Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức là một bằng chứng cho hàng thế kỷ sùng mộ do các thừa sai hải ngoại gầy dựng nên
Người sùng mộ bày tỏ lòng tôn kính tại thánh địa Đức Mẹ Maria ở Diang, tổng giáo phận Chittagong thuộc đông
nam Bangladesh hôm 9-2. Ảnh: Stephan Uttom/ucanews.com
Vào một buổi sáng lạnh lẽo trong tháng 2, Sonia Jengcham đến một vùng đồi núi ở Chittagong, thành phố biển ở miền nam Bangladesh, để tạ ơn Đức Mẹ đã ban đặc ân cho mình cách đây 15 năm.
Sonia, người Công giáo Garo 34 tuổi, mẹ của 3 người con, cùng 3.000 người sùng mộ tham gia cầu nguyện và dự Thánh lễ từ ngày 8-9/2 trong chuyến hành hương hàng năm tại thánh địa Đức Mẹ ở quận Diang, một trong các khu định cư lâu đời nhất của người Công giáo ở Bangladesh.
Khách hành hương cho rằng họ được phép lạ là nhờ thánh địa dành kính Đức Mẹ Lộ Đức, do thầy Flabian Laplante thuộc dòng Thánh Giá Canada thành lập.
“Cách đây 15 năm chồng tôi bị vu khống ăn cắp tiền của chủ nhà. Tôi cầu nguyện cùng Đức Mẹ và hứa sẽ dâng cúng manot (lễ vật tạ ơn vì đạt được ước nguyện) nếu chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề này”, chị kể với ucanews.com.
“Trong vòng 2 ngày, chủ nhà đã lấy lại được số tiền bị mất. Kể từ đó chúng tôi đến đây tạ ơn Đức Mẹ, và còn cầu nguyện cho gia đình”, Sonia, công nhân nhà máy dệt ở quận Netrokona, miền đông bắc, di cư đến Chittagong năm 2004, cho biết thêm.
Uzzal Rozario, người Công giáo Bengali 32 tuổi đi làm tư nhân ở thủ đô Dhaka, lần đầu tiên viếng thăm Diang cùng với một số bạn bè.
Uzzal cho biết anh phấn khích khi thực hiện được ước mơ đi viếng thánh địa được anh ấp ủ lâu nay.
“Tôi đã thinh lặng cầu nguyện ở đây, tham gia thắp nến rước kiệu lần hạt Mân Côi và tham dự Thánh lễ. Tôi hứa sẽ dâng manot và tìm thấy sự an ủi qua sự hiện diện của Đức Mẹ”, Uzzal chia sẻ với ucanews.com.
Anh nói thánh địa cần được quảng bá nhiều hơn và giới chức sắc nên có “các kế hoạch sáng tạo” để có thêm nhiều người trẻ như anh có thể đến đây tìm thấy sự bình an và nhận phép lành.
Trong bài giảng lễ, Đức tổng Giám mục Moses M. Costa của Chittagong nhắc nhớ hàng ngàn người sùng mộ rằng thánh địa và nhà thờ ở Diang là di sản của các thừa sai và Kitô hữu thời sơ khai đã đổ máu cho đức tin cách đây gần 5 thế kỷ.
“Chúng ta tạ ơn Chúa đã sai các thừa sai đem đức tin đến cho chúng ta. Chúng ta cũng tán dương di sản đức tin mà các thừa sai và Kitô hữu thời sơ khai đã gìn giữ trong cảnh bách hại và tử đạo”, Đức cha Costa phát biểu.
Để tôn vinh công lao hy sinh của các thừa sai và Kitô hữu thời sơ khai, ở Diang sẽ tổ chức lễ kỷ niệm vào tháng 11.
Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo, sẽ tham dự lễ kỷ niệm này, theo đức cha.
Các vị tử đạo và thừa sai
Bên kia vùng Diang là nhà thờ Công giáo Miriam, ban đầu do hai tu sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha – cha Melchior De Fonseca và cha Andre Boves, hai ngài đến đây năm 1599, xây dựng.
Các ngài theo bước chân của cha Francesco Fernandez thuộc dòng Tên, thừa sai đầu tiên ở Đông Bengal (nay là Bangladesh) đến Chittagong năm 1598.
Các thừa sai đi theo các thương gia Kitô hữu Bồ Đào Nha đến cảng Chittagong lần đầu năm 1517.
Một số người định cư ở Chittagong và Diang năm 1518, tạo thành khu định cư Kitô giáo đầu tiên trong vùng này, vốn thuộc Ấn Độ trước đây.
Hai linh mục Bồ Đào Nha thuộc dòng Đa Minh cũng đến Diang năm 1599 và thành lập một tu viện. Tuy nhiên các ngài đã phải rời khỏi nơi đây và chẳng bao lâu sau được các linh mục Bồ Đào Nha thuộc dòng Augustinô thay thế.
Các cha dòng Augustinô được cho là dẫn đầu chiến dịch cải đạo hàng loạt và đã rửa tội cho 28.497 người từ năm 1622-1635.
Giáo hội mới gặp phải áp lực lớn về chính trị và xã hội giữa lúc xảy ra cuộc tranh giành giữa đế quốc Mughal và vương quốc Arakan, nay thuộc bang miền bắc Rakhine của Myanmar.
Năm 1600, quân đội Arakan xâm chiếm và cướp bóc vùng Chittagong và Diang để trả thù việc hải quân Bồ Đào Nha ủng hộ hoàng đế Mughal.
Một số người cho rằng sự thù địch trong một thời gian dài giữa người Bồ Đào Nha và người Arakan là do giành quyền kiểm soát đảo Sandwip thuộc Vịnh Bengal.
Năm 1602, quân đội Arakan tiến hành cuộc tấn công thứ 2 và đốt phá toàn bộ ngôi nhà thờ Diang và các vùng lân cận.
Binh lính bắt giam cha Fernandez vì giúp đỡ các gia đình người Bồ Đào Nha. Bọn họ đánh đập và làm mù mắt vị linh mục. Ngài qua đời trong nhà giam này 14-11 năm đó và trở thành vị tử đạo tiên khởi của Bengal.
Quân đội còn bắt giam và tra tấn cha Boves.
Cuộc xâm lược đẫm máu nhất của người Arakan diễn ra năm 1607. Binh lính tàn sát 600 Kitô hữu gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em, và thiêu xác họ trên khu đất xây thánh địa và nhà thờ hiện nay.
Năm 1625, binh lính Arakan chặt đầu 14 Kitô hữu Bồ Đào Nha ở Chittagong vì từ chối bỏ đạo.
Tại Diang, con cháu của các Kitô hữu Bồ Đào Nha đầu tiên đó tự hào tiếp tục di sản của các vị thừa sai và tử đạo.
Richard de Roza, 62 tuổi, được xem là người Công giáo đứng đầu một trong 14 gia đình thuộc 2 gia tộc của những người Bồ Đào Nha định cư đầu tiên đó trong quận này.
“Tổ tiên chúng tôi là những người buôn bán gia vị. Họ đi lại giữa Chittagong và các vùng khác, bắt đầu năm 1517. Họ không trở về Bồ Đào Nha vì họ rất thích nơi này, hay có thể quá khó để trở về”, de Roza kể với ucanews.com.
Sau cuộc xâm lược của người Arakan, Kitô giáo ở Diang rơi vào tình trạng xuống dốc.
“Kitô hữu bắt đầu từ từ biến mất nhưng một số gia đình vẫn giữ đức tin. Không có nhà thờ vì thế tổ tiên chúng tôi đi thuyền mất 3 tiếng đồng hồ để đến nhà thờ gần nhất ở Patherghata (thuộc Chittagong)”, de Roza, bố của 3 người con, cho biết thêm.
Hiện nay nhà thờ ở Diang có 800 người Công giáo thuộc 150 gia đình.
Ngoài các thừa sai thời sơ khai đó, thánh địa và nhà thờ này còn biểu thị di sản của một thừa sai vĩ đại nữa.
Thầy Flavian: bạn của ngư dân thật sự
Thầy Flavian Laplante thuộc dòng Thánh Giá Canada đến Đông Bengal năm 1932.
Ngài hiến mình làm việc cho sứ vụ giáo dục và cung cấp các dịch vụ xã hội trong vùng Diang trong suốt thập niên 1940.
Tuy nhiên, vị thừa sai đau buồn trước cảnh ngộ của người nghèo, đặc biệt là các ngư dân Ấn giáo.
Ngài thành lập trại mồ côi, trung tâm y tế, một số trường học, trung tâm hỗ trợ đánh bắt cá và trung tâm may mặc để giúp cải thiện đời sống của người dân.
Lối sống giản dị của ngài và tình yêu thương ngài dành cho người dân địa phương chẳng bao lâu đã làm cho ngài được mọi người yêu mến, dẫn đến nhiều người Ấn giáo cải đạo theo Kitô giáo.
Năm 1946, thầy Flavian xây một hang đá Đức Mẹ và một tu viện ở Diang.
Người dân kéo đến cả 2 nơi này để cầu nguyện cùng ngài.
Ba thập niên sau, Đức cha Joachim Rozario của Chittagong chính thức tuyên bố hang đá này là thánh địa.
Thầy Flavian qua đời năm 1981 và được mai táng gần nhà thờ Miriam ở Diang.
Đức cha Patrick D’Rozario của Chittagong lúc đó mở cửa lại ngôi nhà thờ Diang mới xây và nâng lên thành giáo xứ năm 2009. Sau đó ngài được phong hồng y.
Cũng trong năm đó, vị giám chức tuyên bố thầy Flavian là “Tôi Tớ Chúa”, bước đầu tiên hướng đến tôn phong thánh sau này.
(UCAN 14.03.2018)