong nhà xứ, nhưng là mỗi cộng đoàn giáo xứ phải xem, nếu có một nơi nào đó, một chỗ trong trường học có thể sửa thành một căn hộ nhỏ, hay nếu cần thiết thì nên thuê một căn hộ nhỏ cho gia đình này, nhưng họ cần có một mái nhà, cần được chào đón và dự phần vào trong cộng đoàn. Tôi đã được nhiều, rất nhiều hưởng ứng. Có những tu viện đang gần như trống chỗ …

Hai năm trước, cha đã từng đưa ra lời yêu cầu này, và cha được hưởng ứng ra sao?

Chỉ có 4. Một trong số đó là từ Dòng Tên, [cười lớn] làm rất tốt, các cha Dòng Tên à! Nhưng đây là một vấn đề nghiêm trọng, bởi còn có cám dỗ do thần tiền bạc. Một vài dòng tu nói rằng, ‘không, bây giờ tu viện đang trống chỗ, chúng tôi định biến thàn một khách sạn, chúng tôi sẽ có khách, và có chi phí lo cho mình, hay làm ra tiền nữa.’ Ừ thì, nếu đó là những gì bạn muốn làm, thì vui lòng đóng thuế! Một trường học của dòng, thì được miễn thuế, vì thuộc về dòng, nhưng nếu được dùng làm khách sạn, thì phải đóng thuế như mọi người. Nếu không, thì không công bằng.

Và cha từng nói rằng, cha sẽ nhận 2 gia đình, ở Vatican này …

Đúng, 2 gia đình. Ngày hôm qua, tôi được báo rằng, đã xác định được 2 gia đình rồi, và 2 giáo xứ ở Vatican đã cam kết sẽ đi tìm họ.

Đã xác định được gia đình nào rồi?

Đúng, đúng, đã rồi. Hồng y Comastri lo việc này, cha là tổng đại diện của Vatican, cùng với tổng giám mục Konrad Krajewski, Tuyên úy Từ thiện của Giáo hoàng, đang làm việc với người vô gia cư và là người chịu trách nhiệm xây dựng các phòng tắm dưới chân hàng cột, và các tiệm cắt tóc nữa, thật sự tuyệt vời. Cha là người đã đưa những người vô gia cư đến thăm các bảo tàng và Nhà nguyện Sistine  …

Và các gia đình này sẽ ở lại trong thời gian bao lâu?

Bao lâu Chúa muốn. Chúng ta không biết khi nào chuyện này kết thúc, có phải không nào? Dù gì đi nữa, tôi muốn nói rằng châu Âu đã mở rộng đôi mắt mình hơn, và tôi cảm ơn vì điều này. Tôi cảm ơn các nước châu Âu đã mở to đôi mắt với việc này.

Nhóm truyền thông của chúng con đã dự một diễn đàn với các tổ chức Kitô giáo, cũng như từ các tôn giáo khác, với mục tiêu là giúp chào đón những người tị nạn. Cha có lời nào để động viên những người ra tay giúp đỡ, và động viên cả các thính giả và nhân viên của đài chúng con không?

Tôi chúc mừng anh chị em, và tôi cảm ơn vì những gì các bạn đang làm, và cho tôi có một lời khuyên: Trong ngày phán xét, chúng ta đã biết là mình sẽ được phán xử thế nào. Điều này đã được ghi trong chương 25 Tin mừng theo thánh Matthêu. Khi Chúa Giêsu hỏi bạn: ‘Ta đói, con có cho Ta ăn không?’ bạn sẽ trả lời ‘Có’ .. và rồi là ‘Khi Ta là người tị nạn, con có giúp Ta không?’ ‘Có!’ ‘Vậy thì chúc mừng con, con đã qua bài kiểm tra rồi!’ Và tôi cũng muốn nói đôi điều về những người trẻ không có công ăn việc làm. Tôi nghĩ đây là một chuyện khẩn cấp, đặc biệt là với các dòng tu có sứ mạng giáo dục, nhưng còn là với các giáo dân, các nhà giáo dục ở đời, cần sáng tạo ra những khóa học, các trường dạy ngắn hạn cấp thời. Nếu một người trẻ không có công ăn việc làm, đi học nấu ăn hay hàn chì, trong vòng 6 tháng, thì người đó có thể làm được những công việc nhỏ, luôn luôn có những mái nhà cần sửa chữa mà, hay họ làm thợ sơn, với những gì đã học được, người đó sẽ dễ dàng hơn để tìm việc, dù là một việc thời vụ hay bán thời gian. Người đó có thể làm những việc mà chúng ta xem là lặt vặt, nhưng như thế thì sẽ không bị ăn không ngồi rỗi. Bây giờ chúng ta đang sống trong một thời đại của giáo dục khẩn cấp. Đây là những gì thánh Don Bosco đã làm. Khi thấy có nhiều trẻ em lang thang trên đường phố, ngài nói rằng, ‘phải có giáo dục’ nhưng ngài không đưa các trẻ đến trường sơ cấp hay trung cấp, thay vào đó ngài dạy nghề cho các em. Vậy nên, ngài tìm một vài thợ mộc, thợ hàn, dạy cho các em biết việc, và như thế, các em luôn luôn có cách để kiếm sống.

Bây giờ tôi muốn kể một câu chuyện về thánh Don Bosco, ở ngay Roma này, gần Trastevere, một nơi …

… Một nơi nghèo …

Đúng, một khu vực rất nghèo, nhưng bây giờ đây là hình mẫu cho các người trẻ theo. Thánh Don Bosco đi chiếc xe ngựa, hay trong xe hơi, tôi cũng không biết nữa, và có ai đó ném đá làm vỡ cửa kính. Nên ngài bảo bạn đồng hành dừng lại, và nói: ‘Đây là nơi chúng ta nên ở lại!’ Hãy xem, khi đối diện với một hành động gây hấn, ngài xem đó là một cơ hội để giúp những người này, giúp các trẻ em, các thanh niên chỉ biết lêu lổng. Và ngày nay, ở đây có một giáo xứ nhỏ của dòng Don Bosco, chuyên giáo dục thanh niên và trẻ em, trong trường học và bằng nhiều cách khác. Và như thế, chúng ta trở về lại với người trẻ, điều quan trọng là chúng ta cho giới trẻ ngày nay, đặc biệt là những người không thể tìm được việc làm, một sự giáo dục khẩn cấp trong một số lĩnh vực có thể tạo điều kiện cho họ kiếm sống.

Cha rất phê phán châu Âu và phương Tây, vốn được xem là thế giới thứ nhất, với lối sống quá tập trung vào tiện nghi. Điều gì khiến cha phiền lòng nhất?

Vâng, tôi nghĩ là chuyện này cũng có trong một số thành phố ở châu Mỹ, Bắc hay Nam Mỹ, họ đều có cùng chung vấn đề này, chứ không chỉ riêng châu Âu …

… Đây là cái gọi là thế giới thứ nhất …

Đúng, trong các thành phố lớn … Ở Buenos Aires, có một khu vực lớn cho văn hóa tiện nghi, và bao quanh thành phố lại là các khu ổ chuột và đủ mọi thứ khác. Còn về châu Âu thời nay, tôi không nói chuyện là như thế. Người ta phải nhận ra rằng châu Âu có một nền văn hóa ngoại hạng. Sự thật là, châu Âu có hàng thế kỷ văn hóa và cũng là nơi của sự tiện nghi về tri thức. Dù gì đi nữa, những gì tôi muốn nói là châu Âu phải dùng hết năng lực của mình để tái nắm giữ vai trò lãnh đạo trong dàn phối hợp các quốc gia. Nghĩa là một lần nữa châu Âu phải xác định được con đường để đi, bởi châu Âu có nền văn hóa đủ để làm việc đó.

Nhưng châu Âu vẫn giữ được căn tính của mình? Châu Âu đang khẳng định căn tính của mình?

Tôi đã suy nghĩ rất lâu và rất day dứt về những gì tôi đã nói ở Strasbourg. Tôi muốn nhắc lại điều này: Châu Âu không chết. Hiện nay đang hơi có tính bà già (cười) nhưng châu Âu vẫn có thể trở lại thành một bà mẹ. Và tôi có niềm tin nơi các chính trị gia trẻ tuổi. Các chính trị gia trẻ đang có môt tông giọng khác. Có một vấn đề thế giới, không chỉ tác động lên châu Âu mà thôi nhưng là cả thế giới, đó là nạn tham nhũng. Tham nhũng đủ mọi mức độ … Điều này cũng cho thấy một đạo đức hời hợt, phải không?

Trong tông thư mới nhất, cha có nói về điều này, cha muốn mọi người ý thức hơn nữa, nhưng chúng con thấy nhiều người vẫn làm ngơ. Nếu cha nhìn vào chi tiết các kết quả bầu cử, cha sẽ thấy số người không đi bầu còn chiếm tỷ lệ cao hơn tỷ lệ ủng hộ một đảng …

Bởi người ta thất vọng. Một phần là bởi tham nhũng, một phần là bởi thiếu hiệu quả, và phần nào là bởi các chuyện trước đó. Dù gì đi nữa, tôi muốn lặp lại những lời đã nói ở Strasbourg, châu Âu có thể, và phải, chu toàn vai trò của mình, và phục hồi căn tính của mình. Thật vậy, châu Âu đã sai lầm, mà chuyện này tôi không chỉ trích chỉ là nhớ lại thôi, châu Âu đã sai lầm khi muốn nói về căn tính của mình mà không nhìn nhận một mức độ thâm sâu nhất, chính là gốc rễ Kitô giáo. Đây là một sai lầm. Nhưng, chúng ta tất cả đều có sai lầm trong đời … Bây giờ là lúc để phục hồi đức tin của châu Âu.

Thưa Đức Thánh Cha, con xin đưa ra một câu hỏi thay mặt các thính giả, về làn sóng của chủ nghĩa cá nhân. Điều gì có thể chạm đến tự do của một người cứ làm những gì mình muốn, và từ thưở nhỏ đã được dạy khái niệm hạnh phúc rằng ‘hạnh phúc nghĩa là không có chuyện phiền phức’? Nhìn chung, trẻ em đang được dạy để mong muốn ‘không phải rước chuyện phiền phức và làm những gì mình muốn’ …

Sống mà không có chuyện gì thì thật tẻ ngắt. Thật chán chường. Một người, bên trong bản thân, có nhu cầu phải đối diện và giải quyết các xung đột và vấn đề. Rõ ràng, một nền giáo dục dạy các em đừng có vấn đề gì, là một nền giáo dục vô trùng. Thử xem nào: Hãy uống một ly nước khoáng, nước lấy từ vòi, rồi lại uống một ly nước cất. Thật dở tệ phải không nào, nhưng nước cất không có vấn đề gì cả … (cười) kiểu này cũng giống như nuôi trẻ em trong phòng thí nghiệm, phải không? Xin đừng thế …!

Điều quan trọng là phải mạo hiểm?

Mạo hiểm và luôn luôn đặt mục tiêu! Bạn cần phải giáo dục trên đôi chân. Để giáo dục tốt, bạn phải có một bàn chân vững vàng trên mặt đất, và một bàn chân khác nâng lên bước tới, tìm xem nơi nào để đặt xuống. Và khi bàn chân đó đặt xuống sàn, thì đưa bàn chân kia lên (ĐTC dỡ bàn chân lên) và … chính đó, đó là giáo dục: Cho mình ổn định với những điều an toàn, nhưng cố gắng và thực hiện một bước tiến cho tới khi nó vững chắc, rồi tiếp thêm một bước khác …

Cần phải cố gắng lắm để giáo dục như thế …

Cần có mạo hiểm? Tại sao lại thế? Bởi bạn có thể bước nhầm và ngã .. Nếu vậy, thì hãy đứng dậy và tiếp tục bước tới!

Thưa Đức Thánh Cha, trong thời đại chủ nghĩa cá nhân mà chúng ta đang sống, và cha cũng đã nhắc đến ở Strasbourg, dường như con người luôn luôn tìm kiếm quyền lợi, luôn luôn tách khỏi việc tìm kiếm chân lý. Cha có tin đây cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến cách sống đức tin hay không?

Có thể … Luôn luôn đòi hỏi, mà không có lòng quảng đại để trao đi. Chúng ta đòi quyền lợi của mình, nhưng lại không đòi nghĩa vụ của mình đối với xã hội. Tôi tin rằng quyền lợi và nghĩa vụ phải song hành. Nếu không, chúng ta đang tạo ra một nền giáo dục gương soi: bởi giáo dục trước một tấm gương chính là thói ái kỷ và ngày nay, chúng ta đang sống trong một nền văn minh ái kỷ.

 Và làm sao để thắng trận chiến này?

Nhờ giáo dục, ví dụ như, về quyền lợi và nghĩa vụ, một nền giáo dục về các việc mạo hiểm có lý, tìm kiếm mục đích sống, tiến tới chứ không đứng ì nhìn mãi vào gương … Để chúng ta không bị chung số phận như Narcisus, cứ nhìn mãi vào dòng nước, thấy mình quá đẹp, rồi chìm nghỉm luôn trong đó. [Blup!]

Thưa Đức Thánh Cha, cha nói là cha thích một Giáo hội bầm tím hơn là một Giáo hội đình trệ. Ý của cha, ‘bầm tím’ nghĩa là gì?

Vâng, để tôi giải thích, đây là một hình ảnh cuộc sống. Nếu ai đó có một căn phòng trong nhà đã đóng kín cửa từ lâu, thì nó dần ẩm mốc, bốc mùi hôi. Nếu một Giáo hội, một giáo xứ, một giáo phận hay một dòng tu sống khép kín trong bản thân, thì sẽ dần ngã bệnh (cũng như bạn ở trong căn phòng kín vậy) và chúng ta chỉ còn lại một Giáo hội gầy còm, với các luật nghiêm khắc, không còn sáng tạo. Thật an toàn phải không nào, còn hơn cả an toàn nữa, được đảm bảo bởi một hãng bảo hiểm, nhưng đó không phải là an toàn. Ngược lại, nếu Giáo hội đi ra, nếu một giáo hội và một giáo xứ bước ra đi vào trong thế giới, thì có lúc họ phải chịu cùng số phận như bất kỳ ai ở ngoài đường, là gặp phải tai nạn. Nhưng trong trường hợp đó, giữa một giáo hội bệnh hoạn và một giáo hội bầm tím, tôi thích một giáo hội bầm tím hơn, bởi ít nhất là giáo hội đó đã đi ra. Ở đây, tôi muốn nhắc lại một chuyện mà tôi đã nói trước đây: Trong Kinh thánh, trong sách Khải huyền, có những chuyện vô cùng tuyệt đẹp về Chúa Giêsu. Tôi tin là đoạn này trong chương 2, trong đó Chúa nói với Giáo hội rằng, ‘Ta đứng ở cửa, và Ta gõ’ Chúa Giêsu đang gõ cửa, ‘Nếu ngươi mở cửa, Ta sẽ vào và dùng bữa với ngươi.’ Nhưng, tôi tự nhủ, Chúa Giêsu đã gõ cửa biết bao nhiêu lần, nhưng là gõ từ bên trong Giáo hội, để đi ra rao giảng Nước Trời. Nhiều khi chúng ta chiếm lấy Chúa Giêsu, cho riêng chúng ta, và quên mất rằng một Giáo hội không đi ra vào lòng thế giới, một Giáo hội không ra ngoài, là đang cầm tù Chúa Giêsu đó.

Đây là lý do vì sao cha được bầu làm Giáo hoàng?!

Cái này thì phải hỏi Chúa Thánh Thần thôi.

(cha cười lớn)

Thưa Đức Thánh Cha, từ khi được bầu, cha có thấy rằng Giáo hội đã bầm tím hơn không?

Tôi không biết nữa. Từ những gì nghe được, tôi biết là Chúa đã chúc lành nhiều cho Giáo hội của Ngài. Đây là một điều không dựa vào tôi, nhưng là dựa vào phúc lành Chúa ban cho Giáo hội của Ngài. Và bây giờ, với Năm Toàn xá Lòng Thương xót, tôi hi vọng nhiều người mẹ sẽ cảm nghiệm Giáo hội là người mẹ. Bởi Giáo hội có thể đang phải trải qua những điều như châu Âu vậy, có thể chứ? Trở nên quá già cỗi, chứ không phải là một người mẹ có khả năng sinh sôi sự sống.

Đây có phải là nguyên do của Năm Toàn xá Lòng Thương xót?

Hãy đến! Hết thảy hãy đến! Hãy đến và cảm nhận tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa. Ở Buenos Aires, tôi có gặp một cha dòng Capuchin, trẻ hơn tôi một chút, là một cha giải tội tuyệt vời. Luôn có từng hàng dài rất nhiều người đến chờ, và cha giải tội suốt ngày. Cha là một ‘người tha thứ’ vĩ đai, cha tha rất nhiều. Và có lúc, cha thấy tội lỗi vì đã tha thứ nhiều quá. Có lần chúng tôi đang trò chuyện, và cha nói: ‘Đôi khi tôi cảm thấy tội lỗi.’ Và tôi hỏi: ‘Anh làm gì khi cảm thấy tội lỗi như thế?’ – ‘Tôi đến trước Nhà tạm, nhìn lên Chúa và nói: ‘Lạy Chúa, xin tha cho con, hôm nay con đã tha quá nhiều, nhưng xin làm thật rõ rằng, tất cả đều là lỗi của Chúa, bởi Chúa là người đã làm gương xấu này cho con trước!’

Vì lý do này, mà cha cũng đã quyết định trong thư ngỏ Năm Toàn xá Lòng Thương xót, cho phép tha tội cho các trường hợp khó xử và đây cũng là lý do vì sao cha vừa công bố các tự sắc đẩy nhanh tiến trình tuyên bố tiêu hôn. Những việc này có quan hệ gì với Năm Toàn xá hay không?

Đúng, nói đơn giản là … Xoa dịu đức tin của mọi người. Và Giáo hội phải như một người mẹ …

Chính xác thì, đâu là lý do ẩn sau tự sắc về tuyên bố tiêu hôn? Để xúc tiến hơn?

Xúc tiến, xúc tiến các quá trình trong tay giám mục. Một thẩm phán, một biện sư cho mối ràng buộc hôn phối, một tuyên án, bởi cho đến nay, để tiến hành bạn cần đến hai phán quyết mới được. Nhưng, bây giờ chỉ cần một. Nếu không có kháng cáo, thì như vậy là xong. Nếu có kháng cáo, thì sẽ chuyển lên tổng giám mục chính tòa, nhưng được xúc tiến, đúng thế. Và tiến trình xét xử phải miễn phí.

Cha có nghĩ về hội đồng gia đình và Năm Toàn xá?

Cả hai gắn kết hoàn toàn.

Con biết cha không muốn nói về hội đồng, nhưng với tấm lòng của Mục tử Hoàn vũ, cha muốn điều gì?

Tôi xin mọi người cầu nguyện thật nhiều. Còn về hội đồng, thì nhà báo các bạn đã biết về Văn kiện Làm việc. Chúng ta sẽ nói về việc này, về nội dung. Có 3 tuần, một chủ đề và một chương cho mỗi tuần. Và chúng ta đặt kỳ vọng cao, bởi rõ ràng là gia đình đang trong cơn khủng hoảng. Người trẻ không còn muốn kết hôn. Họ không kết hôn. Hay, là với nền văn hóa ngắn hạn, họ nói rằng, ‘Tôi sẽ không chuyển đến sống chung, hay kết hôn với cô ấy, nhưng chỉ yêu đến khi nào còn yêu, xong thì bye-bye …’

Và Đức Thánh Cha nói gì với những người đang sống trong những tình trạng đi ngược lại với huấn giáo Giáo hội và đang khát khao được tha thứ?

Trong hội đồng, chúng tôi sẽ nói về tất cả cách thức khả dĩ để giúp các gia đình này. Nhưng có một điều cần phải làm rất rõ, một điều mà Đức Bênêđictô đã làm khá rõ, là những người đang trong cuộc hôn nhân thứ hai, không bị rút phép thông công và phải được dự phần vào trong đời sống Giáo hội. Điều này đã được làm rõ. Tôi cũng đã nói khá rõ điều này: Phải đưa họ gần lai với thánh lễ, với giáo lý, với việc giáo dục con cái, việc thiện … Có rất nhiều ý kiến khác nhau.

Vatican_Journalist_Aura_Miguel_with_Portugal_based_Radio_Renascena_interviews_Pope_Francis_Sept_8_2015_Credit_LOsservatore_Romano_CNA

Thưa Đức Thánh Cha, con muốn kết buổi phỏng vấn với vài câu hỏi về ơn gọi của cha. Hồi đầu tháng 3, 2013, cha đang chuẩn bị để về hưu. Cha đã quyết định xem sẽ sống ở đâu và đủ mọi chuyện khác. Tuy nhiên, cha lại trở thành một trong những người nổi tiếng nhất thế giới. Cha xử trí thế nào trước tình trạng này?

Tôi không mất sự bình an. Đây là một ơn … bình an là ơn Chúa. Đây là ơn mà Chúa đã ban cho tôi, một điều tôi không thể hình dung được, nếu xem xét độ tuổi của tôi và mọi chuyện khác. Và, hơn nữa, tôi đã chuẩn bị để về lại Argentina, và nghĩ rằng không thể cứ bầu giáo hoàng trong thời gian Tuần Thánh được. Vậy nên, nếu mật nghị kéo dài, thì cũng phải kết thúc chậm nhất là ngày thứ bảy trước Chúa nhật Lễ Lá. Vậy nên tôi có vé khứ hồi, để có thể cử hành thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh ở Buenos Aires, và tôi còn có bài giảng soạn sẵn nữa. Đây là một chuyện tôi không ngờ. Hồi tháng 12, tôi đã chuẩn bị để rời giáo phận, để xúc tiến chỉ định người kế tòa. Mọi chuyên lại khác hẳn đi …

…. và bây giờ, cha có một cuộc phiêu lưu trước mắt.

Mọi sự … Nhưng tôi không mất bình an. Tôi đã không mất bình an.

Thưa Đức Thánh Cha, cha được yêu mến trên khắp thế giới, theo các khảo sát thì tầm đại chúng của cha ngày càng tăng, và nhiều người còn muốn cha đoạt giải Nobel Hòa bình nữa … Nhưng Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn đệ rằng, họ sẽ ‘bị ghét bỏ vì danh Thầy.’ Cha thấy thế nào?

Tôi thường tự hỏi không biết thập giá của mình sẽ thế nào, đang thế nào … Có thập giá mà. Bạn không thể thấy, nhưng có thập giá. Chúa Giêsu cũng vậy, có những lúc rất nổi tiếng, và nhìn xem, rồi mọi chuyện thế nào. Không một ai bảo đảm hạnh phúc trong thế giới này. Điều duy nhất tôi xin là giữ được sự bình an trong lòng, và xin Chúa giữ tôi trong ơn sủng Chúa, bởi cho đến giờ phút cuối cùng, chúng ta là những những người có tội và vẫn có thể chối bỏ ơn Chúa. Có một chuyện cho tôi được an ủi: Thánh Phêrô từng mắc tội trọng, là chối Chúa Giêsu, và ngài là Giáo hoàng … Nếu mọi người xem ngài là giáo hoàng bất chấp tội nặng nề này, thì với tất cả mọi tội tôi phạm, thật là thấy an ủi, bởi Chúa sẽ dõi theo tôi như đã từng dõi theo thánh Phêrô. Nhưng thánh Phêrô đã chết trên thập giá, còn tôi thì không biết mình sẽ chết thế nào. Để Chúa quyết định, chỉ cần cho tôi được bình an, xin theo ý Chúa.

Là giáo hoàng, sự tự do của cha như thế nào …? Có lần buổi sáng sớm, trước thánh lễ ở quảng trường thánh Phêrô, cha đã ra tiệm kính để sửa kính … Cha có cần phải liên lạc với mọi người không?

Vâng, tôi cần được đi ra ngoài, nhưng bây giờ thì chưa phải lúc lắm … Nhưng dần dần, tôi có một số liên lạc với nhiều người nhân các dịp ngày thứ tư, và điều này giúp tôi nhiều. Tôi vẫn nhớ Buenos Aires, thời được ra ngoài và rảo bộ trên đường.

Con muốn kết thúc với một vài câu hỏi nhanh? Chuyện gì làm cha tỉnh giấc ban đêm?

Sự thật? Tôi ngủ một mạch miết thôi!

(cười)

Và điều gì thêm động lực cho cha?

Có nhiều việc để làm.

Những việc vàng không khẩn cấp có thể đề lại?

Chuyện gì là không khẩn cấp? Những chuyện nhỏ có thể chờ đến ngày mai, hay hôm sau nữa. Có những chuyện rất khẩn cấp và chuyện khác thì không quá khẩn cấp … Nhưng tôi không thể nói với các bạn cụ thể chuyện nào khẩn cấp hơn chuyện nào được.

Cha đi xưng tội bao lâu một lần?

Mỗi 15 hay 20 ngày. Tôi xưng tội với một cha người Pháp, cha Blanco, người ân cần đến đây và nghe tôi xưng tội. Và tôi chưa bao giờ phải gọi xe cứu thương để đưa cha về nhà, trong trường hợp cha sốc vì nghe các tội của tôi cả. (cười)

Cha muốn chết thế nào và ở đâu?

Theo ý Chúa muốn. Nghiêm túc đấy  … Theo ý Chúa muốn.

Câu hỏi cuối cùng. Cha hình dung sự bất diệt thế nào?

Khi còn trẻ tôi hình dung sự bất diệt rất là buồn tẻ. Bây giờ, tôi nghĩ đó là mầu nhiệm gặp gỡ. Đây là điều hầu như không hình dung được, nhưng phải đẹp và tuyệt diệu lắm khi được gặp Thiên Chúa.

Cảm ơn Đức Thánh Cha.

Cảm ơn, và xin gởi lời chào đến các thính giả của đài. Và xin vui lòng, tôi xin các bạn cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành và xin Đức Mẹ Fatima phù trợ các bạn.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch