Anh em không bị bỏ rơi, Đức Hồng Y Dolan nói với các Ki-tô hữu ở Iraq và người Yazidis

Trong ngày thứ hai bận rộn ở Iraq, Đức Hồng Y Timothy Dolan đã đi 3 giờ đồng hồ để đến Dohuk, thành phố có đa số là những người lánh nạn từ Mosul, gồm cả những thành viên của cộng đồng thiểu số người Yazidi, trốn đến đây khi ISIS chiếm thành phố.

Caridnal_Dolan_CNA.jpg  

Sau một chuyến đi dài, Đức Hồng Y Dolan có chuyến thăm ngắn đến chẩn y viện do CNEWA thiết lập, tại đây ngài chào thăm các nhân viên và một số người tị nạn, đa số là người Mosul.

 

Sau đó ngài đến làng Inishke nằm trên vùng cao nguyên Dohuk, tại đây ngài dâng Thánh lễ theo nghi thức Chaldean cùng với sự tham dự của cộng đoàn Ki-tô hữu địa phương, một số đông người tị nạn, cũng như đại diện của các cộng đồng người Hồi giáo và Yazidi.

 

Chủ tế trong Thánh lễ là Đức Giám mục Shlemom Wardoni, ngài là một trong số 3 giám mục phó phục vụ dưới quyền của Đức Đại Thượng phụ Giáo hội Chaldean là Louis Raphael Sako. Các thành viên của những nghi lễ khác, như nghi lễ Công giáo Syria, cũng tham dự Thánh lễ, trong số đó có một số linh mục lánh nạn.

 

Mặc dù Hồng Y Dolan không phải là chủ tế trong Thánh lễ, nhưng ngài giảng trong lễ. Trong bài giảng ngài chuyển tải thông điệp chính khi ngài đến đây là để chia sẻ với mọi người: “Giáo Hội rất yêu thương anh em … Anh em không bị bỏ rơi.”

 

Sau đó ngài kết thúc 1 ngày làm việc bằng chuyến thăm khu trại lánh nạn Dawodiya gần Dohuk, nơi đây đang có khoảng 2200 người. Khoảng 60 đến 70 phần trăm cư dân ở đây là người Yazidi, và số còn lại đa phần là những Ki-tô hữu.

 

Trong trại cũng có một số người Hồi giáo, cũng như các cộng đồng thiểu số thuộc những tôn giáo khác.

 

Người Yazidi là một trong những cộng đồng tôn giáo thiểu số nhỏ nhất ở Iraq. Thuộc hậu duệ của người Kurd, tín ngưỡng của họ được xem là giáo phái tiền thân của Hồi giáo chia nhánh từ Công giáo, Do Thái giáo và Zoroastrianism.

 

Đa số cộng đồng thiểu số nhỏ bé này sinh sống ở tỉnh Nineveh thuộc Iraq trước khi bị Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng. Tôn giáo của họ là sự cộng hợp chung nhiều tôn giáo, và một số người Hồi giáo cho rằng người Yazidis là những người thờ quỷ.

 

Cách Erbil khoảng 125 dặm, Dohuk là nơi đa phần người Yazidi của Iraq đang sinh sống, cũng như hàng ngàn người khác bị bắt buộc phải rời bỏ nhà cửa ở Mosul và Sinjar khi ISIS mở cuộc tấn công chiếm đóng Đồng bằng Nineveh vào tháng 6 năm 2014.

 

Khi nhóm ISIS dội những làn mưa đạn vào Sinjar liền sau đó, rất nhiều người Yazidi tìm cách thoát khỏi những cuộc tấn công và trốn sang những vùng núi lân cận. Đối mặt với khả năng bị giết chết nếu quay xuống núi, họ bị mắc kẹt trên núi nhiều ngày không có thực phẩm và nước uống. Một số người, trong đó có trẻ em, chết vì mất nước do nhiệt độ cao ở vùng sa mạc.

 

Cuối cùng họ đã được giải thoát khỏi cơn ác mộng khi Tổng thống Mỹ Barack Obama dùng máy bay tiếp vận lương thực và nước uống cho họ trên núi, và ra lệnh không kích để họ có thể an toàn di tản sang những thành phố lân cận.

 

Chuyến đi của Đức Hồng Y Dolan đến thành phố rơi vào ngày thứ hai trong cuộc viếng thăm của ngài đến vùng Kurdistan của người Iraq. Ngài có chuyến kinh lý ở đây nhằm hỗ trợ và củng cố tình thân hữu giữa các gia đình, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các linh mục và các tín hữu đã phải di tản vì những cuộc tấn công của ISIS năm 2014.

 

Song song với vị trí là Tổng giám mục New York, Đức Hồng Y còn là chủ tịch của Catholic Near East Welfare Association (Hiệp hội trợ cấp Công Giáo vùng Cận Đông). Cùng đi với ngài có thành viên hội đồng quản trị CNEWA là Giám mục William Murphy thuộc Trung tâm Rockville Centre, Giám đốc CNEWA là Đức ông John Kozar, và giám đốc điều hành các Tổ chức Từ thiện Công giáo thuộc Tổng Giáo Phận New York, là Đức ông Kevin Sullivan. CNA cũng có thành viên tháp tùng phái đoàn.

 

Elise Harris
CNA/EWTN News
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/04/2016]