Từ ngày 11.05 đến ngày 16.05.2020 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

11.05.2020

THỨ HAI TUẦN 5 PHỤC SINH

Ga 14,21-26

 

Lời Chúa:

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,23).

Câu chuyện minh họa:

Thánh Phanxicô Assisie có lòng yêu mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm, Ngài gặp một người bạn, người này nói với thánh nhân rằng, ông ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa được.

Đang khi hai người đi đường thì gặp một hành khất vừa mù, vừa què. Thánh nhân hỏi người hành khất:

– Nếu tôi chữa cho anh để anh thấy và đi được thì anh có yêu mến tôi không?

Người hành khất trả lời:

– Thưa Ngài, không những tôi yêu mến Ngài mà xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ Ngài.

Nghe câu trả lời của người hành khất, thánh nhân quay sang người bạn đang đứng bên, Ngài nói:

– Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được, thế mà còn hứa với tôi như thế, huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn. Ngài lại còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh. Vậy mà anh lại không mến Ngài được sao?

Suy niệm:

Yêu Chúa không phải trên môi miệng nhưng là gồm tóm tất cả trong tình yêu. Yêu Chúa trong tâm tình của người con thảo là lắng nghe, và đem lời ấy ra thực hành chứ không phải yêu cách thụ động, nghĩa là thực hành Lời Chúa với sáng kiến.

Chúa Giêsu đã dùng tình yêu mà cảm hóa được rất nhiều người và họ đã thay đổi cách sống: Giakêu, Maria Madalena, Lêvi… Vì thế, chúng ta là những người theo Chúa cần phải sống theo gương Ngài, mà tiêu chuẩn để nhận ra môn đệ của Ngài là: anh em có lòng yêu thương nhau. Đó là tính chất đặc trưng của người môn đệ Chúa. Môn đệ Chúa đích thực không hẳn phải căn cứ vào việc được rửa tội, nhưng còn căn cứ vào tình yêu đối với đồng loại. Vì không thể nói yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương đồng loại được. Là Kitô hữu, chúng ta đã thực hiện giới luật yêu thương ấy thế nào?

Lạy Chúa, là môn đệ Chúa, con phải tuân giữ giới răn Chúa trong tinh thần và thể hiện ra bên ngoài bằng việc quan tâm giúp đỡ những người sống gần con, cũng như những người mà con gặp gỡ.

12.05.2020

THỨ BA TUẦN 5 PHỤC SINH

Ga 14,27-31a

 

Lời Chúa:

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy  ban cho anh em bình an của Thầy…” (Ga 14,27)

Câu chuyện minh họa:

Michael Jackson, một ca sĩ nhạc rock, anh đã đạt tới đỉnh cao danh vọng. Bây giờ ước mơ của anh là được sống tới 105 tuổi. Vì thế, anh chẳng ngại thuê trực thăng đem khí Oxi từ đỉnh núi cao, bơm đầy phòng kính nơi anh ở, để tránh mọi sự ô nhiễm.

Tôi tự hỏi: “Liệu anh có thật sự an toàn nơi phòng kín?”

Suy niệm:

Sự bình an mà thế gian tìm kiếm là sự an phận, trốn tránh, thỏa hiệp… Nó đem đến cho chúng ta sự bình an trong giây lát. Bình an của Chúa đòi hỏi phải chiến đấu, đối mặt và phải hy sinh nhiều, dám sống theo những đòi hỏi của Chúa, dám ra khỏi mình… Trong Chúa, chúng ta cảm thấy an bình vì đó là sự bình an thực sự, mặc dù chúng ta phải hy sinh hay mất mát nhiều.

Chúng ta đang tìm sự bình an ở đâu? Điều gì đã đem lại cho chúng ta sự bình an thực sự?

Lạy Chúa xin ban cho con sự bình an của Chúa, xin chạm vào trái tim con để con luôn ước muốn và làm những điều tốt đẹp mang lại bình an cho chính mình và những người khác nữa.

13.05.2020

THỨ TƯ TUẦN 5 PHỤC SINH

Ga 15,1-8

 

Lời Chúa:

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em…” (Ga 15,4)

Câu chuyện minh họa:

Một ngày kia, các tu sĩ hỏi thầy Sirovin:

– Làm sao mà thầy có thể bảo những người thợ kia làm việc chăm chỉ đến thế mà không cần trông chừng họ, trong khi mắt chúng con không rời họ mà họ vẫn đánh lừa chúng con?

Thầy Sirovin trả lời:

– Tôi cũng không rõ. Tôi chỉ biết rằng mỗi buổi sáng, trước khi tới xưởng tôi cầu nguyện cho họ. Tôi đến với họ bằng quả tim yêu thương. Khi tôi bước vào xưởng, tôi yêu thương họ với tình yêu dạt dào của lòng tôi. Tôi phân công cho họ rồi ra về với quyết định là sẽ cầu nguyện cho họ trong suốt thời gian họ làm việc. Trong phòng tôi, tôi đặt mình trước nhan Chúa và cầu nguyện cho từng người trong họ. Tôi sống như vậy đó, tôi cầu nguyện cho mỗi một người thợ, người này đến người khác. Cuối ngày tôi đến trao đổi với họ vài câu chuyện. Chúng tôi cầu nguyện chung với nhau và họ ra về nghỉ ngơi. Phần tôi, tôi trở lại tu viện với nhiệm vụ còn lại của một đan sĩ.

Suy niệm:

Trong cầu nguyện chúng ta sẽ được gặp gỡ Chúa và tha nhân. Nhờ cầu nguyện, đức tin của chúng ta trở nên sắc bén hơn. Và qua cầu nguyện, chúng ta sẽ gần gũi anh chị em chúng ta hơn nữa. Vị tu sĩ trên đây đã kết hiệp đời sống mình trong cầu nguyện và đã đem lại kết quả tốt đẹp.

Gốc nho duy nhất của người Kitô hữu là Chúa Giêsu. Nếu chúng ta biết kết hợp với Người, thì nơi chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái. Hoa trái của người môn đệ đó là tình yêu thương và bác ái. Chúng ta muốn sinh hoa trái, thì chúng ta cần ở lại với Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa, và  sẵn sàng để Chúa cắt tỉa chúng ta mặc dù việc cắt tỉa ấy gây nên đau đớn. Vì thế, chúng ta cần “ở lại” với Chúa nhiều hơn nữa để chúng ta bước đi với Chúa trên con đường hẹp và đau khổ. Và chính những đau khổ ấy sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc đời sau.

Lạy Chúa, xin cho con luôn kết hợp đời sống của con  với Chúa trong mọi giây phút, để con không còn lo lắng điều gì ngoài Chúa nữa, nhưng luôn chu toàn thánh ý Chúa mà thôi.

14.05.2020

THỨ NĂM TUẦN 5 PHỤC SINH

Thánh Matthia, tông đồ

Ga 15,9-17

Lời Chúa:

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” (Ga 15,9)

Câu chuyện minh họa:

Có một người đàn ông rất giầu có đã đến tuổi về hưu. Ông trao ban gia tài cho đứa con trai duy nhất, chỉ mong được sống an nhàn tuổi già bên con cháu cho đến hết cuộc đời. Thế nhưng, người con dâu lại không muốn bố chồng ở mãi trong nhà. Cô đã đề nghị chồng phải đưa bố đi ở nơi khác. Người con không muốn mất tình cảm với vợ, nên đã quyết định đưa cha vào viện dưỡng lão, nhưng lại là nơi rẻ tiền nhất theo lời căn dặn của vợ.

Một tuần sau đó, hai cha con đi bộ đến nơi mà người cha sẽ ở. Đi được một lúc bỗng nhiên người cha già bật khóc. Lương tâm người con không chịu nổi, anh nghẹn ngào nói lời xin lỗi cha. Sau một vài phút, người cha bị hắt hủi nghẹn ngào nói: “Con ơi! Cha không khóc vì con đưa cha vào đây. Cha khóc vì cách đây bốn mươi năm trước, cha cũng bước đi trên lối này với ông nội của con, và cũng đưa ông nội con vào viện dưỡng lão tồi tàn này. Cha chỉ “gieo gì gặt ấy thôi!”.

Suy niệm:

Cuộc đời chúng ta là một hành trình gieo gặt. Những lời nói, hành động chúng ta gieo hôm nay, mai này chúng ta sẽ gặt dù thời gian dài hay ngắn, hoặc có thể gặt ở đời sau nữa.

Hôm nay Chúa dạy chúng ta hãy gieo yêu thương, và Ngài mong chúng ta sinh hoa trái, vì Ngài đã gieo vào lòng mỗi người hạt giống của tình yêu thương. Ngài đã sống tình yêu thương ấy bằng cách nâng chúng ta lên hàng bạn hữu. Chúa đã không đòi chúng ta đền đáp tình thương ấy nhưng Ngài mong chúng ta đối xử với nhau bằng tình thương mến: “yêu như Thầy đã yêu”. Thế nhưng, trong cuộc sống lắm lúc cũng có những nhỏ nhen, ích kỷ, ganh tị len lõi, những nghĩa cử yêu thương dường như ít dần, con người ít tôn trọng nhau hơn… Vì thế, con người đang gặp phải những khó khăn, khổ đau vì tình thương con người gieo cho nhau quá ít.

Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng tâm hồn đón nhận anh chị em con bằng tình thương Chúa, để hạt giống Chúa gieo nơi con sinh hoa kết quả dồi dào, mang lại hạnh phúc cho bản thân và anh chị em con.

15.05.2020

THỨ SÁU TUẦN 5 PHỤC SINH

Ga 15,12-17

 

Lời Chúa:

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” (Ga 15,16)

Câu chuyện minh họa:

Ngày nọ con Mi-mi chạy chơi trong cánh đồng của chủ. Một con ngựa lên tiếng bảo nó:

– Này chú chó nhỏ, chú thấy không. Ông chủ quí tôi hơn những con vật ở đây chứ. Vì tôi giúp ông chủ chuyên chở mọi thứ cần thiết. Còn chú, tôi nghĩ chú chả giúp được gì cho ông.

Mi-mi gật đầu bỏ đi. Nó lại nghe tiếng bò cái:

– Này tôi chiếm địa vị đặc biệt ở đây vì nhờ sữa của tôi mà gia đình bà chủ mới có bơ và phô mát. Còn chú chắc chả cung cấp được gì cho chủ. 

Lúc đó con cừu ở gần đó lại nói:

– Bò cái ơi, chị không hơn tôi đâu vì tôi cung cấp len cho chủ dệt áo ấm mùa đông. Không có tôi thì chắc là cả nhà chết vì lạnh đấy. Nhưng có lẽ chị nói đúng. Chú chó con này không giúp được gì cho chủ cả.

Lần lượt các con vật đều khoe với Mi-mi về công nghiệp của chúng, từ con ngựa, con bò cho tới con mèo, con vịt, con gà.

Nghe những lời chê bai sự vô ích của mình, Mi-mi buồn quá, nó tìm một chỗ vắng vẻ để than khóc thân phận. Chợt một con chó già tiến lại và bảo nó:

– Này con, đừng than khóc về những điều mình không làm được. Đành rằng con quá nhỏ không thể kéo xe như ngựa, cũng không cung cấp được trứng, sữa, len… nhưng con hãy dùng tới khả năng mà thượng đế đã ban cho loài chó chúng ta, là mang đến cho con người nụ cười và lòng quý mến.

Chiều hôm ấy, khi chủ trở về nhà sau những giờ lao động mệt nhọc, Mi- mi vui vẻ chạy ra vẫy đuôi, liếm tay chủ và chạy thót vào lòng ông. Cả hai lăn tròn trên thảm cỏ xanh. Ông chủ ôm Mi-mi vào lòng và nói với nó:

– Về đến nhà ta mệt biết bao, nhưng bây giờ ta thấy đỡ mệt hẳn vì Mi-mi đã làm ta vui. Ta không thể sánh Mi-mi với bất cứ con vật nào trong nông trại này được. Vì điều quan trọng nhất là lòng quý mến, chỉ Mi-mi quý mến ta.

Suy niệm:

Trước mặt Chúa chúng ta không là gì và cũng không có công trạng gì hết. Chúng ta là những người được Thiên Chúa tuyển chọn bằng tình yêu và qua tình yêu, Ngài nâng chúng ta ngang hàng với Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Ngài đã dùng chính mạng sống mình mà cứu chúng ta khỏi chết muôn đời. Nhưng Ngài chỉ đòi hỏi chúng ta một việc là “anh em hãy yêu thương nhau”.

Lạy Chúa, xung quanh con có biết bao con người đang cần đến tình thương, xin cho con đừng khép lòng mình lại, như chính Chúa đã yêu thương con hết tình.

16.05.2020

THỨ BẢY TUẦN 5 PHỤC SINH

Ga 15,18-21

 

Lời Chúa:

“…vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15,19)

Câu chuyện minh họa:

Một gia đình lao động nọ, vì muốn có thêm thu nhập để tiêu xài trong gia đình, nên người cha đã lên kế hoạch nuôi gà chuồng.

Sau khi đã huấn luyện cho mấy đứa con cách chăm sóc bầy gà, vợ chồng bác phu xích lô kia đi làm. Công việc chăm sóc bầy gà được giao cho các con. Những em này đã thực hiện tốt công việc này được hơn nửa tháng rồi.

Hôm đó, lúc xuống chuồng cho gà ăn, thằng lớn con bác phu xích lô nói với em nó rằng:

– Mày vào chuồng gà bắt ra đây cho tao một con đi.

Được anh sai vào bắt gà, thằng em rất đắc ý. Nó mau mắn mở cửa chuồng gà, ép mình lẻn vô trong, rồi đóng cửa ngay lại. Hắn lùa bầy gà chạy tán loạn. Sau một hồi quần thảo, hắn bắt được một con đem ra cho thằng anh, lúc đó đang cầm một hộp sơn đỏ đứng chờ ở ngoài.

Thế rồi hai đứa đằng con gà ra, lấy sơn đỏ bôi phết sơn lên mình gà. Chỉ mấy phút sau, chú gà trắng vừa bắt từ chuồng ra đã trở thành một chú gà đỏ.

Thằng anh cầm chân con gà vừa được sơn đỏ, thả lại vào chuồng rồi đóng của chuồng lại, xong ra ngoài đứng ngó.

Con gà được sơn đỏ vừa được thả vào chuồng đã bị những con gà khác trong bầy xô đến mổ tới tấp, làm cho nó không còn biết chống đỡ lối nào nữa. Trận đòn “Hội đồng” chú gà bị sơn đỏ, đã làm cho hai thằng con bác phu xích lô thích thú. Chúng cười như nắc nẻ.

Khi đã chán trò chơi tinh nghịch đó rồi, chúng bỏ đi chỗ khác. Chiều đến khi bác phu xích lô đi làm về, xuống chuồng gà, bác thấy có một con gà sơn đỏ nằm chết ngay đơ…

Những con gà khác đã tấn công con gà bị sơn đỏ chỉ vì nó không giống những con khác.

Suy niệm:

Những người đi theo Chúa cũng bị ghét bỏ như thầy mình thôi, vì người ta đối xử với chủ ra sao thì đầy tớ cũng bị đối xử như vậy. Dấu sơn đỏ của con gà bị những con khác tấn công vì nó không giống những con khác. Nhưng máu Đức Kitô không nhuộm đỏ những người theo Ngài mà máu ấy có sức biến đổi cách sống và cuộc sống những người theo Chúa và tin Chúa. Bởi lẽ những người theo Chúa bị thế gian ghét bỏ vì cách sống tốt lành đã tố cáo những hành vi xấu xa của thế gian. Đó cũng là dấu chứng chúng ta thuộc về Chúa, vì chúng ta không yêu những gì thuộc về thế gian.

Xin cho con sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, để cuộc đời con luôn thuộc về Chúa, và trung thành theo Chúa.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho