Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về việc Tìm Chúa Phục Sinh

Anh chị em hãy coi kìa, Người đang sống, Người đang ở với chúng ta! Chúng ta đừng đi về phía tất cả những ngôi mộ ấy, là những gì hôm nay đang hứa hẹn với anh chị em một điều gì đó, vẻ đẹp, và rồi không đem đến cho anh chị em bất cứ điều nào cả! Người đang sống! Chúng ta không tìm người sống giữa những kẻ chết!
Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô  về việc Tìm Chúa Phục Sinh

Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô
về việc Tìm Chúa Phục Sinh

“Lời cảnh báo này, “Tại sao anh chị em lại tìm người sống giữa những kẻ chết” sẽ giúp chúng ta thắng vượt những không gian buồn thảm của mình và mở ra những chân trời của niềm vui và niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy đẩy các tảng đá ra khỏi các ngôi mộ và khuyến khích chúng ta loan báo Tin Mừng, có khả năng phát sinh ra sự sống mới cho tha nhân.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 23 tháng 4 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC nói về việc làm thế nào để tìm thấy Chúa Phục Sinh trong đời mình.

* * *

“Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa những người chết”

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tuần này là tuần lễ vui mừng: chúng ta cử hành Lễ Phục Sinh của Giêsu. Đó là một niềm vui đích thực, sâu xa, dựa trên sự chắc chắn rằng Đức Kitô hiện đã sống lại, Người không còn chết nữa, nhưng đang sống cùng hoạt động trong Hội Thánh và trong thế gian. Chắc chắn Người ngự trong tâm hồn các tín hữu từ buổi sáng Phục Sinh, khi các phụ nữ đi đến ngôi mộ của Chúa Giêsu và thiên sứ bảo họ: “Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?” (Lc 24,5 ). “Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?” Những lời này là một mốc quan trọng trong lịch sử; nhưng cũng còn là một “chướng ngại” nếu chúng ta không mở lòng ra đón nhận tin mừng, nếu chúng ta tin rằng một Chúa Giêsu đã chết gây ra cho chúng ta ít phiền phức hơn một Chúa Giêsu còn sống! Tuy nhiên, biết bao lần trong cuộc hành trình hàng ngày của mình, chúng ta cần phải nghe: “Tại sao anh chị em lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?”! Biết bao lần chúng ta tìm người sống ở giữa những kẻ chết, giữa những điều không thể ban cho chúng ta sự sống, giữa những điều nay còn mai mất, những điều chóng quá… “Tại sao anh chị em lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?”

Chúng ta cần đến câu hỏi này khi chúng ta đóng kín mình trong bất kỳ hình thức ích kỷ hay tự mãn nào; khi chúng ta để cho mình bị quyến rũ bởi những quyền lực thế gian và những gì thuộc về thế gian này, qua việc bỏ quên Thiên Chúa và tha nhân; khi chúng ta đặt niềm tin của mình vào những gì là phù phiếm của thế gian, vào tiền bạc, vào thành công. Khi ấy Lời Chúa bảo chúng ta: “Tại sao anh chị em lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?” Tại sao anh chị em lại tìm ở đó? Điều ấy không thể ban cho anh chị em sự sống! Vâng, có thể điều ấy ban cho anh chị em một ít vui thích trong một giây phút, một ngày, một tuần, một tháng… nhưng sau đó là gì? “Tại sao anh chị em lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?” Câu này phải được nhập vào tâm chúng ta, và chúng ta phải lặp lại nó. Chúng ta cùng nhau lặp lại ba lần nhé? Chúng ta cố gắng được không? Tất cả: “Tại sao anh chị em lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết” [đám đông lặp lại]. Hôm nay, khi chúng ta về nhà, chúng ta hãy nói lời ấy trong lòng, trong im lặng, và chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi này: tại sao trong đời sống tôi, tôi lại tìm người sống giữa những kẻ chết? Điều đó sẽ tốt cho chúng ta.

Không phải dễ dàng để mở lòng ra cho Chúa Giêsu. Chấp nhận sự sống của Đức Kitô Phục Sinh và sự hiện diện của Người giữa chúng ta không phải lả điều đương nhiên. Tin Mừng cho chúng ta thấy những phản ứng khác nhau: Tông Đồ Tôma, bà Maria Magđalena và hai môn đệ trên đường Emmau: thật tốt cho chúng ta khi so sánh mình với các ngài. Thánh Tôma đưa ra một điều kiện với đức tin, ngài đòi được sờ mó đến bằng chứng là những vết thương; bà Maria Magdđalena đã khóc, bà nhìn thấy Người nhưng không nhận ra Người, bà chỉ nhận ra đó là Chúa Giêsu khi Người gọi đích danh bà; các môn đệ trên đường Emmau, buồn nản và với một cảm giác thất bại, họ gặp gỡ Chúa Giêsu bằng cách để cho người lữ khách bí ẩn đồng hành với mình. Mỗi người một đường khác nhau! Các ngài tìm người sống giữa những kẻ chết, và chính Chúa điều chỉnh lại lộ trình của các ngài. Còn tôi, tôi phải làm gì? Tôi phải đi theo đường nào để gặp Đức Kitô hằng sống? Người sẽ luôn luôn gần gũi chúng ta để chỉnh lại lộ trình nếu chúng ta đi lạc.

“Tại sao anh chị em lại tìm người sống ở giữa những kẻ chết?” (Lc 24:5). Câu hỏi này giúp chúng ta thắng vượt cơn cám dỗ nhìn lại phía sau là những gì thuộc ngày hôm qua, và thúc đẩy chúng ta nhìn về phía trước về phía tương lai. Chúa Giêsu không ở trong mồ, Người là Đấng Phục Sinh! Người là Đấng Hằng Sống, Đấng luôn luôn canh tân thân thể của Người là Hội Thánh và làm cho Hội Thánh bước đi bằng cách lôi kéo Hội Thánh về phía Người. “Hôm qua” là ngôi mộ của Chúa Giêsu và của Hội Thánh, ngôi mộ của chân l‎ý và công lý; “hôm nay” là sự sống lại vĩnh cửu mà Chúa Thánh Thần thúc đầy chúng ta tiến về, bằng cách ban cho chúng ta sự tự do trọn vẹn.

Hôm nay câu hỏi này cũng được đặt ra cho chúng ta. Còn anh (chị), tại sao anh (chị) lại tìm người sống giữa những kẻ chết, bằng cách tự đóng kín trong chính mình sau một thất bại và không còn đủ sức để cầu nguyện nữa? Tại sao anh (chị) tìm người sống giữa những kẻ chết, anh (chị), người cảm thấy cô đơn, bị bạn bè của mình, và có lẽ ngay cả Thiên Chúa, bỏ rơi? Tại sao anh (chị) tìm người sống giữa những kẻ chết, anh (chị), người người đã mất hy vọng và cảm thấy bị cầm tù bởi tội lỗi của mình? Tại sao anh (chị) tìm người sống giữa những kẻ chết, anh (chị), người khao khát vẻ đẹp, sự hoàn thiện tâm linh, công lý, hòa bình?

Chúng ta cần phải lặp lại và nhắc nhở nhau của lời cảnh báo của thiên sứ! Lời cảnh báo này, “Tại sao anh chị em lại tìm người sống giữa những kẻ chết” sẽ giúp chúng ta thắng vượt những không gian buồn thảm của mình và mở ra những chân trời của niềm vui và niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy đẩy các tảng đá ra khỏi các ngôi mộ và khuyến khích chúng ta loan báo Tin Mừng, có khả năng phát sinh ra sự sống mới cho tha nhân. Chúng ta hãy nhắc lại câu này của thiên sứ để nó nhập tâm và nhập trí chúng ta, và sau đó tất cả mọi người đáp lại một cách âm thầm: “Tại sao anh chị em lại tìm người sống giữa những kẻ chết?” Chúng ta hãy lặp lại! [đám đông lặp lại]. Anh chị em hãy coi kìa, Người đang sống, Người đang ở với chúng ta! Chúng ta đừng đi về phía tất cả những ngôi mộ ấy, là những gì hôm nay đang hứa hẹn với anh chị em một điều gì đó, vẻ đẹp, và rồi không đem đến cho anh chị em bất cứ điều nào cả! Người đang sống! Chúng ta không tìm người sống giữa những kẻ chết! Cảm ơn anh chị em.

Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô
về Tuần Thánh và Thánh Giá

“Khi nhìn vào Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn của Người, chúng ta như nhìn thấy trong một tấm gương những đau khổ của nhân loại, và chúng ta tìm được câu trả lời của Thiên Chúa cho mầu nhiệm sự dữ, đau khổ và sự chết.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 16 tháng 4 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC nói về Thập Giá và Tuần Thánh.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, ở giữa Tuần Thánh, phụng vụ trình bày cho chúng ta một tình tiết đau buồn: câu chuyện về sự phản bội của Giuđa, kẻ đi tìm các nhà lãnh đạo Công Nghị Do Thái để mặc cả và nộp Thầy mình cho họ. “Các ông trả tôi bao nhiêu nếu tôi trao Người cho các ông?” Từ lúc đó Chúa Giêsu có một giá. Hành động bi thảm này đánh dấu sự khởi đầu của Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, một quãng đường đau đớn mà Người đã chọn với sự tự do tuyệt đối. Chính Người đã nói rõ rằng: “Tôi hy sinh mạng sống mình… Không ai lấy nó đi từ Tôi: chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10:17-18 ). Và như vậy, với sự phản bội này bắt đầu con đường nhục nhã và lột trần của Chúa Giêsu như thể Người bị bán ở chợ: người này giá ba mươi đồng bạc…. Một khi đã đi trên quãng đường nhục nhã và lột trần, Chúa Giêsu đi cho đến cùng.

Chúa Giêsu đạt đến sự sỉ nhục hoàn toàn với “cái chết thập giá.” Nó còn tồi tệ hơn cái chết vì là cái chết dành riêng cho các nô lệ và các tội phạm. Chúa Giêsu đã được người ta coi như một ngôn sứ, nhưng Người đã chết như một tội nhân. Khi nhìn vào Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn của Người, chúng ta như nhìn thấy trong một tấm gương những đau khổ của nhân loại, và chúng ta tìm được câu trả lời của Thiên Chúa cho mầu nhiệm sự dữ, đau khổ và sự chết. Biết bao lần chúng ta cảm thấy kinh hoàng về những sự dữ và đau khổ vây quanh mính và tự hỏi, “Tại sao Thiên Chúa cho phép điều ấy xảy ra?’ Thật là một nỗi đau thương sâu xa cho chúng ta thấy sự đau khổ và sự chết, đặc biệt là của những người vô tội! Khi chúng ta thấy các trẻ em đau khổ, là một vết thương trong tâm hồn: mầu nhiệm sự dữ. Và Chúa Giêsu nhận lấy tất cả sự dữ này, tất cả đau khổ này trên chính mình Người. Tuần này thật tốt cho tất cả chúng ta để nhìn vào Cây Thánh Giá, hôn những vết thương của Chúa Giêsu, hôn lên Cây Thánh Giá. Người mang trên vai tất cả đau khổ của nhân loại, nó được bao phủ trong khổ nạn này.

Chúng ta trông mong Thiên Chúa, trong sự toàn năng của Ngài, đánh bại bất công, sự dữ, tội lỗi và đau khổ bằng một cuộc chiến thắng khải hoàn thần diệu. Thay vào đó, Thiên Chúa cho chúng ta thấy một chiến thắng khiêm tốn, bị coi như là thất bại trước mắt loài người. Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa chiến thắng trong thất bại! Thực ra, Con Thiên Chúa trên thập giá có vẻ như một người bị đánh bại: đau khổ, bị phản bội, bị xỉ nhục, và cuối cùng bị chết. Nhưng Chúa Giêsu cho phép sự dữ hoành hành trên Người và Người mang nó trên mình để chiến thắng nó. Cuộc Khổ Nạn của Người không phải là một tai nạn; cái chết của Người – cái chết ấy – đã được “viết” trước. Thật sự chúng ta không tìm thấy nhiều giải thích. Nó là một mầu nhiệm gây hoang mang, mầu nhiệm của sự khiêm tốn cao vời của Thiên Chúa: “Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài” (Ga 3:16). Trong tuần này, chúng ta suy nghĩ rất nhiều về nỗi đau của Chúa Giêsu và tự nhủ: đó là cho tôi. Ngay cả khi tôi là người duy nhất trên thế gian, Người sẽ làm điều ấy. Người đã làm cho tôi. Chúng ta hãy hôn Thánh Giá và nói: “Cho con, cảm ơn Chúa Giêsu, cho con.”

Khi tất cả dường như bị thất bại, khi không còn ai vì chúng đánh “chủ chăn, và đàn chiên sẽ bị phân tán” (Mt 26:31 ), thì chính khi đó Thiên Chúa can thiệp với quyền năng Phục Sinh. Sự Sống Lại của Chúa Giêsu không phải là kết thúc tốt đẹp của một câu chuyện thần tiên, không phải là kết thúc có hậu của một cuốn phim, nhưng là sự can thiệp của Thiên Chúa Cha, và ở nơi mà niềm hy vọng của con người bị xụp đổ. Vào lúc mà tất cả dường như bị mất hết, trong lúc đớn đau, trong đó nhiều người cảm thấy cần phải xuống khỏi thập giá, chính là lúc gần sự sống lại nhất. Đêm trở nên tối hơn ngay trước khi buổi sáng bắt đầu, trước khi ánh sáng bắt đầu. Trong lúc đen tối nhất thì Thiên Chúa can thiệp và sống lại.

Chúa Giêsu, Đấng đã chọn đi qua quãng đường này, mời gọi chúng ta đi theo Người trong cùng cuộc hành trình nhục nhã của Người. Khi trong giây phút nào đó của cuộc sống, chúng ta thấy không có cách nào thoát ra khỏi những khó khăn của mình, khi chúng ta chìm vào bóng tối dày đặc, chính là giây phút nhục nhằn và bị lột trần hoàn toàn của chúng ta, giờ mà trong đó chúng ta cảm nghiệm rằng mình yếu đuối và tội lỗi. Thực ra chính khi đó, vào lúc đó, chúng ta không được che giấu thất bại của mình, nhưng mở lòng ra cách tin tưởng để hy vọng vào Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã làm. Anh chị em thân mến, thật tốt cho chúng ta trong tuần này khi cầm Cây Thánh Giá trong tay và hôn kính Thánh Giá rất nhiều lần, rất nhiều lần, và thưa: “con cám ơn Chúa, lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa.” Ước gì được như vậy.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ