Bài giảng Chúa Nhật 28 Thường Niên A

 

 
 

 CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN A

Lời Chúa: Mt 22, 1-14

“Vì kẻ được gọi thì nhiều,

mà người được chọn thì ít.”

(Mt 22,14)

 

Anh chị em thân mến,

Chúng ta vừa được nghe một ngôn nữa của Chúa Giêsu.

Thử hỏi Chúa muốn nói gì với người nghe Chúa lúc đó và chúng ta hôm nay?

I. Đây là dụ ngôn có tính cách đặc biệt. Ý nghĩa của nó tương đối cũng dễ hiểu.

– Vua ở đây là Thiên Chúa

– Tiệc cưới là Nước Thiên Chúa

Trong Cựu Ước các ngôn sứ thường diễn tả giao ước giữa Thiên Chúa và dân tộc Do Thái như một cuộc hôn nhân mầu nhiệm. Tân Ước cũng lấy lại ý tưởng này và áp dụng vào sự liên kết giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài.

– Đầy tớ là các sứ giả của Chúa. Trong Cựu Ước là các ngôn sứ. Trong Tân Ước là các tông đồ.

– Khách được ưu tiên mời gọi trước hết là dân tộc Do Thái.

– Những người đến sau là mọi dân tộc.

– Áo cưới chỉ ơn thánh được coi như trang sức cho tâm hồn.

Theo câu truyện trong bài dụ ngôn thì chúng ta thấy có 3 lần mời… ba lần mời hay ba lần đi mời cũng vậy.

Lần mời thứ nhất dành cho những người được tuyển chọn nhưng họ đã không tới.

Lần mời thứ hai lặp lại lời mời lần thứ nhất và đối tượng được mời cũng y hệt như lần thứ nhất. Và những người được mời vẫn từ chối. Lần từ chối này có tính cách quyết liệt hơn.

* Lần mời thứ ba là một lần mời đặc biệt. Thông thường thì chúng ta thấy trong thực tế khó mà có chuyện như vậy. Thế nhưng chúng ta phải nhớ đây là một dụ ngôn. Và trong dụ ngôn thì có thể có nhiều truyện kể cả những truyện mà thực tế không thể xẩy ra được. Ở đây chúng ta thấy nhà Vua đã làm một việc hơi khác thường. Sau khi những người được nhà Vua mời để dự tiệc cưới của hoàng tử đã không ai tới mặc dầu nhà Vua đã kiên trì nhẫn nại mời họ đến lần thứ hai.

Tới đây thì sự kiên nhẫn của nhà Vua dường như đã đến cái giới hạn của nó. Nhà Vua không thèm để ý đến những người đã dược mời trước nữa. Nhà Vua đã ban lệnh cho các thuộc hạ của mình để họ đi ra các ngã ba đường mời tất cả mọi người. Đúng vậy! Tất cả mọi người bất kể họ là hạng người như thế nào để họ vào cho đầy phòng tiệc. Phải nói là thái độ của nhà Vua lúc này đã có một cái gì khác lạ…

II. Ý nghĩa câu truyện như thế nào?

Các nhà chú giải Thánh Kinh hầu như đã có một sự nhất trí rất cao về ý nghĩa của dụ ngôn này.

Ba lần này tương đương với ba giai đoạn trục trong lịch sử Cứu độ.

– Giai đoạn 1 bắt đầu từ khi Chúa chọn dân Do Thái cho tới cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.

– Giai đoạn thứ 2 bắt đầu từ Ngày lễ Ngũ tuần cho tới cái chết của tông đồ cuối cùng.

– Và giai đoạn thứ ba tiếp liền sau đó. Đó là thời kỳ lương dân được kêu gọi.

Ở giai đoạn thứ nhất chúng ta thấy dân Do Thái là một dân được tuyển chọn để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chúa Cứu thế. Việc Chúa Cứu thế đến với con nguời là một hồng ân. Lý ra thì những người Do Thái phải là những người đầu tiên được hạnh phúc đón nhận hồng ân đó. Thế nhưng thực tế đã không xảy ra như vậy. Họ đã từ chối những ơn Chúa ban cho.

Tới giai đoạn thứ hai chúng ta thấy, sau khi Chúa Giêsu về trời rồi thì đối tượng ưu tiên cho việc rao giảng Tin Mừng cũng vẫn là những người Do Thái, những người Do Thái ở quê hương cũng như những người Do Thái hải ngoại. Thế nhưng lần này cũng như lần trước, những người Do Thái vẫn lãnh đạm với Tin Mừng. Thậm chí họ còn bắt các tông đồ mà giết đi.

Xin mở một dấu ngoặc ở chỗ này.

Rõ ràng ở đây chúng ta thấy: Những lý do khiến người ta khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa không phải là những lý do xấu. Người thì ra ruộng, kẻ đi buôn, người thì làm nhưng công việc khác cần thiết cho đời sống của mình. Không ai khước từ để đi chơi bời, nhậu nhoẹt say sưa hay làm những việc vô đạo đức. Vậy phải chăng làm như thế là có lỗi? Ở dây chúng ta phải để ý đến điều này: Rất nhiều khi trong cuộc sống, con người thường hay để ý đến những điều tạm bợ và quên đi những giá trị cao hơn. Và thảm kịch của đời sống nhiều khi không phải là cái xấu nhưng nhiều lúc lại chính là cái tốt. Rất nhiều khi ta vì quá bận rộn mưu sinh mà quên lo cho chính cuộc sống, quá bận rộn vào việc tổ chức đời sống mà quên đi chính đời sống của mình. Ngày xưa đã thế và ngày nay cũng vậy. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi cuộc sống như vậy là cuộc sống nông cạn.

Ở đây, Chúa đã không nhấn mạnh đến hình phạt. Ngoại trừ đối với những kẻ quá ác nhân ác đức: Bắt giết cả các đầy tớ của vua. Hình phạt thì ai cũng rõ: Thành Giêrusalem đã bị tàn phá vào năm 70.

* Và bây giờ xin được tiếp sang giai đoạn thứ ba. Đây là giai đoạn của lương dân nghĩa tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc được mời gọi… Trong số những người này có cả chúng ta nữa.

Tất cả được mời gọi do lòng quảng đại của Vua.

Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta vào Hội Thánh Ngài và chúng ta đã chấp nhận bằng cách lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Bí tích Rửa tội làm cho con người chúng ta thành Con Thiên Chúa.

Trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội Giáo Hội trao cho chúng ta một chiếc áo trắng với lời nhắn nhủ: Con đã trở nên thụ tạo mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy nhận lấy chiếc áo trắng này và hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước tòa Đức Kitô Chúa chúng ta để được sống đời đời.

Bí tích Rửa tội là một hồng ân. Nhưng chỉ lãnh nhận mà thôi thì chưa đủ, mà còn phải sống ơn Bí tích Rửa tội nữa. Nói thế có nghĩa là chúng ta phải thay đổi nếp sống cũ, thói quen xấu, tội lỗi trước đó, để sống đời sống mới theo gương của Chúa Giêsu như thánh Phaolô nói: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, (x. Rm 13,14) và trở nên đồng hình đồng dạng với Người (x. Phil 3,10). Nói khác đi, không phải cứ ghi tên vào sổ Rửa tội và Thêm sức là đương nhiên được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Cũng như khách được mời dự tiệc, tuy đã được vào phòng tiệc, không những không được ăn mà còn bị đuổi ra ngoài vì không mang lễ phục tiệc cưới thì những người đã được Rửa tội cũng tương tự như thế. Nếu không giữ được chiếc áo trắng tinh tuyền nghĩa là không có tâm hồn trong sạch thì họ không xứng đáng với những hồng ân Chúa ban.

Ơn Chúa ban là một hồng ân nhưng không, nhưng không phải là một hồng ân vô điều kiện. Muốn được hưởng hồng ân của Chúa con người tối thiểu phải có một số điều kiện nào đó.

Xin được kết thúc bằng một câu truyện nhỏ:

Alexandre Đại Đế lúc còn làm hoàng đế đã xây dựng đế quốc Hy lạp hùng mạnh vào thế kỷ IV trước Công Nguyên. Một ngày kia thấy một người lính lỗi bổn phận bị điệu đến trước mặt. Hoàng đế hỏi:

– Ngươi tên gì?

– Thưa bệ hạ, thần tên là Alexandre.

– Như vậy là ngươi mang cùng một tên với ta!

Và Đại đế thịnh nộ nói lớn:

– Nhà ngươi hãy sống xứng đáng với tên của mình, nếu không thì hãy đổi tên đi!

Vâng hãy làm một cái gì đó cho xứng với hồng ân của Thiên Chúa. Tình thương của Chúa như giòng suối không bao giờ cạn. Cửa Trời chỉ rộng mở cho những ai vẫn luôn giữ được chiếc áo trắng tinh tuyền ngày họ được trở thành con Thiên Chúa. Amen.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý