Ba nữ tu và những đứa trẻ Châu Ro

4 giờ chiều, qua một ngày được ăn, ngủ nghỉ, vui chơi, những đứa trẻ múp míp lâu lâu lại nhìn chăm chăm vào cánh cổng mở sẵn. Đứa nào cũng chộn rộn, ngóng đợi. Không lâu sau, cha mẹ chúng tới, sau vài câu hỏi thăm đi kèm là một “điệp khúc” thân quen: “Cảm ơn các dì, sớm mai con lại mang bé qua. Mai chúng con lại lên nương dì ạ!”.

Ngày lại ngày, ngôi nhà cấp bốn chừng 50 mét vuông dưới chân núi Đức Linh là nơi các nữ tu thuộc Tu đoàn Thừa sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế giúp chăm giữ trẻ người Châu Ro để cha mẹ chúng yên tâm trên hành trình tìm miếng cơm manh áo.


ChauRo-1.jpg

Ngôi nhà nhỏ nhưng là vùng trời thơ mộng với những em bé Châu Ro

 

Cần lắm một vòng tay

Châu Ro (còn gọi là Chơ Ro, Đơ-Ro) là một tộc dân thiểu số với khoảng 26.000 người, cư trú tập trung ở tỉnh Đồng Nai, số ít ở Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước. Tại Bình Thuận, cộng đoàn Châu Ro mà chúng tôi ghé ngang qua nằm tại xã Trà Tân của huyện miền núi Đức Linh. Đó là một xã nghèo nằm bên bờ sông La Ngà, bên kia là rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên của tỉnh Đồng Nai. Từ quốc lộ 766, đoạn qua giáo xứ Chính Tâm có con đường đá nhỏ rẽ vào là nơi làng người Châu Ro cư ngụ, cùng làng với người Kinh đi kinh tế mới. Trong số vài trăm thì có chừng 60, 70 gia đình Châu Ro là Công giáo.

ChauRo-3.jpg

Đường làng vào dân tộc Châu Ro

Đức Linh là xứ nông nghiệp với đồng ruộng chạy dài cùng những vườn tiêu be bé. Riêng người Châu Ro thời gian chủ yếu ở trên nương rẫy làm công hay trồng lúa, trồng mì hoặc chăm vài con gà, con heo. Vào những tháng thu hoạch tiêu, cà phê…, họ lên tận Lâm Đồng để hái thuê. Bấp bênh khi làm hôm trước phải lo cho bữa sau nhưng nhà nào cũng đông con, ít thì ba bốn, nhiều có khi lên đến sáu bảy. Con cái nheo nhóc, đứa trước cách đứa sau chỉ hơn một năm khiến cuộc sống của họ vừa nghèo lại thêm khó. Nhiều trẻ mới lọt lòng đã phải theo cha mẹ chúng lên nương, đi rẫy, đôi khi cách xa nhiều cây số đường đất đỏ. Mùa nắng gập ghềnh bụi đất, mùa mưa trơn tuột sình lầy. Những đứa trẻ nhếch nhác, hiểm nguy rình rập giữa triền đồi bốn bề sông suối, khi bị kiến cắn, khi thì muỗi đâm, không ít đứa va phải tảng đá phủ rêu trơn tuột làm trật chân, gãy tay…

Khi vừa đặt chân về phục vụ giáo xứ Chính Tâm hôm trước, hôm sau ba nữ tu Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phạm Thị Xuân, Trần Thị Tuyết đã nghe người thỏ thẻ: “Dì ơi, giữ trẻ lại dùm tụi con nha dì!”. Rồi cách đó vài bữa, thêm nhiều người tới hỏi: “Dì nhận giữ trẻ chưa? Mai tụi con phải lên rẫy, thằng lớn thì đi làm công nhân nên không ai chăm em cả”… Cảm thương cho hoàn cảnh của người dân, họ quyết gầy lại ngôi nhà giữ trẻ để “ba mẹ chúng nó yên tâm đi làm”. Gọi là gầy dựng lại vì tại căn nhà cấp bốn trên mảnh đất rộng khoảng 200m2 này, vốn trước đây đã có một nữ tu già, người cùng cộng đoàn, mở ra để chăm trẻ Châu Ro nhưng sau khoảng 10 năm thì đành ngưng vì bà tuổi lớn, không còn đủ sức để ẵm bồng khi có đứa quấy khóc vì nhớ mẹ… Vậy là hằng ngày các dì đón chúng đến chơi, trần loang lổ được sơn sửa lại, sàn nhà thiếu bàn tay người vun đắp trở nên lởm chởm nay được san bằng. Tất cả tạo nên một không gian ấm cúng. Hiện các dì đang giữ 20 bé từ 2 đến 4 tuổi, cả Công giáo lẫn ngoại đạo.

ChauRo-2.jpg

Trong ánh mắt trẻ thơ sáng lên niềm hy vọng

Nơi đây gọi là nhà trẻ cũng không đúng, gọi là lớp học càng không thông, vì lũ trẻ gởi tới chính yếu để được trông coi và cho ăn uống. Chúng như đứa cháu về nhà ông bà khi cha mẹ vắng nhà. Các nữ tu thì vừa lo việc cộng đoàn, vừa giúp xứ, vừa dạy dỗ, vỗ về, làm bảo mẫu, cả chạy gạo nuôi học trò. Trên vùng đất cháy sạn vì nắng cát ở Bình Thuận, sự có mặt của ngôi nhà này trở thành niềm vui khôn tả của đồng bào Châu Ro, những người suốt ngày trên nương rẫy chăm củ sắn, củ mì, dạo gần đây thì đi làm công nhân. Như một chị khi tới đón con thổ lộ: “Nếu không có các dì, mấy tháng nay mẹ con phải ở nhà bồng bế nhau chứ đâu được đi làm công nhân kiếm vài triệu đồng mỗi tháng như giờ”.

Ngôi nhà của tình thương yêu

Hơn 5 giờ sáng, nhà đã mở cửa vì từ sáng sớm cha mẹ chúng đã lên nương, người làm công nhân cũng dậy để còn kịp theo xe đưa đón lên tới tận Trảng Bom, Đồng Nai, cách đó khoảng 50 cây số. Các dì cho các em ăn sáng, trưa và buổi xế. Những ngày cha mẹ chúng làm tăng ca thì lo luôn bữa tối, tới khi đứa trẻ cuối cùng được đón về cũng đã gần tới giờ kinh nguyện. Nhiều người sợ làm phiền nên buổi sáng gắng cho con ăn xong bữa, thành ra nhiều khi trễ buổi làm. Thấy vậy các dì lại nhỏ nhẹ bảo không cần, cứ mang tới chị em tự lo cho các em ăn, cô ăn gì trò ăn đó.

ChauRo-4.jpg

Yêu thương, chăm sóc, vỗ về các em

Trên lý thuyết thì cộng đoàn nhận mỗi bé 400.000 đồng/tháng để lo ăn cho chúng, nhưng vì hiểu hoàn cảnh của bà con nên ai có nhiêu thì đóng nấy, không có cũng chẳng sao! Thỉnh thoảng chở con tới nhiều phụ huynh lại gởi cho lại bó rau, bắp chuối sau vườn, con cá mới câu được hôm qua để các cô nấu cho các bé ăn chung gọi là quà của cha mẹ. Vào mùa “thị trường” thì lại mang đến thúng khoai mì, rổ bắp…, khi này cô trò lại để dành ăn từ từ. Nhiều người mới bán được tạ thóc, xuất chuồng con heo cũng dúi dắm vào tay các dì mấy đồng để đi chợ. “Biết nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng hết cỡ nhưng họ vẫn sẵn sàng cho đi, điều đó thật quý giá biết bao. Để thấy việc mình làm có ý nghĩa và được trân trọng, đó chính là niềm vui và là động lực để mấy chị em tiếp tục hành trình”, cả ba nữ tu cùng tỏ bày chung một suy nghĩ.

 

Trong ngôi nhà cấp bốn không có gì là đáng giá, vật dụng được sắm dần hay ân nhân nào đó hỗ trợ, đồ chơi chỉ là những thứ “đã qua sử dụng” xin được đâu đó mang về. Tuy nhiên, mọi thứ được bày biện gọn gàng, sạch sẽ, nền nhà xi măng thường xuyên được lau chùi, cửa thì thông thoáng để đón những làn gió trong lành ùa vào… Với những đứa trẻ Châu Ro, đó đã là một vùng trời thơ mộng, là một thế giới kỳ ảo so với trước đây chỉ biết cát bụi và nắng gió, vậy nên nhìn đứa nào đứa nấy cứ béo tròn, sạch sẽ, hồn nhiên. Có đứa đang cai sữa lâu lâu òa lên khóc nhưng chỉ sau vài tiếng dỗ dành, à ơi là lại lẳng lặng tiếp tục cuộc chơi. Nhiều đứa mới nhận vào chỉ biết bập bẹ bằng tiếng dân tộc mình, khóc nhiều hơn vì chưa hiểu tiếng, vậy là các dì lại lấy tình thương mà âu yếm, ôm ấp chúng vào lòng thủ thỉ, nhỏ nhẹ. Ngôi nhà cứ vậy, yên ả, nhẹ nhàng trôi ngày này qua tháng khác.

ChauRo-5.jpg

Một phòng khám nhỏ phục vụ cho những người hoàn cảnh khó khăn trong vùng

Ngoài việc chăm lũ trẻ, các dì còn tận dụng khoảng đất trống sau nhà đóng cọc, dựng lều chăm lũ gà, trồng thêm rau nhằm cải thiện bữa ăn hay bán kiếm tiền mua đồ chơi cho chúng. Mỗi ngày, khi có thời gian rảnh hoặc lúc các em đã về với ba mẹ, chị em lại ra tưới tắm để luống rau thêm xanh, cho lũ nhóc thêm chất.

Chia tay mấy dì sau buổi chiều muộn, lớp học cũng đã thưa dần, lớp trẻ còn lại dáo dác như chim vỡ tổ mỗi khi có khách lạ. Bất chợt cậu nhóc tên Huy nhớ mẹ òa lên khóc. Gác lại công việc dọn dẹp, sửa sang chuẩn bị cho ngày mai, họ người hát, người pha trò, lát sau cậu bé lại chìm vào giấc ngủ ấm áp.

 

(Đình Quý, WGP.Phan Thiết 22.12.2015)

Trong việc phục vụ, các nữ tu còn thường xuyên đi sâu vào làng người dân tộc để đồng hành và giúp đỡ họ khi cần, hay chỉ để chia lại chút quà, tấm chăn, chiếc áo len mà chị em mới xin được. Một dì vốn là thầy thuốc Đông y nên trong căn phòng rộng chưa đến chục mét vuông sau lưng nhà là một phòng châm cứu. Phòng khám đơn sơ chỉ với hai cái giường cùng vài ba ghế ngồi nhưng không khi nào vắng khách. Nhiều người sáng sớm lại chạy vội đến để dì giúp thư giãn, giảm cái đau rồi về lên rẫy. Người già đau lưng, đau vai khi rảnh rỗi lại tạt ngang qua để nhờ châm cứu, tích điện, bấm huyệt.